27 lãnh đạo EU phê duyệt thỏa thuận Anh rời Liên minh
Các lãnh đạo Liên minh châu Âu cuối cùng cũng phê duyệt thỏa thuận để Anh rời khỏi khối này trong một hội nghị thượng định khẩn cấp ở Brussels, Bỉ.
Theo RT, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk viết trên Twitter rằng các lãnh đạo từ các nước thành viên EU đã phê duyệt thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận bao gồm hai văn bản chính, trong đó một văn bản dài 585 trang sẽ hướng dẫn cả hai bên tất cả các bước để Anh rời khỏi khối liên minh, dự định khởi động quá trình vào ngày 29/3/2019.
“EU27 đã xác nhận ‘Thỏa thuận rút lui và Tuyên bố chính trị về tương lai mối quan hệ EU-Anh’” – ông Donald Tusk viết, chưa đầy một giờ sau hội nghị thượng đỉnh của các lãnh đạo EU tại Bỉ kết thúc.
Hội nghị thượng đỉnh EU phê duyệt thoả thuận Anh rời khỏi khối này. (Ảnh minh hoạ: EUNews)
Theo RT, các văn bản pháp lý bao gồm đơn rút khỏi EU của Anh, bên cạnh đó là các nội dung về quyền của công dân và một số biện pháp nhằm đảm bảo không có biên giới cứng nào giữa Bắc Ireland và nước thành viên EU Ireland. Từ tháng 3/2019, Anh sẽ bước vào giai đoạn chuyển tiếp được thiết lập kéo dài đến tháng 12/2020.
Một văn bản khác là một tài liệu không ràng buộc, một tuyên bố chính trị vạch ra những nguyện vọng trong tương lai, bao gồm duy trì các mối quan hệ thương mại, các chính sách ngoại giao và quốc phòng chung, cũng như các mối quan hệ chặt chẽ trong hệ thống hành pháp và tư pháp.
Việc thỏa thuận Brexit đầy mong đợi được phê duyệt không diễn ra suôn sẻ. Tây Ban Nha vào phút cuối đã đe dọa rời khỏi hội nghị trừ khi nước này được đảm bảo các thỏa thuận thương mại với Gibraltar – một lãnh thổ Anh với 30.000 cư dân. Dù vậy, Madrid đã không còn đe dọa sau khi nhận được đảm bảo từ chính phủ Anh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker trước đó nói Brexit là một “bi kịch”, nhưng EU sẽ không thay đổi vai trò của mình trong trường hợp Anh từ chối thỏa thuận. Phát biểu tại hội nghị, ông nói thỏa thuận Brexit hiện tại là tốt nhất cho Anh. Ông gọi đây là một ngày buồn “khi phải nhìn một nước như Vương quốc Anh rời EU”.
Thủ tướng Anh Theresa May đã gặp các quan chức EU từ đầu tuần để đảm bảo có được sự ủng hộ trước hội nghị thượng đỉnh. Tại quê nhà, bà phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ thỏa thuận Brexit, dù cho rằng đây là thỏa thuận tốt nhất ở thời điểm hiện tại.
Bên cạnh đó, dù EU đã đồng ý ủng hộ, thoả thuận này vẫn phải được Quốc hội Anh thông qua vào tháng 12. Tại Anh, đảng Lao động, đảng Dân chủ tự do, đảng Quốc gia Scotland – SNP và đảng Hợp nhất dân chủ – DUP đều đã cam kết đẩy lùi thỏa thuận của Thủ tướng May, cũng như nhiều thành viên bảo thủ khác.
Nếu Quốc hội Anh từ chối thỏa thuận, Anh sẽ phải rời EU mà không có thỏa thuận nào vì ngày ra đi đã ấn định không thể thay đổi, theo RT. Một số nghị sỹ đề xuất những phương án khác như tổ chức thêm một cuộc trưng cầu dân ý hoặc bầu cử nhanh nếu bà May thất bại trong các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm.
(Nguồn: RT)
PHƯƠNG ANH
Theo VTC
Hỗ trợ tái chiếm Donbass: NATO giúp Moscow, hại Kiev?
Mỹ-NATO giúp Kiev tái hoàn nhập Donbass bằng bạo lực thực ra là làm hại Ukraine, còn Nga mới là bên được lợi, bởi khi đó bất cứ cơ chế nào...
