3 năm không bằng 30 phút…
Mặc dù Bộ GD-ĐT chưa có kết luận chính thức về kết quả thi tốt năm nay và các sự cố liên quan, nhưng thông tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT thu hút lượng quan tâm lớn của những người trong cuộc: phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Những ngày qua, VietNamNet nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả bày tỏ ý nguyện từ câu chuyện thi tốt nghiệp này.
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp. Ảnh: Hương Giang
Họ tên: Hoàng
Tiêu đề: Nên bỏ thi tốt nghiệp
Tôi là một giáo viên Toán dạy cấp 3, ra trường và đi dạy 10 năm. Tôi đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Cách làm giáo dục của nước ta hiện nay quá tốn kém và mệt mỏi. Việc các thầy cô dạy dỗ cả 3 năm cuối cùng không bằng một ông coi thi 30 phút cho học sinh chép bài tự do. Việc cử thanh tra Bộ ủy quyền và chấm chéo chỉ thêm tốn kém.
Họ tên: Pippi tất dài
Tiêu đề: Kết quả ảo
Tôi thấy một điều là kết quả thi tốt nghiệp năm nay quá ảo, không hề phản ánh đúng thực trạng chất lượng giáo dục.
Ý kiến cá nhân tôi cho rằng nên xét tốt nghiệp dựa vào kết quả 3 năm học, sau đó tập trung thật tốt cho kì thi đại học. Chứ thực sự, kì thi tốt nghiệp tôi thấy vừa tốn kém, vừa hình thức, vừa quá nhiều tiêu cực, và kết quả thì chỉ mang lại những câu hỏi lớn cho toàn xã hội. Tôi không thấy mặt gì là tích cực ở kì thi tốt nghiệp hàng năm. Vậy thì để nó tồn tại làm gì?
Họ tên: Bắc Việt
Tiêu đề: Bao giờ giáo dục mới thay đổi?
Tôi là một người ở nông thôn, tốt nghiệp cách đây đã 10 năm rồi.
Tôi năm đó trường mình tốt nghiệp có 47% thầy hiệu trưởng đã nói chưa có năm nào kết quả lại tồi tệ như năm nay. Chúng tôi đã nói rằng kết quả thấp nhưng là thực chất. Năm đó chúng tôi thi vào cao đẳng, đại học đỗ đến 92% và đến bây giờ theo tôi được biết thì con số đó vẫn chưa thay đổi được. Mỗi lần họp lớp, chúng tôi vẫn nói với thầy “chúng em làm thầy xấu hổ và cũng làm thầy tự hào”.
Họ tên: Tienphong
Tiêu đề: Cần làm rõ vấn đề này
Lĩnh vực giáo dục – một lĩnh vực đáng lẽ phải là khuôn mẫu, là chuẩn mực, song tiếc thay bây giờ một bộ phận thày thì không cần quan tâm đến chất lượng giáo dục, chỉ biết đến trường dạy cho hết giờ rồi về, không cần biết học sinh học hành ra sao. Một bộ phận học sinh thì lười học, ỷ lại, hư hỏng. Một số thày, cô có tâm huyết, thường hay quát, mắng, thậm chí cả đòn, roi với học sinh (tôi cho rằng đấy mới là những người có trách nhiệm) thì bị phê phán, lên án, thậm chí bị kỷ luật. Cuối năm học sinh vẫn lên lớp, vẫn tốt nghiệp bình thường. Bệnh thành tích đang có rất rõ ở ngành giáo dục thì cớ gì các ngành khác lại không trở thành phổ biến. Bao giờ con thuyền giáo dục Việt Nam mới đi ra được biển lớn?
Họ tên: Nguyễn Văn Trường
Tiêu đề: Cần tỉnh táo
Các bậc phụ huynh đừng có cho rằng con cái mình đỗ tốt nghiệp là điều đáng mừng. Thử hỏi, sau khi ra trường, các em sẽ có thể làm gì với những kiến thức “ảo” mà các em có được. Tâm lý thi là đỗ sẽ không tạo ra cho các em động lực để học tập thực sự Chợt nhớ tới thầy Khoa và thầy Nhân … Bao năm sau mới có những người dám nghĩ dám làm như thầy Nhân.
Họ tên: Đỗ Quang Ngọc
Tiêu đề: Đỗ cao là tốt
Đỗ thấp mọi người sẽ phê phán chất lượng việc dạy và học, lên án chương trình giáo khoa, lên án giáo viên, học sinh, thậm chí cả phụ huynh cũng bị chỉ trích. Đỗ cao các vị lại nói là không thực tế, bệnh thành tích, tiêu cực.
