3 cơ sở GDĐH Việt Nam có tên trong bảng xếp hạng THE: Không ngủ quên trong chiến thắng
Sáng sớm 12/9, giáo dục Việt Nam đón nhận tin vui khi 3 cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) có tên trong bảng xếp hạng uy tín thế giới – Times Higher Education (THE).
Nhấn mạnh đây là kết quả đáng tự hào, PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội – đồng thời cho rằng, chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định vị trí trên “bản đồ” GDĐH thế giới.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tham gia các chương trình đào tạo tiên tiến.Ảnh: NT
Kết quả đáng tự hào, nhưng GDĐH vẫn phải nỗ lực hơn
- Việc 3 cơ sở GDĐH lọt vào xếp hạng THE có ý nghĩa thế nào với GDĐH Việt Nam, thưa ông?
- Chúng ta đều vui mừng khi 3 cơ sở GDĐH của Việt Nam, gồm Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và 2 ĐHQG được THE xếp hạng. Trong đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và ĐHQG Hà Nội trong top 1.000, ĐHQG TP Hồ Chí Minh trong top 1.000 .
Đây là tin vui, không phải chỉ vì chúng ta có được một thứ hạng nào đó trong bảng xếp hạng uy tín thế giới, mà quan trọng là phản ánh sự nỗ lực của hệ thống GDĐH Việt Nam, của các cơ sở GDĐH thời gian qua trong nâng cao chất lượng đào tạo gắn kết với nghiên cứu, chuyển giao tri thức.
Điều này cũng cho thấy, GDĐH của Việt Nam không lạc hậu mà đã tiếp cận được trình độ thế giới. Mặc dù chúng ta còn phải tiếp tục nỗ lực rất nhiều, nhưng có thể nói, trong điều kiện của Việt Nam, khi mà đầu tư còn hạn chế, mức chi trên đầu sinh viên còn thấp, đó thực sự là một kết quả đáng tự hào.
Có điều, dù tự hào nhưng chúng ta chưa thể làm hài lòng mà cần phải nỗ lực rất nhiều. Cũng cần nhìn nhận rằng, chúng ta không chạy đua về chỉ tiêu xếp hạng mà thông qua xếp hạng, các trường thấy được điểm yếu, điểm mạnh, từ đó cải thiện, làm tốt hơn nữa.
* Ông nói chúng ta cần phải nỗ lực nhiều, cụ thể hơn là cần tập trung vào điều gì?
PGS Hoàng Minh Sơn
- Hiện nay, các bảng xếp hạng đánh giá chỉ số nghiên cứu rất “nặng”; trong khi đó đánh giá về kết quả đào tạo không nhiều do họ không có dữ liệu đầy đủ để đánh giá nội dung này. Vì thế, bên cạnh làm tốt công tác đào tạo, các cơ sở GDĐH cần tập trung nhiều hơn cho nghiên cứu. Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu tốn kém, nhà trường không thể lấy từ học phí của người học, mà phải từ phía Nhà nước và doanh nghiệp.
Muốn nâng cao chất lượng nghiên cứu phải thu hút được nhân tài, có đội ngũ cán bộ giỏi, lượng thạc sĩ, nghiên cứu sinh đông đảo; cần có hệ thống phòng thí nghiệm, trang thiết bị hiện đại; cần nguồn lực kinh phí để có đề tài, chương trình nghiên cứu dài hơi và chất lượng. Muốn có được 3 cái đó đòi hỏi sự đầu tư, nguồn lực tài chính vững mạnh. Nguồn lực ấy phải từ Nhà nước và doanh nghiệp.
Cụ thể, với những nghiên cứu phục vụ mục đích chung của xã hội, phục vụ đất nước thì Nhà nước cần đầu tư mạnh hơn. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH đã nhấn mạnh điều này; đó là một thuận lợi.
