4 sinh viên Việt Nam tham dự ‘Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ’ tại Singapore
Tháng 7, bốn đại diện Việt Nam sẽ sang Singapore giao lưu cùng các tài năng lãnh đạo trẻ đến từ khu vực ASEAN và Nhật Bản.
Ngày 11/3, vòng phỏng vấn cuối chương trình “ Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi” (HYLI) lần thứ 15, với chủ đề Cách mạng số hóa vì một tương lai bền vững đã diễn ra tại Hà Nội.
Theo đại diện ban tổ chức, chỉ với 10 phút phỏng vấn dành cho mỗi thí sinh, các bạn trẻ đã đưa ra nhiều cách nghĩ và quan điểm mới, ấn tượng. Đơn cử, có bạn phân tích ví dụ về ứng dụng chia sẻ xe, có bạn đưa ra so sánh giữa việc mua VCD để xem phim ngày trước với việc xem online qua các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix hiện nay để thấy công nghệ kỹ thuật số đã mang đến giải pháp đột phá giải quyết nhu cầu truyền thống như thế nào.
Kết thúc buổi phỏng vấn, ban giám khảo đã tìm ra 4 sinh viên xuất sắc đại diện Việt Nam tham dự chương trình vào tháng 7 tại Singapore. Đó là Trần Phương Mai – Học viện Ngoại giao Việt Nam, Hà Nội; Ngô Anh Phương – Đại học Việt – Đức (TP HCM); Phạm Khánh Linh – Đại học Kinh tế TP HCM; Trịnh Hồ Anh Phương – Đại học Kinh tế TP HCM.
Tại diễn dàn ở Singapore, các bạn trẻ sẽ có cơ hội giao lưu và chia sẻ quan điểm về những vấn đề chung của khu vực và trên thế giới cùng diễn giả là lãnh đạo đến từ nhiều quốc gia trong khu vực. Ngoài ra, chương trình mang đến cho các bạn cơ hội tham gia hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm thực tế, thuyết trình tranh biện, từ đó nâng cao hiểu biết, nhận thức, mở rộng góc nhìn, cũng như tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hoá trong khu vực.
Bốn giám khảo cho vòng phỏng vấn cuối này là: ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Chủ tịch Hội đồng phỏng vấn; ông Kazunori Sudo – Tổng giám đốc Hitachi Asia Việt Nam; bà Đào Thu Hiền – Sáng lập, Tổng giám đốc Công ty Golden Path Academics Việt Nam; ông Đoàn Đức Thuận – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thời trang Kowil (Tập đoàn Phú Thái).
Kết thúc buổi phỏng vấn, ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) cho biết: “Các bạn đều còn trẻ nhưng đã có kiến thức sâu về lĩnh vực kinh tế, xã hội, đồng thời sở hữu nhiều kỹ năng, ý tưởng và tham vọng”.
Ông Huỳnh Quang Liêm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) – Chủ tịch Hội đồng phỏng vấn.
Bà Đào Thu Hiền thì ấn tượng nhất với tinh thần “mong muốn học hỏi và vươn ra bên ngoài biên giới Việt Nam để phát triển mình hơn và có cái gì đó mang về đóng góp cho cộng đồng” của các thí sinh HYLI năm nay. Bà Thu Hiền từng tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ Báo chí Đại học Columbia và Thạc sĩ Quản lý công Đại học Harvard (Mỹ), Nguyên cố vấn Tài chính Văn phòng Thị trưởng thành phố New York
Bà Đào Thu Hiền – Nhà sáng lập, Tổng Giám đốc Công ty Golden Path Academics Việt Nam – Thành viên Hội đồng phỏng vấn.
Ông Đoàn Đức Thuận – Cựu Giám đốc chiến lược khu vực châu Á Thái Bình Dương của Piagio, người đã đi hơn 30 nước trên thế giới khi tuổi còn rất trẻ chia sẻ: “Nếu được quay lại thời trẻ như các bạn, tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu những công nghệ mới. Ngày nay, hàng rào ngôn ngữ không còn nữa, những hàng rào tiếp cận tri thức mới cũng ngày càng thu hẹp, nên các bạn trẻ có nhiều cơ hội để phát triển bản thân, qua đó đóng góp tạo giá trị cho xã hội”.
