4 người chết não hiến tạng cứu 16 bệnh nhân nguy kịch
16 bệnh nhân bị suy tạng mãn giai đoạn cuối có thể tử vong bất cứ khi nào đã được cứu sống diệu kỳ, nhờ nguồn tạng hiến của 4 người không may chết não.
GS. TS Trần Bình Giang, Giám đốc BV Việt Đức chia sẻ, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 16/5 đến 13/6), tại Bệnh viện Hữu nghi Việt Đức (Hà Nội) đã tiếp nhận mô tạng của 4 bệnh nhân chết não để ghép cho 16 bệnh nhân tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế. Đây là một kỳ tích về số người hiến tạng, người được ghép tạng lần đầu tiên được ghi nhận tại nước ta.
Với nguồn tạng hiến của 4 người chết não, các bác sĩ đã ghép tim cứu sống 4 người bệnh, ghép thận cho 8 trường hợp và ghép gan cứu sống 4 bệnh nhân ở cả Hà Nội và Huế.
Theo GS Giang, các kỹ thuật ghép tạng bác sĩ Việt làm chủ hoàn toàn. Vấn đề duy nhất chính là nguồn tạng hiến. Trước đây, nguồn tạng khan hiếm, trước khi được ghép tạng, bệnh nhân phải nằm viện lâu, phải thở máy kéo dài, phải truyền máu và truyền dịch nhiều… nhưng không phải ai cũng chờ đợi được đến khi có nguồn tạng hiến, rất nhiều người đã tử vong trước khi tìm được nguồn tạng hiến phù hợp để ghép.
GS Giang chia sẻ thêm, kỹ thuật ghép tạng của các bác sĩ Việt Nam ngày càng hoàn thiện. “Hầu như những trường hợp ghép thận, chúng tôi không cần phải truyền máu như trước nữa. Ghép gan thì số lượng truyền máu cũng rút xuống còn 1-2 đơn vị, ghép tim cũng vậy, thậm chí có ca ghép gan không cần truyền máu. Trước đây, thời gian bệnh nhân phải nằm thở máy sau mổ từ 24-48 giờ, bây giờ chỉ còn 3-4 tiếng”, GS Giang nói.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng chia sẻ thêm, sự thành công của các ca ghép tạng thể hiện ở ,ỷ lệ sống sau 5 năm của bệnh nhân sau ghép tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiệm cận được với tỷ lệ của thế giới.
Như với bệnh nhân ghép thận tỷ lệ sống sau 1 năm là gần 95%, sau 5 năm là 90%. Đối với bệnh nhân ghép gan thì tỷ lệ thấp hơn vì đa số bệnh nhân ghép gan là do ung thư gan; với bệnh nhân xơ gan thì sau khi được ghép gần như khỏi hoàn toàn; còn đối với ung thư gan thì có một tỷ lệ bị tái phát ung thư.
Video đang HOT
Trung bình tỷ lệ sống sau 5 năm ghép gan là 75% và sau 10 năm là 70%. Trong số 19 bệnh nhân ghép tim chỉ có 2 trường hợp đã tử vong còn lại 17 bệnh nhân vẫn sống sau 8 năm.
Được biết, đến nay bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghép được hơn 600 ca ghép thận, gần 60 ca ghép gan và 19 trường hợp ghép tim.
GS Giang chia sẻ thêm, nhân lực cho kỹ thuật ghép các tạng khác như ghép phổi cũng đã được BV Việt Đức cử đi học hỏi, hứa hẹn sẽ tiến hành ghép phổi sớm nhất. Khi đó, sẽ có thêm cơ hội ghép tạng cứu sống thêm nhiều người bệnh khác khi có nguồn tạng hiến.
GS Giang cũng bày tỏ sự tri ân đến những gia đình bệnh nhân chết não đã hiến tạng để nối dài sự sống cho những bệnh nhân khác đang nguy kịch mỗi ngày vì căn bệnh suy tạng mãn.
Hồng Hải
Theo Dân trí
Gian nan hành trình "thay" tim cho bệnh nhi 15 tuổi
Gần đúng 1 tháng sau ca ghép tim xuyên Việt thứ nhất (ngày 16/5/2018), ê kíp bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt lần thứ 2 vào rạng sáng ngày 14/6 trong điều kiện nhiều khó khăn, thử thách hơn cả lần thứ nhất.
Lúc 10h sáng ngày 13/6, thông tin khẩn cấp từ Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia cho biết nguồn tạng phù hợp với một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối trong danh sách chờ ghép tim tại Bệnh viện Trung ương Huế.
