2 Đại học Quốc gia chưa phát triển được như kỳ vọng
Đại học quốc gia đích thực thì quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học.
Trước năm 1993 (chí ít là từ sau năm 1975), ở Việt Nam không có các đại học đa lĩnh vực.
Tất cả các cơ sở giáo dục đại học, để phục vụ cho nhu cầu nhân lực của một nền kinh tế theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, đều được xây dựng theo mô hình của Liên Xô cũ, tức là đều là các trường đại học chuyên ngành. Cái gọi là “Trường đại học Tổng hợp” trên thực tế cũng chỉ là trường đào tạo về khoa học cơ bản.
Để triển khai Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa 7) nhằm đổi mới hệ thống giáo dục nước ta từng bước theo hướng phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, Nhà nước chủ trương xây dựng các đại học đa lĩnh vực.
Trên tinh thần đó, trong 2 năm 1993 và 1994, lần lượt 5 đại học đa lĩnh vực là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đã được thành lập, dựa trên nguyên tắc gom một số cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành có trên cùng 1 địa bàn lại với nhau nhằm phát huy sức mạnh của các trường thành viên.
Hiện tại 5 đại học này đều hoạt động theo các quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ (đối với 2 đại học quốc gia) hoặc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với 3 đại học vùng) ký ban hành.
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận định rằng, Nhà nước đầu tư cho 2 đại học quốc gia rất lớn với kỳ vọng trở thành “kỳ hạm” của “đoàn tàu” đại học Việt Nam để làm đầu tàu và nòng cốt cho giáo dục đại học nước nhà, dẫn dắt các đại học khác.
Với mong đợi như vậy nhưng sau gần 30 năm hai đại học quốc gia của chúng ta được hình thành từ các năm 1993, 1994 vẫn chưa thực sự “mạnh”.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến – Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Tùng Dương)
Video đang HOT
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến chỉ ra rằng, khi thành lập đại học quốc gia, xã hội mong chờ ở những ưu việt mà kiểu trường này sẽ bộc lộ ra như: bộ máy tổ chức gọn nhẹ (không có sự trùng lặp các khoa, bộ môn ở những trường thành viên khác nhau), sinh viên được tự do lựa chọn học các môn học hoặc các chương trình liên ngành ở các trường khác nhau, sinh viên được học với những giảng viên giỏi nhất ở tất cả các môn học, dễ dàng mở ra các chương trình liên ngành…
Tuy nhiên cho tới nay kết quả có được lại không phải như vậy do các trường thành viên vẫn hoạt động gần như độc lập, không phối hợp với nhau, trước hết là về mặt đào tạo, nên đại học không có được sức mạnh tổng hợp của mình như những đại học đa lĩnh vực đích thực, chúng chỉ là những liên hiệp lỏng lẻo của các trường đại học chuyên ngành.
Chưa kể về mặt pháp lý các trường đại học thành viên đã được nhà nước công nhận có tư cách gần như một trường đại học độc lập làm cho hoạt động của các đại học quốc gia trở nên rời rạc.
“Chừng nào chúng ta chưa nhận thấy 2 điều trên là khiếm khuyết cần khắc phục vì 2 Đại học Quốc gia sẽ phát triển ở tốc độ chậm, ì ạch chứ không được như kỳ vọng”, Tiến sĩ Khuyến nói.
Muốn 2 Đại học Quốc gia thực sự trở thành những “quả đấm thép” của giáo dục đại học Việt Nam thì Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, trước tiên cần kiên quyết tổ chức lại bộ máy đồng thời áp dụng triển khai triệt để các chủ trương mà Đảng, Nhà nước đề ra ví như tự chủ đại học.
Việc trao quyền tự chủ cho các đại học quốc gia nói riêng và các trường đại học nói chung phải đi cùng với việc xóa bỏ cơ chế “bộ chủ quản”.
Một khi bỏ được cơ chế “bộ chủ quản” và trao quyền tự chủ hoàn toàn cho các đại học quốc gia thì các trường thành viên sẽ xóa được ấn tượng về “hai cấp bộ chủ quản” gây khó cho hoạt động của họ.
Đặc biệt, theo Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, đã là đại học quốc gia thì hướng phát triển phải trở thành đại học nghiên cứu tức là tỷ lệ kết quả của sản phẩm nghiên cứu phải bằng hoặc cao hơn kết quả của hoạt động đào tạo.
“Nhờ có kết quả của sản phẩm nghiên cứu cao nên quy mô đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) phải cao hơn quy mô đào tạo đại học. Lúc đó mới là một là đại học quốc gia thực sự”, Tiến sĩ Khuyến nhấn mạnh.
Đại học đa ngành: Đích đến phải là chất lượng
Đại học (ĐH) đa ngành, đa lĩnh vực là phương tiện, không phải là mục tiêu để các trường phấn đấu. Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm sinh viên... mới là mục tiêu cần nâng tầm giá trị.
Đó là quan điểm của TS Phạm Hiệp - Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia trước xu thế nhiều trường ĐH của Việt Nam đang hướng tới trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực.
Chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm cho sinh viên mới là mục tiêu cần hướng đến.
Không phải để cho oai
Ở Việt Nam, ĐH đa ngành có thể coi là một thiết chế mới của Luật Giáo dục ĐH 2018, trong đó mô hình ĐH bao gồm nhiều trường thành viên ở trong, không phải là trường ĐH, không phải ĐH quốc gia, ĐH vùng. Quan điểm của chuyên gia độc lập này là nếu được quay trở lại trước thời điểm 2018, ông phản đối cơ chế này vì "không giống ai". Khi giải thích cho người nước ngoài, mãi họ mới hiểu mô hình trường ĐH trong ĐH của ĐH Quốc gia, ĐH vùng.