Ông Đoàn Đức Thuận – Phó Tổng giám đốc Công ty CP Thời trang Kowil (Tập đoàn Phú Thái) – Thành viên Hội đồng phỏng vấn.
“Sáng kiến tài năng lãnh đạo trẻ Hitachi là chương trình nhằm phát hiện và nuôi dưỡng các tài năng lãnh đạo trẻ của khu vực châu Á thông qua việc mang các bạn đến gần nhau trong một trải nghiệm quốc tế đáng nhớ và cùng thảo luận những vấn đề quan trọng của khu vực”, ông Kazunori Sudo – Tổng giám đốc Hitachi Asia Việt Nam nhấn mạnh về ý nghĩa của chương trình.
Ông Kazunori Sudo – Tổng Giám đốc Công ty Hitachi Asia Việt Nam – Thành viên Hội đồng phỏng vấn.
HYLI là chương trình bồi dưỡng, phát triển năng lực lãnh đạo cho thế hệ trẻ các nước khu vực ASEAN – Nhật Bản do Công ty Hitachi Asia triển khai và tổ chức đều đặn, luân phiên tại 7 nước ASEAN và Nhật Bản từ năm 1996.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức của nhà lãnh đạo trẻ về các vấn đề trong khu vực và trên thế giới, đồng thời tạo lập môi trường để thế hệ trẻ trao đổi những góc nhìn đa dạng và xây dựng mạng lưới nhà lãnh đạo tương lai của khu vực châu Á.
Trải qua vòng nộp hồ sơ từ tháng một đến nay, ban tổ chức đã nhận được hàng trăm đơn đăng ký tham dự của sinh viên cả nước. Tiêu chí chấm chọn khả năng học tập, ngoại ngữ, tố chất lãnh đạo, kinh nghiệm hoạt động xã hội, mong muốn cống hiến và thay đổi xã hội.
Thế Đan
Video đang HOT
Theo VNE
Chàng trai Việt "chinh phục" Microsoft, Google và nhiều "ông lớn" công nghệ thế giới
Mới đây, Phạm Quang Vũ - chàng kỹ sư trẻ người Việt tại Microsoft đã vượt qua vòng phỏng vấn của hàng loạt "gã khổng lồ công nghệ" thế giới. Google và Oracle đã đưa ra cho Vũ mức lương hấp dẫn - gấp rưỡi con số tối đa mà Facebook hay Amazon đã thương lượng và gấp đôi lương hiện tại để chiêu mộ nhân tài người Việt về làm việc.
Tháng 8/2013, Phạm Quang Vũ (sinh năm 1991) tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc của ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore và trở thành nhân viên trẻ tuổi nhất được nhận khi Microsoft về NTU tuyển dụng. Trong hơn 3 năm làm việc tại đây, Vũ liên tục nhận được lời mời từ những "gã khổng lồ" công nghệ thế giới.
Mới đây, vượt qua vòng phỏng vấn của các tên tuổi lên như Facebook, Oracle, Amazon, Google, 9X Việt đã rất "đau đầu" để đưa ra quyết định sẽ tham gia vào công ty nào.
Như Dân trí đã đưa tin, vào tháng 10/2012, khi còn là sinh viên năm cuối ngành Máy tính tại ĐH Công nghệ Nanyang, Phạm Quang Vũ (Hà Nội) nhận được lời mời ứng tuyển cho vị trí kỹ sư lập trình ở tập đoàn Microsoft, làm việc ở Seattle (Mỹ). Mức lương thỏa thuận là 180 triệu đồng mỗi tháng, mỗi năm tăng lương 20% đến 30%, chưa kể thưởng.
"Tôi muốn chọn người có cá tính như bạn để làm việc tại Microsoft", đó là lời của một vị giám khảo sau khi có cuộc trò chuyện trực tiếp với chàng du học sinh Việt Nam.'
Phạm Quang Vũ mặc áo cử nhân nhận bằng tốt nghiệp Thủ khoa tại ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore).
