4 chàng 9x bỏ tiền túi nuôi ứng dụng y bạ trên điện thoại
Từ một bài tập trong lớp học, nhóm sinh viên năm cuối trường Đại học Công nghệ đã tạo ra ứng dụng quản lý y bạ riêng biệt, hướng tới việc số hóa các lịch trình, lưu trữ y tế.
Thế Huy, Nguyên Ngọc, Đức Thịnh và Nam Phong từ Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội đang phát triển Meboo thành một phần mềm độc lập. “Mong muốn của nhóm là thay đổi tư duy trong nền y tế, khám chữa bệnh, thúc đẩy việc sử dụng công nghệ trong ngành này”, Thế Huy, trưởng dự án cho biết. Tên Meboo, viết tắt của Medicine Book – sổ y bạ điện tử.
Nguyễn Thế Huy – trưởng nhóm phát triển ứng dụng Meboo. Ảnh nhân vật cung cấp.
Meboo hiện có mặt trên cả iOS và Android, đây là ứng dụng quản lý chăm sóc sức khỏe, với các chức năng chính như: Sổ tiêm chủng, cho phép tự động tạo ra sổ tiêm dựa trên ngày sinh của người dùng, nhắc lịch tiêm; với những người cần uống thuốc định kỳ, ứng dụng có chức năng Sổ điều trị.
Ngoài ra, điểm mới của sản phẩm này là cho phép tìm kiếm các địa điểm y tế xung quanh, cho phép người dùng đăng thông tin về dịch vụ y tế.
Thế Huy cho biết, ý tưởng này một phần bắt nguồn từ việc thầy Trương Anh Hoàng, Giảng viên hướng dẫn của nhóm đang có con nhỏ, thường gặp khó khăn khi lưu lịch tiêm hay uống thuốc cho con.
Nhóm xây dựng phần mềm từ 6/2015, mục sổ tiêm được hoàn thành rất nhanh chóng chỉ trong vòng 2 tháng và đưa lên kho ứng dụng Play Store của Android sau đó. Trước Meboo, thị trường đã có vài phần mềm tương tự như Medisafe, eDoctor, tuy nhiên, nhóm nhận thấy nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng như thiếu tiếng Việt, hạn chế chức năng. Do đó, Meboo ra đời nhằm cải tiến và cung cấp thêm nhiều chức năng như đặt dịch vụ hay địa điểm y tế.
Video đang HOT
MeBoo có nhiều ứng dụng để người dùng tự theo dõi lịch tiêm chủng hay điều trị, cùng với các địa chỉ y tế gần đó.
Để có tốc độ nhanh, nhóm đã phải làm việc cật lực. Huy cho biết, lợi thế của họ là xuất phát từ dân kỹ thuật và có độ chuyên môn hóa cao. Theo đó, anh phụ trách phát triển ứng dụng nền web và lưu trữ dữ liệu lên máy chủ; Thịnh, Ngọc chịu trách nhiệm phát triển nền tảng Android trong khi Phong làm trên iOS.
Nhóm các nhà phát triển trẻ cũng phải vượt qua nhiều thử thách kỹ thuật như bố trí lưu dữ liệu, kỹ thuật đồng bộ dữ liệu giữa các máy và tài khoản. Những lúc này, ngoài sự hướng dẫn của giảng viên, họ phải tự tìm tòi các nguồn tài liệu khác nhau, hoặc tìm đến các anh chị khóa trên, những người nhiều kinh nghiệm hơn trong ngành.
Không chỉ gặp áp lực về kỹ thuật, nhóm cũng phải chịu nhiều áp lực về thời gian và kinh phí. Các thành viên đều là sinh viên năm cuối, phải làm khóa luận kết hợp với công việc làm thêm. Trong quá trình làm việc, họ phải thu xếp thời gian. Huy cho biết, thức đêm và cả cuối tuần là chuyện bình thường.
