270 triệu học sinh Trung Quốc và giảng đường trực tuyến thời nCoV
Tốc độ lây lan của dịch bệnh nCoV chưa có dấu hiệu ngừng lại, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chủ động ban hành thông tư yêu cầu toàn bộ hệ thống giáo dục kéo dài thời gian nghỉ xuân, tạm ngừng hoạt động bồi dưỡng ngoại khóa, các cơ sở dạy thêm.
Tận dụng internet và kho dữ liệu giáo dục số cung cấp giáo án cho học sinh và nhà trường.
Ảnh minh họa.
Trung Quốc hiện có khoảng 270 triệu học sinh. Để giúp toàn bộ số học sinh này lên lớp trực tuyến, từ các cơ sở giáo dục, giáo viên cho đến phụ huynh và học sinh đều đang đối mặt với thách thức không hề nhỏ
Bộ Giáo dục Trung Quốc hiện đang áp dụng thời gian khai giảng vào ngày 17-2 tại nhiều địa phương. Tư liệu giảng dạy được lấy sẵn từ kho số hóa cuộc vận động “Một thầy một bài giảng hay, một tiết học một cô giỏi”, được triển khai từ năm 2018. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ khu vực chưa phủ sóng internet, một chương trình học trực tuyến trên truyền hình đang được gấp rút chuẩn bị. Bên cạnh đó, kết hợp Sở Giáo dục các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải… các trường tiểu học và trung học thuộc đại học danh tiếng như Thanh Hoa, Nhân Dân… đã cung cấp miễn phí các bài giảng trực tuyến. Nhà xuất bản Nhân Dân cũng cung cấp miễn phí ứng dụng học tập “gia sư số” đến tay người dùng.
Sinh viên Trung Quốc hiện có tới 22 lựa chọn ứng dụng học trực tuyến với 24 nghìn bài giảng của 12 môn học đại học, 18 chuyên ngành cao đẳng. Các môn học thậm chí có thể tích điểm, giúp việc giảng dạy trở nên phong phú với nhiều lựa chọn.
Ngoài kho tư liệu học tập và giảng dậy khổng lồ từ Trung ương đưa xuống, nhiều tỉnh, thành phố đồng thời tổ chức các khóa học trực tuyến phù hợp với hoàn cảnh địa phương. Tại Bắc Kinh, một số trường trung học đã khởi xướng phong trào ghi hình bài giảng từ cuối tháng 1, các lớp học trực tuyến sẽ bắt đầu từ ngày 10-2.
Tại TP Bình Lương, tỉnh Cam Túc, có tổng cộng 29 trường cấp 3, 134 trường cấp 2, 779 trường cấp 1 và 263 cơ sở giáo dục đang áp dụng mô hình “giảng đường trên không” được khai thông. Địa phương kết hợp với doanh nghiệp số hóa giáo dục cung cấp các chương trình học trực tuyến, cung cấp những bài giảng chất lượng cho học sinh toàn thành phố. Nhiều địa phương khác của Trung Quốc cũng áp dụng các mô hình giáo dục trực tuyến tương tự, dựa trên lợi thế sẵn có từ kho ứng dụng phong phú của các doanh nghiệp số.
Ở một đất nước đang bùng nổ làn sóng giáo dục 4.0 như Trung Quốc, có không ít những doanh nghiệp số phát triển công nghệ giáo dục trực tuyến. Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp này đang được thể hiện mạnh mẽ thông qua bài thuốc thử nCoV. Ngoài các ứng dụng giáo dục đến từ các doanh nghiệp chuyên ngành như Wangyi, Haoweilai, Xindongfang, các ông lớn online của Trung Quốc như Zhifubao, Alizhenzhen, Taobao… cũng tích cực tham gia làn sóng hỗ trợ xã hội và cung cấp miễn phí giáo dục trực tuyến. Trước đây, phải gọi hàng chục cuộc điện thoại để mời một học viên, thì nay phải tiếp hàng chục cuộc điện thoại của phụ huynh gọi tới xin tư vấn, một nhân viên quảng cáo ứng dụng cho biết.
Tất nhiên, chuyển đổi môi trường từ giáo dục trực tiếp sang giáo dục trực tuyến không đơn giản. Từ giảng đường thực tế tới giảng đường ảo không chỉ là khoảng cách về không gian, mà còn là khoảng cách về ý thức. Yêu cầu của giảng đường trực tuyến thậm chí cần cao hơn yêu cầu của giảng dậy trực tiếp. Trách nhiệm và thái độ của phụ huynh giờ đây trở thành chủ đạo, việc cần làm là kích thích tính tự giác và tinh thần trách nhiệm của học sinh. Giáo viên cũng không vì lên lớp gián tiếp mà quên đi trách nhiệm dặn dò, đốc thúc học sinh của mình. Bù lại, đây là cơ hội lớn để Trung Quốc thử nghiệm cải cách mô hình giáo dục thời đại số.
