30 năm hầu tòa cùng người câm điếc
Phiên xử nào cô cũng thấy day dứt vì đáng ra người câm điếc phải được giáo dục tốt hơn, được xã hội nhìn bằng con mắt khác hơn…
Gần đây, cô Ngời thường xuyên được tòa mời đến tham gia những vụ ly hôn giữa những người câm điếc. Theo cô, hôn nhân của họ đổ vỡ chủ yếu do các bậc cha mẹ bởi hầu hết người câm điếc sống dựa vào gia đình. Thêm vào đó là sự hạn chế trong giao tiếp.
30 năm dạy người câm điếc, cô Trần Thị Ngời, Hiệu trưởng Trường Khuyết tật thính giác Hy Vọng 1 (TPHCM), không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần ra tòa phiên dịch. Phiên xử nào cô cũng thấy day dứt vì đáng ra người câm điếc phải được giáo dục tốt hơn, được xã hội nhìn bằng con mắt khác hơn…
Mỗi lần ra tòa làm phiên dịch, cô Trần Thị Ngời đều day dứt với những bản án dành cho người câm điếc.
1. Đầu những năm 1980, khi cô vừa chập chững bước vào nghề thì xảy ra một vụ án động trời. Hai người điếc sát hại cả một nhà bốn người để cướp của. Công an chẳng mấy khó khăn để xác định thủ phạm.
Video đang HOT
Trong quá trình điều tra, tất cả đều bất ngờ vì thái độ của các hung thủ. Họ chẳng có vẻ gì ăn năn hối hận mà miêu tả rất rành mạch, chi tiết về hành vi phạm tội. Khi đó, cô ngờ ngợ hiểu ra rằng họ không phải là những sát thủ lạnh lùng mà chỉ là những kẻ vô cùng ngờ nghệch.
Nhận thức của họ không đủ để hiểu tội ác của họ nguy hiểm và gây phẫn nộ tới mức nào. Gặp cô, họ lại nhờ cô xin các anh công an tha cho họ vì họ… mới chỉ giết người có một lần và hứa lần sau không làm thế nữa.
Dù cả nhà trường và học sinh câm điếc cùng ký tên vào lá đơn xin khoan hồng nhưng hai bị cáo cũng không thoát được án tử hình. Sau vụ này, cô đã dốc tâm để dạy cho những người câm điếc thật tốt, nhất là về ý thức pháp luật.
2. Mỗi lần nhận được giấy mời của cơ quan tố tụng, cô cứ thon thót lo sợ phải giáp mặt với học trò cũ ở chốn pháp đình nhưng may mắn là điều đó chưa bao giờ xảy ra.
Cô bảo học trò của mình được dạy dỗ đàng hoàng mà nhận thức vẫn còn rất hạn chế, nói gì đến những người câm điếc chưa bao giờ được đến trường. Gần 10 năm nay, các cơ quan tố tụng thường xuyên mời cô đến giúp.
Ban đầu một năm chỉ xảy ra hai, ba vụ trộm cướp lặt vặt nhưng càng ngày số lượng người câm điếc phạm tội càng tăng và trọng án càng nhiều. Có tháng cô phải tham gia tới ba vụ án.
Mới đây, cô được TAND quận Thủ Đức mời phiên dịch cho Nô, một bị cáo câm điếc phạm tội cướp tài sản. Khi tòa hỏi các bị cáo khác là tại sao biết cách rủ người điếc đi cướp, họ trả lời rất đơn giản: “Chỉ cần đưa cho Nô một con dao và ra dấu giật đồ là Nô vô tư cầm dao chém người cướp của”.
Cô bảo chuyện đó bình thường, bởi lẽ hạn chế trong việc tiếp thu kiến thức, người điếc suy nghĩ đơn giản lắm. Những người không được đi học và thiếu sự quan tâm của gia đình thì chủ yếu sẽ sống theo bản năng, khi bị người xấu lôi kéo lại càng vô cùng nguy hiểm.
Như Nô, chỉ được chia có 200.000 đồng mà bị cáo sẵn sàng cầm dao chém người chẳng nhát tay. “Đau lòng hơn, bị tòa phạt năm năm tù, Nô vẫn vui cười tra tay vào còng, theo các anh công an leo lên chiếc xe bít bùng. Tôi chắc rằng lúc đó Nô không hiểu được năm năm tù sẽ nặng nề đến thế nào” – cô thở dài.
3. “Xã hội phát triển hơn, phức tạp hơn nhưng nhận thức của người câm điếc, nhất là những ai không được học hành dường như vẫn thế. Bây giờ, họ có thể biết sử dụng Internet, chat chít nhưng cũng từ đó mà bi hài kịch phát sinh”.
Vài ngày trước, cô được mời đến trại Chí Hòa để lấy lời khai của Cường. Qua chat, Cường làm quen với một cô gái ở Vũng Tàu. Chẳng hiểu “nói chuyện” sao mà Cường bị cô gái “chửi” như tát nước vào mặt nên vô cùng tức tối.
Trời xui đất khiến, lúc Cường cùng nhóm bạn câm điếc ra công viên nhậu thì đụng ngay cô gái nọ cũng đang cùng một nhóm câm điếc khác đến. Chẳng nói chẳng rằng Cường cầm ghế chạy đến phang thẳng vào người cô gái. Cô kia cũng chẳng vừa, lao vào đánh trả. Khi mọi người căn ngăn, Cường vẫn tức giận đến mức ôm ngay một bạn đứng cạnh mình giơ lên rồi quăng xuống đất tới ba lần.
Thấy nạn nhân nằm giật giật, cả hai nhóm kéo nhau về, chỉ còn một người có ý thức đến… vắt chanh vào miệng cho nạn nhân nhanh tỉnh rồi cũng bỏ đi. Không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân chêt sau đó. Sáng hôm sau, Cường bị công an ập vào bắt khi vẫn đang ngủ say.
“Họ xử sự với nhau như vậy đấy. Muốn là làm và chẳng bao giờ nghĩ đến hậu quả. Khi lấy lời khai, các anh công an hay hỏi về động cơ, mục đích của hành vi phạm tội. Kiểu câu hỏi như ý định phạm tội có từ lúc nào, tại sao… nhưng người được hỏi không bao giờ trả lời được.
Thậm chí nhiều người còn không có ý niệm về thời gian, cái gì xuất hiện trong đầu thì họ trả lời cái đó. Vì vậy, tôi thấy việc hỏi cung họ như người bình thường có vẻ không ổn lắm” – cô băn khoăn.
Ngay cả khi người câm điếc là nạn nhân, họ cũng ngây ngô không ngờ. Như một vụ hai người câm điếc đâm nhau mà TAND quận 5 đã xử, khi tòa hỏi nạn nhân có đồng ý xin giảm nhẹ cho bị cáo không, nạn nhân này trả lời đồng ý với điều kiện… bị cáo đừng đâm mình nữa.
Lần nào từ tòa về, cô cũng thấy tâm tư trĩu nặng khi vẫn còn rất nhiều người câm điếc không được giáo dục, học hành. Họ hiểu biết quá hạn chế nhưng tòa vẫn xử họ chẳng khác so với người bình thường là mấy.
Báo Pháp luật PLHC