3 vấn đề lớn triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
Sáng nay (13/9), Bộ GD&ĐT và Hội Khuyến học Việt Nam có buổi làm việc về việc triển khai thực hiện Kết luận số 49-KL/TW. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan – Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ chủ trì buổi làm việc.
Bộ GD&ĐT làm việc cùng Hội Khuyến học Việt Nam sáng 13/9.
Ngày 13/4/2007, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 11-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW, ngày 10/5/2019, Ban Bí thư ban hành Kết luận số 49-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Liên quan đến thực hiện Chỉ thị 11 và Kết luận số 49, 3 nội dung lớn được GS Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là: Phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên; các mô hình học tập (công dân học tập, đơn vị học tập, thành phố học tập) và tổ chức Hội Khuyến học; nguồn tư liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, nguồn tài nguyên giáo dục mở.
GS.TS Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền
Đồng tình cách đặt vấn đề của GS Nguyễn Thị Doan với 3 nhiệm vụ quan trọng nói trên, liên quan đến xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cũng như ý kiến tại nhiều hội nghị, hội thảo đều đánh giá tầm quan trọng của giáo dục thường xuyên; nhận thức về giáo dục thường xuyên cũng đã có chuyển biến tích cực.
Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định rõ: Phát triển hệ thống giáo dục mở, xây dựng xã hội học tập nhằm tạo cơ hội để mọi người được tiếp cận giáo dục, được học tập ở mọi trình độ, mọi hình thức, học tập suốt đời.
Trong Luật Giáo dục 2019 cũng quy định cụ thể về giáo dục thường xuyên với các nội dung: Mục tiêu, nhiệm vụ của giáo dục thường xuyên; chương trình, hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục thường xuyên; cơ sở giáo dục thường xuyên; đánh giá, công nhận kết quả học tập; chính sách phát triển giáo dục thường xuyên. Đây là bước tiến rõ nét, điểm mốc để toàn xã hội nhận thức rõ hơn với giáo dục thường xuyên.
Theo Bộ trưởng, để củng cố và phát triển hệ thống giáo dục thường xuyên, Chính phủ cần có sự chỉ đạo để các địa phương, bộ ngành có sự phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện, tránh chồng chéo, cũng như các “khoảng trống” trong công tác quản lý.
Về các mô hình, Bộ GD&ĐT đang xây dựng thông tư về tiêu chí đánh giá đơn vị học tập trong các cơ quan; tuy nhiên, Bộ trưởng mong muốn, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT cùng phối hợp tham mưu cho Chính phủ để ban hành nhằm tăng tính hiệu lực thực hiện.
Liên quan đến phát triển tổ chức Hội Khuyến học, theo Bộ trưởng, trước kia, hiểu theo nghĩa hẹp là các hội, chi hội khuyến học từ Trung ương đến địa phương. Nhưng theo quy định mới, yêu cầu phát triển mô hình tổ chức khuyến học trong trường học, doanh nghiệp, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang, các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
“Xét về phạm vi, đối tượng với ngành Giáo dục, chúng tôi chịu trách nhiệm triển khai một cách chủ động, trước hết là tới các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ĐH. Ngoài văn bản chỉ đạo, Bộ GD&ĐT sẽ có nhiều hình thức để các trường ĐH nâng cao nhận thức, thấy được đây là quyền lợi, là trách nhiệm; nhân rộng mô hình để các trường có thể đóng góp được nhiều hơn, phát triển tốt hơn” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Video đang HOT
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Kim Hiền
Về nguồn tư liệu để phục vụ cho học tập thường xuyên, Bộ trưởng thông tin, Bộ GD&ĐT đã chủ động tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa. Các tài liệu từ mầm non cho đến ĐH được biên tập đưa lên mạng. Thậm chí, Vụ Giáo dục thường xuyên còn chọn vấn đề nhiều người dân cần biết, quan tâm để biên soạn thành các chuyên đề, các gói tri thức, khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đều được tham gia trên môi trường mạng, trong đó các trường ĐH phải là nòng cốt. Bộ GD&ĐT sẽ nhanh chóng có văn bản gửi các cơ sở giáo dục ĐH về nội dung này.
