20 năm trước, Steve Jobs từng tạo ra “chiếc máy tính mát nhất trên đời”
Nhưng hoá ra, sản phẩm này chẳng khác gì một cái lò nướng đắt đỏ!
Vào ngày 19/7/2000, Apple đã công bố chiếc máy tính Power Mac G4 Cube. Và chưa đầy một năm sau đó, vào ngày 3/7/2001, cũng chính họ đã công bố cho chiếc máy tính này về hưu.
Hiển nhiên, vào đêm giới thiệu sản phẩm tại Macworld Expo 2000, CEO Apple lúc bấy giờ là Steve Jobs chẳng hề nghĩ rằng mọi chuyện sẽ chóng vánh đến vậy. Chiếc máy tính được Steve Jobs đặt cho biệt danh “ The Cube” (Khối lập phương) là một chiếc máy tính mạnh mẽ và được tản nhiệt bằng không khí (Jobs cực kỳ ghét tản nhiệt quạt) – theo lời Jobs. The Cube có thiết kế khá độc đáo, với bộ vỏ làm bằng nhựa trong suốt, kích thước 8-inch, và một khối linh kiện điện tử bên trong. Nó trông không giống một chiếc máy tính, mà giống một chiếc máy nướng bánh bước ra từ phim khoa học viễn tưởng vậy. Nó không có nút nguồn, thay vào đó có thể nhận biết cú vẫy tay của bạn để tự khởi động. Máy cũng chẳng có khay giữ đĩa CD, bạn chỉ cần đưa đĩa tới khe, máy sẽ tự nuốt đĩa vào.
The Cube có thân vỏ bằng nhựa. Jobs nói rằng: “ Chúng tôi tận dụng nhựa tốt hơn bất kỳ ai khác trên thế giới. Đây là nhựa với công thức đặc biệt, và là hàng độc quyền, chỉ chúng tôi có mà thôi. Phải mất 6 tháng chúng tôi mới tìm ra công thức của loại nhựa này. Người ta có thể dùng nó làm áo chống đạn được đấy! Và nó bền đáng kinh ngạc, và đẹp nữa. Chưa từng có thứ gì giống như vậy. Làm sao anh làm ra được một thứ như vậy chứ? Chưa từng có ai làm được thứ như vậy! Nó không đẹp sao? Tôi nghĩ nó thật ấn tượng!“
Quả thật như vậy. The Cube đẹp là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, có một vấn đề với nó. Steve Jobs có một “ma trận sản phẩm”, một biểu đồ gồm 4 hình vuông tượng trưng cho laptop và desktop. Kể từ khi trở lại Apple vào năm 1997, ông đã lấp đầy 4 ô vuông đó bằng iMac, PowerMac, iBook, và PowerBook. The Cube dường như vi phạm phương châm sản phẩm của Jobs. Nó không có những tính năng mạnh mẽ của chiếc PowerMac cao cấp, như các khe cắm mở rộng hay ổ cứng dung lượng cao. Và nó lại có giá đắt đỏ hơn nhiều so với một chiếc iMac tầm thấp, đó là chưa tính đến màn hình bán riêng mà người dùng Cube phải mua thêm. Ai sẽ mua thứ này?
Jobs nói rằng: “ Dễ thôi. Rất nhiều người dùng chuyên nghiệp. Mọi nhà thiết kế sẽ mua The Cube“.
Lý do ông đưa ra để biện minh cho sự xuất hiện của The Cube là: “ Chúng tôi nhận ra một cơ hội cực tốt để làm ra thứ gì đó nằm ở lưng chừng, giống như một đứa con sinh ra bởi tình yêu vậy, nhưng thực sự là một đột phá“. Ẩn ý của ông là chiếc máy tính này tuyệt vời đến nỗi người ta sẽ thay đổi thói quen mua sắm để mua ngay một cái!
Nhưng điều đó chẳng hề xảy ra. Đầu tiên, giá bán của The Cube cao đến vô lý – nếu tính cả màn hình, nó đã đắt gần gấp 3 lần iMac và thậm chí còn cao hơn cả một số mẫu PowerMac. Phần đông mọi người chẳng ai muốn tiêu tốn khoản tiền họ dành để mua sắm các tác phẩm nghệ thuật cho những chiếc máy tính cả.
