“30 tiết không thể dạy Triết cho chu đáo”
Câu nói “3 môn Triết học, Kinh tế chính trị và Logic học khi đi học sinh viên Việt Nam thường rất chán, nhưng đến khi đi làm lại là 3 môn hữu dụng nhất” của vị chủ tịch xã có bằng đại học Anh được độc giả thảo luận dưới nhiều góc nhìn khác nhau. Chúng tôi đem vấn đề này tới TS Trần Thị Hạnh, phó chủ nhiệm Khoa Triết học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội).
TS Trần Thị Hạnh khẳng định: Môn triết học cực kỳ cần thiết vì nó cung cấp thế giới quan, phương pháp luận, phương pháp nhận thức, và đặc biệt là phương pháp nhận thức và giải quyết một vấn đề của xã hội.
Triết học dạy chúng ta nhiều thứ, nhưng thứ nhất là chúng ta không hiểu, thứ hai hiểu mà không nhớ, ba là hiểu nhớ nhưng không vận dụng được.
TS Trần Thị Hạnh
4 nguyên nhân khiến sinh viên chán
Có bạn đọc comment thế này: “Chỉ vì nghĩ các môn đó không có liên quan gì nên sinh viên tốt nghiệp ra trường chẳng biết làm cái gì, bởi họ chẳng biết mình là ai, đang đứng ở đâu trong xã hội…”…
- Chính xác là như vậy. Với triết học, những câu hỏi đầu tiên chính là”Ta là ai?”, “Thế giới là gì?”, “Ta là cái gì ở trong thế giới này?”, và “Ta cần phải làm gì?”.
Triết học không chỉ giải đáp câu hỏi về lý luận mà giải đáp cả câu hỏi thực tiễn như “Ta cần phải sống như thế nào”, “Ta làm gì trước tự nhiên, xã hội?”.
Và triết học cũng là câu trả lời cho các mối quan hệ giữa ta với gia đình, xã hội. Như là, người phụ nữ không thể thoát ly được gia đình, chị em chúng ta có thể là thương gia, chính khách, nhà báo, giáo viên, nhưng khi về nhà ta phải biết ta là ai. Nghe có vẻ rất buồn cười nhưng dấy chính là triết học.
Video đang HOT
Vậy thì sự chán chường của sinh viên đối với môn triết bắt nguồn từ đâu, thưa bà?
- Tôi có thể nói thế này: Triết học, với tư cách ngành khoa học cơ bản của đất nước luôn được đầu tư phát triển. Tuy nhiên, lâu nay xã hội nhìn nhận và sinh viên có nguyện vọng 1 vào học triết rất ít, vì các em không hình dung ra vào học cái gì, ra trường làm gì. Những năm gần đây, nhờ truyền thông, ngành học này đã biết đến nhiều hơn.
Việc thứ hai, khó hơn, là giảng dạy các nguyên lý triết học ở các trường đại học. Nguyên nhân sinh viên hầu như học triết nhưng không nhớ gì, không say sưa, cực đoan hơn là ghét bộ môn, đến từ chương trình, sự điều hành đào tạo, từ người thầy và từ chính sinh viên.
Về chương trình, thì hiện nay do bị tích hợp vào cho nên số lượng thời gian cho môn học giảm đi. Trước đây, môn triết có 90 tiết, môn kinh tế chính trị 75 tiết, môn chủ nghĩa xã hội khoa học 60 tiết. Từ năm 2008, khi tích hợp 3 học phần này, triết học còn 30 tiết, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học còn 45 tiết.
Như vậy, bạn hãy hình dung là khi giảng dạy một môn triết học với một lịch sử hàng nghìn năm, thì với 30 tiết không thể dạy gì cho chu đáo được. Không ít trường coi triết học là môn phụ, dạy để hoàn thành nhiệm vụ thôi.
Về phía giảng viên, tôi khẳng định các thầy cô đều rất tâm huyết, có trình độ, chuyên môn, hàng năm được tập huấn bổ túc kiến thức mới.
Tuy nhiên, bây giờ phương thức đào tạo theo tín chỉ, lớp học của các trường không chuyên lên tới hàng trăm sinh viên ngồi trong một hội trường do các trường muốn dồn vào để thuận tiện cho việc điều hành. Giảng viên dùng máy chiếu để dạy.
Tôi biết rằng các giảng viên rất bất bình về hình thức giảng dạy này, vì với môn triết giảng dạy phải đi kèm với thảo luận. Quy mô lớp học tới cả trăm người thì thảo luận là không thể.
Có thầy cô tâm sự với tôi rằng đi dạy rất buồn, dạy cả một hội trường, giảng viên và sinh viên ít có tương tác, khi làm tiểu luận thì các em lấy từ trên mạng xuống hay ra chợ tiểu luận, làm đối phó, không chất lượng.
Còn về phía sinh viên thì sao, thưa bà?