“Nhiều lần nhóm nản chí và muốn dừng lại, nhưng cuối cùng mọi người lại động viên nhau cùng tiếp tục”, Huy chia sẻ. Để hạn chế căng thẳng, mọi người ra quy định tìm lỗi trong quá trình làm việc, và ai phạm lỗi nhiều sẽ phải chịu những hình phạt rất… sinh viên như mời ăn cả nhóm. “Tất cả đều là sinh viên làm việc với nhau nên cũng thoải mái”, Huy cho biết.
Vừa là bạn học, vừa là cộng sự, nhóm phát triển Meboo phải vượt qua nhiều khó khăn để có duy trì ứng dụng. Ảnh nhân vật cung cấp.
Ý tưởng tốt, có những thành công bước đầu nhưng Huy cho biết, nhóm vẫn còn nhiều vấn đề phía trước để mang ứng dụng đến số đông người dùng. Rào cản lớn nhất của họ là niềm tin khách hàng vào dịch vụ y tế: “Người Việt vẫn thích gặp trực tiếp bác sỹ để được tư vấn, vì thế Meboo quyết định chỉ làm cầu nối cho người sử dụng và người cung cấp dịch vụ y tế. Rất may, người dùng đang có phản hồi khá tích cực với ứng dụng”.
Phương hướng tiếp theo cũng đã được hoạch định khá rõ ràng, “Meboo mong muốn liên kết với các đơn vị y tế, phòng khám để đem dịch vụ của họ lên cơ sở dữ liệu, thay vì phải tự tập hợp từ nhiều nguồn như hiện nay”. Đồng thời, thông tin y tế cá nhân vốn khá nhạy cảm, nhưng hiện tại nhóm vẫn đang dùng các chuẩn bảo mật thông dụng, Huy cho biết, trong tương lai, nhóm sẽ bổ sung một số chuẩn bảo mật mới, tăng cường mã hóa giao tiếp giữa ứng dụng với người sử dụng.
Với họ, kinh phí sẽ là vấn đề trong tương lai, hiện chi phí cần cho ứng dụng không lớn do Meboo chưa nhiều người dùng. Tuy vậy, để có được số tiền duy trì này, các bạn vẫn phải đi làm thêm và bỏ tiền túi để “nuôi app”. Huy cũng cho biết “nhóm chưa nghĩ đến vấn đề gọi vốn, mà chờ đến khi sản phẩm phát triển cao, đem lại nhiều giá trị xã hội hơn”. Bằng cách này, họ có thể đảm bảo Meboo được đánh giá cao nhất trong mắt các nhà đầu tư. Ngoài ra, nhóm cũng hy vọng mở rộng nhân sự, tăng cường kỹ năng marketing, quảng bá sản phẩm hơn nữa.
Hỏi về tương lai của sản phẩm, Huy cũng khá phân vân khi mọi người sắp ra trường và đứng trước nhiều lựa chọn, nhưng 9x này tỏ rõ quyết tâm: “Nhóm mình hy vọng sẽ phát triển ứng dụng lâu nhất có thể, vì đã theo nó suốt một chặng đường khá dài”.
Lê Phát
Theo Zing
Trí tuệ nhân tạo Google đánh bại huyền thoại cờ vây thế giới
Kỳ thủ Lee Se-dol - huyền thoại cờ vây thế giới - đã bị phần mềm AlphaGo của Google DeepMind đánh bại trong trận tỷ thí sáng 9/3.
Một chương đáng nhớ trong lịch sử phát triển ngành trí tuệ nhân tạo đã được viết vào ngày 9/3/2016, khi phần mềm AlphaGo của nhóm Google DeepMind chiến thắng trận đầu tiên với huyền thoại cờ vây Lee Se-dol đến từ Hàn Quốc. AlphaGo và Lee sẽ có bốn trận nữa để tranh phần thắng chung cuộc.
