4 bức thư của thầy cô lấy nước mắt học trò
Những bức thư chất chứa tình cảm trìu mến, yêu thương của thầy cô giáo gửi tới những học trò của mình đã khiến nhiều người xúc động.
Cô hiệu trưởng viết thư dặn dò học trò trước kỳ thi tốt nghiệp
Trong buổi phổ biến quy chế thi tốt nghiệp tại trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), các học sinh khối 12 của trường đã lặng đi khi lắng nghe tâm thư của cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng nhà trường. Trong thư, cô động viên học trò của mình luôn cố gắng, nỗ lực để đạt được kết quả tốt nhất, khẳng định bản thân để báo đền cha mẹ.
Ảnh minh họa.
Đặc biệt, cô còn dặn dò học trò nhớ giờ giấc để không bị đi thi muộn, không ăn quá no vào ngày thi, nhà trường sẽ hỗ trợ bánh mì và sữa cho học trò nào không kịp ăn sáng… Cô khuyên học trò phải có thái độ nghiêm túc, cử chỉ và lời nói lễ độ với các giám thị; không được xả rác sau khi thi xong… Cuối thư, cô nói: “Cô luôn yêu các con. Giá như có thể ôm được các con trước kỳ thi, thì cô sẽ ôm từng con một và nói: Cố lên nào, con yêu!”
Bức thư của cô hiệu trưởng không chỉ tạo thêm động lực, quyết tâm cho hàng trăm học sinh nhà trường trước kì thi tốt nghiệp mà còn khiến học sinh xúc động, nghẹn ngào khi cảm nhận được sự quan tâm, tình thương yêu của cô giành cho học trò. “Cô không phải là Hiệu trưởng, cô như một người mẹ của tất cả học sinh” – một dân mạng bình luận.
Bức thư viết tay dài 4 trang giấy của cô giáo gửi học trò cũ
Theo chia sẻ của một phụ huynh, trong năm học 2013-2014, gia đình anh chuyển con về học một trường gần nhà. Tuy nhiên, cô giáo chủ nhiệm cũ của con anh tên là Hằng vẫn viết thư thăm hỏi, động viên cậu học trò nhỏ khi biết kết quả thi tại trường mới của cậu không được tốt.
Trong thư, cô chân thành động viên học trò đừng buồn hay lo lắng, “lần này xem như đang chạy vô tình bị vấp, con té ngã, không sao, mình đứng lên liền và cố sức chạy về đích một cách vinh quang nhất, vẫn còn kịp mà”. Đồng thời, cô cũng dặn dò học trò nên giảm bớt thời gian học những môn mình đã giỏi rồi mà hãy nỗ lực, hết sức tập trung vào môn học mà mình còn yếu như: tập đọc, tập làm văn. Cô còn hướng dẫn tận tình học trò phương pháp học những môn này…
Lời dặn dò của cô giáo cũ hẳn sẽ làm lay động câu học trò nhỏ, nhất là khi cô còn động viên rằng: “Cô tin rằng con hiểu và làm được mà đúng không con. Cô sẽ theo dõi kết quả của con đấy nhé, cố lên, đừng để mọi người thất vọng vì mình nhé!”
Video đang HOT
Thầy Văn Như Cương viết thư chia sẻ với học trò ngày khai giảng
Thầy, cô hiệu trưởng nhà trường đọc thư gửi tới các học sinh trong lễ khai giảng đã trở thành một “thông lệ” lâu nay, nhưng có lẽ hiếm có bức thư nào lại gây xúc động mạnh như bức thư của thầy giáo, PGS Văn Như Cương – hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội viết gửi học trò đầu năm học 2012-2013.
Thầy Văn Như Cương.
Bức thư của thầy ngắn gọn, không hề có những lời răn dạy đầy giáo điều, sách vở, thầy nhắc học sinh hãy biết “vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường; hãy biết tiết kiệm thời gian, đừng gọi điện thoại quá nhiều, nhắn tin vô bổ, lên mạng để câu giờ, đàn đúm, bê tha, bàn luận những điều nhảm nhí”. Đồng thời, thầy cũng khuyên học trò hãy chủ động tự học, đừng đi học thêm quá nhiều vì “học thêm là con đường ngắn nhất làm trí tuệ trở thành “thiểu năng”.
