42/43 học sinh giỏi: Đã đến lúc phụ huynh phải biết sợ… thành tích!
Thành tích của các con cuối mỗi năm học là niềm vui, sự tự hào của các bậc phụ huynh. Nhưng, nếu thành tích ấy là thành tích ảo, thì nó xứng đáng là… nỗi lo sợ của cả nhân loại.
Mùa bế giảng, mùa của rất nhiều cung bậc cảm xúc.
Trên mạng xã hội, các phụ huynh tự hào chụp ảnh giấy khen, bằng khen để khoe thành tích của con sau một năm học tập đầy nỗ lực. Niềm vui ấy còn được nhân rộng tới khắp các hang cùng ngõ hẻm, qua nhiều câu chuyện “khoe con, khoe cháu” một cách đầy thỏa mãn của những người làm cha làm mẹ, của ông bà, cô bác nội ngoại…
Ấy vậy mà, hòa trong niềm vui ấy là nỗi buồn, niềm trăn trở của một vị phụ huynh đến từ Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Tôi mới đi họp phụ huynh cuối năm cho cháu trai lớp 6. Sĩ số lớp 43, thì 42 bạn đạt loại giỏi, duy nhất một em khá. Không biết nhà trường cho học và thi kiểu gì mà toàn nhân tài”.
Các vị phụ huynh khác cũng buồn. Nỗi buồn của họ cũng đa dạng lắm. Nhưng chủ yếu, họ buồn vì con đi học được có 9 điểm, buồn vì con thi học sinh giỏi không có giải. Và đặc biệt, buồn vì cuối năm, con không được giấy khen, không được học sinh giỏi hay học sinh xuất sắc của lớp. Tuyệt nhiên, chưa từng thấy vị nào buồn vì con/cháu lọt vào top học sinh giỏi của lớp như người đàn ông đến từ Vũng Tàu.
Tôi nhớ, ngày xưa, hiếm lắm một lớp mới có đôi ba học sinh giỏi. Thế nhưng kể từ ngày giáo dục đổi mới, “dè dặt” trong đánh giá học sinh vì sợ các em bị tổn thương, thành tích ngành giáo dục cũng được “nâng lên” một “tầm cao mới”. Ở nhiều ngôi trường, hiếm lắm mới thấy một vài học sinh khá… còn lại, toàn học sinh giỏi và xuất sắc.
Các con học giỏi, ai là người mừng nhất?
Tất nhiên là thầy cô!
Video đang HOT
Giáo dục ngoài đua với các ngành khác, còn là cuộc đua nội bộ giữa các tỉnh, địa phương, các trường, các lớp và từng cá nhân. Năm nào lớp thụt lùi là giáo viên chủ nhiệm lo ngay ngáy, đêm ngày “ủ mưu” nâng cao thành tích.
Người mừng tiếp theo, không ai khác là các vị phụ huynh. Dù sao, các phụ huynh luôn mang tâm lý “bằng mọi giá phải đầu tư cho con học”. Để làm gì? Để con bằng bạn bằng bè, để con thoát ly sau này đỡ khổ… Và vì thế, chẳng có lý do gì để họ không có quyền được mừng vui, được tự hào khi con cái họ học hành giỏi giang, giấy khen “treo không hết”.
Học sinh giỏi, tốt chứ sao không tốt! Chỉ có điều, sự vui mừng này có gì đó… sai sai.
Tôi biết, có rất nhiều giáo viên vui một niềm vui “không trọn vẹn”. Bởi nỗi, để có được thành tích tạm gọi là “hài lòng” trong cuộc đua giáo dục tại nơi công tác, họ cũng phải “lách”, phải “lắt léo” tìm đường đi cho “trái ngọt” ấy.
Trước đây, học sinh biết mình học kém, không dám thi vào trường này, lớp kia. Giáo viên thấy vậy lo lắng, tìm cách động viên, kèm cặp cho thi bằng được. Bây giờ, thấy học sinh học kém, thầy cô vẫn động viên, nhưng “động viên” không nên thi vào lớp nọ, trường kia kẻo ảnh hưởng thành tích chung của trường.
Không chỉ giáo viên, nhiều vị phụ huynh cũng vui một niềm vui “không trọn vẹn”, khi mà, ngoài việc “đồng hành” cùng con trong những buổi học, cha mẹ cũng phải bỏ công bỏ sức, tìm cách móc nối, “cải thiện” điểm các môn học cho con mình để không có được khen thì cũng không… đúp. Đấy! thành tích của các con, đôi khi lại là cuộc “chạy tiếp sức” điểm số giữa phụ huynh và giáo viên.