VI SA
Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Trung Quốc
Video đang HOT
Theo nhandan
Ở nhà vì corona, học sinh Trung Quốc vẫn phải ngày đêm ôn thi đại học
Kỳ thi đại học gaokao ở Trung Quốc vốn nổi tiếng về tính khốc liệt. Ngay cả khi dịch corona bùng phát, học sinh nước này vẫn lo ngại việc nghỉ sẽ ảnh hưởng xấu đến điểm số.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên The Sixth Tone, về câu chuyện học sinh lớp 12 tại Trung Quốc lo lắng về kỳ thi đại học gaokao hơn dịch viêm phổi corona. Nhiều lớp học trực tuyến nhanh chóng được tổ chức để việc học không gián đoạn, song các rắc rối vẫn nảy sinh.
Khi Gan Jian (18 tuổi) nghe tin Bộ Giáo dục Trung Quốc quyết định cho toàn bộ trường học trên cả nước nghỉ vì dịch viêm phổi corona bùng phát diện rộng, cậu học sinh cuối cấp cảm thấy lo lắng nhiều hơn là vui sướng.
"Dịch bệnh rồi sẽ kết thúc. Còn kỳ thi đại học gaokao là ưu tiên hàng đầu của tôi. Theo lịch thi mọi năm, thời gian ôn tập không còn nhiều", Gan nói.
Gan hiện là học sinh lớp 12 tại một trường cấp 3 tại thành phố Hoàng Cương (tỉnh Hồ Bắc). Nằm cách tâm dịch Vũ Hán khoảng 75 km, Hoàng Cương ghi nhận số ca mắc nhiễm virus corona cao thứ ba tại Trung Quốc.
Từ ngày 24/1, chính quyền thành phố áp đặt lệnh phong tỏa, mọi hoạt động kinh doanh, vui chơi, đến trường đều tạm thời dừng lại.
Dịch viêm phổi corona bùng phát vào thời điểm chỉ còn vài tháng nữa là học sinh lớp 12 tại Trung Quốc bước vào kỳ thi quan trọng. Ảnh: China Daily.
Nhưng khi kỳ thi gaokao khốc liệt chỉ còn cách 122 ngày, nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên đều mang mối lo chung: Nghỉ học đồng nghĩa với đánh mất số điểm quý giá cần thiết.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhiều trường học ở Trung Quốc buộc phải nghĩ ra giải pháp tạm thời để giúp các sĩ tử vốn đã "ngồi trên đống lửa" vẫn có thể tiếp tục ôn luyện khi dịch bệnh hoành hành ngoài kia.
Ôn thi đại học giữa lúc dịch bùng phát
Huang Tian, một học sinh lớp 12 ở Hoàng Cương, sớm quay lại với sách vở và bài tập sau kỳ nghỉ Tết. Sau lệnh đóng cửa trường học, trường của cô bé ra thông báo các lớp học sẽ tổ chức qua hình thức livestream từ ngày 30/1.
Một lịch học trực tuyến chi tiết được giáo viên gửi đến từng học sinh. Theo đó, một ngày mới của Huang sẽ bắt đầu từ 6h30 sáng, khi cô giáo tải lên mạng số tài liệu cần đọc trước. 8h35 sáng, giờ học bắt đầu.
Tổng cộng, cô bé có 4 ca học mỗi ngày, mỗi ca kéo dài 90 phút. Tất cả diễn ra trong phòng ngủ.
Sau khi dành nửa tiếng ăn tối, Huang bắt đầu ôn bài, làm bài tập và những bài kiểm tra cho đến mới 22h30 mới kết thúc.
"Dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe của mọi người. Tuy nhiên, khi cân nhắc đến áp lực khổng lồ mà học sinh lớp 12 phải chịu khi kỳ thi đại học đến gần, chúng tôi quyết định tiến hành các lớp học online sớm hơn dự định. Với những khối lớp khác, việc học sẽ bắt đầu muộn hơn", Gong Dansheng, đại diện của Sở Giáo dục Hoàng Cương, cho hay.
Việc học trực tuyến được thực hiện nhanh chóng nhưng cả học sinh và giáo viên vấp phải nhiều khó khăn. Ảnh: CNA.
Không chỉ Hoàng Cương, tại Vũ Hán, nhiều trường học vẫn duy trì hoạt động dạy học thông qua các bài giảng trực tuyến. Ngày 29/1, hai ngày sau khi thông báo tạm dừng việc trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết, Bộ Giáo Dục Trung Quốc cũng kêu gọi nhà trường tổ chức dạy online cho học sinh.