Hiệu trưởng viết thư nhắn học trò “Điểm số không nói lên tất cả”
Sau khi có kết quả từ kỳ thi, những học sinh của trường tiểu học Barrow ở Lancashire, nước Anh đã nhận được bức thư được gửi từ Hiệu trưởng nhà trường và cô giáo trưởng khối lớp 6. Bức thư chứa đựng một thông điệp vô cùng ý nghĩa đối với học sinh: “Những bài thi không phải lúc nào cũng đánh giá được chính xác tất cả những gì khiến các em trở nên đặc biệt” và “điểm số của các em có thể nói lên điều gì đó, nhưng không thể nói lên mọi điều về các em. Vậy nên, các em hãy cảm thấy tự hào kết quả của mình và hãy nhớ rằng có rất nhiều cách khách để chứng tỏ các em là những người thông minh”.
Bức thư xúc động của cô hiệu trưởng.
Bức thư đã khiến tất cả học sinh của trường xúc động bởi chứa đựng rất nhiều tình cảm của nhà trường và có ý nghĩa động viên tinh thần đối với học sinh, dẹp bỏ được áp lực về thi cử, điểm số.
Theo Lan Vũ/Báo Đất Việt
Nghị lực thép của chàng trai mù ước mơ trở thành thầy giáo
Từ một đứa bé mù lòa, Lê Minh Tâm phấn đấu vừa học, vừa làm để tự nuôi sống bản thân và trở thành sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Điều đáng trân trọng là đời sống sinh viên vẫn còn nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng Tâm luôn sẵn sàng dạy đàn miễn phí cho những bạn trẻ nghèo, tàn tật yêu thích âm nhạc.
Mảnh đời bất hạnh
Gặp gỡ, tiếp xúc với Lê Minh Tâm (SN 1990, ngụ xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh) mới thấy và cảm phục ý chí vượt qua bóng tối vươn lên làm người hữu ích của cậu. Nhìn nụ cười lạc quan, thân thiện trên môi chàng sinh viên Ngữ Văn năm 2 này, ít ai biết được cậu đã và đang phải tranh đấu không ngừng với những tháng ngày đen tối để tìm đến ánh sáng tương lai.
Tâm là con út trong một gia đình nông dân nghèo đông anh em. Cha mẹ cậu phải tảo tần làm thuê, làm mướn vất vả lắm mới đủ lo chuyện cơm áo cho đàn con. Nhưng rủi thay, bất hạnh cứ luôn dồn dập kéo đến với gia đình họ. Ông bà sinh được 11 đứa con thì 5 người bị mù lòa, trong đó có Tâm cùng chịu chung số phận với các anh trai. Thương con, cha mẹ cậu bán ruộng vườn để lo chạy chữa khắp nơi nhưng 5 anh em vẫn không nhìn thấy được. Điều khiến ông bà luôn u uất là không tìm được nguyên nhân gây mù lòa cho các con mình, bởi lúc chào đời, đôi mắt của Tâm và 4 người anh vẫn nhìn thấy bình thường.
Đến khi được 5, 6 tuổi thì hai mắt họ lần lượt bị mờ dần, rồi mù hẳn. Đến bệnh viện, các bác sĩ giỏi cũng không tìm ra nguyên nhân gây mù vì kết quả khám nghiệm cho thấy các bộ phận của mắt không có biểu hiện hư hỏng, bệnh tật hay ảnh hưởng của chất độc da cam. Đã đau buồn vì bệnh tật các con, gia đình Tâm lại gánh chịu thêm sự gièm pha của dư luận.
Lê Minh Tâm
Người biết chuyện thì cho rằng, anh em Tâm bị mù do nhiễm độc khi sử dụng nguồn nước ngầm trong sinh hoạt hàng ngày hoặc một gen lặn nào đó gây ra mù. Còn những người độc mồm lại đồn thổi gia đình họ bị tà ma quấy phá hay ăn ở thiếu đức nên các con phải quả báo như vậy. Bỏ ngoài tai búa rìu dư luận, cha mẹ Tâm vẫn miệt mài làm việc để nuôi các con khôn lớn. Về phần Tâm, cậu chưa bao giờ hờn trách số phận hay những người xung quanh mà can đảm chấp nhận sống tuổi thơ tăm tối, đầy gian truân.
