18 điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa và nỗi lo đào tạo bác sĩ
Trong khi điểm trúng tuyển Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội là 27 thì điểm chuẩn vào ngành này của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chỉ là 18. Sau đó, trường rút điểm chuẩn ngành này.
Ngày 13/8, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố điểm trúng tuyển ngành Y đa khoa và Dược học trong năm đầu tuyển sinh là 18. Một lần nữa, chất lượng đào tạo ngành học quan trọng này lại được đặt ra khi điểm trúng tuyển quá thấp.
Điểm chuẩn Y đa khoa chênh nhau… 9 điểm
Mức điểm chuẩn của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đánh giá khá thấp so với các trường đào tạo y dược trong cả nước. Thậm chí, nó thấp hơn cả mức nhận điểm xét hồ sơ mà nhà trường đã thông báo trước đó: Thí sinh nộp hồ sơ phải đạt trên 20 điểm.
Nếu so với điểm trúng tuyển Y đa khoa của ĐH Y Hà Nội, điểm đầu vào của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội kém… 9 điểm. Năm nay, điểm trúng tuyển ngành này của ĐH Y Hà Nội là 27. Ngoài ra, thí sinh cần đảm bảo tiêu chí phụ là điểm môn Toán đạt 8,75 trở lên.
Trong khi đó, ĐH Y dược (ĐH Thái Nguyên) lấy điểm chuẩn các ngành từ 22 đến 24,75, áp dụng tiêu chí phụ trong tính điểm môn Toán.
Ngành Y Đa khoa của Đại học Y khoa Vinh có điểm chuẩn cao nhất 23,5. Các khoa còn lại như Y học Dự phòng, điểm chuẩn là 21, Y tế Công cộng: 15 điểm, Cử nhân Điều dưỡng: 19 điểm.
Ngoài ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, một số trường đại học dân lập khác cũng có điểm đầu vào ngành Dược học khá thấp: ĐH Lạc Hồng lấy 19 điểm; ĐH Đại Nam 15 điểm.
Khoa Y Dược, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cơ sở Bắc Ninh. Ảnh: Anh Tuấn.
Có thể hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu
Chiều 15/8, trước câu hỏi điểm đầu vào 18 cho ngành Y đa khoa liệu có ảnh hưởng chất lượng đào tạo của trường, ông Vũ Văn Hóa – Phó hiệu trưởng ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nói: “Thực ra, nhà trường đã hạ điểm từ 20 xuống 18 vì ngưỡng điểm xét đầu vào của ĐH Y Hà Nội thông báo từ 18. Vậy, một trường mới đào tạo không thể có điểm đầu vào thấp hơn một trường có bề dày lịch sử?”.
Tuy nhiên, ông Hóa cũng thừa nhận, mặc dù hạ thấp điểm nhưng số lượng thí sinh nộp hồ sơ rất ít. Hiện tại, trường mới nhận được 30 chỉ tiêu cho ngành Dược học và 100 chỉ tiêu Bác sĩ Đa khoa (tổng chỉ tiêu của cả hai ngành này là 400).
Thậm chí, những thí sinh trúng tuyển cũng chưa chắc nhập học bởi năm nay các em được đăng ký hai trường, mỗi trường hai nguyện vọng.
“Việc thí sinh chọn các trường Y Hà Nội, Y Thái Nguyên, Y Thái Bình là điều đương nhiên, vì những trường này đều có bề dày lịch sử về đào tạo. Chúng tôi hy vọng những thí sinh không đủ điều kiện vào những trường trên sẽ nộp hồ sơ bổ sung vào ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Có thể trường sẽ xin bổ sung trong các nguyện vọng tiếp theo và hạ tiếp điểm chuẩn”, ông Hóa thông tin.
Trước đó, năm 2015, ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội là một trong số trường khó tuyển sinh. Ở đợt xét tuyển thứ hai, trường còn chỉ tiêu tuyển sinh cao nhất cả nước với hơn 4.200 cho hệ đại học và 450 hệ cao đẳng.
