11 thực phẩm tốt cho người bị u nang buồng trứng
Có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm bớt sự khó chịu do u nang buồng trứng gây ra, trong đó có một số loại thực phẩm dưới đây.
1. U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
U nang buồng trứng là bệnh có thể gặp từ tuổi dậy thì cho đến tuổi sinh sản. U nang buồng trứng là bệnh khá phổ biến và có thể hình thành tự nhiên trong chu kỳ kinh nguyệt. Theo thống kê từ các trường hợp mắc u nang buồng trứng cho thấy, 90% khối u nang buồng trứng là ở dạng lành tính và 10% còn lại là ở dạng ác tính.
Theo BSCKII. Diêm Thị Thanh Thủy, Trưởng Khoa khám sản tự nguyện, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, thông thường các u nang buồng trứng là lành tính. Chỉ có một số ít u nang trở thành ác tính là ung thư buồng trứng.
Phụ nữ bị u nang buồng trứng thường có ít hoặc không có triệu chứng. Giai đoạn đầu của ung thư buồng trứng có thể không có hoặc chỉ gây ra các triệu chứng nhỏ. Khi triệu chứng rõ rệt tức là khối u đã to và chèn ép vào các tạng xung quanh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Phụ nữ bị u nang buồng trứng có các triệu chứng nghiêm trọng, dai dẳng hoặc bất thường nên đi khám càng sớm càng tốt.
Hình ảnh buồng trứng bình thường (trái) và u nang buồng trứng (phải).
Hiện tại không có chế độ ăn dự phòng đối với u nang buồng trứng. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp khắc phục tại nhà giúp giảm bớt sự khó chịu do u nang buồng trứng gây ra như đau bụng dưới, chảy máu nhiều, kinh nguyệt không đều, tăng cân, buồn nôn,…
Chị em khi có chẩn đoán u nang buồng trứng nên tuân thủ chế độ ăn lành mạnh giàu chất xơ và uống nhiều nước giúp giảm căng thẳng vùng bụng. Kết hợp chườm ấm giúp giảm sưng và giảm đau u nang buồng trứng bằng cách cho phép các cơ được thư giãn. Tập thể dục thường xuyên tốt cho chu kỳ kinh nguyệt.
2. Các loại thực phẩm hỗ trợ giảm thiểu các triệu chứng của u nang buồng trứng
Để giảm nguy cơ biến chứng của u nang buồng trứng, chị em nên sử dụng các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe, hạn chế sử dụng mỡ động vật, chất béo bão hòa, protein, chất kích thích; nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, C…; uống đủ nước mỗi ngày. Bên cạnh đó chị em cũng cần có chế độ sinh hoạt điều độ kết hợp với nghỉ ngơi hợp lý; tăng cường rèn luyện thể lực; điều chỉnh cân nặng phù hợp…
Khi u nang phát triển lớn, chèn ép gây ra các cơn đau. Đặc biệt trong chu kỳ kinh nguyệt, nhiều chị em bị đau bụng dữ dội hơn. Thực tế, có nhiều loại thảo dược và thực phẩm tự nhiên có tác dụng hỗ trợ giảm các triệu chứng khó chịu của u nang buồng trứng chị em nên tham khảo.
Hạnh nhân: Hạnh nhân là nguồn cung cấp magie dồi dào giúp giảm đau bụng do u nang buồng trứng. Tiêu thụ thường xuyên giúp giảm đau, khó chịu và cũng giúp giảm cân vì tăng cân là triệu chứng phổ biến nhất của u nang buồng trứng.
Thực phẩm giàu vitamin C: Vitamin C là chất chống oxy hóa tự nhiên và là nguồn tuyệt vời để tăng khả năng miễn dịch, hỗ trợ ‘tiêu diệt’ tế bào bất thường như u nang đang phát triển trong cơ thể.
Người mắc u nang buồng trứng nên ăn nhiều thực phẩm chứa vitamin C.
Hạt lanh: Hạt lanh giúp cân bằng tỷ lệ estrogen và progesterone trong cơ thể. Điều này sẽ giúp giảm thiểu các u nang. Thêm vào đó, hạt lanh rất giàu chất xơ giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại, cholesterol và các độc tố có hại được xử lý bởi gan. Hạt lanh cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa với các hợp chất như secoisolariciresinol diglucoside, acid p-coumaric và acid ferulic giúp trung hòa các gốc tự do có hại, giảm viêm, phòng bệnh mạn tính, ung thư, giảm nguy cơ tế bào bị tổn thương.
