3 món ăn nổi tiếng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
3 món ăn nổi tiếng gồm phở Hà Nội, phở Nam Định và mỳ Quảng vừa được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bộ VHTTDL vừa ban hành các Quyết định công bố Danh mục 17 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó về ẩm thực, có 3 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận gồm: phở Nam Định, phở Hà Nội, mỳ Quảng.
Theo Bộ VHTTDL, cả ba Di sản văn hóa phi vật thể đều được địa phương giới thiệu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: Có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Phở Hà Nội được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia
Theo QĐ 2328/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng ký và ban hành, phở Hà Nội trở thành Di sản phi vật thể quốc gia. Bộ VHTTDL đưa phở Hà Nội vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, có yếu tố của loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng. Một số quán phở nổi tiếng của Hà Nội cũng có tên trong danh mục của Michelin.
Theo bản giới thiệu “phở Hà Nội” của UBND TP Hà Nội, món ăn đặc trưng là phở nước, ăn cùng bò và gà. Kỹ thuật nấu, không gian thưởng thức và văn hóa thường thức đã tạo được dấu ấn riêng cho phở Hà Nội. Những cửa hàng phở lâu năm ở Hà Nội thường có quy mô không lớn, mặt tiền đặt quầy chế biến phở và thường sử dụng thêm vỉa hè, hoặc không gian nhà trong ngõ để kê bàn ăn.
Phở Hà Nội.
Phần lớn những hàng phở nổi tiếng ở Hà Nội đều có bí truyền khi pha chế, chỉ có vợ chồng người chủ biết; người khác không thể biết liều lượng và một vài loại gia vị đặc biệt khi cho vào nồi nước dùng. Công thức chỉ được truyền nghề cho những người trong gia đình hoặc dòng họ qua hình thức cầm tay chỉ việc.
Theo số liệu thống kê của Phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, tại 30/30 quận, huyện, thị xã… trên địa bàn thành phố đều có hàng phở. Tính đến năm 2023, Hà Nội có gần 700 cửa hàng phở, những cửa hàng tập trung chủ yếu trên địa bàn các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Long Biên..
Phở Nam Định trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ VHTTDL vừa ban hành QĐ 2326/QĐ-BVHTTDL công bố đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với “Tri thức dân gian Phở Nam Định tỉnh Nam Định”. “Phở Nam Định” được đánh giá đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Di sản phi vật thể quốc gia.
Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng…
Phở Nam Định.
Khác với phở Hà Nội, màu vị của phở bò Nam Định mang nhiều những nét đặc trưng ở nước dùng. Nước dùng của phở Nam Định trong vắt và thơm mùi đặc trưng. Ngoài việc chọn nguyên liệu tươi ngon, người đầu bếp còn xử lý nguyên liệu tinh tế để làm dậy lên mùi béo ngọt của xương. Bánh phở Nam Định dai, dẻo, mềm, sau khi rưới nước dùng thì cong lên, dai hơn và mịn hơn; vị ngọt của tinh bột và nước dùng hòa quyện khiến hương vị phở trở nên đậm đà.
Mỳ Quảng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Cùng với phở Nam Định, phở Hà Nội, mỳ Quảng cũng được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình tri thức dân gian.
Video đang HOT
Trước đó, ngày 10/8/2023, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi Bộ VHTTDL về việc đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề chế biến mỳ Quảng tại tỉnh Quảng Nam.
Mỳ Quảng (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nghề chế biến mỳ Quảng ở tỉnh này hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của xứ Quảng. Mỳ Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến, làm nên sự đa dạng, phong phú trong hương vị ẩm thực.
Đây chính là một món ăn có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa ẩm thực dân gian; món ăn hiếm hoi có thể “chiều” được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.
Được biết, trước đó, chuyên trang được mệnh danh là “bản đồ ẩm thực thế giới” Taste Atlas cũng đã đưa ra danh sách 100 món ăn ngon nhất Việt Nam để thực khách quốc tế trải nghiệm, trong đó có mỳ Quảng.