Đó không phải là vấn đề duy nhất với G4 Cube. Loại nhựa làm vỏ của nó rất khó sản xuất, và bản thân nó cũng có những thiếu sót. Hệ thống làm mát bằng không khí gặp vấn đề. Nếu bạn để một tờ giấy lên trên thiết bị, nó sẽ tắt ngay để ngăn bị quá nhiệt. Và bởi nó không có nút Bật, một chuỗi động tác vẫy tay của bạn sẽ khiến máy khởi động lên, dù bạn có muốn điều đó hay không.
Video đang HOT
G4 Cube đã thất bại trong việc thuyết phục mọi người mang nó về nhà. Jobs kỳ vọng sẽ bán được hàng triệu máy. Nhưng con số thực tế mà Apple đạt được là chưa đến 150.000. Sự sùng bái quá mức đối với thiết kế của Apple cũng là lý do giải thích cho tham vọng ngông cuồng của họ. Jobs đã “uống” quá nhiều “mỹ tửu”. “ Anh có thực sự muốn đục một cái lỗ trên thứ này rồi nhét một cái nút bấm vào đó không?” – Jobs hỏi ngược lại khi giải thích về việc máy không có nút nguồn. “ Hãy nhìn để thấy chúng tôi đã bỏ bao công sức vào ổ đĩa dạng khe này, để anh không phải dùng khay đĩa, và rồi anh muốn phá hỏng nó và nhét một cái nút bấm vào ư?“
Nhưng những gì Jobs làm sau đó với The Cube đã cho thấy tại sao ông lại là một nhà lãnh đạo thành công: khi nhận ra rõ ràng chiếc máy tính này chẳng khác gì một cục gạch, Jobs nhanh chóng tìm cách để không phải thua lỗ thêm một đồng xu nào nữa và tiến đến một kế hoạch khác.
Trong một buổi nói chuyện vào năm 2017 tại Oxford, CEO Apple lúc này là Tim Cook đã nói về chiếc G4 Cube, thứ ông miêu tả là “ một thất bại ngoạn mục về thương mại, gần như ngay từ ngày đầu“. Nhưng phản ứng của Jobs đối với doanh số tồi tệ của The Cube cho thấy khi cần thiết, ông có thể nhanh chóng “xếp xó” một sản phẩm như thế nào, kể cả khi nó là một sản phẩm được ông yêu quý bằng cả tấm lòng.
Dù sao đi nữa, hãy chức mừng sinh nhật 20 tuổi của G4 Cube, đứa con sinh ra từ tình yêu số hoá của Steve Jobs.
Căn phòng nơi Steve Jobs từng đến để học hỏi ý tưởng
Thành lập cách đây 50 năm, Xerox PARC là nơi chứng kiến những cột mốc lịch sử của ngành công nghiệp máy tính.
Trung tâm nghiên cứu Palo Alto (PARC) là "cái nôi" sinh ra các sản phẩm như máy in laser đầu tiên giúp biến văn bản kỹ thuật số thành tài liệu giấy, giao diện đồ họa với cửa sổ và trỏ chuột, khái niệm Ethernet kết nối mạng máy tính nội bộ.
Năm 1978, PARC cho ra đời Xerox NoteTaker, một trong những chiếc máy tính xách tay đầu tiên trên thế giới. Ngoài ra, chúng ta còn có WYSIWYG (What You See Is What You Get), bộ soạn thảo văn bản nền web cho phép người dùng nhìn thấy nội dung xuất hiện trên ô nhập liệu.
Nhiều năm trước khi iPhone ra đời, PARC đã tạo ra PARCTab, chiếc máy tính thu nhỏ có thể truy cập Internet, gửi email.
"Chúng tôi (nhà nghiên cứu tại PARC) luôn phát minh những công nghệ mới dành cho tương lai, hướng đến bước tiến của khoa học công nghệ, giúp định hình và thay đổi thế giới", CEO PARC, Tolga Kurtoglu nói với Digital Trends nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Xerox PARC. Sau nửa thế kỷ, mục tiêu ấy đã được hoàn tất và thành công vang dội.
Alto là chiếc máy tính cá nhân ra đời từ phòng nghiên cứu PARC.
Luôn hướng về tương lai
"Chỉ thị duy nhất mà Xerox giao cho PARC là tạo ra một 'văn phòng' của tương lai", theo chia sẻ của Michael Hiltzik, nhà báo từng đoạt giải Pulitzer, tác giả cuốn sách Dealers of Lightning nói về lịch sử của Xerox PARC.
