4 ngân hàng sẽ có tăng trưởng thu nhập bảo hiểm vượt trội trong thời gian tới
Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang bị kiểm soát chặt hơn và không còn nhiều dư địa để cải thiện NIM, các ngân hàng đang có xu hướng gia tăng thu nhập hoạt động từ các hoạt động bán chéo để thu phí dịch vụ, đặc biệt là nguồn thu từ bancassurance
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa có báo cáo về triển vọng thu nhập bancassurance của các ngân hàng.
Theo VDSC, trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập dịch vụ mở rộng mạnh nhất ở VIB và VPBank (cũng là hai ngân hàng có tăng trưởng thu nhập bancassurance so với cùng kỳ trên 100%), sau đó là TPBank, VietinBank và MBBank.
Đối với VIB, sau khi ký hợp tác phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền với Prudential, thu nhập bancassurance đã tăng trưởng rất mạnh trong ba năm qua. Số lượng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại VIB trong năm 2018 đã tăng hơn 200% so với năm 2017 và hơn 260% so với năm 2016. Theo đó, trong 9 tháng đầu 2019, thu nhập bancassurance tại VIB tăng gần 5 lần so với cùng kỳ, nhờ đó thúc đẩy tăng trưởng thu nhập dịch vụ tới 145%, chiếm trên 50% tổng thu nhập dịch vụ. Với mức độ an toàn vốn cao và là ngân hàng đầu tiên thỏa mãn cả 3 trụ cột của Basel 2 ở Việt Nam, VDSC cho rằng VIB sẽ duy trì được tăng trưởng tín dụng rất cao của mình trong các năm tới (năm 2019 nhiều khả năng cao trên 30%), từ đó làm cơ sở để thúc đẩy hoạt động bán chéo bảo hiểm và duy trì tăng trưởng thu nhập bancassurance cao.
Đối với VPBank, thu nhập dịch vụ tại ngân hàng mẹ trong 9 tháng đầu 2019 tăng trưởng tới 51,6%, trong đó, thu nhập bancassurance tăng trưởng 32,3%, chiếm 23% tổng thu nhập dịch vụ. Thu nhập bancassurance mở rộng chủ yếu nhờ việc phân phối bảo hiểm nhân thọ cho các phân khúc khách hàng ưu tiên, theo hợp đồng hợp tác độc quyền với AIA. Ngân hàng cũng đang sử dụng các ứng dụng di động để tăng khả năng giới thiệu các gói bảo hiểm tiếp cận với khách hàng.
Theo đó, VDSC kỳ vọng VPB sẽ tiếp tục mở rộng được thu nhập bảo hiểm, cùng với thu từ phí thẻ tín dụng, để tăng trưởng được phí dịch vụ mỗi năm bình quân 28% và tỷ trọng đóng góp cho thu nhập lên 11% từ nay đến năm 2023.
Video đang HOT
Với nhiều hợp đồng hợp tác bán bảo hiểm với ngân hàng được ký kết trong năm 2019, nhất là trong mảng bảo hiểm nhân thọ, VDSC tin rằng cạnh tranh trong lĩnh vực này sẽ trở nên gay gắt hơn. Do đó, tăng trưởng thu nhập từ bảo hiểm tại các ngân hàng sẽ chậm lại nhất là với các ngân hàng đã đẩy mạnh khai thác hoạt động này trong một hoặc hai năm gần đây sau khi có hợp đồng phân phối được ký kết. Với các ngân hàng này, các hoạt động dịch vụ khác như phí thanh toán, phí thẻ, phí bảo lãnh hay dịch vụ trái phiếu cũng cần được thúc đẩy để giữ được tăng trưởng thu nhập dịch vụ tổng thể ở mức cao.
Ngoài những ngân hàng trên, VDSC kỳ vọng rằng Vietcombank và ACB sẽ là những ngân hàng tiếp theo có sự tăng trưởng đáng kể trong trong thu nhập từ bảo hiểm hàng năm, nhờ các thỏa thuận bancassurance mới được ký kết trong năm 2019 (VCB ký độc quyền với FWD vào tháng 11; ACB ký không độc quyền với Manulife vào tháng 9 và FWD vào tháng 12).