17 di sản văn hóa phi vật thể vừa được vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
1. Phở Hà Nội
2. Phở Nam Định
3. Tri thức dân gian mỳ Quảng
4. Tri thức may, mặc áo dài Huế
5. Nghề làm nhang ở Tây Ninh
6. Nghi lễ “Tết Xíp xí”
7. Đặc sắc nghệ thuật trang trí cây nêu
8. Nghề làm gốm ở Sa Huỳnh, xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi
9. Nghề dệt thổ cẩm của người Mường – Phú Thọ
10. Lễ hội Gầu tào của người Mông – Yên Bái
11. Nghề làm chiếu Cà Hom của người Khmer – Trà Vinh
12.Lễ Xên đông (Cúng rừng) của người Thái – Yên Bái
13. Ru ún (hát ru) của người Mường – Thanh Hóa
14. Lễ hội Đền Tiên La – Bắc Giang
15. Lễ hội bơi chải làng Tiếu Mai – Bắc Giang
16. Nghề ướp trà sen Quảng An – Hà Nội
17. Lễ hội giã cốm của người Tày – Tuyên Quang
Bật mí cách nấu phở bò chuẩn vị Hà Nội
Phở Hà Nội là món ăn nổi tiếng của Việt Nam và được rất nhiều người yêu thích, món phở sẽ càng ngon hơn khi bạn tự nấu ở nhà cho gia đình thưởng thức.
Nguyên liệu cho món phở bò
- 1kg phở tươi
- 500gr thịt bò
- 100 gr xương heo
- 1 gói gia vị phở bò
- 1 củ hành tây
- 4 củ hành tím
- 1 củ gừng
- 2 muỗng đường phèn
- Rau ăn phở
- Gia vị cho món phở bò gồm: hạt nêm, bột ngọt, đường, muối
Cách làm món phở bò
- Bước 1: Bắc lên bếp một nồi nước và cho hành tím đã đập dập vào nồi rồi nấu trên bếp ở nhiệt độ cao.
Khi nước đã sôi, bạn cho thịt bò và xương heo đã sơ chế sẵn vào và chần trong khoảng ba phút để loại bỏ mùi hôi. Sau đó, vớt thịt ra và cho ngay vào tô nước lạnh.
- Bước 2: Hành tím mua về thì lột vỏ ba củ, sau đó rửa thật sạch và đập dập, hai củ còn lại thì cũng rửa và để ráo.
Hành tây cắt bỏ rễ, rửa sạch. Bạn rửa sạch gừng rồi để ráo.
Lấy hành tây, hai củ hành tím và gừng nướng trên bếp khoảng hai phút đến khi dậy mùi thơm.
Tiếp theo, cho phần gia vị nấu phở bò vào chảo và rang trên bếp ở nhiệt độ trung bình nhỏ trong bốn phút đến khi dậy mùi thơm. Cho các gia vị đã rang vào túi lọc có sẵn và cột chặt miệng túi lại.
- Bước 3: Bạn cho vào nồi hai lít nước cùng thịt bò và xương heo đã chần rồi đậy nắp vung lại, hầm trong 1 tiếng. Trong lúc hầm, bạn hãy thường xuyên mở nắp nồi và hớt sạch bọt để nước dùng được trong nhé!
Khi nước đã sôi thì cho hành tây, hành tím, gừng đã nướng thơm và túi gia vị nấu phở đã rang vào trong nồi.
Tiếp theo, bạn thêm vào nồi hai muỗng canh đường phèn, hai muỗng cà phê muối, một muỗng cà phê bột ngọt, một muỗng cà phê hạt nêm rồi khuấy đều, nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn và nắp lại ba phút rồi tắt bếp là hoàn thành.
- Bước 4: Vớt thịt bò trong nồi nước dùng ra và cắt thành những lát nhỏ vừa ăn.
Cho bánh phở ra tô, xếp thịt bò lên trên rồi chan nước dùng và thêm một ít ớt cắt lát, rau ăn phở như ngò gai, hành lá,...
Vậy là tô phở bò chuẩn vị Hà Nội đã hoàn thành chỉ sau vài bước cơ bản.
Cách làm phở gà chay vừa thơm ngon, thanh ngọt lại có chút lạ miệng cho dịp lễ Vu Lan Vào dịp lễ Vu Lan, ai muốn thưởng thức món chay thì phở gà chay thực sự là một gợi ý tuyệt vời. Phở gà chay là món ăn thơm ngon, thanh ngọt, lại có chút lạ miệng. Nếu vào dịp lễ Vu Lan bạn muốn thưởng thức món chay thì phở gà chay là một ý tưởng tuyệt vời. Tham khảo cách...