Vào những năm 1970, Bob Taylor - điều hành viên phòng thí nghiệm khoa học máy tính tại PARC - đã nghĩ về những chiếc máy tính không đơn thuần chỉ có tác dụng tính toán, thay vào đó có thể giúp người dùng hoàn thành mọi công việc.
Dưới sự dẫn dắt của Taylor và Bert Sutherland - một trong những nhà khoa học máy tính đầu tiên - PARC đã bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm những phương pháp tương tác mới với máy móc nhằm cải thiện cuộc sống.
Một thời gian sau, Chuck Thacker và Butler Lampson đã tạo ra chiếc máy tính cá nhân đầu tiên có tên Alto. Bob Metcalfe thích tìm hiểu về mạng máy tính nên phát minh ra Ethernet, Gary Starkweather tiếp tục nghiên cứu máy in laser, một thiết bị vốn không được công ty mẹ Xerox coi trọng.
Giao diện đồ họa và chiếc máy in laser được phát triển bởi Xerox PARC.
PARC cũng là nơi làm việc của nhiều nhân vật "huyền thoại" trong làng công nghệ. Larry Tesler, "cha đẻ" tính năng sao chép, cắt dán nội dung trên máy tính, người qua đời vào tháng 2 cũng từng làm việc tại PARC.
Sau 50 năm tạo ra "văn phòng của tương lai", Kurtoglu cho biết năm 2020, sứ mệnh của PARC sẽ thay đổi. Bây giờ, PARC tập trung tạo ra những công cụ giúp cải thiện năng suất công việc mỗi ngày. Một trong số đó là giao diện người dùng thông minh thay cho giao diện đồ họa.
Cụ thể, máy tính sẽ đưa ra gợi ý dựa trên thói quen của người dùng, thậm chí dự đoán và xử lý trước các tác vụ mà người dùng có thể thực hiện.
Để phát triển công nghệ này, PARC đã xây dựng hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) với sự trợ giúp của Xerox, kết hợp các hệ thống xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra những công cụ tự động hóa.
Nếu trong quá khứ, giúp máy tính dễ dàng tiếp cận người dùng là mục tiêu của PARC thì giờ đây, nhiệm vụ của họ là giúp người dùng tiếp cận với trí tuệ nhân tạo.
Để phục vụ nhu cầu sản xuất tại nhà, PARC cũng nghiên cứu công nghệ in 3D sử dụng vật liệu như kim loại lỏng giúp rút ngắn thời gian sản xuất, tiết kiệm chi phí nhưng hiệu quả hơn bột kim loại. Cuối cùng là nền tảng vạn vật kết nối (Internet of Things) giúp những thiết bị công nghệ tương tác lẫn nhau qua mạng Internet.
Trong suốt 50 năm qua, nơi đây đã chứng kiến sự ra đời của nhiều công nghệ mà chúng ta vẫn thường sử dụng ngày nay.
Tăng cường hợp tác
Năm 1979, đồng sáng lập Apple là Steve Jobs đã ghé thăm PARC. Đây được xem là nơi truyền ý tưởng để ông tạo ra Lisa cùng Macintosh, những chiếc máy tính điều khiển bằng chuột và giao diện đồ họa.
Trước đây, PARC chủ yếu làm việc độc lập hoặc chỉ được giúp đỡ bởi Xerox, tuy nhiên xu hướng giờ đây của PARC là hợp tác với bất cứ ai để hiện thực hóa ý tưởng.
"Chúng tôi luôn tìm kiếm đối tác để có thể đưa công nghệ ra thị trường", Kurtoglu chia sẻ. Điều đó có nghĩa PARC sẽ tích cực làm việc với nhiều bên để cải thiện sản phẩm, mang đến trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Đó chính là tầm nhìn của PARC trong 50 năm tới.
Phúc Thịnh
Những điểm thú vị bên trong bảo tàng Apple duy nhất trên thế giới Có thể bạn sẽ bất ngờ khi biết ở Prague có một bảo tàng của Apple độc nhất vô nhị. Bảo tàng Apple Museum, nơi chứa đựng rất nhiều sản phẩm của Apple ở Prague, mới đây tiết lộ kế hoạch sẽ xây dựng một bản sao của gara xe nơi Steve Jobs đã sáng lập ra công ty huyền thoại của mình....