Bên cạnh đó, nền công nghiệp của Việt Nam gần đây có tín hiệu đáng mừng. Khi trình độ khoa học công nghệ được nâng cao, doanh nghiệp bắt đầu có nhu cầu hợp tác chặt chẽ với trường ĐH để đầu tư vào nghiên cứu và chuyển giao tri thức. Trên thực tế, một số tập đoàn đã mạnh dạn đầu tư, hỗ trợ trường ĐH trong nghiên cứu, đào tạo nhân lực chất lượng cao. Nếu Nhà nước có chính sách khuyến khích hơn nữa để các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ, đầu tư, hợp tác với trường ĐH trong công tác nghiên cứu, phát triển, chắc chắn sẽ thúc đẩy nhanh việc các trường ĐH đạt thành tích cao hơn nữa.
Video đang HOT
Cần sự quan tâm hơn nữa từ Nhà nước, doanh nghiệp
* Việc hợp tác nhà trường – doanh nghiệp đã nói đến từ rất lâu nhưng dường như hiệu quả còn hạn chế. Số lượng các doanh nghiệp tài trợ, đầu tư cho trường ĐH trong đào tạo, nghiên cứu cũng không nhiều? Ông nghĩ sao về điều này?
- Muốn đạt đến sự hợp tác thì việc đó phải mang lại lợi ích cho các bên. Từ doanh nghiệp phải có nhu cầu. Giai đoạn trước, doanh nghiệp chủ yếu mới đặt nhu cầu chính là đào tạo nguồn nhân lực; một trong những nguyên nhân là trình độ nền công nghiệp nước ta còn thấp, nhu cầu nghiên cứu phát triển không nhiều. Nhưng hiện nay, đã có nhiều tập đoàn đầu tư cho nghiên cứu phát triển. Khi nền kinh tế yêu cầu hàm lượng tri thức nhiều hơn thì lúc đó rằng, nhu cầu hợp tác của doanh nghiệp với các trường ĐH sẽ lớn hơn. Đó là điểm thứ nhất.
Trên giảng đường ĐHQGHN. Ảnh Internet
Thứ 2, liên quan đến cơ chế chính sách của Nhà nước khuyến khích hỗ trợ, tạo điều kiện, để doanh nghiệp hợp tác với trường ĐH tốt hơn. Chúng ta đã có Luật Khoa học công nghệ, trong đó có quy định doanh nghiệp phải có tỷ lệ doanh thu nào đó để dành cho Quỹ Phát triển khoa học công nghệ. Nhưng khi chúng tôi làm việc với khá nhiều tập đoàn lớn, thấy rằng tiền đó hiện nay rất khó chi. Kinh phí doanh nghiệp hoàn toàn có, thậm chí có rất nhiều, nhưng rất khó để giải ngân, khó hợp tác với trường ĐH để chi tiêu khoản tiền đó.
Thứ 3 là cơ chế hợp tác đầu tư theo nguyên tắc phối hợp công tư. Chẳng hạn, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có nhiều tập đoàn muốn đầu tư vào xây dựng một tòa nhà, cũng như mang thiết bị vào để hợp tác nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu hỗn hợp. Nhưng Nhà nước chưa có hướng dẫn, quy định rõ ràng, nên quy trình thủ tục phức tạp, kéo dài dẫn đến doanh nghiệp nản. Nếu Nhà nước có những chính sách cụ thể để việc đầu tư của doanh nghiệp, hợp tác của doanh nghiệp với trường ĐH trong nghiên cứu, chuyển giao tri thức thực sự thuận lợi như ở nhiều nước khác, sẽ tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục ĐH.
Đương nhiên, từ phía các cơ sở GDĐH cũng phải nỗ lực tìm kiếm hợp tác với các doanh nghiệp, không phải chỉ ngồi chờ họ đến. Như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, với đội ngũ cựu sinh viên lớn, nhiều người có vị trí quan trọng trong doanh nghiệp nên luôn sẵn sàng hợp tác với nhà trường nếu đặt vấn đề đúng và có cơ chế chính sách thuận lợi.
