5 đổi mới gây tranh cãi của Bộ GD&ĐT
Thí điểm bỏ biên chế giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, liên tục đổi mới thi THPT quốc gia là những vấn đề nhận được nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.
Những năm qua, cụm từ “đổi mới giáo dục” trở nên quen thuộc với học sinh, giáo viên, người dân. Bên cạnh những kỳ vọng, những lần đổi mới thường đi kèm nhiều tranh luận, lo âu.
1. Bỏ biên chế và nỗi lo thấu tâm can
Ngày 16/5, thông tin Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định, sẽ thí điểm bỏ biên chế trong ngành giáo dục được xã hội quan tâm.
Theo đó, Bộ GD&ĐT sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà theo chế độ hợp đồng có vào – ra, có chế độ đãi ngộ lớn. Lĩnh vực đào tạo sẽ theo hướng thị trường lao động, tăng cường chất lượng.
Mặc dù chưa đi vào triển khai, thông tin Bộ trưởng GD&ĐT đưa ra được giáo viên trên cả nước tiếp nhận với tâm lý lo lắng. Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An, đó là sự xáo trộn tận tâm can.
Thầy Hiếu nói: “Giáo viên vốn đã ‘trăm dâu đổ đầu tằm’, thử hỏi với đồng lương của họ hiện nay làm sao đủ để tạo ra những sự chuyển dịch như vậy?”.
GS Phạm Minh Hạc cho rằng bỏ biên chế trong giáo dục là nguy hại và vô bổ.
Nhiều ý kiến khẳng định nếu bỏ biên chế, giáo viên vùng cao, hải đảo, thầy cô sẽ không còn tâm huyết để “gieo chữ”.
Hình ảnh cô giáo Vân Phạm (Mù Cang Chải, Yên Bái) ngã trên con đường đến trường gian nan khiến nhiều người xúc động trên mạng xã hội. Khi được hỏi về biên chế, cô Vân nghẹn ngào: “Nhà nước đang có nhiều chế độ thu hút mà vẫn chưa nhiều giáo viên giỏi đến với vùng cao. Vậy, giáo dục vùng cao sẽ đi về đâu nếu bỏ biên chế?”.
GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT, cho rằng bỏ biên chế là đề xuất nguy hại, không làm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục. Nghề giáo có đặc thù riêng “trồng người”. Vì vậy, không thể để tư tưởng thương mại hóa lọt vào hệ thống trường học.
Chiều 6/6, tại cuộc họp về công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT sẽ đề xuất thí điểm chuyển giáo viên viên chức sang hợp đồng lao động với một số trường đại học và trung học phổ thông đủ điều kiện.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT chưa xem xét thí điểm đối với giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và những nơi chưa đảm bảo các điều kiện, nhất là các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa, biên giới.
Như vậy, 20 ngày sau phát ngôn, Bộ trưởng GD&ĐT giải thích chi tiết về kế hoạch xây dựng đề án đề xuất thí điểm bỏ biên chế. Dù vậy, nhiều giáo viên cho rằng giải thích này không làm họ nhẹ lòng hay an tâm hơn.
2. Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chỉnh sửa
Chiều 12/4, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Với chi phí 77 triệu USD, chương trình mới được xây dựng với các môn học như: Thế giới công nghệ, Cuộc sống quanh ta, Giáo dục kinh tế và pháp luật… Học sinh phải học môn bắt buộc, môn học tự chọn, môn bắt buộc có phân hóa, môn tự chọn bắt buộc…
Nhiều giáo viên, chuyên gia không đồng tình với chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Theo thầy Đào Tuấn Đạt, Hiệu trưởng trường THPT Anhxtanh, Hà Nội, về bản chất, chương trình không thay đổi, không giảm tải. Số tiết học của chương trình cũ và mới đều khoảng 30 tiết một tuần. Học sinh lớp 11, 12 bị bắt buộc học tới 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Quốc phòng và 4 môn tự chọn nữa là 8 môn.
Thầy Đạt nêu câu hỏi: “Số môn nhiều, học sinh lấy đâu sức lực và thời gian cho các môn định hướng nghề nghiệp?”.
TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội, cũng đưa ra bảng so sánh thời lượng số tiết học ở tiểu học của trẻ em 3 nước Việt Nam, Phần Lan và Nhật Bản để thấy rõ sự nặng nề của chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Bảng so sánh thời lượng số tiết học ở tiểu học của trẻ em 3 nước Việt Nam, Phần Lan và Nhật Bản. Số liệu do TS Vũ Thu Hương tổng hợp.
Video đang HOT
TS Hương nêu vấn đề với thời lượng nhiều như vậy, liệu rằng trẻ có bị quá tải, đặc biệt khi tâm lý sính thành tích của phụ huynh vẫn còn rất nặng nề và tình trạng dạy thêm, học thêm, học nâng cao vẫn phổ biến khắp cả nước.
Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể giáo điều và phi thực tế vì người lớn nhồi sọ học sinh
Hiệu trưởng trường Anhxtanh, Hà Nội – Đào Tuấn Đạt
Ngoài ra, thầy cô, chuyên gia giáo dục băn khoăn về tiêu chí đánh giá năng lực, phẩm chất của học sinh còn chung chung, chưa hợp lý… Đặc biệt, việc triển khai chương trình vào năm 2018 khiến dư luận lo lắng đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất chưa kịp đổi mới.
Thay vì kết thúc vào ngày 29/4, thời gian góp ý dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được kéo dài đến hết 20/5.
Đến ngày này, ban soạn thảo cho biết chương trình giáo dục phổ thông tổng thể sẽ chỉnh tên môn học, hoạt động giáo dục và cách phân loại tường minh, mạch lạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Số lượng môn, số tiết từng môn học cũng sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm tải.
Ngày 31/5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thông tin có thể lùi một năm so với dự kiến để có thêm nhiều thời gian thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
3. Thay đổi liên tục kỳ thi THPT quốc gia
Bắt đầu từ năm 2015, kỳ thi THPT quốc gia được triển khai trên cả nước. Thay vì kỳ thi tốt nghiệp và đại học, học sinh chỉ có một kỳ thi duy nhất với 2 mục đích, vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh đại học.
Theo quy chế, thí sinh được quyền nộp – rút hồ sơ trong đợt xét tuyển. Mặc dù bộ trưởng khi đó là ông Phạm Vũ Luận đã ra công điện yêu cầu các sở, trường huy động nhân lực phục vụ tốt cho việc nộp, rút hồ sơ của thí sinh, ngày cuối cùng vẫn xảy ra “vỡ trận”.
Thí sinh, phụ huynh rối loạn vì không hình dung được số hồ sơ thật và ảo, đâu là điểm trúng tuyển tạm thời thật, đâu là điểm ảo.
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng việc xét tuyển năm 2015 đã thất bại hoàn toàn.
Chiều 21/8/2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận “xin nhận trách nhiệm” khi đợt xét tuyển nguyện vọng đã lộ rõ những bất cập.
PGS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm về thay đổi thi cử.
Từ năm 2016, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới trong khâu xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trực tuyến và không được thay đổi nguyện vọng.
Sự đổi mới này giúp xét tuyển không “vỡ trận” nhưng còn nhiều băn khoăn về tỷ lệ thí sinh ảo dẫn đến việc một số trường đưa ra điểm chuẩn cao quá nên chỉ tuyển được 40% đến 80%. Từ đó, nhiều thí sinh điểm cao “trượt đại học oan”.
2017 là năm kỳ thi THPT quốc gia có nhiều sự thay đổi nhất từ trước đến nay. Quy chế thi được công bố đầu năm học với hàng loạt điểm mới như: Thi trắc nghiệm Toán, bổ sung Giáo dục công dân vào môn thi, có tổ hợp môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội…
Phương án thi, môn thi, hình thức thi, thời gian thi đều thay đổi. Một loạt điều mới mẻ khiến nhiều học sinh, giáo viên có phần lúng túng, không biết dạy và học như thế nào khi năm học mới đã bắt đầu.
PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT – nêu quan điểm: Trước khi đưa ra quyết định, Bộ GD&ĐT nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia giáo dục, sau đó chính thức công bố một lần.
Những ý kiến đưa ra phải được bàn bạc kỹ lưỡng sao cho xã hội đồng tình. Nếu có ý kiến phản biện, các chuyên gia giáo dục sẽ có nhiệm vụ giải thích cho dư luận hiểu.