Tuy nhiên lúc này, gặp một số trục trặc về giấy tờ nên Vũ chưa thể qua Mỹ, đành ở lại Singapore làm việc cho công ty Paypal. Trong thời gian đó, Microsoft vẫn ưu ái dành vị trí cũ cho cậu. Một số nơi như Amazon, Google cũng gửi thư mời nộp hồ sơ nhưng Vũ từ chối vì đã nhận lời Microsoft. Tháng 10/2014, Vũ đã trở lại Mỹ bắt đầu công việc tại Microsoft.
Từ những buổi họp "im như thóc"
Theo Quang Vũ, điều cậu nhận được lớn nhất khi chọn làm việc ở đây là có cơ hội được làm việc với các bạn đồng nghiệp rất giỏi và nhiều kinh nghiệm trên khắp thế giới học hỏi thêm được rất nhiều điều cả về kiến thức lẫn kinh nghiệm để phát triển bản thân. Phấn đấu liên tục trong công việc, chàng trai Việt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình tại công ty và được đánh giá cao về chuyên môn lẫn phong cách làm việc.
Tại Microsoft, Quang Vũ làm việc với vai trò nhân viên chính thức (kỹ sư lập trình máy tính) khoảng 3 năm rưỡi tính đến lúc rời khỏi công ty.
9X tâm sự, khoảng thời gian tuy không quá dài nhưng cũng đủ khiến cậu từ một sinh viên mới ra trường trở nên tự tin hơn, dạn dĩ hơn.
"Những ngày đầu mới tham gia, mình rất hoang mang vì thấy mọi người xung quanh ai cũng đều giỏi, đều thông minh. Đã có rất nhiều buổi họp, mình "im như thóc" từ đầu tới cuối buổi, ai giao cho việc gì thì làm nấy, ai hỏi gì thì nói, rất bị động.
Có một lần, sếp trực tiếp của mình từng bảo: "Tôi thấy bạn là người tuy ít nói nhất, nhưng luôn có những ý kiến và đánh giá hợp lý và rất sáng tạo, bạn không nên bỏ phí những điều đấy".
Nhờ những lời động viên của sếp, cũng như tìm tòi đọc nhiều tài liệu về cách ứng xử ở trong công việc, chàng trai 9X trở nên tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình hơn và không sợ sai. Từ đó công việc trở nên thuận lợi hơn và Vũ có thể toàn tâm để rèn luyện chuyên môn cũng như học tập từ công việc cũng như mọi người xung quanh.
Quang Vũ cho hay, Microsoft còn giúp anh bạn rèn luyện được kỹ năng quản lý thời gian bởi lẽ càng làm lâu, càng ngày công việc càng trở nên khó, kể cả về độ phức tạp và khối lượng công việc.
Thêm vào đó, cuộc sống bên Mỹ cũng có rất nhiều thứ phải lo toan, ví dụ như tài chính, các khoản đầu tư, các khoản bảo hiểm, sức khoẻ... Nếu không quản lý thời gian tốt, sẽ rất dễ bị rơi vào khủng hoảng, mất tập trung và làm không tốt mọi việc.
"Với việc có thời gian biểu cụ thể, những việc cần làm trong ngày, trong tuần, trong tháng, mình đã sắp xếp được mọi thứ khá là nhịp nhàng để có thể vừa tập trung cống hiến mà không bỏ quên những khía cạnh khác của cuộc sống", Vũ chia sẻ.
Công việc khá suôn sẻ nhưng gần đây, anh chàng kỹ sư máy tính đã gửi đơn xin thôi việc tại Microsoft và chinh phục hàng loạt "gã khổng lồ" công nghệ thế giới khác. Cuối cùng, Vũ chọn Google là nơi "đầu quân" tiếp theo.
Từ Mỹ, Phạm Quang Vũ đã có cuộc trò chuyện với PV Dân trí về hành trình đến với Google:
Tuổi trẻ là chưa muốn đứng yên một chỗ
PV: Đâu là cơ duyên khiến Quang Vũ có bước ngoặt rời tập đoàn công nghệ Microsoft (Mỹ)?
Phạm Quang Vũ: Thật ra việc chuyển công ty đặc biệt là trong ngành công nghệ thông tin tại Mỹ là điều rất phổ biến, đặc biệt là tại các công ty lớn như Amazon, Facebook, Google, Microsoft...