Hồi ấy, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nên những người anh mù lòa của Tâm cũng bươn chải đi bán vé số để phụ giúp cha mẹ. Cậu cũng không được đến lớp mà phải sống đơn độc trong bóng tối. Hàng ngày, nghe lũ trẻ hàng xóm rủ nhau cắp sách đến trường và kể chuyện học hành khiến lòng Tâm luôn khát khao được đi học để hiểu biết về thế giới. Ước mơ là thế nhưng khi ngẫm lại mình, cậu bé chỉ biết ngậm ngùi cho số phận.
Cơ may đã đến, năm 10 tuổi, Tâm được nhận vào học ở Trung tâm học tập dành cho người khiếm thị tại xã nhà. Gặp nhiều gian khó khi mò mẫm nhận biết từng con chữ để tiếp thu kiến thức nhưng cậu học trò khiếm thị này luôn đạt học lực giỏi khiến cha mẹ cậu rất vui lòng và hàng xóm xung quanh hết lời thán phục.
Khi lên cấp 2, Tâm buộc phải chuyển xuống TP.HCM để tiếp tục việc học tại trường THPT dành cho người khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu. Từ đấy, cậu bé bắt đầu cuộc sống xa nhà và phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mọi sinh hoạt cá nhân, học tập đều phải tự mò mẫm trong bóng tối. Gian truân nhất là việc đi lại và những lúc đau ốm, bệnh tật không biết nhờ ai chăm nom. Nghĩ đến việc ấy, cha mẹ Tâm ở quê luôn canh cánh nỗi lo trong lòng. Nhưng thời gian trôi qua, cậu bé đã quen dần cuộc sống tự lập và rèn cho mình một nghị lực sống phi thường để bám trụ được ở đất Sài Gòn.
Không buông trôi cuộc đời!
Từ năm cấp 3, Tâm được chuyển sang học hòa nhập với những học sinh sáng mắt tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TP.HCM). Ban đầu, Tâm cảm thấy bị hụt hẫng và chán nản muốn nghỉ học vì không theo kịp bạn bè. Khi còn học ở trường khiếm thị, số lượng học sinh ít nên cậu được giáo viên chỉ dạy cặn kẽ từng con chữ và uốn nắn từng chi tiết nên mới tiếp thu tốt bài giảng.
Tuy nhiên, không để cái khó cản trở việc học, Tâm chọn cho mình một phương pháp học phù hợp, đó là dùng máy ghi âm để ghi lại bài giảng của thầy cô ở lớp. Về nhà, cậu tự tìm tòi tham khảo các tài liệu để soạn riêng cho mình một giáo trình học đầy đủ kiến thức. Khả năng tự học đặc biệt này giúp Tâm luôn hoàn thành tốt việc học để theo kịp những người bạn sáng mắt.
Những cố gắng và nỗ lực vươn lên của cậu đã đem lại thành tích học đáng khích lệ với nhiều năm liền đạt học lực khá giỏi, luôn nằm trong danh sách những học sinh dẫn đầu lớp. Tâm học giỏi đều các môn, đặc biệt là môn Toán và đam mê với môn Văn. Năm lớp 12, cậu học trò khiếm thị nghèo này đạt giải nhì cuộc thi học sinh giỏi Văn cấp thành phố.
Ngày ấy, chi phí ăn ở đối với Tâm là cả một vấn đề nan giải. Khi rời trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cậu phải thuê phòng trọ sống một mình. Cha mẹ Tâm đều đã lớn tuổi, thường xuyên đau ốm nên không thể đi làm lo chi phí ăn học mỗi tháng cho con nên cậu buộc phải tự mò mẫm xoay sở để lo cho bản thân. Từ đó, ngoài giờ lên lớp, Tân tranh thủ đi hát rong trên đường phố để bán vé số.
Bất kể trời mưa nắng, Tâm cùng người anh trai rong ruổi đi bán khắp các con hẻm lớn nhỏ, các quán nhậu ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận. Đến đâu, tiếng hát ngọt ngào, cùng với ngón đàn "độc" của chàng trai mù cũng làm say đắm lòng người nên luôn được bà con ủng hộ. Bên cạnh đó, Tâm cũng nếm trải không ít đắng cay, tủi nhục khi bị các chủ quán nhậu xua đuổi, chửi mắng, rồi kẻ gian bị lừa lấy hết vé số.