Kết luận buổi làm việc, GS Nguyễn Thị Doan đề xuất các nhiệm vụ mà Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT cần phối hợp triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh cần quan tâm, tăng cường nguồn lực cho giáo dục thường xuyên, nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Sau buổi làm việc, 2 bên thống nhất sẽ tham mưu Chính phủ để có Kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 49-KL/TW-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.
Hiếu Nguyễn
Theo GDTĐ
Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan: "Nguyện vọng, mơ ước của tôi là Chính phủ tập trung phát triển kinh tế tri thức"
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí trong dịp xuân mới 2019, GS. TS Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (KHVN) đã bày tỏ niềm vui vì năm qua, công tác khuyến học đã hoàn thành kế hoạch, trong đó việc học tập cho người lớn được triển khai mạnh mẽ, mang lại nhiều hiệu quả đáng phấn khởi.
Nâng cao tri thức cho người lớn
Được biết, năm 2018 là một năm công tác khuyến học rất sôi động với nhiều chương trình hoạt động hiệu quả được xã hội đánh giá cao. Xin Chủ tịch cho biết, những điểm nhấn quan trọng trong các hoạt động này?
Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập năm 2018, có rất nhiều khởi sắc so với năm 2017, việc triển khai các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập" đạt kết quả tốt hơn năm 2017.
Cùng với yêu cầu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước và việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, Hội KHVN năm qua có những định hướng mới. Đó là tập trung vào nhiệm vụ khuyến học của người lớn, phát triển trung tâm học tập cộng đồng trên khắp cả nước nhằm tăng cường tích lũy tri thức cho mọi người, đưa Việt Nam phát triển bằng tri thức: Sáng tạo, áp dụng thành công thành quả của cách mạng số 4.0.
GS. TS. Nguyễn Thị Doan - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.
Đất nước muốn phát triển phải có 2 yếu tố:
Thứ nhất, hệ thống giáo dục đào tạo phải hoàn chỉnh theo đẳng cấp quốc tế.
Thứ hai, có nguồn nhân lực chất lượng cao, mà nguồn nhân lực này phải do giáo dục - đào tạo quyết định. Nguồn nhân lực này phải mang đầy đủ những yêu cầu về phẩm chất, kỹ năng của công dân toàn cầu.
Do đó, xác định hệ thống học tập người lớn do giáo dục đào tạo mà chủ yếu là các trường đại học quyết định nên TƯ Hội KHVN phối hợp với Bộ GD&ĐT tập trung vào mũi nhọn: Học tập người lớn và vai trò của các trường đại học.
Đến nay, từ những tuyên truyền và hiệu ứng lan tỏa của các hội thảo về học tập người lớn do TƯ KHVN phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức, nhận thức của các cấp về học tập người lớn và vai trò của các trường đại học về vấn đề này đã có những thay đổi từ lãnh đạo các cấp đến người lớn trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế - xã hội.
Hội KHVN đã quyết liệt "kéo" các trường đại học vào xây dựng chương trình theo hướng "tài nguyên giáo dục mở" (mở về không gian, thời gian, cơ hội, chương trình, giáo dục, nội dung và phương pháp dạy...) để chỉ với 1 smartphone (điện thoại thông minh) thì ngồi đâu người lớn cũng học được vì không phải cứ đến trường mới là đi học.
Được biết, Hội cũng đã không ít lần kiến nghị các cấp lãnh đạo tập trung suy nghĩ về giáo dục không thường xuyên và giáo dục phi chính quy, tích cực tham gia vào sửa Luật Giáo dục. Bên cạnh đó, TƯ Hội KHVN chỉ đạo các Hội Khuyến học địa phương cùng với Vụ Giáo dục thường xuyên (Bộ GD&ĐT) củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm học tập cộng đồng?
Đúng như thế. Năm 2018, cùng với công tác tuyên truyền mạnh về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, chúng tôi đã có các cuộc tập huấn ở cả 3 miền Bắc- Trung- Nam về việc vận động người lớn đi học trung tâm học tập cộng đồng và được hưởng ứng nồng nhiệt. Năm 2019 này, TƯ Hội tiếp tục có hội thảo "Phương pháp xây dựng tài nguyên giáo dục mở, phục vụ học tập suốt đời của người lớn", trong đó có học tập ở Trung tâm học tập cộng đồng.