Video đang HOT
Củ cải đường: Củ cải đường rất giàu betacyanin, được sử dụng để tăng cường chức năng gan và giúp loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể. Do tính chất kiềm của củ cải đường, loại thảo mộc này có thể giúp giảm độ acid trong cơ thể và do đó làm giảm triệu chứng u nang buồng trứng.
Yến mạch: Yến mạch tăng cường nhu động ruột và cũng là một trong những thực phẩm tốt nhất để giảm cân, chủ yếu được dùng vào bữa sáng. Sự kích ứng và ngứa do u nang gây ra được giảm thiểu phần nào nhờ ăn yến mạch thường xuyên.
Gừng: Gừng có nhiều chất chống viêm, là một trong những biện pháp tự nhiên tốt nhất để làm giảm triệu chứng u nang buồng trứng. Các hợp chất trong gừng có thể giúp bảo vệ chống lại sự gia tăng của tình trạng viêm nhiễm bằng cách ức chế cơ thể sản xuất ra prostaglandin – một loại hóa chất chống viêm có liên quan đến việc kích hoạt các cơn co thắt nhằm giúp tử cung bong tróc niêm mạc.
Uống nước gừng điều hòa kinh nguyệt cũng là một biện pháp được nhiều chị em áp dụng.
Nghệ: Một phương pháp chữa trị cổ xưa là dùng nghệ với nước thường rất có lợi vì nghệ giúp cân bằng chu kỳ kinh nguyệt và giảm đau do u nang buồng trứng. Có rất nhiều lợi ích sức khỏe của nghệ trong các vấn đề về bụng đã được chứng minh.
Nước chanh: Để trị chứng buồn nôn, hãy cắt một quả chanh và hít vào mỗi khi cảm thấy buồn nôn. Uống chút nước chanh khi có triệu chứng buồn nôn cũng có hiệu quả.
Trà hoa cúc: Trà hoa cúc với dược tính làm dịu được coi là một phương thuốc tốt để điều trị các triệu chứng u nang buồng trứng cũng như các cơn đau và khó chịu liên quan, đồng thời cũng làm dịu đường ruột, hỗ trợ tiêu hóa. Tác dụng an thần nhẹ nhàng của trà hoa cúc sẽ làm giảm đau và giúp thư giãn.
Giấm táo: Theo một số nghiên cứu nhỏ ở những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), việc bổ sung giấm táo trong hơn 3 tháng có thể phục hồi sự rụng trứng.
Kết quả thử nghiệm lâm sàng nhỏ đăng tải trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ) cho biết: Để nghiên cứu tác dụng của giấm đối với các chỉ số trao đổi chất, nội tiết tố và chức năng rụng trứng trong PCOS, bảy bệnh nhân đang tìm cách điều trị PCOS không dùng thuốc đã uống đồ uống có chứa 15 g giấm táo mỗi ngày trong 90 đến 110 ngày. Kết quả kinh nguyệt rụng trứng được quan sát thấy trong vòng 40 ngày ở 4 trong 7 bệnh nhân. Những phát hiện này cho thấy giấm táo có khả năng khôi phục chức năng rụng trứng thông qua việc cải thiện độ nhạy insulin ở bệnh nhân PCOS.
Mặc dù chưa có nghiên cứu quy mô lớn nào được thực hiện để theo dõi tác động của giấm táo đối với kích thước u nang buồng trứng nhưng một lý do có thể khiến rụng trứng phục hồi là giảm u nang.
Quế: Một loại trà được pha bằng thanh quế pha với nước sôi là phương pháp điều trị tại nhà rất hiệu quả để ngăn chặn tình trạng kinh nguyệt ra nhiều.
Phụ nữ nên biết 7 nguyên nhân gây ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới, sau ung thư vú và ung thư cổ tử cung.
Biết các yếu tố nguy cơ có thể giúp phụ nữ phát hiện các triệu chứng ung thư buồng trứng dễ bị bỏ qua.
Theo Bệnh viện K Trung ương, ung thư buồng trứng là ung thư đường sinh dục thường gặp ở nữ giới, đứng thứ hai sau ung thư cổ tử cung. Ước tính trên toàn thế giới, mỗi năm có khoảng 240.000 phụ nữ được chẩn đoán có khối u ác tính tại buồng trứng, gần 150.000 ca tử vong. Vì vậy, ung thư buồng trứng là một trong những ung thư nguy hiểm.