- Các em không hào hứng học bởi thứ nhất, các em đang học phổ thông, vào trường đại học phương pháp học tập hoàn toàn khác.
Mặt khác, đây là môn lý luận, rất trừu tượng, nên sinh viên cực kỳ bỡ ngỡ. Và đây còn là môn học gắn với thực tiễn, các em chưa có vốn sống, kinh nghiệm, nên khi các thầy có lấy ví dụ minh họa về các vấn đề kinh tế xã hội các em gần như là không biết.
Và thường môn triết rơi vào học kỳ I. Đương nhiên, khi các em chưa tìm ra được phương pháp học, cộng với những lý do nói trên, nên khi kết quả học tập thấp sẽ lại càng chán, phải thi lại, học lại, sinh ra ghét luôn môn học.
Còn có ý kiến cho rằng nguyên nhân sinh viên không thích môn triết còn vì nội dung giảng dạy…
- Tôi hiểu, ý kiến này nói về việc môn triết học trong nhà trường chủ yếu dạy về triết học Mác – Lê nin.
Phải khẳng định rằng triết học Mác – Lê nin là hệ thống rất hoàn chỉnh từ duy vật biện chứng đến duy vật lịch sử, cần phải học một cách đầy đủ, căn bản, chắc chắn. Đặc biệt phần duy vật lịch sử là hòn đá tảng cho các ngành khoa học xã hội và nhân văn.
Nhưng để hiểu được nó thì cần những đường dẫn từ trong lịch sử, để các em hiểu tường tận từ nguồn gốc, điều kiện hình thành, từ triết học cổ điển Đức ra sao, triết học Phương Tây, Hy lạp, La mã, Phục hưng như thế nào… Khi triết học Mác – Lê nin vào Việt Nam thì phải hiểu triết học Phương Đông.
Giáo trình từ những năm trước 2008 đã có phần về lịch sử triết học, sinh viên rất thích. Và có phần nữa là nhận thức luận, logic với tư cách là công cụ để nhận thức, sinh viên cũng rất thích. Nhưng sau này khi thực hiện chương trình tích hợp gần như là bỏ hết, chỉ gần như còn có phần triết học triết học Mác – Lê nin. Và như vậy, như chúng tôi hiểu, là bây giờ chỉ dạy mỗi phần ngọn.
Để môn học không “kinh, chán”
- Tôi muốn nói triết học là rất hấp dẫn, rất hay. Chỉ có điều nó không long lanh, lung linh để người ta nhận ra ngay, mà cần phải có người dẫn đường là người thầy.
Chương trình đào tạo bây giờ dành thời lượng nhiều cho các môn kỹ năng, môn chuyên ngành, nên không thể đòi hỏi tăng thời gian cho môn triết. Điều tôi mong muốn là triết học được đứng ra thành một môn độc lập, vì nó vốn là một môn khoa học từ bao đời nay.
Với tư cách như vậy, chúng ta sẽ kết cấu lại chương trình khung của Bộ GD-ĐT, sau đó các trường từ khung đó soạn ra bài giảng đặc thù cho sinh viên theo các khối văn hóa nghệ thuật, khối công nghệ, khối khoa học tự nhiên, khối khoa học xã hội nhân văn. Nếu có bài giảng đặc thù cho mỗi đối tượng sinh viên, chất lượng giảng dạy cũng như hiệu ứng đối với môn học chắc chắn sẽ được nâng lên.
Nhưng nếu không nhận được sự hợp tác từ sinh viên, thì dù có thay đổi đến mấy cũng sẽ thất bại?
- Đúng là cần tạo ra sự hấp dẫn, sinh động, hứng thú từ sinh viên trước, sau đó mới đi vào dẫn dắt các em tới với khoa học.
Khoa học không phải là một thứ dễ hấp dẫn con người. Nên việc quan trọng là thay đổi thái độ nhận thức của sinh viên. Ngay từ đầu, nếu sinh viên đã mang thái độ đã kỳ thị, phân biệt, đã bị khóa trên bảo môn này kinh lắm, khiếp lắm, chán lắm, trượt nhiều lắm, thì các em sẽ không có động lực học.
Tôi luôn nói tình yêu đối với triết học, việc thấy được giá trị của triết học không đến ngay tức thì mà nó cần độ ngấm về mặt thời gian.
Cho nên mới có hiện tượng thứ hai như thế này: Triết học cũng là một bộ môn chung ở cao học, nhưng học viên lại rất thích môn học này. Bởi vì họ đã có thực tế, vốn sống, kinh nghiệm… và đặc biệt học viên cao học đã từng vấp ngã, va vấp, đã từng đứng trước một biến cố nào đó mà họ không biết cách giải thích, hay chưa tìm ra được phương thức để thoát ra. Phải gặp những trường hợp như vậy, họ mới cảm thấy triết học là rất cần thiết, giống như anh chủ tịch xã kia.
- Cảm ơn bà!
Theo Vietnamnet.vn