3 tổng thống từng bị Hạ viện luận tội trong lịch sử Mỹ là ai?
Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 3 tổng thống bị Hạ viện luận tội, bao gồm Tổng thống Trump vào năm 2019, nhưng tất cả đều được Thượng viện tha bổng.
Ông Trump vừa trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần – Ảnh: REUTERS
Một số chính trị gia đã đổ lỗi cho Tổng thống Trump về vụ bạo loạn xảy ra tại Điện Capitol và các quan chức đảng Dân chủ nhanh chóng lên kế hoạch luận tội.
Ngày 13-1 (giờ Mỹ), tổng cộng 232 nghị sĩ, bao gồm 10 thành viên Đảng Cộng hòa, bỏ phiếu luận tội tổng thống với cáo buộc “kích động bạo loạn”. Việc này kích hoạt phiên xét xử ở Thượng viện do Chánh án Tòa án Tối cao Hoa Kỳ John Roberts giám sát, nhưng Thượng viện tới ngày 19-1 mới quay trở lại làm việc.
Trong lịch sử Mỹ, chỉ có 3 tổng thống bị Hạ viện luận tội, bao gồm Tổng thống Trump vào năm 2019, nhưng họ đều được Thượng viện tuyên trắng án trong phiên xử tiếp theo.
Tổng thống James Buchanan và Tổng thống Richard Nixon lần lượt bị điều tra vào các năm 1860 và 1973-1974 nhưng không bị Hạ viện luận tội. Ông Nixon đã từ chức trước khi có thể bị luận tội và được Tổng thống Gerald Ford – người từng là phó tổng thống của ông Nixon – tuyên trắng án.
Andrew Johnson
Cựu Tổng thống Andrew Johnson là tổng thống đầu tiên bị luận tội – Ảnh: Politico
Andrew Johnson, tổng thống thứ 17 của Hoa Kỳ, bị Hạ viện luận tội vào tháng 3-1868 vì “các hành vi sai trái” sau khi ông bị buộc tội vi phạm Đạo luật Nhiệm kỳ.
Đạo luật, sau này bị Tòa án Tối cao coi là không hợp lệ, đã hạn chế quyền của tổng thống trong việc cách chức một số quan chức mà không cần sự chấp thuận của Thượng viện.
Ông Johnson bị Hạ viện cho là vi phạm đạo luật này khi cố gắng cách chức Bộ trưởng Chiến tranh Mỹ Edwin Stanton mà không có sự chấp thuận của Thượng viện.
Video đang HOT
Ông Johnson là tổng thống đầu tiên bị luận tội vào ngày 2-3-1868 khi Hạ viện chính thức thông qua các điều khoản luận tội và chuyển chúng tới Thượng viện.
Phiên xét xử tại Thượng viện bắt đầu 3 ngày sau đó nhưng ông Johnson không bị kết tội vì không nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ luận tội.
Đạo luật Nhiệm kỳ cuối cùng bị bãi bỏ vào năm 1887. Ông Johnson vẫn giữ cương vị tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên và duy nhất vào tháng 3-1869.
Bill Clinton
Ông Bill Clinton từng dính bê bối ngoại tình – Ảnh: Getty
Ông Bill Clinton, tổng thống thứ 42 của Mỹ, bị Hạ viện luận tội vào ngày 8-10-1998 vì cáo buộc nói dối và cản trở công lý.
Cáo buộc liên quan đến một vụ kiện của nữ công chức Paula Jones vào năm 1994, cáo buộc ông Clinton quấy rối tình dục. Cựu tổng thống cũng phủ nhận quan hệ tình cảm với thực tập sinh Nhà Trắng Monica Lewensky trong giai đoạn giữa năm 1995 tới năm 1997.
“Tôi không có quan hệ tình dục với cô Lewinsky”, ông Clinton phủ nhận cáo buộc. Nhưng sau này ông lại thừa nhận mình đã nói dối.