Nghịch lý là, câu chuyện này, người trong cuộc ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng tất cả vẫn chọn cách… vui cười.
Người vui vì hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong năm. Kẻ vui vì “nở mày nở mặt” với làng xóm láng giềng, bà con, đồng nghiệp… Chẳng giáo viên hay phụ huynh nào dám mạnh dạn nói: Học sinh của tôi/con của tôi không xứng với thành tích đó.
Không ít người hẳn vẫn đang băn khoăn trước phản ứng “lạ” của vị phụ huynh ở Vũng Tàu. Riêng cá nhân tôi lại cho rằng, anh xứng đáng là “vị phụ huynh của năm”.
Nhiều vị phụ huynh có lẽ chưa bao giờ lo sợ, xã hội này sẽ xuất hiện những thanh niên “ảo tưởng sức mạnh” dưới cái mác “trò giỏi”; xã hội này sẽ tồn tại những con người luôn coi mình là nhất nhưng không biết yêu thương, tôn trọng người khác; xã hội cũng sẽ sinh ra những đứa trẻ không có trách nhiệm với bản thân, cuộc sống… Nhưng vị phụ huynh ấy thì có!
Vậy, thành tích học tập của các con nếu phi thực tế thì có đáng vui?
* Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.
Theo Người đưa tin
"Lạm phát" giấy khen, danh hiệu học sinh giỏi do đâu?
"Kết thúc năm học, nhiều nơi có tỷ lệ học sinh giỏi, khá rất cao, điều này cho thấy bệnh thành tích chứ không phải là quá nhiều học sinh giỏi hơn so với trước.
Nếu là học thực chất, thi nghiêm túc sẽ không thể nhiều học sinh danh hiệu khá, giỏi như thế", GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương hội khuyến học Việt Nam cho biết.
Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu Trường THCS Nguyễn Thái Bình giải trình thông tin một lớp có 42/43 học sinh giỏi. Ảnh: Đông Hà
Hiếm học sinh không được giấy khen
Thời điểm này, nhiều trường học trên phạm vi cả nước đã hoàn thành năm học 2018 - 2019, học sinh chính thức bước vào kỳ nghỉ hè. Như thường lệ, đây cũng là dịp để nhiều đơn vị, trường học tổ chức khen thưởng, biểu dương những học sinh đạt thành tích trong năm học qua, khích lệ những tấm gương học sinh hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập... Cũng những ngày này, trong khi nhiều phụ huynh người vui, người hụt hẫng vì danh hiệu, tấm giấy khen của con sau màn khoe ảnh con nhận giấy khen được bố mẹ "đua nhau" tung lên mạng xã hội Facebook.
Điều dễ dàng nhận thấy, những báo cáo thành tích của nhà trường hết sức thành công, tốt đẹp năm học qua, trong đó tỷ lệ học sinh lên lớp, được nhận danh hiệu học sinh xuất sắc từng mặt, xuất sắc toàn diện (cấp tiểu học), học sinh tiên tiến, học sinh giỏi (cấp trung học), có những lớp đạt gần như tuyệt đối, chỉ 1 - 2 học sinh xếp loại trung bình. Điều mà trước đây rất ít lớp có được, thì nay lại xuất hiện ở rất nhiều nơi, không chỉ trường chuyên, trường điểm mà những trường bình thường cũng có.
Con nhận giấy khen cho năm học vừa qua, nhưng chị Thu Hương ở đường Kim Giang (Thanh Xuân, Hà Nội) có con học lớp 6 cho biết: "Năm nào con cũng được giấy khen và cả lớp được, nên mỗi lần con cầm giấy khen về dù được bố mẹ khen ngợi và hứa thưởng, song con cũng không hào hứng lắm. Con kể, cả lớp gần như bạn nào cũng được, trong đó có cả những bạn liên tục bị cô nhắc nhở, làm chậm, làm sai bài... Con cũng nói thẳng, nếu ai cũng được như vậy thì đâu có ý nghĩa nữa. Tôi cũng chưa biết giải thích thế nào cho con, đành đánh trống lảng, vì chuyện học của con trên lớp thế nào con nắm rõ hơn".