1. Tại sao ung thư buồng trứng lại nguy hiểm?
Hình ảnh ung thư buồng trứng.
Vấn đề là phụ nữ thường không nhận biết được các triệu chứng ung thư buồng trứng cho đến khi bệnh tiến triển và ung thư càng phát hiện muộn thì càng khó điều trị. Nếu và khi phụ nữ gặp các triệu chứng, những triệu chứng đó thường nhẹ và bao gồm đầy hơi, sưng hoặc chướng bụng và đi tiểu thường xuyên. Những triệu chứng này sẽ khiến nghĩ đến do tăng cân, hội chứng tiền kinh nguyệt, căng thẳng, đau dạ dày, nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc hội chứng ruột kích thích... BS. Nguyễn Tuấn Anh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết: "Vì vậy, thông thường khi chẩn đoán, khoảng 2/3 số bệnh nhân ung thư buồng trứng đã lan ra ngoài vùng xương chậu".
Hầu hết vẫn chưa hiểu đầy đủ chính xác nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, điều quan trọng là phải biết các yếu tố nguy cơ ung thư buồng trứng phổ biến nhất. Hãy hết sức chú ý trong việc lắng nghe cơ thể mình và nên đi khám ngay lập tức khi thấy những nguy cơ sau:
1.1 Có đột biến gene di truyền
Có một số đột biến gene mà phụ nữ có thể thừa hưởng từ cha mẹ khi sinh làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, chẳng hạn như hội chứng BRCA1, BRCA2 và Lynch. Ví dụ, khoảng 1% phụ nữ trong dân số nói chung sẽ mắc ung thư buồng trứng trong đời. Ngược lại, phụ nữ có đột biến BRCA1 có 44% nguy cơ, tỷ lệ những người có đột biến BRCA2 là 17% và phụ nữ mắc hội chứng Lynch có 6 đến 8%. Những đột biến này cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư khác.
Ví dụ, BRCA1 cũng có liên quan đến ung thư vú; BRCA2 cũng liên quan đến khối u ác tính (ung thư da) cũng như ung thư vú, tuyến tụy và tuyến tiền liệt; và Hội chứng Lynch cũng liên quan đến ung thư ruột kết và nội mạc tử cung.
Nếu bất kỳ bệnh ung thư nào di truyền trong gia đình, đặc biệt là nếu người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh này (cha mẹ, anh chị em hoặc con cái) được chẩn đoán ở độ tuổi trẻ, hãy hỏi bác sĩ về việc gặp chuyên gia tư vấn di truyền, người có thể giúp tìm hiểu xem liệu xét nghiệm di truyền có phù hợp hay không.
Xét nghiệm di truyền có những ưu và nhược điểm, nhưng một lợi ích chính là nếu phát hiện ra mình có đột biến gene, đặc biệt là ở tuổi trưởng thành trẻ, sẽ có cơ hội thực hiện các biện pháp chủ động giúp giảm nguy cơ phát triển ung thư trong tương lai.
1.2 Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng
Ngay cả khi không có đột biến gene di truyền, nếu có từ hai người thân trở lên mắc bệnh ung thư buồng trứng thì sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
1.3 Tuổi tác
Tuổi tác là một trong những yếu tố nguy cơ phổ biến nhất đối với nhiều bệnh ung thư và một nửa số ca ung thư buồng trứng được chẩn đoán ở phụ nữ từ 63 tuổi trở lên. Nghĩa là, có thể sống càng lâu thì tế bào càng phân chia nhiều và khả năng mắc bệnh hoặc đột biến gene càng lớn. Và những thứ này có thể tích lũy dần dần. TS.BSCKII Nguyễn Văn Hùng, Bệnh viện K Trung ương, cho biết: "Khi còn trẻ, cơ thể có nhiều khả năng sửa chữa, khắc phục những sai lầm hoặc đột biến đó".
1.4 Thừa cân
Phụ nữ thừa cân dễ mắc ung thư buồng trứng.
Lời giải thích cho yếu tố nguy cơ này là do hormone. Tác dụng của mô mỡ là nó tạo ra estrogen, việc sản xuất quá nhiều estrogen, đặc biệt ở phụ nữ lớn tuổi sau tuổi mãn kinh, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Thêm vào đó, mô mỡ còn tạo ra một số phân tử có tác dụng phá hủy DNA và gene. Chúng được gọi là tác nhân oxy hóa. Đây là một yếu tố rủi ro nằm trong tầm kiểm soát vì tất nhiên có thể duy trì cân nặng khỏe mạnh thông qua việc ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn và tập thể dục thường xuyên.