Nếu Bộ GD&ĐT đưa ra nhiều quyết định gây phản ứng của dư luận sẽ tạo thành tiền lệ “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.
4. Mô hình trường học mới VNEN, nhiều địa phương từ chối
Trường học mới (gọi tắt VNEN) là mô hình nhà trường hướng tới việc đáp ứng yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học. Các em được học theo tốc độ phù hợp trình độ nhận thức của cá nhân, phát huy tinh thần dân chủ, ý thức tập thể, học tập theo nhóm (thông qua hội đồng tự quản).
Dự án bắt đầu thực hiện chính thức năm học 2012-2013, đối tượng hưởng thụ gồm 1.447 trường tiểu học khắp 63 tỉnh, thành. Đến năm học 2015-2016, thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng.
PGS Văn Như Cương nói về mô hình trường học mới.
Sau 5 năm triển khai, VNEN đã kết thúc hoạt động sử dụng vốn viện trợ vào tháng 5/2016 với kết quả giải ngân hơn 84 triệu USD, đạt 99,63%. Nhưng dự án này nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Thậm chí, nhiều địa phương tuyên bố dừng triển khai đại trà.
Bộ GD&ĐT thừa nhận lộ trình, các bước triển khai mô hình chưa phù hợp, cán bộ quản lý và giáo viên chưa được chuẩn bị chu đáo, một bộ phận ngại đổi mới hoặc áp dụng mô hình một cách máy móc.
Việc triển khai nóng vội, áp dụng ngay cả ở những trường còn khó khăn về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, lớp học đông… dẫn đến việc tổ chức hoạt động giáo dục chưa đạt được hiệu quả mong muốn, gây ra những băn khoăn trong dư luận.
5. Đề án 2020 đào tạo tiếng Anh ‘chết’
Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020″ được đầu tư kinh phí 9,4 tỷ đã không đạt kết quả như mong muốn.
Đề án được phê duyệt từ năm 2008, triển khai từ năm 2011 với nhiều mục tiêu: Từ năm 2020-2021, 100% học sinh lớp 3, 70% học sinh lớp 6, 60% học sinh lớp 10 học chương trình mới (10 năm). Năm 2025 phổ cập tiếng Anh.
Sau 8 năm thực hiện, kết quả đề án đạt được là: 1,6 triệu học sinh lớp 3, 4, 5 học tiếng Anh 4 tiết/tuần (đạt 20%). 80% học sinh học hai tiết/tuần. Giáo viên thiếu trầm trọng, 33% giáo viên cấp THCS, 26% giáo viên cấp THPT đạt chuẩn.
Đặc biệt, chất lượng học ngoại ngữ khiến nhiều người bất ngờ. Theo thống kê, cả nước có hơn 70% thí sinh thi THPT quốc gia có điểm Tiếng Anh dưới trung bình (năm 2015) và con số này là 90% trong năm 2016.
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 đặt ra mục tiêu thí điểm tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật như ngoại ngữ thứ nhất. Nhiều người đánh giá mục tiêu này làm khó, tăng áp lực lên học sinh.
GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng khó khăn nhất không phải học tiếng gì mà “lấy đâu ra thầy cô đủ chuẩn để dạy ngoại ngữ”.
Ông Nguyễn Tuấn Hải – nhà sáng lập Eton Grammar School – nhận định phổ điểm ngoại ngữ trong kỳ thi THPT quốc gia 2015 cho thấy sự thất bại toàn diện của chương trình đào tạo tiếng Anh bậc phổ thông những năm qua.
Ông Nguyễn Tuấn Hải – nhà sáng lập Eton Grammar School – nhận định, Đề án ngoại ngữ quốc gia vẫn chỉ tập trung đào tạo tiếng Anh “chết”: Không có kỹ năng thực hành, chỉ thi viết về từ vựng, ngữ pháp và đọc hiểu; những thứ đơn thuần là giải bài tập.
Ngày 16/11/2016, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định đến năm 2020, Đề án ngoại ngữ 9.400 tỷ đồng không đạt mục tiêu. Tư lệnh ngành giáo dục nhận trách nhiệm về vấn đề này, đồng thời thừa nhận các đề án cần được xây dựng thiết thực, khả thi.