Bill Clinton là tổng thống Mỹ thứ hai bị luận tội, nhưng sau đó cũng được Thượng viện tuyên trắng án vào ngày 12-2-1999 do không đủ 2/3 số phiếu yêu cầu.
Ông Clinton vẫn là tổng thống cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 vào ngày 20-1-2001.
Donald Trump
Ông Trump là tổng thống Mỹ đầu tiên bị luận tội 2 lần – Ảnh: REUTERS
Donald Trump, tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, bị Hạ viện luận tội lần đầu vào ngày 18-12-2019 với cáo buộc ông lạm dụng quyền lực và cản trở Quốc hội.
Vụ luận tội xuất phát từ cáo buộc ông Trump gây sức ép với các quan chức Ukraine trong việc điều tra đối thủ tranh cử của ông là Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Vào ngày 16-1-2020, các điều khoản luận tội được đưa lên Thượng viện (đảng Cộng hòa nắm đa số). Ngày 5-2, ông Trump được tuyên trắng án cả 2 tội danh do thiếu số phiếu cần thiết.
Một năm sau, ngày 13-1 (giờ Mỹ), ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị luận tội 2 lần, sau khi Hạ viện bỏ phiếu luận tội với cáo buộc “kích động bạo loạn”.
Có 10 đảng viên Cộng hòa ở Hạ viện đã bỏ phiếu ủng hộ luận tội tổng thống.
Ông Trump sẽ hết nhiệm kỳ vào ngày 20-1 sắp tới và Thượng viện chỉ làm việc lại vào ngày 19-1, do đó khó có diễn biến bất ngờ trước khi ông Biden ngồi vào Nhà Trắng.
Những lời gan ruột trong bất lực của cảnh sát trưởng Điện Capitol
Cảnh sát trưởng Điện Capitol Steven Sund cáo buộc giới chức an ninh Hạ viện và Thượng viện ngăn cản nỗ lực huy động Vệ binh Quốc gia để chặn người biểu tình tràn vào Điện Capitol, theo The Washington Post.
Hai ngày trước khi Quốc hội Mỹ họp để kiểm phiếu đại cử tri, ông Sund lo ngại về quy mô của các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Để đối phó với kịch bản đám đông biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội, ông Sund đã yêu cầu giới chức an ninh lưỡng viện cho phép đề nghị đặt Vệ binh Quốc gia vào trạng thái sẵn sàng tác chiến khi cần. Tuy nhiên, ông Sund tiết lộ hôm 10-1 rằng họ đã từ chối.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ vụ bạo loạn tại Điện Capitol hôm 6-1, ông Sund - người đã nộp đơn từ chức hôm 7-1 (nhưng chưa có hiệu lực) - khẳng định cấp trên của ông không triển khai những động thái chính thức nhằm huy động Vệ binh Quốc gia, kể cả khi họ nhận được thông tin tình báo rằng đám đông tập trung gần thủ đô Washington để phản đối Quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden có thể lớn hơn các cuộc biểu tình trước đó.
Ông Steven Sund. Ảnh: Cảnh sát Capitol
Theo lời kể của ông Sund, quan chức đặc trách an ninh tại Hạ viện Paul Irving nói rằng ông không thoải mái với "viễn cảnh" ban bố tình trạng khẩn cấp trước cuộc biểu tình. Trong khi đó, quan chức đặc trách an ninh tại Thượng viện Michael Stenger đề xuất ông Sund đưa ra yêu cầu "không chính thức", kêu gọi Vệ binh Quốc gia sẵn sàng can thiệp phòng khi Cảnh sát Capitol cần hỗ trợ.
Ông Irving đến giờ vẫn chưa bình luận về những thông tin trên. Tương tự, ông Stenger cũng khẳng định với một phóng viên đến nhà ông vào ngày 10-1 rằng ông "thực sự không muốn nói về vấn đề này".