Đối với ACB, thu nhập từ bảo hiểm đang dẫn dắt tăng trưởng thu nhập phí nói riêng và thu nhập hoạt động nói chung trong bối cảnh không có nhiều yếu tố thúc đẩy tăng trưởng thu nhập lãi hay thu nhập khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, ACB đã lọt vào top 7 các ngân hàng có thu nhập phí từ bancassurance cao nhất khi thu nhập từ mảng này tăng trưởng 250% lên 414 tỷ đồng, chiếm 29,3% thu nhập hoạt động. Hoạt động này sẽ còn tiếp tục được đẩy mạnh tại ACB sau khi hai hợp đồng hợp tác không độc quyền với Manulife và FWD được ký kết, bổ sung cho đối tác hiện tại là AIA. ACB kỳ vọng sẽ thu về 600 tỷ đồng phí bancassurance trong năm 2019 (gấp ba lần năm 2018). Với cơ sở khách hàng lớn và trung thành của ACB, mảng bảo hiểm nhân thọ của ngân hàng này còn nhiều tiềm năng tăng trưởng và ACB có thể đạt tăng trưởng thu nhập phí bảo hiểm hàng năm lên tới 50% mỗi năm trong vòng ba năm tới.
Đối với Vietcombank, trước đây hoạt động bancassurance chưa được đẩy mạnh tương xứng với vị thế và quy mô của họ. Tuy nhiên với hợp đồng độc quyền với FWD gần đây, VCB có thể giải phóng tiềm năng tăng trưởng hoạt động này nhờ việc bán chéo cho tập khách hàng rộng lớn hiện nay của ngân hàng. Việc thúc đẩy thu nhập bảo hiểm, cùng với sự tăng trưởng tốt của phí dịch vụ khác khi ngân hàng dự kiến giữ nguyên biểu phí, dự kiến sẽ là các động lực đưa tăng trưởng thu nhập dịch vụ lên 50% mỗi năm và nâng tỷ trọng đóng góp cho thu nhập hoạt động lên 20% từ nay đến năm 2022. Thương vụ ký kết hợp đồng hợp tác này nhiều khả năng cũng sẽ đem lại một khoản thu nhập bất thường lớn cho VCB trong vài năm tới.
BIDV và HDB đang là những ngân hàng không có nhiều động lực tăng trưởng hoạt động bảo hiểm, do đó mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ thấp hơn so với các ngân hàng khác. Trong đó, BID vẫn đang mong muốn tìm kiếm đối tác ký hợp đồng hợp tác độc quyền, theo đó có thể kỳ vọng cải thiện tăng trưởng bancassurance, dù nhiều khả năng không thể hoàn thành trong ngắn hạn. Phía HDB cũng đã cho biết sẽ có kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng thu nhập phí từ bancassurance và phí thẻ trong năm 2020.
Ngọc Bích
Theo Trí thức trẻ
Qúy III/2019: Lợi nhuận ròng toàn thị trường tăng 23% so với cùng kỳ, chủ yếu đến từ ngân hàng và bất động sản
Đã có 832 doanh nghiệp trên 3 sàn HOSE, HNX, Upcom (chiếm 95% vốn hóa toàn thị trường) công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Trong đó có 85% số doanh nghiệp báo lãi và 15,1% số công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm 2019.
Theo thống kê từ hệ thống FiinPro Platform, tổng số 832 doanh nghiệp trên ghi nhận tổng lợi nhuận ròng đạt 73,6 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ. Trong đó riêng ngành ngân hàng thu về 22,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng lợi nhuận toàn thị trường, nếu loại bỏ nhóm ngân hàng thì tăng trưởng toàn thị trường đạt 14,9% so với quý III/2018.
quý III/2019, ROE và ROA trung bình của các doanh nghiệp này lần lượt là 14% và 2,7%; giảm so với mức ROE 14,9% và ROA 4,26% của quý III/2018.