* Theo ông, làm sao để những trường đã được xếp hạng có thể trụ hạng, thăng hạng và Việt Nam sẽ có những cái tên khác nữa sẽ xuất hiện trong xếp hạng thế giới?
- Như tôi đã nói, mục tiêu cuối cùng của các trường đại học là nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, phục vụ tốt hơn cho xã hội và đất nước, vì vậy quan trọng nhất không phải thứ hạng mà là năng lực thực chất, chất lượng thực chất của cơ sở GDĐH, nhưng thứ tự xếp hạng cũng một chỉ số phản ánh.
Trước hết phải nói rằng, có tên trong bảng xếp hạng thế giới đã khó khăn, nhưng trụ hạng, thăng hạng còn khó khăn hơn nữa. Bởi, dù chúng ta vẫn làm tốt như thế, thậm chí làm tốt hơn, nhưng các trường khác trên thế giới họ cũng tiến nhanh và được đầu tư rất nhiều, thì chúng ta cũng dễ bị loại ra khỏi bảng xếp hạng những năm tới bởi đó là cuộc đua không cân sức. Những trường trong top 200 thế giới có ngân sách hàng năm thông thường từ 500 triệu cho tới 2 tỉ đô la Mỹ. Muốn thăng hạng, chúng ta cần phải đầu tư rất lớn và càng lên cao càng cần đầu tư lớn hơn.
Các cơ sở GDĐH trong nước cần phải có được cơ chế chính sách đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu. Đầu tư nghiên cứu phải từ người hưởng lợi ích: Từ Nhà nước vì mang lại lợi ích chung cho xã hội, hoặc từ doanh nghiệp để mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Các trường là nơi để đầu tư chứ không phải là các trường tự đầu tư cho nghiên cứu.
Trong GDĐH Việt Nam, không phải trường nào cũng theo định hướng nghiên cứu, mặc dù đã đào tạo ĐH thì phải gắn với nghiên cứu để nâng cao năng lực, gắn kết với giảng dạy. Nhưng nghiên cứu đỉnh cao, tập trung nghiên cứu với mức độ, quy mô lớn, cần đầu tư nhiều thì không phải trường nào cũng có điều kiện… Tôi nghĩ rằng, cần có cơ chế chính sách của Nhà nước cho những trường có định hướng nghiên cứu.
Bên cạnh đó, quan trọng là mỗi trường cần có chiến lược phát triển rõ ràng, phù hợp với sứ mệnh với thế mạnh của mình, để có thể có tên trong bảng xếp hạng. Nghiên cứu có trọng số lớn. Để phát triển nghiên cứu, ngoài chính sách của Nhà nước, bản thân nhà trường cần xây dựng môi trường nghiên cứu, thu hút người giỏi về làm việc. Để có người làm nghiên cứu, phải có quy mô đào tạo lớn. Cái này cũng lại liên quan đến chính sách Nhà nước về gắn kết đào tạo với nghiên cứu, làm sao để người làm nghiên cứu, nghiên cứu sinh đến trường làm việc có học bổng, được hỗ trợ sinh hoạt phí, từ đó có thể làm việc toàn thời gian, toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu khoa học.
* Xin cảm ơn ông!
Sự hợp tác giữa các trường ĐH trong nước rất quan trọng. Điều chúng ta quan tâm không phải là so sánh với nhau, trường này có tên trong bảng xếp hạng, trường kia không, mà phải làm sao để cùng hợp tác, giúp nhau đi lên, từ đó cạnh tranh với khu vực và thế giới. PGS Hoàng Minh Sơn
Hiếu Nguyễn (thực hiện)
Theo giaoducthoidai
2 đại học Việt Nam lọt tốp 1.000 bảng xếp hạng uy tín thế giới
ĐH Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có tên trong bảng xếp hạng tốp 1.000 đại học thế giới, theo bảng xếp hạng uy tín THE.