Sau những giờ mưu sinh vất vả, trừ hết mọi chi phí ăn uống, xe cộ, Tâm cũng bỏ túi được 200 ngàn đồng. Khoản thu nhập này đã phần nào giúp cậu trang trải chi phí ăn uống, sách vở và phòng trọ mỗi tháng. Tâm chia sẻ: "Cuộc sống càng khó khăn thì mình càng phải cố gắng hơn nữa để thích nghi mà vượt qua bóng tối của cuộc đời. Cha mẹ tôi ở quê đã già nên mình đã chưa lo được cho ông bà thì cũng phải cố gắng lo được cho bản thân để cha mẹ được an tâm. Nhiều lúc tôi muốn ngã quỵ khi phải tối mặt, tối mũi với việc học, việc làm nhưng nghĩ đến cha mẹ, tôi tự bảo mình phải tiếp tục phấn đấu để sau này thành tài có điều kiện phụng dưỡng cha mẹ".
Mùa thi năm 2012, Tâm thi đậu vào ngành Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh và trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc. Từ đó, chàng sinh viên nghèo này lại tiếp tục đem lời ca, tiếng đàn của mình đi bán vé số để nuôi ước mơ trở thành thầy giáo. Dẫu vất vả nhưng thành tích học trong 2 năm qua của Tâm luôn xếp loại khá.
Ngoài nghị lực vượt khó phi thường, chàng sinh viên khiếm thị Lê Minh Tâm còn được nhiều người hâm mộ bởi tài năng âm nhạc qua những ngón đàn độc đáo. Trước đây, cậu chỉ gảy đàn để bán vé số kiếm sống, thì giờ đây tiếng đàn, lời ca ấy lại vang lên trầm bổng trong các chương trình giao lưu văn nghệ của trường, đem lại những giây phút thư giãn cho bạn bè, thầy cô và động viên những người cùng cảnh ngộ. Tâm chơi thông thạo nhiều loại đàn như guita, đàn tranh và organ.
Hiện nay, cậu đã có thêm công việc mới là dạy đàn cho nhiều học viên sáng mắt tại quê nhà vào những ngày cuối tuần và ở TP.HCM. Mỗi buổi học, Tâm chỉ nhận 70 ngàn đồng cho một học viên, lớp học từ 2 đến 3 thành viên. Tuy nhiên, đối với những người khuyết tật đam mê âm nhạc thì được cậu miễn học phí cho họ.
Tâm chia sẻ: "Từ nhỏ, tôi đã yêu âm nhạc và văn chương. Chính tiếng đàn, câu hát đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đối mặt khó khăn, tôi luôn nhắc nhở mình: Đừng bao giờ buông trôi cuộc đời, bởi khó khăn nào cũng có cách giải quyết để vượt qua. Và tôi luôn phấn đấu hết mình để thực hiện ước mơ trở thành giáo viên dạy văn, mong được đem tri thức đến với những người cùng cảnh ngộ".
Nhiều năm qua, dù bận bịu việc học, việc làm nhưng Tâm luôn tranh thủ tham gia nhiều hoạt động xã hội của trường nên được thầy cô và bạn bè yêu mến. Năm 2012, cậu đã vinh dự được Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh trao tặng Huy chương Thanh niên ưu tú làm theo lời Bác. Nghị lực vượt khó phi thường của Tâm thật đáng khích lệ, chúng tôi cầu chúc cậu sẽ sớm hoàn thành hoài bão của mình để thành người hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Theo PLO
Cảm động tình thầy, cô bám trường dạy chữ Hết lòng vì học sinh, các thầy cô Trường Bán trú Tiểu học Đăk Rong (Gia Lai) thay nhau chăm sóc từng miếng ăn, giấc ngủ cho các em. Mỗi năm nhà trường phát động 4 đợt góp tiền mua quần áo cho học trò. Nếu em nào đau ốm, thầy cô lại tất tả chăm lo... Giáo viên góp tiền mua quần...