Trong những tuần kế tiếp, ước tính sẽ có 5 triệu học sinh ở mọi cấptham dự lớp học online.
Việc chuyển đổi đột ngột sang các lớp học từ xa không hoàn toàn suôn sẻ dù có công nghệ hiện đại hỗ trợ. Li Xingchen, học sinh lớp 12 tại Hoàng Cương, cho biết nhà không có kết nối băng thông rộng.
Để theo dõi các bài giảng trực tuyến của trường, cậu phải mua thêm gói dữ liệu di động lớn mỗi ngày.
"Hiện tại, tôi vẫn chịu được mức giá của nhà mạng. Nhưng với những học sinh khác, nó có thể là một vấn đề không hề nhỏ. Mặt khác, cả ngày tôi đều phải chúi đầu nhìn vào màn hình điện thoại. Đến cuối ngày, tôi cảm nhận rõ mắt mình mỏi rã rời", Li kể lại.
Ngoài ra, lệnh hạn chế đi lại, ra đường cũng làm rắc rối nảy sinh "Tôi sắp hết sạch bút bi và giấy vở, còn các cửa hiệu đã đóng cửa toàn bộ", Huang than phiền.
Ở một số trường, số ít giáo viên phải đảm đương việc giảng dạy cho hàng nghìn học sinh của trường do nhiều thầy cô mắc kẹt ở quê nhà. Ảnh: Sixth Tone.
Mong sớm quay lại trường
Học sinh không phải là những người duy nhất gặp khó khăn khi việc học đột ngột gián đoạn.
Guo Xu, một giáo viên toán tại Hoàng Cương, cho hay lệnh phong tỏa đã khiến nhiều thầy cô bị mắc kẹt ở quê nhà và không thể quay lại thành phố.
"Họ không truy cập được vào các thiết bị thích hợp để phát trực tiếp. Vì vậy, một số ít giáo viên ở lại thành phố phải dạy cho tất cả học sinh. Số lượng lên đến hàng nghìn, nhưng mỗi môn học chỉ có duy nhất 2 người đứng lớp", anh cho hay.
Việc học từ xa cũng khiến giáo viên lo ngại về tính hiệu quả. "Chúng tôi phải nhờ cậy đến cha mẹ, giáo viên chủ nhiệm giám sát và đảm bảo học sinh nộp đủ bài tập đúng thời hạn", Yang Fan, một giáo viên cấp 3 chia sẻ.
Trường của Yang không tổ chức lớp học livestream vì nhiều học sinh thiếu thiết bị cần thiết. Thay vào đó, họ sử dụng các bài học được thiết kế trước đó từ một website giáo dục có sẵn.
Với nhiều học sinh cuối cấp, kỳ thi đại học gaokao khốc liệt đáng sợ hơn là dịch bệnh hoành hành. Ảnh: Sixth Tone.
Nhà trường cũng nhắc nhở học sinh chú ý đến tình hình sức khỏe và yêu cầu tất cả báo cáo tình trạng thể chất mỗi sáng.
"Tuy nhiên, với nhiều đứa trẻ, gaokao mới thực sự là thứ đáng sợ, khiến chúng đau đầu, chứ không phải dịch bệnh. Chúng biết dịch bệnh nguy hiểm nhưng vẫn lo lắng cho kỳ thi quan trọng nhiều hơn", Yang nói.
"Tôi vẫn chưa quen với lớp học trực tuyến và một số kế hoạch học tập bị gián đoạn bởi dịch bệnh. Tôi cần phải bắt kịp càng sớm càng tốt", Gan kết luận.
"Tôi thích học trực tiếp trên lớp hơn. Nhiều giáo viên không rành kết nối Internet, có khi chúng tôi lại chẳng thể nghe thấy họ đang giảng gì và không có tiếng chuông nào báo kết thúc giờ học. Vì vậy nhiều tiết học nhàm chán cứ kéo dài mãi", Huang cho biết.
Hiện tại, không chỉ Huang, nhiều học sinh cuối cấp tại Trung Quốc đang mong dịch bệnh viêm phổi corona nhanh chóng được kiểm soát để họ có thể quay lại trường học sớm nhất có thể.
Theo Zing
Bộ Giáo dục đề nghị các địa phương căn cứ tình hình tiếp tục cho học sinh nghỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn cụ thể việc học bù cũng như lùi thời gian kết thúc năm học trong trường hợp cần thiết. Ngày 6/2, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nCoV Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp và thống nhất đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố căn cứ...