23 điểm khối C, nữ sinh dân tộc Mường không dám nộp hồ sơ xét tuyển vì nhà quá nghèo
Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, mặc dù được 23 điểm khối C, đủ đậu đại học nhưng nữ sinh dân tộc Mường Hà Thị Nhung ngậm ngùi không làm hồ sơ xét tuyển mà quyết định đi làm để có tiền phụ giúp bố mẹ. Trước sự động viên của cô giáo, Nhung đã quay về để đi học nhưng chặng đường phía trước của em còn nhiều gian nan…
Em Hà Thị Nhung (SN 2000, ở làng Pheo, xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa), học sinh lớp 12B, trường THPT Thọ Xuân 5 vừa trở về nhà sau thời gian làm công nhân may tại tỉnh Hải Dương.
Em Hà Thị Nhung, học sinh dân tộc Mường đã xuất sắc đạt 23 điểm khối C.
Nhung là con út trong gia đình người dân tộc Mường nơi vùng quê đặc biệt khó khăn của huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa), các anh chị đã lập gia đình và ra ở riêng. Điều kiện gia đình khó khăn nhưng em đã nỗ lực vươn lên đạt kết quả đáng khâm phục trong học tập.
Suốt những năm học phổ thông, Nhung luôn là học sinh giỏi. Em còn tham gia một số kỳ thi học sinh giỏi các cấp và đạt giải Khuyến khích môn Địa lý cấp tỉnh.
Sau những buổi học ở trường, về nhà, Nhung còn làm ruộng, làm nương rẫy để đỡ đần thêm cho bố mẹ.
“Thấy con ham học, thương con nhưng không biết làm gì để giúp cháu cả. Nguyện vọng của bố mẹ mong sao cháu cố gắng học tập để sau này có tương lai, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội” – bà Hà Thị Thoa (62 tuổi, mẹ Nhung), chia sẻ.
Dù sinh ra và lớn lên ở vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, nhưng nữ sinh Hà Thị Nhung đã đạt kết quả học tập đáng khâm phục. Trong ảnh: Cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hoa (bên trái) và em Nhung.
Video đang HOT
Thấu hiểu về điều kiện khó khăn của học sinh, trong quá trình học tập, nhà trường luôn tìm các nguồn hỗ trợ học bổng để trao cho Nhung. Cô Lê Thị Hoa – giáo viên chủ nhiệm luôn động viên em cố gắng học tập, thậm chí đưa em về nhà dạy miễn phí. Đó là những niềm động viên tiếp thêm nghị lực cho Nhung cố gắng trong học tập.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, tổ hợp các môn khối C xét tuyển vào đại học của Nhung được 23 điểm, trong đó Văn 8 điểm, Sử 6,75 điểm và Địa lý được 8,25 điểm.
Kết thúc kỳ thi THPT, nghĩ về hoàn cảnh gia đình, Nhung quyết định đi làm ở công ty may tại tỉnh Hải Dương. Cũng từ thời điểm đó, em đã có suy nghĩ là sẽ không tiếp tục con đường học tập mà đi làm để có tiền phụ giúp bố mẹ.
Thậm chí, khi có điểm thi và biết mình đậu đại học, Nhung vẫn không có ý định đăng ký xét tuyển để theo học. Thấy Nhung là học sinh có năng lực, ham học nên cô giáo chủ nhiệm đã động viên em quay về đi học.
“Khi biết điểm thi, nghe em nói không đi học, tôi cảm thấy rất tiếc, thậm chí khóc. Nhung là học sinh chăm chỉ, sống hòa đồng với bạn bè, luôn nhiệt tình và có ý thức xây dựng tập thể, đặc biệt rất nỗ lực trong học tập”, cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Hoa tâm sự.
Trước sự động viên của cô giáo chủ nhiệm và gia đình, Nhung đã xin nghỉ việc ở công ty may để về làm hồ sơ xét tuyển đại học. Nhung cho biết em đã đăng ký xét tuyển vào khoa Tâm lý học giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục Hà Nội.
Gia đình có điều kiện khó khăn, bố bị suy tim độ 3 nên việc học tập của Nhung gặp nhiều khó khăn
Bà Hà Thị Thoa chia sẻ: “Trong quá trình học tập từ mầm non đến cấp 3, cháu luôn được các thầy cô và nhà trường tạo điều kiện giúp đỡ. Lúc đầu khi biết điểm, gia đình cũng nghĩ do điều kiện quá khó khăn, không biết lấy tiền đâu cho cháu ăn học, nhưng được thầy cô giáo động viên nên cũng cố gắng để cháu đi học”.
Dù quyết tâm cho con theo học, nhưng khi nghĩ đến kinh phí học tập, bà Thoa không khỏi lo lắng: “Vợ chồng tôi đã già, bố cháu lại ốm đau không biết sẽ làm gì để có tiền cho cháu ăn học. Gia đình chủ yếu trồng lúa nhưng chỉ được vài ba sào. Anh chị của cháu đã lập gia đình ra ở riêng nhưng cũng không có điều kiện để giúp em. Đã hơn một năm nay, bố cháu không làm được việc gì do bệnh suy tim độ 3″.