Đằng nào kết quả cũng bị dư luận chỉ trích, đỗ càng cao thì càng nhiều em học sinh được nhờ. Đáng ra học xong lớp 12 là đương nhiên phải được tốt nghiệp rồi (nhiều nước tiên tiến trên thế giới đều vậy). Đằng này, chúng ta cứ để học sinh lên lớp ào ào suốt 12 năm không cần biết kiến thức thế nào, cuối cùng đến khâu cuối thì không cho nhận bằng tốt nghiệp, có phải quá vô trách nhiệm?
Họ tên: Jjino
Tiêu đề: Suy nghĩ của 1 học sinh
Video đang HOT
Năm nay con học lớp 11, năm sau rồi con cũng sẽ đối mặt với kỳ thi này, đọc các tin về tỷ lệ đậu cao con rất mừng vì kỳ thi này có thể sẽ không nhiều áp lực, là học sinh cuối cấp thế này rất nhiều cái lo cô chú ạ, áp lực học tập và thi cử, lựa chọn ngành nghề làm chúng con như bị bao vây giữa mê cung mà chính bản thân phải tự tìm lấy lối thoát, con tự nghĩ những cô chú đang chỉ trích tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao thế kia có nghĩ đến thời buổi bây giờ cầm tấm bằng tốt nghiệp PT sẽ làm – xin – kiếm được công việc như thế nào ? Đỗ tốt nghiệp chỉ là bước đà cho việc thi đại học và học lên cao nữa…, cho 1 tấm bằng phổ thông cho 12 năm học có gì là phí ?
Ảnh: Minh Thái
Họ tên: Lương Ngọc Vĩnh
Tiêu đề: Con đỗ mà chẳng thấy vui
Muốn biết kết quả thi tốt nghiệp phổ thông trung học có thực chất hay không, hãy điều tra bằng phiếu trắc nghiệm với giáo viên, phụ huynh và học sinh về tính nghiêm túc của kỳ thi là biết ngay thôi mà
Tôi cũng có con thi năm nay. Cháu học rất kém môn văn và Anh văn vì chỉ tập trung học môn thi đại học, gia đình rất lo nhưng cháu bảo cứ yên tâm có mấy ai trượt tốt nghiệp đâu mà lo. Trước khi vào thi các thầy ở trường và hội đồng thi đều dặn phải giúp đỡ nhau. Thế nên dù con đỗ tốt nghiệp nhưng tôi chả có gì phấn khởi mà chỉ thấy lo cho nền giáo dục nước nhà.
Họ tên: lifebuoy
Tiêu đề: Nên bỏ kì thi tốt nghiệp
Theo tôi, nên bỏ kì thi này Như thầy Văn Như Cương cũng từng nói. Không nên mất quá nhiều tiền bạc vào một kì thi mà chỉ để loại ra vài học sinh. 12 năm đi học, bao công sức, mong chờ, không để các em qua được thì… Hiện nay thì đến bằng đại học nhiều khi xin việc còn chật vật, sao không thể cho các em có 1 tấm bằng tốt nghiệp giúp có được 1 việc làm chứ, chất hay không thì mỗi trường, mỗi người đều thấy.
Họ tên: Honest
Tiêu đề: Giáo dục hay sự đối phó?
Mục đích của giáo dục là gì? Một cách đơn giản tôi nghĩ rằng là tạo ra con người hữu ích cho xã hội. Nhưng cách thi cử thế nào, nó cho người ta có cảm giác rằng giáo dục đang tạo ra những con người chỉ biết đối phó, điển hình là chạy đua thành tích. Bệnh đối phó thật sự là một bi kịch trong xã hội hiện nay. Khi không đối phó, người ta dám nhìn vào sự thật để mà giải quyết vấn đề. Với thành tích thế này tạo ra cảm giác cho những công dân tương lai này rất e sợ với sự thất bại. Nhưng bản chất của cuộc sống là ta học được những giá trị quý báu từ những thất bại. Vậy mục đích của giáo dục là giúp cho học sinh những kỹ năng để tự hoàn thiện chứ không phải những kỹ năng đối phó.
Ảnh: Minh Thái
Họ tên: linhlinh
Tiêu đề: Quá nhiều tiêu cực, thi làm gì cho mệt
Mình nghĩ tốt hơn hết Bộ GD-ĐT hãy xem xét về việc bỏ hẳn kì thi tốt nghiệp THPT vì những tiêu cực mà nó phát sinh dẫn đến những kết quả “ảo” chỉ mang tính hình thức.