Theo Zing
'Ép' bơi là môn học bắt buộc: Bộ GD&ĐT nói gì?
Ông Ngũ Duy Anh cho rằng sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, Bộ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa môn bơi là nội dung tự chọn.
Theo số liệu của WHO 2016, mỗi năm Việt Nam có hơn 11.000 trẻ tử vong do đuối nước, xếp vị trí thứ 2 trên thế giới. Đây là điều đáng báo động khi năm 2017, liên tiếp những vụ việc trẻ tử vong do đuối nước xảy đến trên khắp cả nước, vậy nên con số thương vong trên có thể sẽ nâng lên rất nhiều lần.
Vụ trưởng Giáo dục thể chất Ngũ Duy Anh (Bộ GD&ĐT) đã có cuộc trao đổi về việc có nên đưa môn bơi là môn học chính thức trong học đường.
- Để giảm thiểu tình trạng đuối nước, theo ông, việc đưa môn bơi vào các trường học là cần thiết?
- Việc đưa môn bơi vào nhà trường là rất cần thiết. Học sinh học bơi, các em được giáo dục kỹ năng bơi, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, các kỹ năng phòng, tránh, kỹ năng cứu đuối giúp các em tự tin, chủ động trong việc phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với bản thân.
TS Ngũ Duy Anh nói về việc đưa bơi lội vào nhà trường.
Ngoài ra, bơi lội còn là môn thể thao rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là lứa tuổi học sinh khi tham gia luyện tập bơi lội thường xuyên các em sẽ phát triển hài hòa cả về thể chất và tinh thần.
Bơi lội đã được đưa vào là môn học tự chọn trong chương trình giáo dục thể chất phổ thông, có thể thấy được định hướng của Ngành trong việc đưa bơi vào dạy trong nhà trường từ rất sớm.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chưa đạt được hiệu quả như mong muốn vì điều kiện cơ sở vật chất tổ chức dạy môn học này thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, không những chỉ ở các trường vùng khó khăn như: nông thôn, vùng sâu, vùng cao, biên giới, hải đảo... mà ngay cả tại các trường của các tình, thành thuận lợi cũng gặp khó do thiếu quỹ đất để xây dựng, lắp đặt bể bơi.
Hiện tại, Bộ tiếp tục tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến khích các sở giáo dục, các nhà trường tích cực chủ động đưa bơi vào dạy trong trường học bằng hình thức phù hợp với địa phương: đề xuất kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước hoặc tạo cơ chế, kêu gọi xã hội hóa các nguồn lực xã hội cùng tham gia; có thể tổ chức dạy bơi trong giờ học thể dục chính khóa hoặc tổ chức dạy ngoại khóa tùy theo điều kiện cụ thể của từng trường, từng vùng, miền khác nhau để áp dụng môn học này.
- Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn này có được đưa vào chương trình học chính không, thưa ông?
- Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, môn học giáo dục thể chất đang được đề xuất dự kiến thời lượng 70 tiết/kỳ học 35 tuần (trung bình 2 tiết/tuần) cho cả 3 cấp học: tiểu học, THCS, THPT và đang tiếp tục xin ý kiến rộng rãi để hoàn thiện chương trình tổng thể cho giáo dục phổ thông.
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới chính thức ban hành, Bộ sẽ tính toán, cân nhắc việc đưa môn bơi là một nội dung tự chọn vào trong chương trình giáo dục thể chất cho phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, hài hòa, cân đối, thuận lợi để từng địa phương, nhà trường chủ động thực hiện, tránh hình thức, không có hiệu quả...
- Nhiều ý kiến cho rằng không nên đưa môn này vào môn chính thức mà chỉ dạy ngoại khóa? Ý kiến của ông như thế nào?
- Có thể hiện nay, do phần nhiều nhà trường chưa đảm bảo được cơ sở vật chất tổ chức dạy môn bơi nên có ý kiến cho rằng không nên đưa môn này vào môn học chính thức mà chỉ dạy ngoại khóa nhằm thuận lợi cho việc huy động sự tham gia từ các nguồn lực trong xã hội.
