1345km nhớ thương của cậu học trò nghèo miền núi trở thành thầy giáo trẻ được vinh danh: Suốt 4 năm chỉ về thăm mẹ được 2 lần
Sinh ra ở vùng núi nghèo ở Bắc Kạn, cậu học trò người Tày – Triệu Văn Huynh đã trải qua những tháng ngày đầy cơ cực để chạm đến ước mơ trở thành một thầy giáo.
Xã hội đã bước những bước tiến rất xa, nhưng hành trình con chữ của học trò đồng bào thiểu số vẫn còn vô vàn gian truân.
Con chữ trên lưng mẹ
5h sáng, trong làn sương lạnh buổi sớm mai, mẹ ngồi co ro trong góc bếp rang lại ít cơm nguội còn sót lại từ đêm qua, Huynh còn mơ màng cũng nhanh chân chuẩn bị tập vở sẵn sàng cho một buổi học mới. Ăn vội chén cơm khô, rồi hai mẹ con băng qua con đường nhỏ trên thửa ruộng bậc thang, men theo triền dốc đến trường.
Nhà của Huynh nằm dưới chân một ngọn đồi ở Nà Giảo – Bắc Kạn (Ảnh nhân vật cung cấp)
Đêm qua, trời mưa lớn khiến dòng nước dưới suối dâng cao, dữ dội. Huynh nhỏ nhắn như chú sẻ non chẳng tài nào lội qua được, thế là mẹ cõng em trên lưng băng qua dòng nước lớn. Gần đến bờ bên kia thì đột nhiên mẹ vấp phải hòn đá, bị trượt chân. Hai mẹ con ngã xoài xuống nước, cả người ướt đẫm, phải quay về nhà để thay quần áo. Từ ngày cha mang theo thương tật từ chiến trường trở về, gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai mẹ, nhưng dẫu có trăm ngàn khó nhọc mẹ vẫn mong Huynh không từ bỏ con đường học chữ, mẹ tin thế giới ngoài kia có vô vàn điều tươi đẹp đang đón đợi em.
” Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ,
Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi
Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi,
Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng ”
Từ bỏ ước mơ….
Suốt những năm đi học chưa năm nào Huynh được mang một chiếc cặp mới. Mẹ chỉ xin được chiếc cặp cũ cùng vài cuốn sách nhàu nát, nhưng đối với những cô cậu học trò vùng cao như Huynh những món đồ đó quý giá vô cùng. Hơn ai hết Huynh hiểu rằng phải nỗ lực học tập mới có thể thay đổi tương lai của gia đình.
Huynh bị thuỷ đậu đúng vào kỳ thi tốt nghiệp lớp Trung học cơ sở. Đến ngày thi, mặt mày vẫn còn lấm tấm các nốt đỏ nhưng cậu một hai xin mẹ đi thi. Thương quyết tâm của con, mẹ lộc cộc đạp xe đưa cậu đến trường.
Video đang HOT
Không phụ mong đợi, Huynh đậu vào trường Phổ thông nội trú trên tỉnh, nhưng cũng chính lúc này cậu nhận ra đôi vai mẹ đã quá nhiều áp lực. Để có tiền cho con lên tỉnh học, mẹ phải vay mượn khắp xóm, số tiền đó không biết bao giờ mẹ mới trả hết. Nhiều đêm thức trắng suy nghĩ, thương cha mẹ, Huynh muốn từ bỏ ước mơ của mình, cậu nghĩ đến chuyện đi làm để có tiền phụ giúp gia đình. Lúc này, miếng cơm manh áo quan trọng hơn con chữ, cậu nghĩ vậy.
Huynh nói với cha mẹ ý định của mình, mẹ trầm ngâm hồi lâu rồi nói: “Anh chị đã nghỉ học hết, nếu giờ con cũng nghỉ thì sau này lại khổ. Cứ cố gắng học, bố mẹ còn gắng được, đến đâu tính đến đó” . Ngoài trời sương phủ trắng mờ đục.