Ngày 11/9/2019, Thời báo Giáo dục đại học (Times Higher Education, THE) công bố kết quả xếp hạng đại học thế giới mới nhất (World University Rankings 2020) trong sự kiện hội nghị thượng đỉnh về học thuật của THE tổ chức tại Zurich (Thụy Sỹ).
Theo đó, lần đầu tiên Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và 2 cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Trong đó, ĐHQGHN cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thuộc nhóm 801-1000 thế giới; tiếp theo là Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong nhóm 1000 .
Bảng 1. Thứ hạng các trường ĐH của Việt Nam trong Bảng xếp hạng THE thế giới. (Nguồn: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2020/world-ranking )
Như vậy, cùng với Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐHQGHN đạt mức điểm 22,2 - 28,2 của THE.
Trong đó, ĐHQGHN có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và hội nhập quốc tế đứng đầu trong nhóm các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam có mặt trong Bảng xếp hạng.
ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp.
Còn Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia.
Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE.
Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tâm tư sau kết quả "về đích sớm"
Trao đổi với VietNamNet sáng 12/9, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ sự vui mừng vì ngày càng có nhiều trường ĐH của Việt Nam lọt vào các bảng xếp hạng quốc tế. Như vậy là mục tiêu có 4 cơ sở GDĐH lọt vào top 1000 thế giới theo Đề án nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2019 - 2025 (đã được Thủ tướng phê duyệt) đã đạt được sớm 6 năm. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý "không nên phấn kích" bởi thứ tự xếp hạng vẫn thấp, và đây chỉ là một trong những chỉ số "đo lường" về hoạt động của các cơ sở đào tạo đại học.
Ông Sơn phân tích: "Hầu hết các bảng xếp hạng đều coi trọng các chỉ số đánh giá thành tích nghiên cứu mà ít đánh giá sát thực chất lượng đào tạo và tác động xã hội. Trong bảng xếp hạng của THE thì các chỉ số năng suất, uy tín và ảnh hưởng nghiên cứu đã chiếm tới 60%, ngay cả tiêu chí chất lượng giảng dạy cũng lại căn cứ vào quy mô đào tạo tiến sĩ (8,25%) và ý kiến bình chọn của các học giả có thành tích cao về nghiên cứu (15%) tức một phần nào đó cũng gián tiếp phản ánh năng lực nghiên cứu. Nếu tính thêm cả chỉ số về chuyển giao tri thức và hợp tác công bố quốc tế nữa thì có thể nói các tiêu chí liên quan trực tiếp hay gián tiếp tới nghiên cứu đã chiếm trọng số tới hơn 90%. Trong khi đó, những chỉ số phản ánh sát thực nhất chất lượng đào tạo như mức độ nỗ lực của người học, mức độ hài lòng của người học, tỉ lệ việc làm của người tốt nghiệp, mức độ gia tăng thu nhập khi tốt nghiệp thì chưa thấy bảng xếp hạng uy tín nào đề cập tới. Đó cũng là một vấn đề chúng ta cần suy ngẫm khi xây dựng chiến lược phát triển, cần phải quan tâm tới cả 3 nhiệm vụ cốt lõi trong sứ mạng của một trường đại học là đào tạo, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng".
Theo đó, trong thời gian tới, các trường đại học trong nước cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện và hiệu quả hơn, thay vì cho đến nay chỉ chú trọng hợp tác quốc tế.
5 nhóm tiêu chí xếp hạng thế giới của THE
1) Giảng dạy (Môi trường học tập) với trọng số điểm xếp hạng là 30% và 5 tiêu chí xếp hạng, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín giảng dạy (15%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (4,5%), tỷ lệ học viên nghiên cứu sinh/sinh viên đại học (2,25%), tỷ lệ giảng viên là tiến sỹ (6%), và thu nhập của đơn vị (2,25%). Thu nhập của trường đại học được THE tính thông qua chỉ số sức mua tương đương, phản ánh mức độ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hoạt động dạy và học ở trường đại học.
