3 năm triển khai CT 2018, thầy và trò nhiều nơi vẫn ‘dạy chay, trải nghiệm chay’
Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp nghe tên rất hay nhưng giáo viên không có mô hình, dụng cụ, đồ dùng dạy học, vừa dạy ‘chay’ vừa trải nghiệm ‘chay’.
Năm học 2022-2023, là năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong bộn bề lo toan, nhiều bất cập trong quá trình thực hiện.
Mục tiêu chương trình mới là tăng tính trải nghiệm, học qua thực tế, tăng thực hành, thí nghiệm,… nhưng đến giai đoạn hiện nay ở nhiều địa phương vẫn chưa có đồ dùng dạy học ở các môn học.
Ảnh minh họa – P.L
Nhiều địa phương chưa được trang bị, cấp phát đồ dùng dạy học các môn học mới
Chương trình mới đã triển khai và đang thực hiện ở cấp tiểu học (lớp 1, 2, 3), cấp trung học cơ sở (lớp 6, 7), cấp trung học phổ thông (lớp 10).
Đến giai đoạn này nhiều lớp theo chương trình mới ở nhiều địa phương vẫn chưa được cấp đồ dùng dạy học, giáo viên vẫn phải “dạy chay”, học sinh phải “học chay”.
Nhiều môn học, quá trình dạy học phải đi từ thực nghiệm mới rút được kết luận làm niềm tin cho học sinh như Khoa học tự nhiên ở trung học cơ sở, Vật lý, Hóa học, Sinh học ở lớp 10 trung học phổ thông,… nhưng giáo viên đến thời điểm này vẫn phải dạy chay.
Video đang HOT
Các môn học xã hội cần nhiều tranh ảnh, minh họa,… nhưng đến giai đoạn này chưa được cấp phát đồ dùng dạy học.
Các môn học Âm nhạc, Mĩ thuật, Giáo dục thể chất rất cần đồ dùng minh họa nhưng vẫn không được trang bị, cấp phát.
Hoạt động Trải nghiệm, hướng nghiệp nghe tên rất hay nhưng giáo viên vẫn không có mô hình, dụng cụ, đồ dùng dạy học, vừa dạy “chay” vừa trải nghiệm “chay”.
Các môn học mới, sách giáo khoa mới nên khó có thể tận dụng các đồ dùng dạy học của các môn trước đây, bên cạnh đó bộ đồ dùng theo chương trình 2006 đến thời điểm này đa số hư hỏng, khó sử dụng được.
Hiện nay vẫn không có được bộ đồ dùng dạy học cho thấy sự chậm trễ trong việc sản xuất, thiết kế và cấp phát đồ dùng dạy học để thực hiện chương trình mới, khó đòi hỏi chất lượng.
Giáo viên mong muốn không còn cảnh “dạy chay, học chay”
Hiện nay, các trường vẫn chủ yếu “dạy chay, học chay”, cũng không thể dùng ngân sách của trường để mua đồ dùng vì phải chờ cấp phát từ cấp có thẩm quyền (Sở Giáo dục và Đào tạo).
Có trường chia sẻ với người viết, khi liên hệ sở giáo dục thì được trả lời là phải chờ vì phải trải qua quá trình đấu thầu phức tạp và liên quan kinh phí.
Chương trình mới đa số dạy học theo nhóm, mỗi lớp chia làm 6 nhóm, như vậy việc trang bị đồ dùng mỗi trường phải có ít nhất 12 bộ (2 lớp dạy song song).
Nếu mua toàn bộ đồ dùng cho tất cả các trường thì kinh phí sẽ vô cùng lớn, nếu mua không đủ thì chấp vá, khó dạy.
Mà kinh phí thì ngành giáo dục không thể tự quyết định, phải kiến nghị ngành tài chính, không hề đơn giản.
Bên cạnh đó, mỗi địa phương lại có tình trạng dạy theo các bộ sách khác nhau, mỗi bộ sách lại có cách thiết kế không giống nhau nên cùng 1 địa phương lại phải có các bộ đồ dùng khác nhau.