Sputnik ngày 3/9 dẫn nguồn tin từ quân đội Donetsk khẳng định nhiều sĩ quan cấp cao của Mỹ và Canada đã đến miền đông Ukraine để lên kế hoạch tấn công nước Cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR).
Video đang HOT
"Tình báo của chúng tôi phát hiện số lượng lớn lính đánh thuê có mặt tại bản doanh lữ đoàn bộ binh cơ giới 56 và lữ đoàn pháo binh 406 của quân đội Ukraine, gần làng Urzuf", phát ngôn viên Bộ chỉ huy tác chiến quân đội DPR Daniil Bezsonov tiết lộ.
Ông Bezsonov cho biết thêm: "Ngoài ra, một nhóm sĩ quan quân đội cấp cao Mỹ và Canada đã đến trụ sở Bộ Tư lệnh chiến dịch miền Đông của quân đội Ukraine.
Không loại trừ khả năng họ đang chuẩn bị phát động một cuộc tấn công".
Phát ngôn viên Bộ chỉ huy tác chiến quân đội DPR Daniil Bezsonov cáo buộc Mỹ-NATO và chính quyền Kiev đang chuẩn bị tấn công Donetsk
Phát ngôn viên Bộ chỉ huy tác chiến của quân đội DPR cho rằng sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài tại khu vực tranh chấp đang leo thang xung đột đồng nghĩa với việc Ukraine đang chuẩn bị tấn công Donbass.
Theo giới phân tích, lời nhận định của đại diện quân đội Cộng hòa tự xưng Donetsk là hoàn toàn có cơ sở, chứ không phải là sự quy chụp hay suy diễn nặng về cảm tính. Tại sao vậy?
Thứ nhất, ngày 31/8, khi trả lời phỏng vấn The Guardian của Anh, Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine Kurt Volker cho biết, Washington sẽ cung cấp thêm vũ khí gây sát thương cho Ukraine.
Theo Đại diện đặc biệt của Mỹ, quyết định của Washington nhằm giúp chính quyền Kiev củng cố lực lượng hải quân và không quân để đối phó với cái mà họ gọi là mối đe dọa từ Nga, trong đó có ảnh hưởng của Moscow tại Donbass.
Ông Volker cho biết, sở dĩ chính quyền của Tổng thống Donald Trump phải sẵn sàng cung cấp thêm vũ khí gây sát thương cho Ukraine, là vì : "Ukraine đang mất dần binh sĩ mỗi tuần để bảo vệ đất nước mình.
Trong bối cảnh đó, Ukraine phải củng cố quân đội, tăng cường phòng thủ là điều hiển nhiên, do vậy các nước khác nên giúp đỡ họ. Và thứ mà Kiev cần hỗ trợ là các loại vũ khí gây sát thương bởi họ đang bị tấn công".
Xin nhắc lại, trước đây Quốc hội Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật hỗ trợ vũ khí gây sát thương cho quân đội Ukraine, song đã bị Tổng thống Obama phủ quyết do lo ngại sự leo thang căng thẳng từ Nga.
Tháng 12/2017, Tổng thống Trump đã gỡ bỏ hạn chế này và phê chuẩn việc chuyển giao vũ khí gây sát thương cho Ukraine, bất chấp Moscow cảnh báo Washington "đang vượt qua giới hạn" và đang đẩy Kiev vào "cuộc xung đột mới".
Đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Ukraine Kurt Volker thông báo Washington cung cấp thêm vũ khí gây sát thương cho quân đội Ukraine
Hồi đầu năm nay, Quốc hội Mỹ đã thông qua Dự luật Ngân sách Quốc phòng, trong đó quy định gói viện trợ quân sự cho Ukraine có trị giá 250 triệu USD. Như vậy, Washington đã chuẩn bị cho Kiev sẵn sàng một cuộc chiến mới.
Thứ hai, tuyên bố của quân đội DPR được đưa ra sau khi Kiev ban hành Luật "Về các khía cạnh đặc biệt của chính sách nhà nước đảm bảo chủ quyền Ukraine tại các vùng bị tạm chiếm Donetsk và Luhansk ", gọi tắt là Luật tái hoà nhập Donbass.