Nỗ lực của Huynh cuối cùng cũng được đền đáp, cậu đậu vào trường Đại học Sư Phạm Thái Nguyên và trở thành một thầy giáo. Đó không chỉ là ước mơ của Huynh mà còn là ước mơ lớn nhất trong đời mẹ.
1345km nhớ thương
Năm 2016, Huynh một lần nữa rời xa gia đình, cậu quyết định vào Nam tìm cơ hội hội phát triển. Huynh được nhận vào giảng dạy bộ môn Địa lý tại trường THCS Châu Văn Liêm (Cần Thơ) – một nơi cách quê hương hơn 1345km. Cuộc sống xa lạ nơi miền sông nước khiến thầy giáo trẻ gặp không ít khó khăn.
“Có rất nhiều rào cản về văn hoá, ngôn ngữ, cả ẩm thực nữa. Lúc đầu ăn không quen vì vị khác quá, mình nói chuyện cũng hơi khó nghe nên đôi khi học sinh cũng không hiểu. Nhờ tình cảm của đồng nghiệp và học trò rồi dần dần mình cũng đi vào quen dần với cuộc sống mới” – thầy Huynh tâm sự.
- Thầy đi xa vậy, chắc mẹ buồn lắm!
- Mẹ tin mình đã đủ trưởng thành để tự chăm lo cho bản thân, mẹ bảo chỉ cần mình được sống hạnh phúc, thì mẹ đã yên lòng rồi.
Suốt 4 năm qua, vì điều kiện không cho phép, thầy Huynh chỉ về thăm nhà được vỏn vẹn 2 lần. Thầy bảo đôi khi chỉ cần được về nhà một đêm, ngồi ăn bữa cơm cùng cha mẹ cũng đã thấy hạnh phúc khôn xiết. Với bậc cha mẹ, họ cũng chẳng mong mỏi gì xa xôi, chỉ cần nhìn thấy con nên người, bấy nhiêu thôi cũng thật đủ đầy cho mấy mươi năm gánh vác gian truân.
Giờ đây thầy Huynh là người truyền thật nhiều cảm hứng cho thế hệ học trò tiếp nối. Ngôi trường mà thầy đang công tác có rất nhiều em nhỏ người đồng bào Khmer, gia đình đa số đều khó khăn, phần lớn các em sống cùng ông bà vì cha mẹ đều đi làm công nhân ở xa. Hơn ai hết, thầy Huynh hiểu tất cả những thiếu thốn của học trò, vì vậy dù đồng lương không nhiều nhưng thầy vẫn dành ra một phần để san sẻ với các em.
“Có hôm mình mua mì tôm gửi cho ông bà, có khi thì chia sẻ phần thức ăn của mình cho các em. Mặc dù không nhiều nhưng mình luôn động viên và mong các em không từ bỏ con đường học vấn, bởi mình cũng đã từng phải đối mặt với những điều mà học trò đang gặp phải” – rõ ràng không có quá nhiều học trò dân tộc thiểu số đủ kiên trì theo đuổi con đường học vấn, nếu không có sự quan tâm kịp thời, các em rồi lại đi vào vết xe của bố mẹ, cứ quanh quẩn trong trong cái nghèo không lối thoát.
Với những đóng góp với ngành giáo dục trong suốt 4 năm qua, tháng 11 năm 2020, thầy giáo Triệu Văn Huynh được vinh danh trong chương trình Chia Sẻ Cùng Thầy Cô (do Trung Ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam, Bộ Giáo Dục – Đào Tạo, Uỷ Ban Dân Tộc và tập đoàn Thiên Long phát động).
Chương trình nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các giáo viên người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam.
Truyền cảm hứng cho học sinh qua các phong trào
Trong căn phòng trọ nhỏ gần 20m2, với những vật dụng đơn giản, đủ dùng, gần 5 năm nay thầy giáo Triệu Văn Huynh vẫn miệt mài với công tác giảng dạy và truyền cảm hứng cho học trò của mình.