Theo tìm hiểu của người viết, đồ dùng dạy học được sản xuất từ các công ty sách, thiết bị trường học rất nhỏ lẻ, không đáp ứng nhu cầu của các trường trong việc thực hiện chương trình mới.
Các sở giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn phải chờ chỉ đạo của cấp trên vì ngân sách khó đáp ứng việc mua sắm đồ dùng, thiết bị dạy học cho chương trình mới.
Vì thế, hiện nay, đã bước sang năm thứ 3 triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, tình trạng “dạy chay, học chay” vẫn đang diễn ra.
Giáo viên rất mong trong thời gian tới không còn cảnh “dạy chay, học chay” vì không được cấp phát đồ dùng dạy học.
Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, cùng các ban ngành, địa phương nhanh chóng vào cuộc giải quyết những tồn tại, bất cập của chương trình mới trong đó có việc trang bị đồ dùng dạy học mới cho các địa phương và các trường.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Nội dung giáo dục địa phương: Nơi dạy nơi không
Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, nội dung giáo dục địa phương là hoạt động, môn học bắt buộc nằm trong chương trình các môn học tổng thể.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ 4 của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức mới đây, qua giám sát việc triển khai thực hiện nội dung giáo dục địa phương ở một số tỉnh, thành phố, một số đại biểu cho biết, hầu hết các địa phương đang lúng túng khi triển khai nội dung này, bởi có địa phương chưa biên soạn xong tài liệu môn học, có địa phương thì chưa thể in tài liệu bởi vướng ở khâu thẩm định.
"Qua giám sát tại Thanh Hóa thì phải nói rằng là, hiện nay các địa phương là rất lúng túng trong việc triển khai thực hiện trong việc tổ chức biên soạn và in tài liệu sách giáo khoa địa phương. Qua giám sát thì chúng tôi thấy rằng là ở một số nơi có chậm tiến độ và có thể nói là trong học kỳ 1 không thực hiện được chương trình giáo dục địa phương. Tôi thấy là việc này không đồng bộ với các địa phương trên cả nước, nơi thì dạy, nơi không dạy, mà rõ ràng chương trình này chúng ta biết trước"- đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận nêu thực tế.
Ảnh minh họa
Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tài liệu giáo dục địa phương làm chậm là do giao cho địa phương biên soạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trong khi các địa phương cũng phải thuê chuyên gia tổ chức biên soạn. Tuy nhiên, khi biên soạn xong, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn tổ chức in ấn như thế nào, kinh phí ra sao, học sinh phải mua, hay được cấp phát...
"Chuyên gia viết thì liên quan đến nhuận bút. Nếu in mà bán cho phụ huynh thì liên quan đến nhuận bút, nếu như không in thì các con phải xem trên các thiết bị dạy học. Nếu mà trường đảm bảo có đầy đủ là ti vi, có màn hình máy chiếu thì các con học được nội dung đó đa dạng, hấp dẫn, còn nếu không thì thầy cô cũng giảng chay thôi. Hoặc là có trường có điều kiện thì đưa ra ngoài, thực tế có trường thì không. Có những trường là cô giáo hướng dẫn luôn với phụ huynh, cho phụ huynh file về đi in cho các con"- đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho biết.
Hiện đã gần hết học kỳ 1 năm học 2022-2023, việc triển khai nội dung giáo dục địa phương không đồng đều giữa các địa phương khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chung của chương trình giáo dục phổ thông mới. Từ thực tế này, nhiều ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn, cơ chế thẩm định tài liệu này sớm hơn, nhanh hơn để học sinh có tài liệu học./.
Sắp tới, học sinh không học Lý-Hóa-Sinh sẽ không thể vào ngành Sư phạm KHTN? Học sinh THPT muốn trở thành sinh viên sư phạm ngành Khoa học tự nhiên bắt buộc phải chọn tổ hợp các môn học có đầy đủ 3 môn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học. Tiếp tục bàn về bất cập của môn tích hợp Khoa học tự nhiên ở cấp trung học cơ sở đang thực hiện ở lớp 6, 7...