Lúc này, GS.TS. Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, đã cân nhắc và quyết định việc phẫu thuật lấy đa tạng phải được thực hiện lúc 4 giờ chiều cùng ngày để phù hợp với các chuyến bay có thể đến Huế và Đà Nẵng.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhi Phạm Văn C. (15 tuổi) bị suy tim giai đoạn cuối do mắc bệnh cơ tim giãn đã được đặt máy khử rung tim tự động (ICD) đã sẵn sàng chờ ghép. Kíp mổ do Ths. BS. Trần Hoài Ân, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế thực hiện.
GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế kiêm Chủ tịch Hội đồng ghép tạng Bệnh viện Trung ương Huế đã xin nghỉ họp Quốc Hội tại Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo thực hiện ca ghép tim xuyên Việt thứ 2 này tại Bệnh viện Trung ương Huế đồng thời cùng tham gia lấy tạng, cùng với các chuyên gia bảo quản tim của Bệnh viện Việt Đức trực tiếp vận chuyển tạng về Huế.
Điều đáng nói là ngoài đạt được mục tiêu cứu sống bệnh nhi C. còn rất trẻ nhưng bị suy tim rất nặng với dự báo thời gian sống còn rất ngắn (dưới 6 tháng) cần phải được ghép sớm, thì ê-kíp ghép tim của Bệnh viện Trung ương Huế đã phải chạy đua với việc vận chuyển tạng ghép.
Các bác sĩ ở Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ca ghép tim
Khác với lần trước, quãng đường vận chuyển tạng dài hơn lần trước do phải bay vào Đà Nẵng mới có chuyến bay phù hợp với thời điểm phẫu thuật lấy tạng, sau đó quả tim mới được vận chuyển bằng ô tô từ Đà Nẵng về Huế mà vẫn phải đảm bảo thời gian cho phép thiếu máu tạng (thời gian từ khi lấy tim tại Bệnh viện Việt Đức về đến Bệnh viện Trung ương Huế chỉ 3 tiếng rưỡi). Thời gian chờ kết quả phản ứng đọ chéo (âm tính) để quyết định mổ ghép (do nhân viên của Bệnh viện Việt Đức đem tới Huế từ chuyến bay của Vietnam Airlines sớm trước đó 4 tiếng) cũng là một thử thách rất lớn.
Tất cả mọi tính toán đều buộc phải rất chính xác để cùng lúc thỏa mãn 3 điều kiện: Quãng đường vận chuyển tim dài hơn; Quỹ thời gian rất ngắn để chuẩn bị cho 1 ca ghép tim và nhất là phải đảm bảo thời gian thiếu máu tim trong giới hạn cho phép.
Quả tim của người hiến tại Hà Nội với nhịp đập đều đặn đã đảm bảo huyết động trong lồng ngực của người bệnh lúc 2h30 phút sáng ngày 14/6 và cuộc mổ kết thúc lúc 6h sáng.
Vào lúc 9h sáng ngày 14/6, bệnh nhi C. đã hồi tỉnh, huyết động ổn định và tiếp tục được chăm sóc, theo dõi rất chặt chẽ tại Khoa Gây mê hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế. Chức năng tim ghép rất tốt có phân suất tống máu (EF) là 61%.
Cũng ngay trong sáng này, GS.TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã đến thăm và chúc mừng bệnh nhi cùng gia đình bệnh nhân ghép tim xuyên Việt lần thứ 2 trước khi quay trở lại Hà Nội để kịp dự phiên họp Quốc hội.
Đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế
"Bệnh viện Trung ương Huế trân trọng cảm ơn Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã hỗ trợ trực tiếp và các cơ quan hữu quan khác đã phối hợp tích cực cùng tạo ra sự thành công kỳ diệu này.
Thành công của ca phẫu thuật này là minh chứng cho quy trình ghép tạng mô hình đa trung tâm mà chúng ta đang thực hiện phù hợp với thực tiễn, cũng như khẳng định tính chuyên môn cao, bản lĩnh chuyên nghiệp trong lĩnh vực phẫu thuật tim, ghép tim cũng như ghép các tạng khác", GS. Hiệp cho biết.
Đại Dương
Theo Dân trí
Xảo trá như thị trường thực phẩm chức năng (kỳ 3): Những địa chỉ "đen" Không chỉ là những trò dối trá trên mạng để hù dọa, "bóp nặn" bệnh nhân, ở ngoài đời thực, những mắt xích trong hệ thống sản xuất, phân phối thực phẩm chức năng (TPCN) cho Cty CP Phát triển Công nghệ Đông Nam Dược cũng chứa đựng đầy rẫy bất thường. Đụng đâu, bất minh đấy Như đã đề cập, Công ty...