Đạo luật mang số 7163 này đã xác nhận sự chiếm đóng tạm thời của Liên bang Nga đối với một phần lãnh thổ của Ukraine. Đây được xem là một chuyển động quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị tại Ukraine đầu năm 2018.
Luật tái hoà nhập Donbass không phù hợp với Hiệp định Hoà bình Minsk khi luật hoá khái niệm "nước Nga xâm lược", qua đó xoá bỏ vai trò của cơ chế Normandy - cơ chế quốc tế giải quyết xung đột tại miền đông Ukraine.
Từ khi cuộc xung đột tại miền đông nổ ra, rồi việc Crimea tái hoà nhập vào lãnh thổ nước Nga, chính quyền Kiev luôn lên án Nga có hành động xâm lược Ukraine, song ở đây khái niệm nước Nga là nước xâm lược chỉ là khái niệm mang ý nghĩa chính trị.
Mà xung đột chính trị, rồi dẫn đến xung đột vũ trang thì lực lượng tấn công đều bị xem là lực lượng xâm lược, quốc gia xâm lược, song điều đó chỉ có ý nghĩa chính trị và không bị đối chiếu với luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên khi khái niệm "nước Nga xâm lược" được luật hoá thì vấn đề sẽ hoàn toàn khác. Khi đó Ukraine hoàn toàn có thể kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ nước này đánh đuổi quân xâm lược và mọi quốc gia đều có thể tham gia vào cuộc chiến này.
Mỹ và các nước phương Tây vốn không dễ can thiệp vào tình hình Ukraine, nếu như không muốn gia tăng đối trọng với Nga, song khi khái niệm "nước Nga xâm lược" được luật hoá thì vấn đề sẽ khác.
Luật hoá tái hoà nhập Donbass chỉ là cách Kiev giúp cắm cờ NATO trên biên giới nước Nga
Khi đó NATO hay quân đội Mỹ hoàn toàn có thể xuất hiện và đồn trú tại Ukraine, song với Nga thì đều bị xem là xâm lược. Mọi cuộc xung đột vũ trang giữa Nga với Ukraine hay các nước khác nếu có đều bị xem là cuộc chiến chống xâm lược.
Đây được xem là cách "NATO hoá Ukraine" - Ukraine chưa là thành viên NATO, song NATO hoàn toàn có thể xuất hiện tại Ukraine và chống Nga. Do vậy, việc cố vấn Mỹ và Canada đến miền đông Ukraine có thể được xem là chuẩn bị có biến.
Thứ ba, lời tuyên bố của đại diện quân đội DPR đưa ra ngay sau khi nhà lãnh đạo nước Cộng hoà tự xưng Donetsk Alexander Zakharchenko bị sát hại trong một vụ đánh bom, mà Kiev bị cho là không thể hoàn toàn vô can với sự việc này.
Nhà lãnh đạo ly khai Zakharchenko bị sát hại đã gây ra những bất ổn mới tại miền đông Ukraine và không khí thù địch đối với Kiev dường như đã dâng trào tại khu vực ly khai Donbass trong những ngày qua.
Điều đó thể hiện rõ nhất qua việc đông đảo người dân sinh sống tại khu vực này đến thăm viếng ông Zakharchenko, thể hiện lòng thương tiếc nhà lãnh đạo trẻ tuổi và thề trả thù cho lãnh tụ của họ.
Không khí thù địch Kiev có thể khiến các lực lượng ly khai thực hiện hành động thù địch Kiev bất lúc nào và đây được xem là cơ hội tốt nhất cho Kiev hành động, tạo cớ cho Mỹ-NATO xuất hiện tại vùng đệm nguy hiểm này.
Do vậy, việc nhà lãnh đạo nước Cộng hoà tự xưng Donetsk Zakharchenko có thể được xem cơ hội cho việc Wasshington giúp Kiev thực hiện tái hoà nhập Donbass bằng bạo lực, mà chỉ cần gây hấn rồi đổ lỗi cho các lực lượng ly khai.
Thứ tư, ngày 3/9 Tổng thống Petro Poroshenko cho biết chuẩn bị kế hoạch thông báo với Nga về việc chấm dứt hiệu lực Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Ukraine với Nga.