Những cảnh “bình thường” và “quen thuộc” trong kì thi khu vực mình là: giáo viên coi lỏng, học sinh dùng phao như chốn không người, trao đổi bài trong phạm vi cả phòng thi (đặc biệt các môn thi trắc nghiệm), giáo viên nhắc bài cho học sinh. Bạn bè mình còn cay cú nói rằng : “hơn nhau điểm văn với điểm địa (tự luận, trừ môn toán vì lí do dễ hiểu: đề toán năm nay quá dễ) chứ trắc nghiệm chép nhau hết rồi, cùng một số điểm cả, đúng ra chấm một bài đại diện là được rồi”.Nghĩ mà xót xa!
Họ tên: bunny_itvn
Tiêu đề: Thi tốt nghiệp để làm gì?
Năm 2009 mình thi tốt nghiệp môn Địa lý, trong phòng nếu có thí sinh nào không làm được bài, “thày giám thị” còn chạy từ đầu bàn tới cuối bàn xin “phao” cho copy nữa cơ, chỉ có một số thày cô là làm nghiêm,thi tốt nghiệp xong là tài liệu photo đầy sân trường, mang tiếng thanh tra của Sở về mà còn như thế, thử hỏi thi tốt nghiệp như vậy thì thi làm gì nhỉ?
Họ tên: thay giao lang
Tiêu đề: Bình thường hay bất thường?
Là giáo viên, tôi thấy tỉ lệ tốt nghiệp chung của cả tỉnh gần 100% (đặc biệt hệ giáo dục thường xuyên) là bất thường. Đề thi một số môn năm nay dễ đến “bất thường”. Tỉ lệ tốt nghiệp của một số tỉnh tăng lên “bất thường” (tăng gần 20 -30%). Các tỉnh có điều kiện khó khăn lại có tỉ lệ tốt nghiệp cao “bất thường” so với các tỉnh có điều kiện thuận lợi. “Bất thường” ở chỗ Bộ GD-ĐT không thấy sự “bất thường”.
Họ tên: Tuệ
Tiêu đề: Tốt hơn là bỏ hẳn thi tốt nghiệp
Nếu nó không quan trọng nữa thì bỏ đi có phải tiết kiệm bao nhiêu tiền của đất nước, tiền bạc của gia đình các bác và công sức ôn thi của các bạn? Còn nếu bạn có ý định đi du học hoặc không thi đại học thì bạn hoàn toàn có thể vứt bỏ đám sách vở dầy cộp sang 1 bên, không phải bù đầu vào chúng nữa.
Họ tên: huybom
Tiêu đề: Hãy nói không với tiêu cực và bệnh thành tích
Năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa đã dũng cảm đưa ra bằng chứng về những ” trò hề” trong thi tốt nghiệp THPT. Năm 2007, tôi thi tốt nghiệp. Tôi lo lắm, học mờ cả mắt…..1 năm, 2 năm, 3 năm. Bây giờ cái khẩu hiệu ” Nói không với bệnh thành tích trong thi cử” đã chìm sâu, “không sủi tăm” nữa. Đến bây giờ thi tốt nghiệp THPT đã trở về với quỹ đạo trước 2006 nghĩa là đỗ hết đỗ tất. Nhưng bây giờ có phần kín đáo hơn, học sinh tinh vi hơn, giáo viên dè dặt hơn….
Họ tên: Nonsense
Tiêu đề: Không nên thi tốt nghiệp
Đọc để hiểu rằng vì sao mà ngành giáo dục kêu gọi học thật, thi thật cả hàng chục năm nay, nhưng kết quả thì vẫn là con số 0.
Nếu đã là thi cử kiểu như bây giờ, tốt nhất nên bỏ hẳn đi, chỉ cần có một cái chứng chỉ đã hoàn thành chương trình phổ thông là được rồi. Chứ chẳng có một “kì thi” nào mà 100 người thi thì 99 người đậu như thế.
Dù có kém hiểu biết đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì chúng tôi, những người giáo viên, cũng đều nhận ra cái vai hề mà chúng tôi phải diễn vào mỗi kì thi tốt nghiệp hằng năm.
Họ tên: Minh
Tiêu đề: Tỷ lệ tốt nghiệp
Cứ sau mỗi đợt thi tốt nghiệp là người ta lại bàn tới tỉ lệ tốt nghiệp của từng địa phương. Tại sao phải đặt ra chỉ tiêu đó để xảy ra tiêu cực trong khi mình không quy chung nó vào tỷ lệ cho cả nước? Những giải pháp cho những em thi rớt tốt nghiệp là những điều nên bàn nhiều hơn là tỷ lệ để rồi đánh giá thi đua của từng địa phương. Mọi sự so sánh đều khập khiễng. Mỗi địa phương mỗi cảnh cho nên vô hình chung cái tỷ lệ này đã làm cho tiêu cực xảy ra.