Video đang HOT
Thông báo số 28 ngày 14/8 thay cho thông báo số 27 trước đó của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không còn ngành Y đa khoa, Dược học.
Ngày 13/8, ĐH Kinh doanh và Công nghệ công bố điểm trúng tuyển là 15 cho khối ngành Kinh tế, Công nghệ. Các ngành Kiến trúc, Thiết kế công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất là 15 điểm (điểm môn năng khiếu nhân hệ số 2).
Với hai ngành mới là Y đa khoa và Dược học, trường lấy điểm chuẩn là 18 (bao gồm cả đối tượng ưu tiên khu vực và đối tượng).
Đầu vào 18 điểm, đầu ra tốt chỉ có thể là… kỳ tích
Chia sẻ về chuyên môn, nhiều người cho rằng, việc đào tạo ngành Y một cách dễ dãi sẽ để lại hậu quả lâu dài.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM nhận định, số điểm 18 là thấp so với điều kiện để đào tạo một cán bộ y tế tốt. Những học sinh đạt số điểm này chưa thể phù hợp để đào tạo.
Theo ông Dũng, số điểm tối thiểu để đào tạo ngành Y đa khoa phải là 23 trở lên. Theo kinh nghiệm của vị Phó hiệu trưởng, những sinh viên này mới có tố chất và kỷ luật học tập tốt.
“Các nghiên cứu cho thấy, sinh viên ngành Y Dược đòi hỏi có thành tích học tập tốt, với khối lượng và cường độ công việc khá cao, luôn phải cập nhật sự tiến bộ trong khoa học. Ít ra các em phải có thái độ và kết quả học tập tốt trong suốt thời gian học phổ thông. Nếu lấy điểm đầu vào quá thấp, sinh viên nhiều khả năng không đạt được năng lực cần thiết của bác sĩ và dược sĩ”, ông Dũng nói.
Phó Hiệu trưởng ĐH Y Dược TP HCM cho rằng, một học sinh đạt 18 điểm, sau này ra trường trở thành bác sĩ tốt chỉ có thể là kỳ tích trong đào tạo.
“Tuy nhiên, để có được kỳ tích đó, bản thân tôi hơi e dè, vì đây là điều rất khó”, PGS.TS Dũng chia sẻ.
Trước đó, TS Nguyễn Trọng Tài – Hiệu trưởng ĐH Y Khoa Vinh chia sẻ: “Việc mở trường chưa được chuẩn bị kỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội. Trong khi đó, khâu hậu kiểm chưa có. Nếu tuyển vào 10 sinh viên thì đầu ra cũng phải 9 hoặc 10 người”.
TS Sái Công Hồng (ĐH quốc gia Hà Nội) nêu quan điểm, điều kiện mở ngành Y phải có đặc thù riêng, dựa trên 3 yếu tố: Chất lượng sinh viên đầu vào, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất. Trong đó, nguồn tuyển cũng là yếu tố quan trọng. Điểm đầu vào của trường thấp là câu hỏi lớn: Liệu có đảm bảo đầu ra?
Trong khi đó, ông Vũ Văn Hóa cho rằng: ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội hướng đến đào tạo những sinh viên sẵn sàng làm việc nơi vùng nông thôn, vùng núi. Như vậy, điểm đầu vào sẽ không thể bằng những sinh viên định hướng công việc ở các thành phố lớn được. Điểm chuẩn 18 là phù hợp điều kiện kinh tế hiện nay”.
Rút lại thông tin điểm chuẩn Y đa khoa, Dược học
Ngày 15/8, thông báo mới nhất về tuyển sinh của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không có thông tin điểm chuẩn vào ngành Bác sĩ đa khoa, Dược học là 18 điểm.
Hiện tại, trường chỉ tuyển sinh các ngành khối Kinh tế, Công nghệ, Kiến trúc, Thiết công nghiệp, Thiết kế đồ họa, Thiết kế nội thất.
PGS Vũ Văn Hóa cho biết, nhà trường chưa tuyển sinh ngành Y đa khoa, Dược học khi chưa có sự đồng ý của Bộ GD&ĐT, thông tin trước đó mới chỉ là kế hoạch tuyển sinh.
