250 triệu USD xây tuyến metro vào sân bay Tân Sơn Nhất
Tuyến nhánh metro dài khoảng 2 km từ Công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất với vốn 250 triệu USD dự kiến khởi công vào đầu năm 2019.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc vừa hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tuyến nhánh metro số 4 b-1 (tuyến nhánh vào sân bay Tân Sơn Nhất).
Sơ đồ tuyến metro số 5 (Bến xe Cần Giuộc – cầu Sài Gòn) và nhánh nối từ công viên Hoàng Văn Thụ vào sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: BQL Đường sắt đô thị TP HCM
Tuyến này dài 2 km, đi ngầm từ công viên Hoàng Văn Thụ đến sân bay Tân Sơn Nhất, gồm một ga ngầm tại Công viên Hoàng Văn Thụ và một ga ngầm ở cửa sân bay quốc tế, kết nối bằng tuyến đường hầm đi bộ đến cửa sân bay nội địa.
Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 250 triệu USD. Trong đó vốn vay Hàn Quốc khoảng 224 triệu USD, phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.
Theo dự kiến, dự án sẽ được trình Chính phủ xin chủ trương đầu tư vào quý 1/2017, năm sau sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi và trình Thủ tướng phê duyệt. Dự kiến, đến quý 1/2019 khởi công và hoàn thành vào năm 2024.
Trước đó, hồi tháng 6/2015 UBND TP HCM có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đăng ký đề xuất hỗ trợ kỹ thuật từ Chính phủ Hàn Quốc cho tuyến nhánh metro từ ga Cộng Hòa (tuyến số 5) vào sân bay Tân Sơn Nhất.
Video đang HOT
Trước đây, đoạn metro nối vào sân bay Tân Sơn Nhất không nằm trong quy hoạch các tuyến metro. Do lượng người đến sân bay ngày càng đông, thành phố mới nghiên cứu bổ sung để xây dựng nhánh metro này. Theo tính toán, khi được đầu tư nhánh này sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại rất lớn của hành khách từ các quận nội thành đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Thiết kế 2 nhà ga của tuyến nhánh metro 4 b-1.
Tuyến nhánh metro 4 b-1 được kết nối với tuyến metro số 5 và tuyến metro số 5 được kết nối với tuyến metro số 1, 2 và 3a.
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, TP HCM có 8 tuyến metro gồm: Tuyến số 1: Bến Thành – Suối Tiên dài gần 20 km (dự kiến kéo dài đến Bình Dương); Tuyến số 2: Thủ Thiêm – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48 km (làm trước đoạn Bến Thành – Tham Lương).
Tuyến 3A: Bến Thành – Tân Kiên khoảng 20 km; Tuyến 3B: Ngã sáu Cộng Hòa – Hiệp Bình Phước dài hơn 12 km; Tuyến số 4A: Cầu Bến Cát – Khu đô thị Hiệp Phước dài 36 km; Tuyến 4B: Ga Công viên Gia Định – Ga Lăng Cha Cả dài 5,2 km; Tuyến số 5: Cầu Sài Gòn – bến xe Cần Giuộc (khoảng 17 km); Tuyến số 6: Bà Quẹo – vòng xoay Phú Lâm (dài hơn 6 km).
Cùng với việc xây dựng tuyến metro, TP HCM đang nghiên cứu xây dựng các cầu vượt và đường trên cao nối vào sân bay để giảm tình trạng ùn tắc giao thông với tổng số vốn lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng.
Hữu Nguyên
Theo VNE
Doanh nghiệp muốn xây hầm chui ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất
Hầm dài gần một km, 2 làn xe, kinh phí 370 tỷ đồng được đề xuất xây để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ sân bay ở TP HCM.
Một doanh nghiệp vừa đề xuất chính quyền TP HCM cho phép triển khai dự án xây hầm chui tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi (quận Tân Bình) nhằm giảm kẹt xe tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. Hầm dài 785 m (phần kín 485 m và phần hở 300 m) gồm 2 làn, cho xe lưu thông từ đường Trường Sơn vào trung tâm thành phố.
Chi phí xây dựng ước tính khoảng 370 tỷ đồng và dự án được đề nghị thực hiện theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Giá trị chính thức sẽ được xác định sau khi lập dự án đầu tư trình UBND TP HCM phê duyệt.
Ngoài ra, công ty này cũng đề xuất mở rộng đường Trần Quốc Hoàn theo hướng dỡ bỏ dải phân cách hiện hữu để tái lập mặt đường. Việc này sẽ tăng thêm một làn xe, tăng khả năng thông xe của cả tuyến.
Hầm chui được đề xuất xây dựng tại nút giao Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi.
Cửa ngõ Tân Sơn Nhất là điểm nóng về ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm do lượng xe lưu thông quá lớn. Thời gian gần đây, kẹt xe còn xảy ra cả vào buổi trưa.
Sở GTVT TP HCM đã nghiên cứu 3 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 1.800 tỷ đồng, gồm: xây cầu vượt thép chữ Y tại nút giao Trường Sơn - đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài (quận Tân Bình) với kinh phí hơn 770 tỷ đồng (giai đoạn một là 394 tỷ đồng, giai đoạn 2 sẽ xây thêm hầm chui qua đường Trường Sơn); cầu vượt tương tự tại giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) hơn 504 tỷ đồng.
Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất thường xuyên bị ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Duy Trần
Dự án cải tạo mở rộng đường Hoàng Minh Giám (đoạn từ công viên Gia Định đến đường Đào Duy Anh và đoạn vuốt nối đường Phổ Quang hiện hữu) với tổng mức đầu tư hơn 166 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 137,5 tỷ).
Dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám từ cổng Doanh trại quân đội (giáp sân bay) đến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) với tổng mức đầu tư 255 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 190 tỷ) và cải tạo đường Cộng Hòa từ hẻm số 2 Trần Quốc Hoàn đến đường Thăng Long với kinh phí gần 143 tỷ đồng (trong đó tiền giải phóng mặt bằng là 104 tỷ).
Hữu Công
Theo VNE
3.500 tỷ đồng làm đường trên cao giảm ùn tắc cho Tân Sơn Nhất Đường trên cao dài hơn 5 km nối các nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất với xung quanh được đề xuất xây dựng với tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng. Liên danh gồm 3 nhà đầu tư trong nước vừa đề xuất với Sở Giao thông Vận tải TP HCM xây dựng đường trên cao chạy quanh sân bay Tân Sơn...