2) Nghiên cứu (số lượng; thu nhập; uy tín) với trọng số 30%, bao gồm: kết quả khảo sát về uy tín nghiên cứu khoa học (18%), thu nhập từ nghiên cứu (6%), và năng suất nghiên cứu (6%);
3) Trích dẫn (số trích dẫn quốc tế trung bình của một công trình của trường đại học) với trọng số 30%. Dữ liệu được tính thông qua 23,400 tạp chí khoa học thuộc cơ sở dữ liêu Scopus trong giai đoạn từ 2014 đến 2018. Lượng trích dẫn được tính cho các ấn phẩm này trong giai đoạn từ 2014 đến 2019. Đã có 12,8 triệu công bố và 77,4 triệu trích dẫn được tính toán.
4) Quốc tế hóa (về cán bộ, sinh viên, nghiên cứu) với trọng số 7,5%, bao gồm: tỷ lệ giảng viên quốc tế (2,5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (2,5%), và chỉ số hợp tác quốc tế (2,5%, thông qua số công bố khoa học có ít nhất 1 đồng tác giả là học giả quốc tế);
5) Thu nhập từ doanh nghiệp (chuyển giao tri thức) với trọng số 2,5% tính thông qua tổng thu nhập từ chuyển giao công nghệ và tri thức cho doanh nghiệp.
Xem chi tiết phân bổ trọng số các chỉ số xếp hạng ở hình dưới đây:
THE xếp hạng như thế nào?
Để có dữ liệu xếp hạng, THE căn cứ vào cơ sở dữ liệu khoa học SCOPUS (của Nhà xuất bản Elsevier) cho các tiêu chí về năng suất nghiên cứu, trích dẫn khoa học và hợp tác quốc tế. Các khảo sát về uy tín giảng dạy và nghiên cứu khoa học được THE chủ động gửi cho các tác giả có công bố trong cơ sở dữ liệu SCOPUS. Các tiêu chí về thu nhập được chuẩn hóa dựa trên chỉ số sức mua tương đương (PPP). Các tiêu chí còn lại được THE đánh giá dựa trên dữ liệu do trường đại học cung cấp. Việc tính điểm và xử lý dữ liệu của THE được tổ chức kiểm toán độc lập, chuyên nghiệp là PricewaterhouseCoopers (PwC) giám sát đầy đủ và độc lập.
Theo Bảng xếp hạng thế giới 2020 của THE, ĐH Oxford tiếp tục giữ vị trí số 1 thế giới, tiếp theo là Viện công nghệ California (California Institute of Technology), ĐH Cambridge, ĐH Standford, Học viện CN Massachusetts... Đáng kể nhất là sự bứt phá của Viện Công nghệ California, đơn vị đã vươn từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 thế giới.
Ở khu vực châu Á, các trường đứng đầu bao gồm Đại học Thanh Hoa (thứ 23 thế giới), Đại học Bắc Kinh (24) và Đại học Quốc gia Singapore (25).
Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan có 16 trường lọt vào top 1000, Malaysia có 13 trường, Indonesia có 6 trường, Singapore có 2 trường.
Các trường trong khu vực có thứ hạng tương đương ĐHQGHN và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (nhóm 801-1000) bao gồm: Đại học Chulalongkorn (đứng thứ 3 ở Thái Lan), Universiti Tenaga Nasional (UNITEN) và Universiti Utara Malaysia (cùng đứng thứ 9 ở Malaysia).
Hạ Anh
Theo vietnamnet
Đóng cửa những cơ sở giáo dục kém chất lượng dễ hay khó? Giáo dục Việt Nam đã làm được những gì và có thể làm những gì để nâng cao chất lượng giáo dục đại học? Ngày 6/8/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và chỉ đạo hội nghị....