Chính quyền Poroshenko quyết thực hiện mọi kế sách để giúp Washington biến Donbass thành vùng đệm nguy hiểm với ngay chính đất nước Ukraine
"Khi nhận được đề xuất từ Bộ Ngoại giao, tôi đã lên kế hoạch tổ chức sớm cuộc họp với Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia, và trước ngày 30/9 tôi sẽ thông báo với Nga về việc không gia hạn hiệp ước này", theo TASS.
"Hiệp ước này không chấm dứt vì nó là một thủ tục khó khăn và kéo dài. Nó hết hạn vì không được gia hạn", nhà lãnh đạo Ukraine nhấn mạnh và khẳng định rằng đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Tổng thống và không cần thông qua Quốc hội.
Được biết, ngày 28/8 vừa qua, Tổng thống Poroshenko đã yêu cầu Bộ Ngoại giao Ukraine chuẩn bị một gói các văn kiện nhằm khởi động tiến trình chấm dứt hiệp ước mà ông miêu tả là một "sự lỗi thời".
Ngày 30/8, Ngoại trưởng Pavel Klimkin cho biết Bộ Ngoại giao Ukraine đã chuẩn bị toàn bộ tài liệu cần thiết và Kiev sẽ chính thức thông báo kế hoạch chấm dứt Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác Nga-Ukraine được ký năm 1997, với Moscow.
Ukraine và Nga ký Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác vào tháng 5/1997 và chính thức có hiệu lực vào tháng 4/1999 với thời hiệu là 10 năm. Nếu hai bên không có quyết định gì khác thì hiệp ước này được tự động gia hạn thêm 10 năm nữa.
Sau khi gia hạn 10 năm, nếu hai bên muốn gia hạn tiếp hay chấm dứt hiệp ước thì phải tuyên bố kế hoạch trước 6 tháng, trước khi hiệp ước hết hiệu lực, nghĩa là trước tháng 10/2018. Và Kiev có kế hoạch tuyên bố chấm dứt hiệp ước với Nga.
Dù sau khi Tổng thống Putin tái sát nhập Crimea vào nước Nga thì quan hệ Nga-Ukraine gần như đoạn tuyệt, song Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác Nga-Ukraine vẫn là rào cản cho việc Kiev "mời" Mỹ-NATO đến sát biên giới nước Nga.
Nay Kiev quyết định không gia hạn hiệp ước này đồng nghĩa những rào cản pháp lý cuối cùng với việc giới chính trị Maidan "cầm cờ" NATO cắm trên biên giới nước Nga đã được xóa bỏ và Kiev đã sẵn sàng giải quyết vấn đề ly khai bằng vũ lực.
Chỉ cần Mỹ-NATO hành động là việc quân đội Nga xuất hiện tại Donbass sẽ được hợp pháp hoá
Chỉ có điều khi Kiev và "những người anh em xa hành động" thì cũng ngay lập tức giúp quân đội Nga có thể xuất hiện hợp pháp tại Donbass với danh nghĩa bảo vệ người dân nói tiếng Nga tại đây.
Và nếu điều này xảy ra thì mọi cơ chế chính trị cho vùng ly khai Donbass sẽ không thể được xác lập bởi Kiev và "những người anh em xa", vì nó vô hiệu hoàn toàn Thoả thuận hoà bình Minsk và khi đó cả công luận và dư luận sẽ thuận lợi cho Nga.
Vỉ vậy, việc Mỹ-NATO giúp Kiev tái hoàn nhập Donbass bằng bạo lực thực ra là làm hại Ukraine, mà Nga mới là bên được lợi, bởi khi đó bất cứ cơ chế nào được xây dựng để xác lập quy chế cho Donbass đều không thể thiếu "yếu tố Nga".
Ngọc Việt
Theo baodatviet
FBI âm mưu lôi kéo tỉ phú Nga cấp chứng cứ chống ông Trump Christopher Steele, cựu điệp viên MI6 của Anh đã giúp FBI nỗ lực dụ dỗ tỉ phú Nga Oleg Deripaska cung cấp chứng cứ Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Tổng thống Putin thân cận ông Deripaska - Ảnh: The Hill Tổng thống Mỹ Donald Trump rất tức giận Steele, và người ủng hộ ông đã xem Steele là...