30 trinh sát đóng giả cán bộ ‘vận động bầu cử’ khống chế 200 phu vàng
Đánh lừa 200 phu vàng giang hồ luôn có mìn và hung khí, cảnh sát hình sự phải hoá trang thành cán bộ tuyên truyền bầu cử khi tiếp cận, rồi “tung lưới” khống chế.
Phòng Cảnh sát môi trường ( PC49, Công an tỉnh Quảng Nam) đang hoàn tất báo cáo gửi lãnh đạo công an tỉnh để xử lý nhiều chủ bãi vàng khai thác trái phép sau khi kết thúc các đợt truy quét. Đây là chiến dịch truy quét vàng tặc kéo dài hơn một tháng tại các huyện miền núi Quảng Nam, lập biên bản đối với hàng chục chủ bãi.
Trung tuần tháng 4, Công an tỉnh Quảng Nam tổ chức truy quét các bãi vàng trái phép. Cảnh sát môi trường cùng Phòng Cảnh sát cơ động (PK 20) được giao nhiệm vụ xóa bỏ những bãi vàng vốn tồn tại hàng chục năm qua.
Theo đại úy Lưu Phước Nguyên (Đội phó Đội khoáng sản, PC 49), chiến dịch gồm 5 đợt truy quét, chủ yếu ở các huyện Nam Giang và Tây Giang. “Chính quyền sở tại đã nhiều lần truy quét nhưng không mấy hiệu quả. Lần này, với mục tiêu xóa bỏ, chúng tôi đã chuẩn bị phương án kỹ lưỡng. Mọi thông tin đều rất bí mật, có thể xem như một trận đánh”, đại úy Nguyên nói.
Vàng tặc bị các trinh sát khống chế. Ảnh: Như Ý.
Đợt truy quét lớn nhất nhằm vào bãi vàng Thành Mỹ 1 ở xã Đắk Pring. Bãi vàng này nằm sâu trong Khu bảo tồn thiên nhiên sông Thanh. Theo đại úy Nguyên, 19h tối 10/5, 30 trinh sát bất ngờ nhận được lệnh của cấp trên chuẩn bị vũ khí, quân trang đi làm nhiệm vụ. Họ mất hơn 3 tiếng để di chuyển từ trụ sở công an tỉnh lên thôn Vinh (xã Tà Pơ, Nam Giang), rồi đi bộ vào bãi vàng của xã Đắk Pring.
“22h tới nơi, để giữ bí mật cuộc truy quét, nhiều anh em trong đoàn lúc này mới biết đang đi vào bãi vàng. Ghe ở đây rất nhiều nhưng chúng tôi chỉ dám thuê một chiếc ghe nhỏ của một người quen biết”, đại úy Nguyên kể.
Sau hơn 2 tiếng vượt qua lòng hồ thủy điện Sông Bung 4, đoàn trinh sát bắt đầu hành trình băng rừng. Họ cởi cảnh phục để hóa trang thành những cán bộ đang đi tuyên truyền bầu cử. Vũ khí được giấu kín trong các balô. “Bãi vàng này nằm trong rừng sâu, tách biệt khỏi dân cư. Mục tiêu đặt ra phải tiếp cận trước lúc trời sáng nên anh em băng rừng, lội suối không dám nghỉ. Đến 5h thì tới bãi vàng, các phu vàng lúc này vẫn đang ngủ”, thượng tá Tuấn nói.
15 người được bố trí vòng vây bên ngoài. 15 trinh sát còn lại lặng lẽ tìm đến lán của chủ bãi, đề nghị được nói chuyện. “Ở đây có hơn 200 phu vàng, toàn hành xử theo luật rừng, lại có sẵn mìn và nhiều hung khí. Về tương quan lực lượng, phía công an ít hơn rất nhiều. Các phu vàng lại có lợi thế thông thuộc địa hình nên chúng tôi phải tính phương án làm sao để họ bình tình, tránh va chạm”, Phó phòng PC 49 cho hay.
Video đang HOT
Lán trại nằm sâu trong khu bảo tồn thiên nhiên, các trinh sát phải băng rừng suốt 7 tiếng. Ảnh: Phước Nguyên.
Gặp các chủ bãi, các trinh sát vui vẻ hỏi thăm tình hình khai thác, sau đó tự giới thiệu đang đi vận động tham gia bầu cử, khiến họ mất cảnh giác. Sau vài tiếng vờ tuyên truyền bầu cử, các trinh sát đề nghị những chủ bãi tập hợp các phu vàng để “lên danh sách đi bầu cử”. Lúc phu vàng đang xếp hàng, lập tức 15 trinh sát vòng ngoài mang theo súng ập vào, phối hợp với người bên trong vây ráp hơn 200 phu vàng và chủ bãi.