Cho rằng đó không phải là câu chuyện câu chữ khi trường ĐH và ĐH, nhưng với xã hội nhìn nhận thì sẽ khá rối ở góc độ hệ thống. Trong một hệ sinh thái giáo dục ĐH đang tồn tại quá nhiều loại hình trường: ĐH Quốc gia, ĐH vùng, ĐH tự chủ theo Nghị quyết 77, ĐH thuộc UBND quản lý... Không có nước nào nhiều mô hình ĐH như ở Việt Nam.
Nay Luật đã có hiệu lực, nhiều trường mong muốn để trở thành một ĐH đa ngành, đa lĩnh vực là mong muốn chính đáng, thể hiện các trường muốn tự chủ hơn, muốn hội nhập quốc tế hơn. Điều đó không phải để giải quyết khâu oai như ai đó nói mà vấn đề là đi đúng theo xu hướng thế giới. Đó là cơ sở giáo dục ĐH đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực.
Thứ hai, khi thành ĐH, quyền tự chủ cũng sẽ cao hơn so với trường ĐH. Trường thành viên cũng sẽ nhiều quyền tự chủ hơn so với nếu chỉ là khoa... Điều đó cũng tốt cho các trường, các giảng viên của họ khi được phát triển chuyên môn tuyệt đối so với nếu chỉ là trường ĐH.
Quan tâm đến tiêu chí mở ngành mới
Cho rằng mô hình ĐH chỉ là cái áo, còn từng ngành cụ thể phải đảm bảo chất lượng. ĐH đa ngành, đa lĩnh vực nhưng không có nghĩa ĐH nào cũng là ĐH "quả mít" hay "con nhím", tức là ngành nào cũng mạnh. Sẽ phải tập trung vào một số ngành, thông thường là các ngành có yếu tố gần nhau và lan dần ra làm thế mạnh.
Để mở một ngành mới, đều có những tiêu chuẩn riêng. Riêng với ngành y và sư phạm là ngành đặc thù, cần có can thiệp sâu của nhà nước trong việc yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ hơn các ngành khác, đồng thời phải kiểm soát rất chặt ngay cả khi đã cấp phép đào tạo.
Chia sẻ thêm, TS Phạm Hiệp cho rằng nhu cầu mở ngành y của nhiều trường hiện nay có một nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu bác sĩ. Số lượng bác sĩ trên đầu người của Việt Nam đang thấp. Đi từ sức ép lớn của thị trường, của xã hội, các trường cũng tính toán để mở các ngành phải tuyển sinh được chứ không phải mở ồ ạt, mở bừa...
Dù chúng ta mong số lượng ít nhưng chất lượng cao đối với những ngành đặc thù này nhưng ở bài toán ngược lại, bác sĩ và cả người dân cũng sẽ rất khổ. Ở các thành phố lớn có đủ bác sĩ nhưng ở địa phương hay vùng sâu, vùng xa thì rất thiếu y bác sĩ.
Khẳng định đa ngành, đa lĩnh vực là phương tiện, không phải là mục tiêu để phấn đấu, TS Phạm HIệp cho rằng chất lượng nghiên cứu, tỷ lệ việc làm sinh viên... mới là mục tiêu. Trở thành ĐH đa ngành để vực sẽ giúp cho chất lượng đào tạo được nâng lên, sinh viên được học các thầy bộ môn giỏi nhất. Các trường trong ĐH đa lĩnh vực, không chỉ đào tạo đơn môn mà còn có những chương trình liên môn rất "hot", dễ kiếm việc làm.
Trả lời câu hỏi về tiêu chí để trở thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực có cần siết hơn không để không thể trăm hoa đua nở, TS Phạm Hiệp cho rằng, qua nghiên cứu Luật thì thấy tiêu chuẩn cũng chặt, không dễ để trường nào cũng có thể ngay lập tức trở thành ĐH đa ngành.
Nhưng vấn đề lo ngại, theo TS Hiệp lại là việc rối ở hệ thống quá phức tạp.... Điều này, cần được tính toán và có hướng giải quyết phù hợp để thúc đẩy quá trình này phát triển, phù hợp với xu thế thế giới hiện nay.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thông tin hiện trường đang hướng tới thành ĐH đa ngành, đa lĩnh vực khi thực hiện tự chủ toàn diện. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ trở thành ĐH đa ngành với 6 trường ĐH thành viên: Điện - điện tử; Cơ khí; Hóa học - sinh học - thực phẩm - môi trường; Kinh tế quản lý, Công nghệ thông tin - Toán tin; Vật lý - khoa học vật liệu.
Trong kế hoạch phát triển 5 năm tới, trường ĐH Kinh tế quốc dân có định hướng trở thành ĐH đa ngành với ít nhất 3 thành viên là trường ĐH Kinh tế, trường ĐH Kinh doanh và trường Khoa học công nghệ.
Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng đang làm đề án thành ĐH có các trường ĐH như Công nghệ - Kỹ thuật, Kinh tế - Quản trị kinh doanh, Cơ sở Học viện tại TP HCM.
Nâng trường đại học thành đại học cho oai, hay để nhận trọng trách lớn hơn? Hiện nay nhiều trường đại học đang dự kiến thời gian hướng tới trở thành "đại học", đa ngành, đa lĩnh vực trong 3- 5 năm nữa khi thực hiện tự chủ toàn diện. Liên quan đến vấn đề này, câu hỏi đặt ra là làm sao để có được các đại học đa lĩnh vực đích thực. Trao đổi với Tạp chí...