Họ tên: Tiền
Tiêu đề: Hệ thống chạy theo thành tích
Nếu nói như các vị trên đây là bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các bài kiểm tra học kỳ cũng nên bỏ nốt.Vì học không thi hoặc cứ thi là đổ thì học sinh đâu có học và hậu quả là thầy cô gánh chịu vì khuyên không được, biện pháp thì không dám rắn vì bị kỷ luật ngay do vi phạm đạo đức nhà giáo. Vậy là thầy cô “làm xiếc” với điểm kẻo bị lãnh đạo phê bình. Lãnh đạo thấp nhất thì nặng nhẹ với giáo viên, lãnh đạo trường thì bị lãnh đạo Sở nặng nhẹ, lãnh đạo Sở lại bị lãnh đạo tỉnh phê bình, cứ như thế nó làm thành một xâu chuỗi chạy theo thành tích và gian lận trong học tập, thi cử và cuối cùng là mất tất cả: hình ảnh người thầy, đạo đức là người (ít nhất là sự trung thực) của thầy và trò, chất lượng xã hội ….?!
Họ tên: Dư luận Việt
Tiêu đề: Nhìn theo hướng cửa sổ
Quả thật, thực trạng thành tích là lối mòn của giáo dục Việt Nam nhưng tại sao lại phải quá khắt khe như thế khi biết không thể có sự đồng lòng của toàn xã hội?
Tốt nghiệp là thủ tục hành chính cho những học sinh rời ghế nhà trường còn việc chặt chẽ nghiêm minh đã có kì thi đại học lãnh sứ mệnh.
Có tấm bằng tốt nghiệp cũng là giúp một bộ phận không nhỏ công dân có thể kiếm được việc làm nếu khả năng học tiếp khó khăn, nó cũng góp phần giảm tỉ lệ thất nghiệp oan ức cho lứa công dân mới của đất nước.
Ngành giáo dục nên chuyên tâm vào tinh lọc đội ngũ lao động có chuyên môn chất lượng bằng cách làm tốt công tác tuyển sinh đại học và quá trình đào tạo.
Và đội ngũ nhà giáo nếu tâm huyết thì xin hãy bồi dưỡng cho những lứa học sinh mai sau thêm chắc chắn kiến thức vững vàng bản lĩnh bước tiếp những chặng đường gian nan sau này.
Theo VNN
Bí quyết cho teen muốn "học lại từ đầu"
Giật mình trước kết quả thi giữa học kì với những điểm số không như ý? Muốn bắt đầu lại việc học nhưng chưa biết nên đi từ đâu? Đây sẽ là những bí quyết mách nước rất hữu ích cho bạn đấy.
Xin lên bàn đầu ngồi
Nhiều bạn rất ngán ngồi bàn đầu và rất thích thú nếu được thầy cô xếp vào những bàn cuối lớp. Thế nhưng đây là một điều bất lợi cho việc học của bạn đấy. Bởi tư tưởng muốn ngồi dưới đa phần nguyên nhân là để ít bị thầy cô chú ý, có thể tha hồ ăn ngủ, làm việc riêng. Như vậy việc học sao không giảm sút được?
Thực tế ngồi bàn cuối lại dễ bị thầy cô chú ý và bị phân tâm khi học. Nguyên do là khi ở vị trí gần cuối lớp, các bạn thường mải mê nhìn ngó xem người này, người kia làm gì. Không chỉ thế, việc ngồi xa thầy cô, xa bảng đen cũng khiến việc học của bạn "trễ nải" bởi dễ bị những câu chuyện ồn ào xung quanh lôi kéo, việc ghi chép bài vở cũng trở nên khó khăn hơn.
Tất nhiên, việc xin chuyển chỗ chẳng dễ. Nhưng nếu thầy cô hay phụ huynh biết bạn muốn chuyển lên để có thể tập trung học hành hơn thì sẽ tạo điều kiện rất nhiều. Ngồi bàn đầu còn có một lợi thế nữa, đó là khi bạn không hiểu bài, hay làm bài sai, các thầy cô chỉ cần "nghía qua" sẽ thấy và hướng dẫn lại ngay cho bạn. Còn nếu ở dưới, đôi khi giáo viên không thể xuống tận nơi, xem hết từng bài. Khi đó, bạn có thể mắc một lỗi sai lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được sửa...