Không những thế, khi làm tại một công ty lớn, thì việc được nhà tuyển dụng của các công ty lớn khác mời ứng tuyển là chuyện gần như "tuần nào cũng có".
Sau 3 năm rưỡi làm việc ở Microsoft, mình cảm thấy mình đã học và đạt được rất nhiều thứ, nếu ở lại mình nghĩ mình sẽ vẫn có một công việc thuận lợi và một con đường rộng mở. Tuy nhiên, do tuổi đời còn rất trẻ, nên mình vẫn mong muốn được tham gia để được thử thách, được mở rộng tầm nhìn ở những môi trường khác, và cũng muốn biết "giá trị thị trường" hiện tại của mình là bao nhiêu.
Đó là lí do khiến mình đưa ra quyết định rời Microsoft để tìm một thử thách mới để hoàn thiện bản thân hơn và chấp nhận lời mời phỏng vấn của các công ty lớn khác.
Trong thời gian làm việc tại Microsoft, chàng kỹ lập trình máy tính liên tục nhận được lời mời gọi từ các tập đoàn công nghệ thế giới như Facebook, Google, Amazon...
Cuối cùng, lí do gì khiến Vũ chọn Google thay vì những cái tên như Facebook hay Amazon?
Lúc mình quyết định rời Microsoft thì gia đình mình cũng chào đón một thành viên mới, một thiên thần nhỏ và một fan trung thành của mình tên là bé Phạm Quang Minh (cười).
Tuy lúc đó vô cùng căng thẳng và vất vả do em bé còn quá nhỏ, nhưng với sự động viên và hậu phương vững chắc của vợ, mình cũng đã có thể sắp xếp được thời gian tham gia phỏng vấn và được tất cả các công ty chấp nhận.
Sau khi vượt qua vòng phỏng vấn của các tên tuổi lớn như Facebook, Oracle, Amazon, Google, mình đã phải rất đau đầu để có thể đưa ra quyết định cái tên nào sẽ là công ty mình tham gia trong chặng đường sắp tới.
Sau một hồi thỏa thuận về vị trí và lương, Google, Oracle đã cho mình một con số rất lớn - gấp rưỡi con số tối đa mà Facebook mà Amazon đã thương lượng và gấp đôi lương hiện tại, cùng với việc xem xét kỹ về những khía cạnh khác như sự ổn định, khoảng cách địa lý, hoàn cảnh gia đình, mình đã quyết định chọn Google là chặng đường kế tiếp của mình.
Google đã đưa ra mức lương "trong mơ" để chiêu mộ nhân tài người Việt về làm việc.
Khoảng cách kiến thức của lập trình viên Việt không thua với thế giới
Nếu có thể, Vũ hãy "bật mí" một chút về những thử thách để trúng tuyển vào Google, vị trí chuyên môn Vũ đảm nhận tại đây là gì và mức lương "trong mơ" tại Google?
Cá nhân mình thấy những thông tin trên mạng ở một số trang web uy tín như glassdoor đều mô tả khá chính xác những gì cần phải có và phải làm được để trúng tuyển vào các công ty lớn nói chung và Google nói riêng. Ở vị trí một người có kinh nghiệm, thường các công ty sẽ luôn yêu cầu mình có kỹ năng tốt về các mặt lập trình, thiết kế, và những câu hỏi về kỹ năng ứng xử.
Hiện tại vị trí mà mình đang đảm nhận là một phần nhỏ trong hệ thống dịch vụ điện toán đám mây của Google (hay còn gọi là GCP - Google Cloud Platform).
Mình nghĩ, số năm kinh nghiệm của mình còn ít, chắc chắn còn nhiều thiếu sót trong kiến thức, nên mức lương của mình cũng không thật sự phản ánh được mức lương trung bình ở Google, tuy nhiên nó cũng đủ giúp gia đình mình sinh hoạt mà không phải lo nghĩ quá nhiều.
Năm nhất ĐH, Vũ tham gia cuộc thi lập trình viên quốc tế (ACM ICPC) và lọt vào vòng khu vực Châu Á. Hai năm tiếp theo, Quang Vũ xuất sắc giữ vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng toàn cầu.