Đồng thời, Hội sẽ tập trung ký kết các văn bản với các tổ chức chính trị xã hội và với các Bộ, ban ngành về giáo dục người lớn và thúc đẩy xây dựng đơn vị học tập, bởi trong bối cảnh hội nhập và khoa học kỹ thuật tri thức phát triển phải tập trung nâng cao tri thức cho các đối tượng này.
Hội đã chủ động xây dựng Bộ tiêu chí "Đơn vị học tập" để cùng Bộ GD&ĐT nghiên cứu ban hành triển khai; Hiện nay, mô hình "Thành phố học tập" đang được Hội KHVN nghiên cứu để triển khai ở TP.HCM và một số tỉnh.
Tập trung đào tạo lại người lớn trong ngành giáo dục
Năm qua là một năm "sóng gió" với ngành Giáo dục: gian lận thi cử bùng phát, giáo viên bị nghỉ việc nhiều, dạy thêm học thêm, uy tín giáo dục giảm sút... với vai trò "chấn hưng giáo dục" lãnh đạo Hội KHVN đã có hoạt động nào để tác động vào việc này, thưa bà?
Giáo dục của chúng ta hiện nay đúng là có vấn đề, có thể nói là lỗi hệ thống. Đường lối, nghị quyết chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thì rất đúng nhưng lỗi hệ thống ở đây nằm ở khâu triển khai.
Thứ nhất, theo tôi, một thời gian dài chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức trong nhà trường, kể cả các trường sư phạm. Do đó, vấn đề đạo đức xã hội, đạo đức người thầy như một số vụ vừa qua là có trách nhiệm của ngành giáo dục trong nhiều năm.
Thứ hai, chúng ta tập trung cho đổi mới thi cử nhiều quá, năm nào cũng đổi mới làm cho học sinh và phụ huynh không thể theo kịp. Chính vì thay đổi nhiều mà trong 2018, một số cán bộ địa phương đã lợi dụng sơ hở để sửa bài, nâng điểm cho thí sinh gây bức xúc dư luận.
Thứ ba, bệnh thành tích trong giáo dục chưa được khắc phục. Mặc dù, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo về khắc phục bệnh thành tích trong thi giáo viên giỏi gây sức ép cho thầy cô giáo như vừa qua nhưng lỗi quá trọng thành tích trong bình xét: giáo viên giỏi, số học sinh được lên lớp, trường tiên tiến... đến nay vẫn là nỗi lo cho giáo viên và nhà trường. Bây giờ chúng ta phải nghiên cứu sửa lỗi hệ thống này, làm sao đề cao đạo đức, phẩm chất và chuyên môn của người thầy, không mang tính hình thức nữa.
Vậy Hội KHVN đã làm gì, thưa bà?
TƯ Hội KHVN hiện nay cũng đang triển khai hoạt động khuyến học, khuyến tài ở các nhà trường. Khuyến học ở đây không chỉ là việc phát học bổng cho học sinh mà phải xây dựng nhà trường thành "đơn vị học tập" và mỗi thầy cô giáo phải là một tấm gương rèn luyện đạo đức và học tập.
Việc trao học bổng, động viên những thầy cô giáo tích cực học tập đang được Hội Khuyến học các cấp triển khai có hiệu quả.
Tôi thấy, đã có phụ huynh nói rằng "ước gì con tôi chỉ là học sinh không được cô khen", rõ ràng phụ huynh không cần khen ngợi nhiều, họ cũng cần đánh giá thực chất về con em mình. Đặc biệt, có phụ huynh tâm sự, họ không muốn cứ gần đến kỳ thi, cô giáo chỉ yêu cầu học sinh học thuộc lòng 10 bài văn mẫu, 10 bài toán mẫu để lớp cô đạt thành tích cao.
Một vấn đề nữa, theo tôi, khó khăn cho thầy cô giáo hiện nay là bảng lương cho giáo viên còn thấp. Tại sao dạy thêm, học thêm tràn lan? Tại sao có bệnh thành tích?... Tất cả những hiện trạng tiêu cực có thể được dư luận phân tích ra một phần do lương của giáo viên thấp quá. Cho nên, bắt buộc thầy cô phải nghĩ ra nhiều cách để học sinh đi học thêm.
Chung quy, bệnh thành tích và thu nhập thấp làm giáo viên phải nghĩ ra đủ kiểu để tăng thu nhập. Nghề giáo, nghề bác sĩ là nghề cao quý của xã hội, song hình ảnh người thầy trong con mắt mọi người không được như xưa. Đáng phải suy nghĩ.
