246 triệu trẻ em bị bạo lực học đường mỗi năm
Bạo lực giới học đường đang ảnh hưởng thể chất, tâm lý và kết quả học tập của hàng triệu học sinh trên toàn thế giới.
Ngày 22/11, Bộ GD&ĐT phối hợp các tổ chức thuộc Liên Hợp Quốc tổ chức hội thảo, tập huấn về Nâng cao năng lực phòng ngừa bạo lực học đường, kỹ năng công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông.
Tại buổi hội thảo, bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), khẳng định bạo lực trong trường học đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hàng triệu trẻ em và thiếu niên trên toàn thế giới.
Theo thống kê, hàng năm, khoảng 246 triệu trẻ em trên thế giới bị bạo lực ở trường học.
Bạo lực học đường ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần và kết quả học tập của học sinh. Ảnh minh họa: NP.
Bạo lực giới học đường không chỉ ảnh hưởng sức khỏe tâm lý của học sinh, mà còn liên quan việc các em nghỉ học nhiều hơn, kết quả học tập kém, bỏ học, tự ti, trầm cảm, mang thai và bị các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như HIV.
Ở Việt Nam, bạo lực học đường, bạo lực giới vẫn xảy ra tại một số địa phương khiến dư luận lo ngại.
Video đang HOT
Ông Bùi Văn Linh, Phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) thừa nhận công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội còn lỏng lẻo, chưa hiệu quả. Đặc biệt, người lớn chưa thể làm gương hay nắm được cách chăm sóc, bảo vệ và quản lý trẻ em.
Ngành giáo dục gặp một số khó khăn trong việc phòng ngừa bạo lực học đường như thiếu mô hình chuẩn về phòng chống bạo lực, thiếu nhân lực có chuyên môn để tư vấn, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Vì thế, nhằm góp phần ngăn ngừa bạo lực giới học đường, tại buổi hội thảo, các chuyên gia giới thiệu bộ công cụ với tên gọi “Xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng: Ngăn ngừa bạo lực giới ở trường học”.
Bộ công cụ này được Đại học Melbourne (Australia) xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm công tác khu vực về bạo lực giới ở trường học thuộc Sáng kiến Giáo dục cho Trẻ em gái khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Bộ tài liệu được sử dụng trong hai ngày tập huấn nhằm trang bị kiến thức cơ bản về công tác tư vấn tâm lý và kỹ năng tư vấn tâm lý cơ bản cho các nhà quản lý, cán bộ, giáo viên cốt cán các trường THCS và THPT.
Ngoài ra, thông qua cuộc hội thảo, tập huấn, Bộ GD&ĐT cũng lấy ý kiến từ các nhà quản lý giáo dục cho dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý trong trường phổ thông.
Bộ và các tổ chức thuộc UN hy vọng buổi hội thảo sẽ góp phần phòng ngừa bạo lực giới học đường, xây dựng trường học thành “nơi an toàn để trẻ em học cách giải quyết vấn đề mà không sử dụng bạo lực” như lời khẳng định của bà Shoko Ishikawa.
Theo Zing
'Thi môn Giáo dục công dân không có nghĩa giảm bạo lực'
Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Giáo dục công dân là môn học cần thiết nhưng không có nghĩa đưa vào thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm.
Sáng 16/11, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội xoay quanh 3 nhóm vấn đề chính, gồm đổi mới giáo dục, quản lý chất lượng đào tạo và đổi mới thi cử.
Việc đổi mới thi THPT quốc gia (trừ Ngữ văn, các môn còn lại thi trắc nghiệm, trong đó có Giáo dục công dân) và bạo lực học đường cũng được các đại biểu nêu tại nghị trường.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Giáo dục công dân là môn học cần thiết nhưng không có nghĩa đưa vào môn thi tốt nghiệp thì bạo lực học đường sẽ giảm.
"Chúng ta cần có phương pháp giáo dục tại gia đình, nhà trường và giảm bớt tác động tiêu cực xã hội như phim bạo lực, đồng bộ nhiều giải pháp, chứ đưa Giáo dục công dân vào môn thi tốt nghiệp và giảm bạo lực học đường thì không phải", đại biểu Lợi nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, giáo dục học sinh phải kết hợp giữa gia đình, nhà trường. Ảnh: Anh Tuấn.
Theo ông Lợi, trong nhiều năm phát triển giáo dục, Giáo dục công dân không phải môn chính. Chúng ta phải giáo dục các cháu từ gia đình, nhà trường, đạo đức xã hội, chứ không chỉ từ môn học này.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bình luận thêm bạo lực học đường là vấn đề bức xúc, nhức nhối. Trước đây, bạo lực trong nhà trường thường là nam sinh nhưng nay lại xuất hiện ở nữ sinh. Không phải một hai em mà đánh nhau tập thể theo nhóm.
"Đây là biểu hiện xuống cấp, thiếu đạo đức, kém văn hoá của học sinh. Giáo dục công dân là môn học tốt nhưng không phải môn quyết định, phải là giáo dục nhân cách con người đi từ mẫu giáo tới các cấp học, được chuyển biến thông qua rèn luyện của thầy, quan tâm theo dõi chăm sóc của gia đình", ông Lợi nêu quan điểm.
Đại biểu này cũng cho rằng nhiều khi chúng ta sợ giáo dục giới tính nhạy cảm, nhưng thực tế rất quan trọng. Phổ cập phải theo hướng ở độ tuổi nào giáo dục mức độ đó, càng cao thì phải tiệm cận vấn đề tâm lý, chứ không rất nguy hiểm.
Sáng nay, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn Quốc hội, đề cập 3 nhóm vấn đề.
Đó là thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông theo nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội; thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.
Nhóm vấn đề về công tác quản lý chất lượng đào tạo, nhất là chất lượng đào tạo của các trường đại học do địa phương quản lý; giải pháp quản lý chất lượng giáo dục đại học, gắn với quy hoạch, dự báo và sử dụng nguồn nhân lực.
Người đứng đầu ngành giáo dục cũng đề cập việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016-2020.
Theo Zing
Bạo lực học đường: Một góc nhìn khác Bạo lực là sản phẩm của hành xử kém văn minh. Khi mặt bằng dân trí chưa thoát khỏi bản năng hoang dã, con người thường giải quyết xung đột bằng bạo lực. Bởi vì bạo lực xét đến cùng là hành vi bản năng. Mọi sự phẫn nộ hoặc phản kháng phi lý tính đều có nguy cơ dẫn đến bạo lực....