Theo Zing
Điểm chuẩn đại học 2016 giảm, trường vẫn lo khó tuyển sinh
Điểm chuẩn đại học ở trường top trên giảm nhưng thí sinh không hẳn nhiều cơ hội trúng tuyển, vì đề thi năm nay khó. Trong khi đó, các trường lo không tuyển đủ sinh viên vì sợ "ảo".
Ngày 15/8, hầu hết các trường đại học đã công bố điểm chuẩn 2016. Theo ghi nhận, điểm trúng tuyển của các trường năm nay có nhiều biến động. Kể cả khi điểm chuẩn đã công bố, các trường vẫn không nắm "đằng chuôi" số lượng thí sinh đến với mình.
Điểm chuẩn: Top trên giảm, dưới tăng
Điểm chuẩn năm nay có khá nhiều bất ngờ. Đặc biệt là những trường top trên, điểm chuẩn đều giảm so với năm 2015.
ĐH Ngoại thương được đánh giá là một trong những trường đào tạo kinh tế hàng đầu ở Việt Nam. Hàng năm, số lượng thí sinh đăng ký tuyển sinh vào trường không đông nhưng đều rất "chất".
Năm nay, so với chỉ tiêu, số lượng hồ sơ đăng ký đổ về trường cũng không cao hơn nhiều như những trường khác. Tuy nhiên, so với năm ngoái, điểm chuẩn vào trường giảm.
Năm 2015, điểm trúng tuyển cao nhất khối A0 vào trường là 27,25 điểm, thấp nhất 24,5 điểm. Trong khi đó, điểm chuẩn năm nay cao nhất là 26,45 điểm và thấp nhất 24,3 điểm (thấp hơn năm 2015 từ 0,8 đến 1,2 điểm).
Khối các ngành Y, Dược, điểm chuẩn cũng không cao như dự đoán ban đầu. Ngành Bác sĩ Đa khoa của ĐH Y Hà Nội năm nay lấy 27 điểm, Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt có điểm trúng tuyển 26,75. Hai ngành này giảm từ 0,25 đến 0,75 điểm so với năm trước và cũng phải dùng đến tiêu chí phụ trong xét tuyển (thí sinh trúng tuyển cần đạt điểm Toán từ 8,75 trở lên).
Năm 2015, điểm chuẩn ngành Y đa khoa của ĐH Y Dược TP HCM lên đến 28 điểm. Năm nay, ngành này có điểm chuẩn cao nhất 26,75. Răng - Hàm - Mặt 26 điểm (giảm 1,25 điểm). Ngành Dược học 25,25 điểm (giảm 0,75 điểm). Y tế Công cộng có điểm chuẩn thấp nhất là 20,5 (giảm 2,25 điểm).
Thí sinh thi đại học 2016. Ảnh: Anh Tuấn.
Tại ĐH Dược Hà Nội, điểm trúng tuyển hệ chính quy ngành Dược là 26,75, bằng với mức điểm chuẩn vào trường năm 2015.
Trong khi các Y có điểm chuẩn giảm, các trường top giữa điểm chuẩn lại "dâng" lên. ĐH Thương mại, ngoài việc bội thu hồ sơ (trên 11.000 hồ sơ cho 3.800 chỉ tiêu), điểm trúng tuyển nhiều ngành cao hơn năm ngoái từ 0,25 đến trên 1 điểm.
Ngành Kinh tế, khối A0 (Toán, Lý, Hóa) năm 2015 là 22,25 điểm, thì năm nay là 23 điểm. Tuy nhiên, cũng ngành này nhưng khối A1 (Toán - Lý - Anh) lại giảm 0,25 điểm. Nguyên nhân là môn tiếng Anh điểm thi thấp.
Ngành Marketting chuyên ngành Marketting thương mại có điểm trúng tuyển cao hơn năm ngoái 1 điểm; Thương mại Điện tử cao hơn tới 1,25 điểm.