Bên cạnh đó, thời gian dài tuyển sinh đầu vào sư phạm quá thấp, đào tạo trong trường sư phạm chưa đảm bảo để số đông cử nhân ra trường trở thành những thầy cô giáo đủ phẩm chất, đủ chuyên môn. Do đó, khi nói về vấn đề giáo dục đạo đức trong các nhà trường sư phạm, hình mẫu thầy cô giáo nhiều nơi chưa đạt chuẩn, dẫn đến những hệ lụy như vừa qua.
Tôi rất mừng là hiện nay Bộ GD&ĐT đã nâng vị trí của môn đạo đức ở trong nhà trường lên. Nhiệm vụ của Hội Khuyến học cũng sẽ phối hợp cùng với địa phương quản lý học sinh ngoài nhà trường.
Đất nước sẽ tụt hậu nếu không phát triển kinh tế tri thức
Thưa Chủ tịch, trong những năm làm công tác khuyến học vừa qua, Chủ tịch có trăn trở suy nghĩ gì?
Rất nhiều trăn trở. Thứ nhất, người lớn nhiều nơi chưa chịu học. Người lớn ở đây là ai? Khái niệm người lớn trong học tập suốt đời là những người đang tham gia lao động trong tất cả mọi lĩnh vực.
Họ là những người đã tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, cao học, học nghề hoặc những người chưa được học bất cứ bằng gì nhưng đang làm việc ở mọi lĩnh vực. Có nhiều người chưa chịu học tập nâng cao tri thức, trình độ và cũng chưa có một điều kiện gì để bắt buộc họ phải học, đành rằng học là do quyền lợi, do tự nguyện. Nhưng nếu trông chờ vào sự tự nguyện, tự giác học tập ở mỗi con người thì khó có thể đạt được một xã hội tri thức vì hiện nay một bộ phận (nhất là thanh niên) rất lười học.
Họ vẫn sống được nhưng sẽ "chết dần chết mòn" do kém hiểu biết, bị loại khỏi hệ thống xã hội với khoa học công nghệ phát triển như hiện nay. Điều đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho đất nước, suốt đời đi làm thuê. Đó là điều tôi trăn trở nhất. Cho nên đề nghị lãnh đạo Đảng và Nhà nước tập trung cho giáo dục người lớn.
Thứ hai, các địa phương chưa quan tâm đầu tư cho Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm giáo dục thường xuyên vì đây là những thiết chế giáo dục, người lớn ở nông thôn muốn học tập thì phải đến Trung tâm học tập cộng đồng. Nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm mà đang sáp nhập vào Trung tâm văn hóa thể thao du lịch mà chưa hề có đánh giá, tổng kết mô hình.
Tiếp nữa là phương pháp đào tạo của các trường. Lao động trẻ ra trường không đáp ứng yêu cầu của thị trường là thực trạng phổ biến. Nếu các trường cứ giữ mãi cách tuyển sinh, phương pháp và nội dung đào tạo như hiện nay sẽ làm cho đất nước tụt hậu.
Trong năm 2019, một nguyện vọng, mơ ước của tôi là Chính phủ tập trung phát triển kinh tế tri thức như Thủ tướng đang chỉ đạo để sáng tạo và áp dụng công nghệ mới, sáng tạo ra công nghệ hiện đại, để dần đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo một nghiên cứu, hiện nay 23 lao động Việt Nam mới bằng 1 lao động Singapore (con số này năm ngoái là 15 lao động Việt Nam bằng 1 lao động Singapore). Đó là con số đáng phải suy nghĩ. Có phải đất nước vẫn phát triển nhưng vẫn đang tụt hậu?
Xin trân trọng cám ơn Chủ tịch!
Hồng Hạnh - Lệ Thu
Theo Dân trí
Xây dựng và phát triển khu dân cư khuyến học Nhận thức sâu sắc giá trị tư tưởng, lời dạy của Bác Hồ "Vì lợi ích trăm năm trồng người", những năm qua, phong trào khuyến học, khuyến tài (KHKT) ở TP. Châu Đốc phát triển mạnh mẽ. Các cấp, ngành cùng nhân dân hưởng ứng tích cực, đóng góp nhiều của cải vật chất, tinh thần phục vụ cho sự nghiệp KHKT....