Gần 5 năm nhận công tác tại Trường THCS Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ, thầy giáo trẻ Triệu Văn Huynh không chỉ thành công trong việc truyền cảm hứng học tập cho các em học sinh qua công tác giảng dạy, mà ở cương vị Tổng phụ trách Đội, thầy như người anh truyền cảm hứng cho học sinh thông qua các hoạt động phong trào.
Thầy giáo Triệu Văn Huynh cho biết: Qua các phong trào Đội giúp gắn kết tình cảm bạn bè và thầy cô
Trong căn phòng trọ nhỏ gần 20m2, với những vật dụng đơn giản, đủ dùng, gần 5 năm nay thầy giáo Triệu Văn Huynh vẫn miệt mài với công tác giảng dạy và truyền cảm hứng cho học trò của mình.
Vốn sinh ra từ một vùng quê nghèo của tỉnh Bắc Kạn, trong một gia đình thuần nông. Thương cha mẹ tuổi đã cao nhưng vẫn phải dãi nắng dầm sương nuôi 5 anh chị em Huynh nên người, bởi vậy từ nhỏ Triệu Văn Huynh đã luôn ý thức được mình phải cố gắng học để đền đáp công ơn sinh thảnh, dưỡng dục của cha mẹ.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống nhưng Triệu Văn Huynh nhận được sự giúp đỡ, tạo điều kiện của các thầy cô giáo trong các cấp học, thế nên từ nhỏ Huynh đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành người giáo viên được đứng trên bục giảng, được các em học sinh gọi bằng hai tiếng thân thương "thầy ơi", được chăm lo cho các em như chính thầy cô đã từng làm cho mình. Ước mơ dần trở thành hiện thực khi Huynh thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên.
Ra trường, Triệu Văn Huynh trở về quê hương tham gia giảng dạy tại trường THPT Bình Trung, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Đây là trường cấp ba thuộc vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bắc Kạn.
Chia sẻ về cơ duyên khiến Huynh tham gia dự thi và trở thành giáo viên của trường THCS Châu Văn Liêm, thầy Huynh cho biết: Trong một lần đọc được thông tin có trường trong TP Cần Thơ tuyển giáo viên, Huynh đã nghĩ đến việc thay đổi môi trường làm việc và khám phá vùng đất mới.
"Tôi học địa lý và giảng dạy môn địa lý nên rất thích nghiên cứu, tìm tòi về các địa danh trên dải đất hình chữ S, vì vậy tôi đã mạnh dạn đăng ký dự thi và được nhận vào làm giáo viên tại trường năm 2016". Thầy Huynh bộc bạch.
Thầy Huynh hướng dẫn Đội trống trường hoàn thiện bài hát Quốc ca cho Lễ chào cờ
Gần 5 năm công tác xa nhà, thiếu thốn về chỗ ở, phải tạm trú trong một căn phòng trọ nhỏ hẹp, không người thân, cùng với đó là sự khác biệt về văn hóa vùng miền nhưng chưa bao giờ thầy giáo Triệu Văn Huynh nản lòng. Với thầy, 5 năm gắn bó với học sinh đồng bào Khmer là quãng thời gian thầy dành hết tri thức, nhiệt huyết để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động Đội.
Không dừng lại ở đó, thấu hiểu được sự khó khăn thiếu thốn của các em, thầy Huynh cũng tham mưu với ban giám hiệu trường để tìm kiếm, vận động các mạnh thường quân hỗ trợ thêm, giúp những học sinh nghèo có đủ điện kiện tới trường như bạn bè cùng trang lứa.
Thời gian đầu khi nhận nhiệm vụ làm Tổng phụ trách, do không được đào tạo từ đầu nên Huynh đã tìm hiểu trên mạng các công việc của một Tổng phụ trách, học hỏi thêm từ các tổng phụ trách các trường bạn... từ đó tìm hiểu, nghiên cứu các hoạt động phù hợp với điều kiện của nhà trường, phát huy khả năng của các em học sinh.