“Biết đã làm chủ được tình hình, lúc này chúng tôi mới tuyên bố là cảnh sát đang đi truy quét khai thác vàng trái phép, các phu vàng quá bất ngờ nên trở tay không kịp”, thượng tá Tuấn kể.
Sau khi lập biên bản xử phạt với 13 chủ bãi, các trinh sát phá hủy 15 hầm lò, 22 lán trại cùng hàng chục máy móc được dùng để khai thác vàng. Hơn 200 vàng tặc bị đẩy đuổi, bàn giao chính quyền địa phương quản lý.
“Nhiều đợt truy quét trước, cứ thấy bóng dáng cảnh sát là phu vàng chạy vào rừng hết. Chúng tôi chỉ có thể phá hủy máy móc rồi về, trong khi vài ngày sau họ lại quay trở lại khai thác tiếp. Lần này nhờ hóa trang mới tiếp cận được để xử phạt”, thượng tá Tuấn nói và cho hay, trong số những phu vàng, có những người đã hơn 30 năm đi làm vàng.
Lán trại lập trái phép bị phá huỷ.
Ngoài đợt truy quét vào bãi vàng xã Đắk Pring, trong chiến dịch lần này, đoàn trinh sát còn mở 4 đợt tấn công vào các bãi vàng ở xã Cà Dy, La ê (huyện Nam Giang) và xã Lăng của huyện Tây Giang. Đoàn lập biên bản xử lý nhiều chủ bãi đồng thời thu giữ một số máy xúc, máy nổ phục vụ việc khai thác.
Cho rằng phải lập kỷ cương, xóa bỏ những bài vàng trái phép, đại tá Nguyễn Viết Lợi, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam, cho biết kế hoạch truy quét vàng tặc sẽ còn kéo dài. “Mới truy quét xong nhưng tôi vừa nghe thông tin, ở một bãi vàng có nhóm nhỏ đã vào lại làm tiếp rồi. Vì vậy cứ tấn công từng đợt nhỏ lẻ sẽ không có hiệu quả, đây chỉ mới là bước đầu”, đại tá Lợi nói.
Người đứng đầu Công an Quảng Nam, cho hay việc xóa bỏ bãi vàng trép cần có thời gian dài. “Chúng tôi đã có kế hoạch. Không chỉ đối với vàng mà còn cát và lâm sản. Việc truy quét tất nhiên cũng rất nguy hiểm nhưng đó là việc của công an. Còn đối với các chủ bãi, quan điểm của công an tỉnh là xử lý nghiêm”, đại tá Lợi nói.
Tiến Hùng
Theo VNE
Vàng tặc và những cuộc trả thù đẫm máu giữa các băng nhóm
Uất ức vì bị nhóm Lệ cướp bóc, tranh giành lãnh địa, cả trăm phu vàng chia làm 3 mũi đã vùng lên đánh úp khiến đại ca giang hồ này không kịp trở tay.
Những năm 1990, nhiều người đổ về miền tây tỉnh Quảng Nam khai thác vàng với giấc mộng làm giàu. Tại bãi vàng Nước Nác, thuộc xã Trà Bui (huyện Bắc Trà My), hàng chục nhóm đã lập "đại bản doanh" với hơn 300 vàng tặc ngày đêm đào bới. Khai thác vàng bất hợp pháp, phần đông phu vàng có lý lịch bất hảo nên chuyện đâm chém, tranh giành lãnh địa và cướp bóc xảy ra liên tục.
Năm 1997, các băng nhóm của Lê Xuân Thu, Ngô Thu Sương, Vũ Đức Thắng, Đỗ Duy Lệ, Đinh Văn Duẩn, Cao Trọng Tiến... nổi lên đình đám. Sau nhiều cuộc giao tranh, nhóm của Lệ được xem là mạnh nhất với quân số đông, cách hành xử tàn ác. Nghe tin ai khai thác được xái vàng, Lệ thường dẫn đàn em đến trấn lột trắng trợn.
Các bãi vàng trái phép của Quảng Nam luôn là điểm nóng về an ninh trật tự. Ảnh: Tiến Hùng.
Theo hồ sơ của Công an Quảng Nam, chỉ trong hai tháng 8 và 9.1997, nhóm của Lệ đã 5 lần chiếm đoạt xái vàng hoặc trấn áp, bắt phải nộp phạt mới tha mạng. Vụ lớn nhất xảy ra vào đầu tháng 8.1997, biết Lê Xuân Thu vừa khai thác được nhiều xái vàng, Lệ dẫn hàng chục đàn em đến cắm cây thánh giá vào đống xái và tuyên bố đó là "của mình".
Thấy quân của Lệ đông và hung hãn, Thu đành nuốt giận nhường cho anh ta gần 100 m3 xái vàng trị giá gần 30 triệu đồng vào thời điểm đó. Thu sau đó cũng mang quân đến lán của Lệ đòi lại nhưng thế yếu nên thất bại.
