3 bước đơn giản để làm bài thi môn Giáo dục công dân hiệu quả
Về phương pháp làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định “từ khóa”, tuân thủ quy tắc “dễ trước khó sau”.
Theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 mới nhất, kỳ thi dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi tổng hợp Khoa học Xã hội.
Trong đó, bài thi Khoa học tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học xã hội đối với thí sinh Trung học phổ thông gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân và đối với thí sinh giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lí.
Các em hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy. Ảnh minh họa: Hồng Vân
Như vậy, thí sinh Trung học phổ thông phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội.
Vì vậy để làm tốt bài thi tự chọn Khoa học xã hội, thí sinh phải làm tốt các câu hỏi của từng môn thi.
Để giúp học sinh làm tốt môn thi Giáo dục công dân, cô giáo Ngô Thị Thảo – giáo viên Giáo dục công dân – Trường Trung học phổ thông Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ một số phân tích, lưu ý về phương pháp ôn bài, kỹ năng khi làm bài để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp tới đây.
Về phương pháp ôn bài, học sinh cần nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa lớp 10, 11 và 12; hiểu rõ và phân biệt được các thuật ngữ đặc thù, các “từ khóa” của từng nội dung để làm căn cứ chọn phương án trả lời đúng nhất.
Cùng với đó, các em hãy hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy; thường xuyên luyện tập trắc nghiệm để củng cố kiến thức đã học.
Môn Giáo dục Công dân là môn học có sự gắn kết chặt chẽ với cuộc sống vì xoay quanh mối quan hệ công dân với nhà nước, pháp luật.
Vì vậy, các em nên chủ động tìm hiểu, cập nhật thông tin từ các phương tiện thông tin đại chúng để vận dụng giải quyết các câu hỏi tình huống mang tính thực tiễn.
Về phương pháp làm bài thi, học sinh cần đọc kỹ câu hỏi để xác định “từ khóa”, tuân thủ quy tắc “dễ trước khó sau”.
Từ khóa chính là mấu chốt để thí sinh giải nhanh các câu trắc nghiệm cũng như tránh việc hiểu sai đề bài.
Khi đọc câu hỏi, các em nên tìm ra từ khóa, định hướng câu hỏi liên quan tới vấn đề gì và tìm đáp án chính xác. Điều này không chỉ đúng với môn Giáo dục công dân mà cũng là phương pháp cần có khi làm bài thi các môn khác.
Với các câu hỏi còn phân vân, các em hãy sử dụng phương pháp loại trừ phù hợp nhất. Một câu hỏi sẽ có 4 đáp án và nội dung thường “na ná” nhau. Tuy nhiên không phải không có cách giúp các em loại trừ.
Những lúc này, hãy thử tìm đáp án sai thay vì đáp án đúng từ đó các em sẽ loại trừ được bớt phương án phân vân.
Khi không còn cơ sở để loại trừ nữa thì các em có thể dùng phương pháp phỏng đoán. Các em nhận thấy phương án nào khả thi hơn, đủ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời.
Từ các phân tích trên, cô Thảo cụ thể hóa thành 3 bước khi làm bài.
Bước 1: đọc kỹ phần dẫn để xác định các chủ thể vi phạm (không vi phạm pháp luật); các hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý.
Bước 2: đọc kỹ câu hỏi (thường ở cuối phần dẫn) để xác định vấn đề câu hỏi đề cập đến, tránh để phần dẫn của câu làm cho bị nhiễu.
Bước 3: loại trừ những chủ thể, hình thức vi phạm và trách nhiệm pháp lý mà câu hỏi không đề cập đến và cuối cùng là chọn đáp án đúng. Các em nên gạch chân những dữ liệu quan trọng để trả lời chính xác câu hỏi.
Cô Thảo cũng lưu ý học sinh tránh mắc các sai lầm khi làm bài thi như không đọc kỹ đề, không xác định được “từ khóa” trong câu hỏi.
Đặc biệt, các em không nên dừng quá lâu ở một câu, cần tính toán, phân bổ thời gian hợp lý.
Đỗ Thơm
Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao môn GDCD: Công dân với đạo đức
Vào lúc 15 giờ hôm nay 23.4, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 môn GDCD tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên.
Chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 hôm nay sẽ phát sóng chuyên đề thứ 2 của môn GDCD do cô Võ Thị Hậu, Tổ trưởng tổ GDCD Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM) hướng dẫn.
Với chủ đề về Công dân với đạo đức, cô Võ Thị Hậu sẽ cùng học sinh ôn lại lý thuyết cơ bản về các phạm trù đạo đức mối quan hệ giữa công dân với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.
Được biết để giúp học sinh chuẩn bị kiến thức tốt nhất cho kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH, cô Võ Thị Hậu xây dựng hệ thống kiến thức môn GDCD thành 8 chuyên đề bao quát các nội dung như: Công dân các vấn đề của xã hội, pháp luật, quyền bình đẳng của công dân...
Vào các khung giờ 15 giờ và 19 giờ hằng ngày từ thứ 2 đến chủ nhật, trên các kênh thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 các môn khoa học xã hội như: Ngữ văn, tiếng Anh, lịch sử, địa lý, GDCD.
Chương trình do những giáo viên có kinh nghiệm của TP.HCM đang giảng dạy tại các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Q.5), chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1), Bùi Thị Xuân (Q.1), Marie Curie (Q.3)... hướng dẫn.
Chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 có sự tài trợ, đồng hành của các đơn vị như: Tập đoàn Thiên Long, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (NTTU), Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU). Chương trình sẽ phát sóng lần lượt 88 clip dưới dạng các chuyên đề ôn tập theo định hướng kỳ thi THPT quốc gia...
Bích Thanh
Bí quyết ôn thi THPT đạt điểm cao môn GDCD: Thế giới quan, phương pháp luận Vào lúc 15 giờ hôm nay 22.4, Báo Thanh Niên phát sóng chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 môn GDCD tại địa chỉ thanhnien.vn, Facebook.com/thanhnien và YouTube Thanh Niên. Chương trình Bí quyết ôn thi THPT quốc gia đạt điểm cao năm 2020 hôm nay sẽ phát sóng chuyên đề đầu tiên của môn GDCD...