Đối với một số phụ huynh, việc con được hay không được giấy khen và phần thưởng (Ban Phụ huynh lớp tặng) cũng không nhiều ý nghĩa vì nhiều lý do khác nhau. "Năm ngoái con tôi là một trong 3 bạn không được giấy khen, tôi cũng ngạc nhiên vì gần như cả lớp được mà chỉ có 3 học sinh không được, trong khi đó các bạn khác chưa hẳn đã học giỏi hơn. Năm nay, con cũng lại không được giấy khen, tôi cũng không buồn vì thấy rằng tấm giấy đó là không thực chất và nó được trao theo thành tích chứ không phải theo khả năng từng cháu", một phụ huynh có con học lớp 2 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) tâm sự.
Học "bình bình" vẫn được khen thưởng
Nhiều năm làm công tác giáo dục, nên GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương hội khuyến học Việt Nam quá hiểu về hiện tượng "lạm phát" danh hiệu, giấy khen, hay chính xác hơn đây là biểu hiện của "bệnh thành tích" trong giáo dục. Ông cho rằng, đây không phải là một hiện tượng mới nảy sinh mà đã có từ lâu, nhưng đến nay càng phổ biến và gia tăng số lượng học sinh khá, giỏi trong một lớp học. Những người làm công tác giáo dục đều hiểu chuyện này, song vì nhiều lý do mà đến nay chưa thể khắc phục được.
Cũng theo GS.TS Phạm Tất Dong, không thể một lớp học có những tỷ lệ cao như vậy, thậm chí cả lớp chuyên, lớp chọn cũng có tỷ lệ về học sinh giỏi, khá và trung bình bởi có những tiêu chí cao hơn, khắt khe hơn so với trường trung bình khác. Nếu là thực chất thi và học không cao như thế được, vẫn còn tình trạng nhiều lớp cũng học kém lắm. Nếu lý luận là học sinh bây giờ giỏi hơn nên giấy khen nhiều hơn. Phải có giỏi, khá, trung bình, thậm chí cả yếu. Chất lượng hiện nay là ảo, chưa đúng thực chất. Nó tạo ra hệ lụy, các em không có sự cố gắng, học kém vẫn được khen, thưởng.
"Tôi cho rằng, việc này xuất phát từ chủ trương của trường, muốn đưa ra chỉ tiêu, tỷ lệ cao thì sẽ được thôi, chạy theo thành tích và nhu cầu. Ví dụ, học sinh lớp 5 vào lớp 6 phải bao nhiêu điểm 9, điểm 10 thì phải làm đẹp học bạ, bảng điểm. Do đó, từ phụ huynh mong muốn, tình trạng bệnh thành tích là chính của trường, của giáo viên. Nếu cứ lấy thành tích, thi đua làm mục tiêu thì còn tiếp diễn. Vì đơn giản, nếu không có thành tích thì mất thi đua, danh hiệu, bản thân người làm giáo dục cũng không được lên lương...", PGS.TS Phạm Tất Dong thẳng thắn chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều giáo viên phổ thông cũng không đành lòng trước thực tế của thành tích "ảo" hiện nay. Tại một số diễn đàn dành cho giáo viên phổ thông, nhiều giáo viên cũng bày tỏ câu chuyện phải đưa ra một quyết định không đúng, đó là cho nhiều học sinh nhận giấy khen theo đúng tỷ lệ được đưa ra, chứ không phải là căn cứ vào điểm thực chất. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng tỏ ra bất lực trước việc học sinh học kém, vi phạm nhiều vẫn được lên lớp vì học sinh lưu ban ảnh hưởng đến thành tích của trường, lớp.
Vừa qua, câu chuyện đang xôn xao dư luận từ Trường THCS Nguyễn Thái Bình, phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Một phụ huynh có cháu trai học lớp 6 hoài nghi về thành tích cả lớp có 43 học sinh thì tới 42 em đạt loại giỏi, chỉ duy nhất 1 bạn khá. Sau đó, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã yêu cầu cấp quản lý trực tiếp Trường THCS đó là Phòng GD&ĐT TP Vũng Tàu giải trình, xác minh thông tin.
Theo giadinh.net
"Tôi kinh ngạc khi thấy con thi được 10 điểm" Đây là tâm sự của một phụ huynh có con đang học tại một trường tiểu học quốc tế ở TP.HCM. Ảnh minh họa Nguyên năm lớp 1, mình chưa bao giờ dạy cho con học chữ nào. Con đi học về tôi chỉ hỏi hôm nay cô có cho bài về viết không? Nếu có thì ăn xong viết, không viết thì...