Ngày 22.9.1997, Lệ đến lán trại của người tình Trịnh Thị Hòa chơi. Lúc này, Hòa cùng Ngô Thu Sương và một số người khác đang sát phạt ở đây, tiền để trước mặt. Nổi lòng tham, Lệ đánh đuổi những con bạc này để vơ tiền, cướp tiếp 700.000 đồng trong túi của Sương.
Ba ngày sau, Lệ nghe tin Sương rêu rao mình lấy 1,4 triệu đồng nên dẫn đàn em tìm gặp hỏi vì sao nói khống lên gấp đôi. Theo cảnh sát, sau khi dùng búa hành hạ Sương, Lệ cho đàn em trói nạn nhân đưa về lán buộc viết giấy nhận nợ 10 cây vàng với lý do "bồi thường danh dự".
Uất hận vì bị Lệ ức hiếp, Sương kêu gọi các đại ca bị Lệ chèn ép là Lê Xuân Thu, Trần Duy Nhất, Vũ Đức Thắng... cùng hợp sức trả thù. Sau một tuần, nhóm này quy tụ được gần 100 phu vàng. Thu được giao vẽ sơ đồ các lán trại của Lệ và đồng bọn để chuẩn bị "tổng tiến công". Một số đại ca khác theo dõi sinh hoạt của băng nhóm Lệ và chế tạo mìn, huy động dao kiếm.
Sương chọn "đánh úp" vào rạng sáng vì lúc này nhiều người trong nhóm Lê phê ma túy ngủ say. "Quân liên minh" chia thành 3 cánh. Cánh thứ nhất do Sương và Vũ Đức Thắng cầm đầu sẽ tấn công lán của Trịnh Thị Hòa vì Lệ thường đến đây ngủ và để lấy lại giấy vay nợ. Cánh thứ hai do Trần Duy Nhất chỉ huy có nhiệm vụ đánh vào lán của Lệ. Nhóm thứ ba do Lê Xuân Thu làm đại ca đánh vào lán của Đinh Văn Duấn - đàn em thân tín của Lệ.
Đúng 3h ngàyngày 3/10/1997, sau tiếng mìn báo hiệu của Thu, nhóm của Sương dẫn quân đến vây lán của Hòa và như dự đoán, Lệ đang ngủ ở đây. Sau khi đánh chém tới tấp tên này, Sương lục soát và lấy được giấy nhận nợ 10 cây vàng.
Nhất sau khi chỉ huy đánh vào lán của Lệ đã cho ném mìn đốt phá... Hồ sơ của cảnh sát thể hiện, cuộc thanh trừng làm hàng chục người bị thương, phần lớn đều đàn em và đồng minh của Lệ, trong đó có một người chết và 5 người bị thương nặng.
Vũ Đức Thắng, một trong những đại ca cầm đầu cuộc thanh trừng, bị bắt sau 17 năm trốn truy nã. Ảnh: H.T.
Sau hơn 4 tiếng hỗn chiến, quân của Sương chia thành từng tốp nhỏ lẩn trốn vì biết công an sẽ đến điều tra. Trên đường đi, nhóm của Thu gặp Ngô Văn Chiến, đàn em của Lệ, nên giữ lại hành hạ suốt một ngày. Sáng 4.10.1997, Thu ra tối hậu thư gửi cho Lệ yêu cầu nộp 10 cây vàng chuộc đàn em về. Thu chỉ chịu thả Chiến cho đi chữa trị vết thương khi biết Lệ đã nhập viện cấp cứu, không có khả năng đáp ứng yêu cầu.
Hơn 2 tháng điều tra, Công an tỉnh Quảng Nam mới đủ chứng cứ để khởi tố 28 bị can trong vụ thanh trừng này. Những tên còn lại do công an không xác định được lai lịch hay đã bỏ trốn, mất tích hoặc không đủ chứng cứ truy cứu.
Một năm sau, vụ án được đưa ra xét xử, Lệ lĩnh án 16 năm tù về 3 tội Cướp tài sản, Cưỡng đoạt tài sản và Vi phạm các quy định về sử dụng tài nguyên, Thu chịu án 15 năm tù... Riêng đại ca Thắng tới năm 2014 mới sa lưới sau thời gian dài trốn truy nã.
Theo Tiến Hùng (VnExpress)
Bắt quả tang 5 tấn mỡ bẩn trên đường tiêu thụ Sáng ngày 26.5, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 6 (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện chiếc xe tải chở hơn 5 tấn mỡ bẩn bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ. Hơn 5 tấn mỡ bẩn bị bắt giữ. ẢNH HÀ AN Thông tin từ Đội Cảnh sát giao thông số 6 thuộc Phòng Cảnh sát...