Một số ngành của Viện đại học Mở có điểm chuẩn tăng so với năm 2015 như Quản trị Du lịch Khách sạn (từ 19,25 lên 20,5 điểm đối với khối D1).
Công bố điểm trúng tuyển vẫn lo "thí sinh ảo"
Năm nay, mỗi thí sinh được đăng ký ít nhất 2 trường, nhiều nhất 4 trường (nếu đăng ký trong nhóm GX). Chính vì vậy, các trường hoàn toàn bị động về số lượng thí sinh nhập học.
Theo ông Cao Quốc An, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Lâm Nghiệp, tỷ lệ thí sinh ảo nộp hồ sơ vào các trường có thể lên tới 50%, thậm chí hơn. Vì thế, phương án điểm chuẩn của trường năm nay đưa ra bằng mức điểm sàn của Bộ GD&ĐT- 15 điểm.
Theo nhận định của các chuyên gia, các trường top dưới lo ảo hơn. Lãnh đạo của một trường ĐH tại Hà Nội cho biết, giả sử ngành A trường lấy điểm chuẩn là 21 thì đủ chỉ tiêu, nhưng lo ảo, trường hạ xuống 0,5, thí sinh đủ điểm vào ngành này lập tức tăng thêm cả trăm người. Như thế, nếu lấy 21 điểm, trường có thể phải tuyển đợt 2, nhưng nếu chốt 20,5 điểm, trường có thể bị phạt.
Nói về tình hình xét tuyển năm nay, ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, các trường cũng bị động trước đăng ký của thí sinh.
"Năm 2015, ĐH Bách khoa xác định ảo 8%, thí sinh đến nhập học vừa đúng chỉ tiêu của trường. Năm nay khó xác định hơn, chúng tôi dự kiến tỷ lệ ảo trên 10%" - ông Điền khẳng định
Không chỉ riêng ĐH Bách khoa Hà Nội, năm nay, các trường đều rất khó đoán định tỷ lệ ảo của trường mình. ĐH Thủy lợi xác định tỷ lệ ảo trên 15%.
Nguồn tuyển còn nhưng không nhiều
Đánh giá về nguồn tuyển năm nay, ông Nguyễn Phong Điền cho rằng, với mức điểm chuẩn các trường đã công bố, nguồn tuyển sẽ vẫn còn nhưng không nhiều.
Vì hiện nay, nhiều trường từ đợt 1 đã lấy điểm chuẩn đến mức sàn của Bộ GD&ĐT. Có thể thấy, phần lớn các trường từ top giữa trở xuống đều lấy điểm chuẩn từ điểm sàn. Thậm chí, một số đại học công lập cũng đã sử dụng song song hai hình thức xét tuyển là kết quả thi THPT quốc gia và xét học bạ như ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ĐH Lâm nghiệp...
Tuy nhiên, với việc cho phép điểm chuẩn lần xét tuyển sau không nhất thiết phải cao hơn lần trước đã cho thấy một nghịch lý của năm nay.
Theo phân tích của chuyên gia, các trường có quyền lấy điểm chuẩn lần sau thấp hơn lần trước nên cùng một ngành có thể chất lượng thí sinh trúng tuyển đợt sau thấp hơn.
Và dù có sợ bị phạt, kỷ luật, các trường, nhất là các trường công lập, đều mong muốn lấy đủ chỉ tiêu trong đợt 1, không xét bổ sung. Chính vì thế mà năm nay, rất nhiều trường lấy điểm chuẩn từ điểm sàn.
Theo Zing
Điểm chuẩn đại học 2016 của các trường thuộc ĐH Đà Nẵng Chiều 14/8, ĐH Đà Nẵng công bố điểm chuẩn 2016 của các trường thành viên. ĐH Bách khoa lấy điểm chuẩn thấp nhất là 19,25 (ngành Sư phạm kỹ thuật công nghiệp). Ngành Công nghệ thông tin có điểm trúng tuyển cao nhất, 23,75 điểm. ĐH Kinh tế có điểm chuẩn nằm trong khoảng từ 18,25 (ngành Tài chính - Ngân hàng) đến...