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Học lại những vấn đề cơ bản
Dù chương trình học đã đi gần hết một nửa chặng đường nhưng bạn đừng nghĩ có thể bỏ qua những cái đã học để học cái mới. Nhất là những môn như anh ngữ, toán, lí, hóa... lại càng cần đến cái cốt lõi. Bài học hôm nay hầu hết bắt nguồn và nâng cao từ bài học hôm qua. Nếu đã lỡ bỏ qua cái cốt lõi thì bạn khó lòng học tốt cái mới được.
Tuy nhiên, để học lại tốn rất nhiều thời gian nên bạn có thể áp dụng phương pháp vừa học cái mới và học lại những cái cũ liên quan đến nó. Như vậy, bạn không bị chậm tiến độ hơn so với bạn bè mà còn nắm bài mới một cách rõ ràng, chính xác hơn. Khó nhất là phải biết tìm ra vấn đề cơ bản liên quan. Học lan man dễ trở thành... công cốc!
Tất nhiên, khi học lại những điều bạn bè đã học qua, bạn còn có nhiều lợi thế và tiết kiệm được công đoạn hơn. Đó là do bạn chỉ phải nắm lấy cái chính và có thể tham khảo, hỏi han thêm bạn bè. Tốt nhất, nên hỏi thầy cô những vấn đề trọng tâm cần học. Chắc chắn rằng, chỉ tốn một vài tuần, bạn sẽ có thể "đua" theo bạn bè, nếu cố gắng.
Tách xa những thú vui gắn bó
Thời điểm gần cuối năm sẽ có rất nhiều "cám dỗ" teen. Chưa kể đến những thú vui tồn tại quanh năm suốt tháng hay những trò giải trí đã theo chân khiến teen sa sút trong một quãng thời gian dài từ đầu năm học. Thế nên, khi đã quyết tâm "làm lại từ đầu", bạn cần dẹp bỏ chúng qua một bên với tư tưởng: "Chưa học bài xong chưa ngủ, chưa làm bài đủ chưa đi chơi".
Ngay cả đó có là tình yêu thì cũng cần "chỉnh đốn" lại đôi chút. Nghĩa là ngoài thời gian cần tập trung học, hai bạn vẫn có thể dành thời gian cho nhau nhưng khi đã học thì ra học. Những chuyện như vừa học bài vừa nhắn tin, ngồi học mà đầu óc thơ thẩn nghĩ đến buổi hẹn họ buổi chiều là rất nên tránh.
Tất nhiên, không phải vì thế mà ép bạn một lịch học căng thẳng và kín mít không có thời gian giải trí. Vui chơi đúng mực, điều độ và không quá đà, sẽ giúp ích nhiều cho bạn.
Tích cực học trên lớp và chuẩn bị bài
Nhiều bạn nghĩ rằng để học lại tốt nhất nên tìm một gia sự riêng để tiện giảng dạy và bổ sung những khiến thức còn thiếu. Điều đó đúng nhưng việc học trên lớp còn quan trọng hơn thế nữa. Bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến điểm số và khả năng học "đua"của bạn so với bạn bè đồng trang lứa.
Để việc học trên lớp được tốt hơn không mấy khó. Bạn chỉ cần chăm chỉ nghe giảng và tích cực nói lên ý kiến, suy nghĩ của mình và chuẩn bị trước bài vở. Như vậy tiết học không những sẽ rất thú vị mà còn để lại cho bạn những ấn tượng sâu sắc.
Đừng nghĩ rằng việc phát biểu hay chuẩn bị bài trước chỉ làm tốn thời gian. Đúng là bạn cần học cái cơ bản trước, nhưng nếu chỉ đê mê lo cái cũ, không quan tâm đến cái mới thì khó lòng theo kịp bạn bè. Thêm một việc nữa là hãy mau chóng bỏ qua thói quen "bài hôm nay, để ngày mai", hay "bài ngày mai, cứ để mai tính". Như vậy, lượng kiến thức bạn tiếp thu sẽ không thể nhanh nhạy bằng việc có học và chuẩn bị trước.
Bắt đầu lại và chuẩn bị cho mình một hành trang vững vàng cho kì kiểm tra sắp tới nhé!
Theo PLXH
Thắc mắc online "hậu tuyển sinh" Mượn trường dự thi để xét tuyển nguyện vọng 1 vào trường khác nhưng trường thi "nhờ" găm kết quả lại thì phải làm sao? Không trúng tuyển NV1, các trường sẽ gửi giấy chứng nhận kết quả điểm chứ?... là phần giải đáp online kỳ này. Em xin hỏi các thầy cô là mỗi thí sinh dự thi bất kỳ trường ĐH,...