Theo The Verge, cuộc so tài sáng 9/3 đã diễn ra vô cùng căng thẳng và kéo dài 3 giờ 28 phút 28 giây trước khi Lee Se-dol đầu hàng đối thủ từ Google. "Tôi vô cùng ngạc nhiên. Tôi không nghĩ mình sẽ thua nhưng cũng không ngờ AlphaGo có thể chơi một ván đấu hoàn hảo đến vậy", Lee phát biểu sau trận đấu.
Lee Se-dol (bên phải) đấu với AlphaGo (phần mềm cờ vây trên màn hình). Một người khác sẽ đặt giúp quân cờ lên bàn cờ thay cho AlphaGo. Ảnh: The Verge.
Cờ vây là loại hình đối kháng cổ xưa của Trung Quốc và là một trong những thử thách lớn nhất được đặt ra trong quá trình phát triển trí thông minh nhân tạo. Trong khi máy tính đã thắng được những kỳ thủ giỏi nhất trong cờ vua và cờ đam, thì thử thách với môn cờ vây vẫn là giới hạn mà trí thông minh nhân tạo chưa thể vượt qua trước khi có AlphaGo.
Trong năm ngoái, phần mềm của Google đã đánh bại nhà vô địch cờ vây châu Âu Fan Hui. Mỗi khi thắng một đối thủ mạnh, AlphaGo càng trở nên thông minh hơn nhờ cơ chế tự học của mình. Nhưng khác với Fan Hui, Lee Se-dol ở một đẳng cấp hơn hẳn. Chiến thắng đầu tiên của AlphaGo trước huyền thoại cờ vây là một bất ngờ lớn.
Lee Se-dol rời đi với vẻ mặt căng thẳng sau màn đấu trí hơn ba giờ đồng hồ với AlphaGo. Ảnh: Sam Byford.
"Tôi không hối tiếc vì đã chấp nhận thử thách. Tôi thừa nhận mình bị sốc, nhưng giờ thì chuyện đã rồi. Tôi thích thú ván đấu này và luôn hướng về phía trước", Lee cho biết. "Tôi nghĩ mình đã khai cuộc chưa tốt. Nếu mở màn thuận lợi hơn, tôi sẽ có nhiều khả năng thắng trận đấu đó", Lee không ngừng ngạc nhiên về cách khai cuộc hoàn hảo của AlphaGo và cả những nước cờ mà anh không thể lường trước.
Lee sẽ tái đấu với AlphaGo vào thứ Năm, thứ Bảy, Chủ nhật và thứ Ba tới. Nếu chiến thắng AlphaGo, Lee Se-dol sẽ giành được giải thưởng lên đến 1 triệu USD.
Lee Se-dol sinh năm 1983, xếp hạng 2 thế giới môn cờ vây. Tính đến tháng 2/2016, Lee sếp sau Lee Chang-ho, một huyền thoại khác của Hàn Quốc. Trong khi đó, AlphaGo chỉ mới được DeepMind, một nhóm phát triển phần mềm của Google có trụ sở tại Anh tạo ra trong khoảng 10 năm nay. Trước khi chạm trán Lee Se-dol, AlphaGo đã đấu hơn hàng trăm ván cờ với các kỳ thủ từ hạng thấp đến hạng chuyên nghiệp, và phần mềm này cũng tự học được tất cả những tình huống, nước đi hay qua mỗi trận đấu.
Duy Tín
Theo Zing
Google mở lại tính năng dẫn đường chi tiết tại Việt Nam Sau khi thử nghiệm trong thời gian ngắn vào giữa năm ngoái, tính năng dẫn đường chi tiết của Google Maps bất ngờ cho sử dụng lại từ hôm qua. Tính năng dẫn đường chi tiết của Google Maps có trở lại tại Việt Nam. Dẫn đường chi tiết (turn-by-turn navigation) rất được ưa chuộng trên Google Maps tại nhiều quốc gia trên...