Con đường đến với giảng đường của Nhung còn nhiều gian nan
“Cũng vì thương bố mẹ vất vả nên lúc đầu em mới quyết định đi làm công nhân. Khi được cô giáo động viên em cũng thấy tiếc với điểm số của mình nên về để làm hồ sơ đi học. Em mong muốn được đi học và thành công trên con đường mình lựa chọn để sau này có thể giúp đỡ gia đình. Em sẽ tìm công việc làm thêm để có thu nhập trang trải việc học tập”.
Lời tâm sự thể hiện quyết tâm của nữ sinh Hà Thị Nhung, nhưng khi chứng kiến điều kiện gia đình em, ai cũng hiểu chặng đường phía trước em sẽ còn gặp nhiều gian nan…
Duy Tuyên
Theo Dân trí
16 trai, gái bản cùng lớp đạt 24 điểm khối C trở lên
Lớp 12C1 có 27 học sinh thì 25 em đạt tổng điểm xét tuyển khối C từ 21 trở lên, trong đó nhiều em gần đạt điểm tuyệt đối.
Cô Bùi Thị Lệ Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1, trường Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An cho biết, lớp có 27 em (22 nữ, 5 nam) dự kỳ thi THPT quốc gia thì có 22 em có điểm môn Văn từ 8 trở lên, trong đó hai em đạt 9,5 và một em đạt 9,25. Môn Địa lý có một em đạt 9,75, một em đạt 9,5.
"Tổng ba môn khối C có 16 em đạt từ 24 đến 25,75 điểm, chỉ hai em thấp nhất là 19,25", cô Thu nói.
Học sinh lớp 12C1 có 22 nữ và 5 nam.
Em Vi Hồng Hà Sương đạt điểm cao nhất lớp (Văn 8,75; Lịch sử 8,25 và Địa lý 9,7) tâm sự, bản thân rất bất ngờ về kết quả đạt được. Hoàn thành bài thi, em tự chấm với số điểm thấp hơn so với thực tế.
"Em đã đăng ký nguyện vọng vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền vì ước mơ của em là được trở thành phóng viên. Em đã tham dự bài thi năng khiếu của trường này nhưng chưa có kết quả", Sương kể.
Lô Thị Tĩnh đạt số điểm cao thứ hai của lớp với 26,25, trong đó Ngữ Văn 9,5. Nhớ lại bài làm Văn, nữ sinh cho rằng câu nghị luận văn học kiến thức nằm trong sách giáo khoa, riêng câu nghị luận xã hội phải tư duy.
"Với em, tiềm lực đất nước không ở đâu xa mà ở trong mỗi con người. Ví dụ thầy cô giáo hàng ngày đến lớp, hết lòng dạy học cho học sinh, truyền đam mê học tập, ước mơ vào tương lai cho các em đó chính là góp sức vào xây dựng đất nước. Là học sinh, em cố gắng học tập tốt, lựa chọn ngành nghề tương lai phù hợp với đam mê, để sau này có thể phát huy hết năng lực của mình. Ai cũng như vậy sẽ phát huy được tiềm lực đất nước", nữ sinh 18 tuổi phân tích.
Tập thể lớp 12C1 cùng cô giáo chủ nhiệm.
Thầy Nguyễn Đậu Trương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, kỳ thi THPT quốc gia năm học 2016-2017, học sinh lớp 12C1 của trường cũng đạt trung bình trên 20 điểm khối C.
Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 thành lập từ năm 2012. Mỗi năm trường thi tuyển đầu vào khoảng 150 em, hầu hết là người dân tộc sinh sống tại các huyện Quỳ Hợp, Quế Phong, Nghĩa Đàn, Quỳ Châu và Quỳnh Lưu.
Tỉnh Nghệ An có hơn 30.600 thí sinh dự thi THPT quốc gia. Theo kết quả do Sở Giáo dục công bố sáng 11/7, tỉnh không có điểm 10 môn Toán. Thí sinh đạt điểm cao nhất là Phạm Quốc Huy với 9,6 điểm. 10 em khác đạt 9,2 điểm.Môn Văn, thí đạt điểm cao nhất là Trần Thị Hằng với 9,75. Môn Lịch Sử có 4 điểm 9,75. Toàn tỉnh có 11 điểm 10 ở các môn Hóa (5), Địa lý (3), Giáo dục công dân (2)và tiếng Anh (1).
Hải Bình
Theo vnexpress.net
NGHỆ AN: Một lớp dân tộc nội trú có 2 nữ sinh đạt 9,5 điểm Ngữ văn Lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 Nghệ An có 27 em dự thi THPT quốc gia thì có tới 22 em có điểm 8 môn Ngữ văn trở lên. Trong đó có 2 nữ sinh đạt 9,5 điểm môn Ngữ văn ở kỳ thi này. Lớp 12C1, Trường Dân tộc nội trú THPT số 2 tỉnh Nghệ An có...