Bên cạnh đó, do hoạt động các phong trào đội thường diễn ra ngoài giờ học vì vậy thầy Huynh phải vận động phụ huynh cho các em tham gia các hoạt động chung của trường. Với những em học sinh ở gần, thầy Huynh đã làm nhiệm vụ đưa đón các em đến tham gia. Theo thầy Huynh các hoạt động đội không chỉ giúp các em học sinh có thêm hiểu biết về các kiến thức xã hội, mà còn tạo sự gắn kết giữa thầy và trò trong nhà trường.
Với tất cả tri thức và khả năng của mình, tôi chỉ mong sao sẽ mang lại cho các em những điều tốt đẹp nhất. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói "nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao qúy". Điều đó thôi thúc tôi phải luôn trân trọng và cố gắng nhiều hơn nữa, nỗ lực nhiều hơn nữa để góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp trồng người của đất nước. Thầy Huynh chia sẻ.
Đánh giá về thầy giáo Triệu Văn Huynh, Hiệu trưởng Trường THCS Châu Văn Liêm Trịnh Tấn Cảnh cho biết: Dù tuổi đời còn trẻ nhưng thầy Huynh rất nhiệt tình, năng động, sáng tạo và luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của cấp trên giao. Trong quá trình công tác, thầy Huynh luôn dành hết mọi tri thức, nhiệt huyết mình có để tổ chức hướng dẫn cho các em tham gia các phong trào, hoạt động một cách tốt nhất.
Thầy Triệu Văn Huynh (thứ 4 từ phải sang) nhận những món quà ý nghĩa từ Hội LHTN và Tập đoàn Thiên Long
Cụ thể, trong năm học vừa qua khi nhận được công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Cần Thơ về tổ chức cuộc thi "Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", thầy Huynh đã lên kế hoạch cụ thể triển khai xuống tất cả các chi đội, động viên thầy cô và các em cùng nhau tham gia. Kết thúc cuộc thi, Trường THCS Châu Văn Liêm lọt vào top 10 trường trung học phổ thông có tỉ lệ học sinh làm bài thi nhiều nhất cả nước. Ngoài ra, một em học sinh của trường cũng lọt vào đến vòng bán kết; bản thân thầy Huynh vinh dự khi lọt vào vòng chung kết và đoạt giải ba toàn quốc Cuộc thi.
Với những nỗ lực của bản thân, thầy Triệu Văn Huynh nhận được nhiều phần thưởng từ các cấp, các ngành: Bằng khen UBND Thành phố Cần Thơ; Giấy khen của Chủ tịch UBND quận Ô Môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2016- 2017; Danh hiệu giáo viên làm Tổng phụ trách Đội giỏi quận Ô Môn hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017- 2018; Giấy khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2019 của Đảng bộ phường Châu Văn Liêm; Đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở.
Đặc biệt, năm 2020, thầy Triệu Văn Huynh vinh dự là một trong những thầy cô giáo được tuyên dương tại Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô". Đây một trong những chương trình thường niên do Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Dân tộc và Tập đoàn Thiên Long tổ chức.
Năm 2020, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" sẽ được tổ chức vào ngày 20/11 nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Ban Tổ chức cho biết, qua 6 năm tổ chức, chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" nhằm cổ vũ, động viên và tri ân những đóng góp của các giáo viên người dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Thông qua chương trình, tạo sự quan tâm, kêu gọi xã hội tiếp tục giúp đỡ, ủng hộ đội ngũ thầy giáo, cô giáo tham gia dạy học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Thầy cô, những người 'bình thường vĩ đại' Giáo viên còn phải "gồng mình" trước áp lực thành tích; nhiều người ra trường không có việc làm hay chịu mức lương dạy hợp đồng thấp không thể thấp hơn, rất nhiều thầy cô đằng đẵng xa gia đình bám bản, bám trường... Vượt qua vô vàn khó khăn, nhiều giáo viên vẫn quyết sinh nghề tử nghiệp, bất chấp hiểm nguy...