Ông Sund nhấn mạnh ông đã yêu cầu hỗ trợ 6 lần; tất cả đều bị từ chối hoặc trì hoãn trước và trong lúc bạo loạn xảy ra. Riêng ngày 6-1, khi khoảng 8.000 người biểu tình quá khích tràn vào Quốc hội, ông Sund khẳng định họ chỉ mất 15 phút để phá vỡ cánh Tây của Điện Capitol. Lực lượng của ông Sund nhanh chóng bị áp đảo khi chỉ có 1.400 Cảnh sát Capitol làm nhiệm vụ.
"Nếu được Vệ binh Quốc gia hỗ trợ, chúng tôi có thể đã cầm chân đám đông lâu hơn, cho đến khi có lực lượng tiếp viện" - ông Sund nói.
Những người biểu tình quá khích tràn vào Điện Capitol hôm 6-1. Ảnh: Reuters
Đến khoảng 14 giờ (giờ địa phương), khi đám đông tràn vào Điện Capitol, cảnh sát Washington tức tốc triển khai thêm hàng trăm sĩ quan đến viện trợ. Tuy nhiên, con số này là không đủ. 26 phút sau, ông Sund cho biết ông liên lạc Lầu Năm Góc để yêu cầu hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhiều quan chức Lầu Năm Góc - trong đó có Trung tướng Walter E. Piatt, trả lời rằng họ không thể thuyết phục Bộ trưởng Lục quân Ryan McCarthy chấp thuận yêu cầu của ông Sund dù "tình hình cấp bách", bởi họ "không thích hình ảnh Vệ binh Quốc gia đứng trong đội hình cảnh sát với Điện Capitol ở phía sau".
Bất chấp những yêu cầu hỗ trợ của ông Sund, phải đến 17 giờ 40 phút, thành viên đầu tiên của Vệ binh Quốc gia mới xuất hiện tại Điện Capitol. Khi đó, đã có 4 người thiệt mạng và những diễn biến tồi tệ nhất của cuộc bạo loạn đã chấm dứt từ lâu.
Trong cuộc họp báo tuần trước, các quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh lực lượng cảnh sát Capitol không yêu cầu Vệ binh Quốc gia chuẩn bị trước và chỉ đưa ra yêu cầu khẩn cấp khi đám đông sắp vào được trụ sở quốc hội. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Vệ binh Quốc gia không thể tập hợp lực lượng nhanh như cảnh sát.
Kêu cứu vô vọng!
Ông John Falcicchio, chánh văn phòng của Thị trưởng Washington D.C Muriel E. Bowser, kể lại ông Sund đã kêu gào hỗ trợ trong cuộc điện thoại trực tuyến với sự tham gia của Lầu Năm Góc và giới chức thủ đô. "Ông ấy kêu gào giúp đỡ theo đúng nghĩa đen, hết lần này đến lần khác. Điều này vẫn thiêu đốt tâm trí tôi" - ông Falcicchio kể.
Ông Sund, 55 tuổi, từ chức vào ngày hôm sau, nói với bạn bè rằng ông cảm thấy mình đã khiến đồng nghiệp thất vọng. Giữa cơn tức giận, theo Washington Post, nhiều nhà lập pháp nhanh chóng chấp nhận đơn này. Trước sức ép từ các nghị sĩ, cả hai ông Stenger và Irving cũng từ chức.
Trong cuộc phỏng vấn với Washington Post, ông Sund bảo vệ các sĩ quan của mình, những người mà ông cho là đã chiến đấu quả cảm. Đồng thời, ông vẫn lo ngại cho lễ nhậm chức của ông Joe Biden vào ngày 20-1 tới.
Bị hắt hủi, Donald Trump Jr. và bạn gái rời New York Con trai cả nhà Trump đang xem xét mua nhà ở Florida sau khi bố mẹ và các em đều có kế hoạch chuyển về đây sinh sống. Các con của ông Donald Trump đang lần lượt rời khỏi New York ngay khi thành phố và các doanh nghiệp hủy hợp đồng với Trump Organization sau cuộc bạo động tại Điện Capitol, New...