Viễn thông, bảo hiểm và ngân hàng là những ngành có tăng trưởng lợi nhuận ròng lớn nhất so với cùng kỳ, lần lượt là 355,4%, 49,3% và 45%. Ở chiều ngược lại, truyền thông, hóa chất và dầu khí là những ngành ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong kỳ, lần lượt là 97,3%, 35% và 28,5%.
Cụ thể, ngành ngân hàng vẫn luôn đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Trong quý III năm nay, toàn ngành ngân hàng thu về 22,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của Vietcombank (VCB). Riêng trong quý III/2019 VCB thu về hơn 5 nghìn tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, kế đến là Techcombank (TCB) và Vietinbank (CTG) đóng góp lần lượt 2,6 nghìn tỷ đồng và 2,5 nghìn tỷ đồng, đưa tăng trưởng lợi nhuận ngành ngân hàng từ mức thấp nhất là 11,8% trong quý IV/2018 lên gần 45% trong quý này. Tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, ngành bất động sản thu về 11 nghìn tỷ đồng lợi nhuận ròng trong Q3/2019 tăng 19,7% từ mức hơn 9 nghìn tỷ đồng của quý III năm trước và đóng góp 15% lợi nhuận toàn thị trường. Trong đó riêng Vinhomes (VHM) đóng góp 5,5 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 50% lợi nhuận toàn ngành, kế đến là Vincom Retail (VRE) và Vingroup (VIC) đóng góp lần lượt 717 tỷ đồng và 498 tỷ đồng. Nếu loại bỏ VHM, toàn ngành bát động sản chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ.
Ngành viễn thông tăng trưởng gấp 3,5 lần so với năm trước, lợi nhuận chủ yếu do đóng góp của Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FOX) 340 tỷ đồng, chiếm 81,3% lợi nhuận ròng toàn ngành), ngoài ra Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (VGI) cũng thu về gần 59 tỷ đồng sau mức lỗ ròng của quý III/2018. Tuy nhiên tổng lợi nhuận ròng ngành viễn thông chỉ đóng góp 0,6% lợi nhuận toàn thị trường.
Bảo hiểm là ngành tăng trưởng đứng thứ 2 sau viễn thông với tốc độ là 49,3%, đóng góp hơn 1% tổng lợi nhuận, tương đương mức 774 tỷ đồng, chủ yếu là nhờ đóng góp của Tập đoàn Bảo Việt (BVH) 360 tỷ đồng, tăng 3,6 lần so với cùng kỳ và PVI (156,1 tỷ đồng, giảm 28,7% so với cùng kỳ).
Ở chiều ngược lại, ngành truyền thông có sự giảm tốc lợi nhuận mạnh mẽ nhất, tổng lợi nhuận ròng của ngành giảm từ hơn 300 tỷ đồng tại quý III/2018 chỉ còn 8 tỷ đồng trong quý III năm nay, giảm 97,3%. Nguyên nhân sự sụt giảm này là do lỗ ròng từ Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1 (YEG) lỗ 120 tỷ đồng. Đây là quý lỗ ròng thứ 2 liên tiếp từ sau sự cố của Yeah1! khiến Youtube thông báo chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung (CHA) với YEG từ cuối tháng 3/2019.
Ngành hóa chất ghi nhận lợi nhuận đạt 1,7 nghìn tỷ đồng là nhờ đóng góp chủ yếu từ lợi nhuận của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam GVR (980,4 tỷ đồng) và Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) (444,8 tỷ đồng). Nếu không tính GVR thì ngành hóa chất tăng trưởng âm 35% so với cùng kỳ. ROE và ROA trung bình ngành lần lượt đạt 7,8% và 4,4%.
Vũ Anh
Theo baodautu.vn
Lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn ở mức tích cực Theo thống kê của Công ty chứng khoán Bảo Việt, tính đến ngày 31/12, đã có 556 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3/2019 trên cả hai sàn TPHCM và Hà Nội. Số doanh nghiệp nay chiếm khoảng 92% vốn hóa toan thị trường. Nhóm bảo hiểm và ngân hàng dẫn đầu về tăng trường lợi nhuận trong quý 3/2019...