Ông bố trẻ thường dành bao nhiêu tiếng một ngày cho công việc? Thời gian còn lại, Vũ thường dành cho các hoạt động gì?
Một ngày mình cố gắng dành khoảng từ 6-8 tiếng cho công việc, từ 1-2 tiếng cho việc học thêm những mặt mà mình yêu thích. Thời gian còn lại, mình cố gắng dành hết thời gian cho gia đình và làm những thứ mà mình nghĩ là có thể gắn bó tình cảm gia đình được ví dụ như nấu ăn, dọn dẹp, tắm rửa thay bỉm cho con, hoặc hát hò, chơi nhạc.
Những ngày hè nắng đẹp thì hai vợ chồng có thể cho bé đi chơi ở những công viên hay khu rừng gần nhà, hoặc đưa bé đến gặp những bạn bè người Việt ở cùng khu vực.
Quang Vũ luôn cố gắng dành thời gian chăm sóc cho vợ và cậu con trai nhỏ.
Xuất sắc chinh phục hàng loạt công ty công nghệ tên tuổi thế giới, Vũ có thể chia sẻ bí quyết vươn tới những "gã khổng lồ" công nghệ như Microsoft hay Google cho các bạn trẻ?
Cá nhân mình nhận thấy, các bạn sinh viên Việt Nam cũng như các bạn lập trình viên Việt Nam đều rất giỏi và sáng tạo, khoảng cách về mặt kiến thức gần như là không có nhiều.
Nếu như các bạn có thể đầu tư thời gian và sức lực hơn trong việc tìm kiếm cơ hội, rèn luyện khả năng Tiếng Anh, tìm hiểu về cách làm việc chuyên nghiệp trong một môi trường đẳng cấp thế giới, thì Microsoft, Google, Facebook, Amazon là hoàn toàn trong khả năng.
Đầu tư thời gian và sức lực tìm kiếm cơ hội, rèn luyện khả năng Tiếng Anh, tìm hiểu về cách làm việc chuyên nghiệp trong một môi trường đẳng cấp thế giới là lời khuyên của Vũ dành cho các bạn trẻ muốn vào các tập đoàn công nghệ tầm cỡ thế giới.
Cuối cùng, Quang Vũ có thể tiết lộ về dự định sắp tới của bản thân?
Trong 5 năm tới, mình dự định sẽ cố gắng song song vừa hoàn thành tốt công việc ở công ty, vừa tích luỹ kiến thức và chăm sóc con trai chu đáo đến khi em bé vào lớp 1. Khi đó có lẽ mình sẽ đủ kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn về nhiều khía cạnh trong cuộc sống để làm những việc to lớn hơn có ích cho xã hội.
Cảm ơn Quang Vũ đã dành thời gian chia sẻ!
Kỹ sư lập trình máy tính Phạm Quang Vũ
- Giải Nhất lập trình sinh viên quốc tế vòng khu vực tại Việt Nam và Malaysia 2010.
- HCV Lý Quang Diệu cho học sinh tốt nghiệp Thủ khoa.
- HCV Koh Boon Hwee dành cho sinh viên có khả năng lãnh đạo và đóng góp cho cộng đồng.
- HCV Infocom dành cho sinh viên điểm cao nhất khoa Khoa học máy tính.
- Giải nhì HSG Quốc gia môn Tin học năm 2007, 2008.
- Tốt nghiệp thủ khoa ngành Máy tính - trường ĐH ĐH Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore.
- Giải khuyến khích Lập trình sinh viên quốc tế vòng khu vực tại Thái Lan 2009.
Lệ Thu (thực hiện)
Theo Dân trí
Học bổng Unis chắp cánh ước mơ đến Mỹ cho học sinh nghèo hiếu học Khi còn bé, Nguyễn Vũ Linh, cô học sinh học bổng trường UNIS Hà Nội thường giúp mẹ bán ngô nướng bên vỉa hè phố cổ Hà Nội để giúp gia đình tăng thêm thu nhập. Ước mơ của em là được đi học cấp 3 và học tiếp lên cao hơn nữa. Giờ đây, với tấm bằng Tú tài quốc tế (IB),...