Việc tổ chức dạy ngoại khóa cũng có nhiều mặt tích cực. Nhà trường chủ động trong việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong xã hội, sự vào cuộc tích cực của cha mẹ học sinh sẽ là điều kiện tốt cho học sinh học bơi và biết bơi.
Tuy nhiên, nếu có điều kiện về cơ sở vật chất, đủ đội ngũ giáo viên thì việc tổ chức dạy chính khóa sẽ rất hiệu quả.
Bộ GD&ĐT rất kỳ vọng trong thời gian tới, qua các văn bản chỉ đạo từ Chính phủ, của Bộ GD&ĐT, UBND các tỉnh/thành phố quan tâm, dành nguồn ngân sách nhà nước, của địa phương hoặc tạo cơ chế thu hút đầu tư, xã hội hóa trang bị bể bơi trong các trường/cụm trường để dần từng bước đảm bảo cơ sở vật chất và tiến tới đưa bơi là môn học chính thức, bắt buộc trong các nhà trường.
Khi đó việc phổ cập bơi sẽ thực hiện hiệu quả, giải quyết tốt công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước đối với học sinh nói riêng và cộng đồng nói chung.
Còn hiện tại, cơ sở vật chất phần lớn ở các cơ sở giáo dục chưa đáp ứng được việc tổ chức dạy bơi, mà "ép" đưa bơi vào là môn học bắt buộc đối với các nhà trường, như vậy vô tình sẽ tạo áp lực, buộc các trường phải thực hiện trong điều kiện không thể sẽ dẫn đến hiện tượng làm theo hình thức đối phó, không có hiệu quả....
- Vậy khi đưa môn bơi vào dạy trong nhà trường, liệu cơ sở vật chất hiện đã đáp ứng được chương trình học môn này không, thưa ông?
- Các địa phương, nhà trường hiện còn gặp không ít khó khăn như kinh phí cũng như cơ sở vật chất.
Tuy nhiên, được sự quan tâm tích cực của các cấp, ngành địa phương, cũng như của xã hội nên thời gian qua nhiều tỉnh thành, trường học cả nước đã đã được chính quyền địa phương đầu tư kinh phí, thu hút nguồn lực từ các tổ chức kinh tế xã hội để đầu tư hệ thống bể bơi trong các nhà trường và đang hoạt động tương đối hiệu quả trong việc dạy bơi cho học sinh, điển hình là các tỉnh thành.
TP.HCM là thành phố đi đầu trong công tác dạy bơi và thực hiện mô hình xã hội hóa sớm nhất. Thành phố có nhiều trường học được trang bị bể bơi, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh được thực hiện rất đa dạng, dạy tại trường, liên kết tổ chức cho học sinh học ở các trung tâm, hoặc phối hợp với cha mẹ học sinh tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh....
Hà Nội, nhiều trường tiểu học một số quận/huyện (Thanh Xuân, Hà Đông, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Trì... và một số trường khác trên địa bàn thành phố) cũng được trang bị bể bơi.
Đà Nẵng, ngoài 12 bể bơi do Dự án Bơi an toàn do Tổ chức Liên minh vì sự an toàn trẻ em để lại từ năm 2013. Hiện tại, TP Đà Nẵng có khoảng 60 trường học được trang bị bể bơi.
Hải Dương hiện tại có 38 bể bơi được đầu tư trong trường học và tổ chức dạy bơi có hiệu quả cho học sinh tiểu học và THCS.
Thị xã Đông Triều và một số huyện/thành phố của tỉnh Quảng Ninh đã trang bị được 21 bể bơi trong các trường tiểu học và THCS trên địa bàn. Việc tổ chức quản lý và sử dụng hiện tại rất hiệu quả.
Theo Đỗ Hợp / Tiền phong
Ông Trần Đăng Tuấn: Không nên bỏ biên chế với giáo viên vùng cao Giáo viên khi lên vùng rừng núi, phần quan trọng là để được vào biên chế. Nhưng sau những khó cực ban đầu, họ dần gắn bó, yêu thương. Ông Trần Đăng Tuấn, người nhiều năm gắn bó với công tác thiện nguyện ở vùng cao, góp ý về đề xuất bỏ biên chế giáo viên của Bộ Giáo dục và Đào tạo....