1.5 Dùng liệu pháp thay thế hormone estrogen
Sử dụng loại liệu pháp này sau khi mãn kinh có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư buồng trứng. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ cao nhất đối với những người chỉ dùng estrogen (không có progesterone) trong ít nhất 5 hoặc 10 năm.
1.6 Rụng trứng nhiều
Phụ nữ càng rụng trứng nhiều thì nguy cơ mắc ung thư buồng trứng càng cao. Theo BS. Nguyễn Tuấn Anh, trong quá trình rụng trứng, biểu mô hoặc da, nang buồng trứng vỡ ra và giải phóng một quả trứng, sau đó vết vỡ sẽ tự lành lại giống như một vết rách. Quá trình chữa lành đó khiến các tế bào phải phân chia và tái tạo. Và tế bào buồng trứng càng phân chia nhiều thì càng có nhiều khả năng gặp phải các đột biến gene có thể tích tụ theo thời gian và gây ra ung thư buồng trứng. Mang thai, cho con bú và uống thuốc tránh thai đều ngăn ngừa sự rụng trứng, vì vậy chúng đều giúp buồng trứng được nghỉ ngơi.
1.7 Bị lạc nội mạc tử cung
Có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng tăng lên một chút nếu phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung, tình trạng nội mạc tử cung (mô) phát triển bên ngoài tử cung thay vì lót bên trong tử cung và có xu hướng gây ra đau bụng kinh.
2. Các yếu tố phòng ngừa và bảo vệ trước nguy cơ ung thư buồng trứng
Thuốc tránh thai có thể làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư buồng trứng.
Hiện tại không có phương pháp nào để ngăn ngừa ung thư buồng trứng ngoài việc xác định và tránh bất kỳ yếu tố nguy cơ nào có thể thay đổi được.
Không phải lúc nào cũng có thể tránh được các yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng, chẳng hạn như tiền sử gia đình. Nhưng nhận thức được những yếu tố này có thể giúp cảnh giác hơn về các triệu chứng để đi khám và phát hiện ung thư buồng trứng sớm hơn.
Vì béo phì là một yếu tố nguy cơ nên duy trì cân nặng vừa phải có thể là một cách để giảm nguy cơ. Có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục thường xuyên là một phương pháp tốt để duy trì cân nặng vừa phải.
Yếu tố bảo vệ là bất cứ thứ gì làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Các yếu tố bảo vệ ung thư buồng trứng bao gồm:
Thuốc tránh thai đường uống: Dùng thuốc tránh thai đường uống có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn và nguy cơ này càng giảm khi người dùng thuốc này lâu hơn. Tuy nhiên, thuốc tránh thai có thể gây ra những nguy cơ sức khỏe khác, chẳng hạn như nguy cơ đông máu, đặc biệt ở những người hút thuốc.
Sinh con: Những người sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với những người không sinh con. Sinh con nhiều lần có nguy cơ thấp hơn so với sinh một lần.
Cho con bú: Những người cho con bú giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng, nguy cơ này tiếp tục giảm khi thời gian tiết sữa kéo dài hơn.
Thắt ống dẫn trứng hoặc cắt bỏ ống dẫn trứng: Đây là những thủ tục phẫu thuật để đóng hoặc cắt bỏ một hoặc cả hai ống dẫn trứng. Thực hiện một trong hai phẫu thuật có liên quan đến nguy cơ ung thư buồng trứng thấp hơn.
Một số phụ nữ có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư buồng trứng có thể chọn phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng để giảm nguy cơ. Đây là một thủ thuật nhằm cắt bỏ ống dẫn trứng và buồng trứng.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ báo cáo rằng phụ nữ sau mãn kinh có đột biến gene BRCA có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng tới 85 - 90% và ung thư vú tới 50% bằng phương pháp cắt bỏ buồng trứng để giảm nguy cơ.
Cắt khối u nang buồng trứng nặng hơn 10kg trong bụng bệnh nhân 19 tuổi Khối u lớn bao trùm toàn bộ 1 bên buồng trứng của bệnh nhân nên bắt buộc các bác sỹ phải cắt bỏ nhưng cố gắng giữ lại 1 buồng trứng còn lại và tử cung vì bệnh nhân chưa lập gia đình. (Ảnh minh họa. TTXVN phát) Thông tin từ Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, đến ngày 16/4, tình trạng sức...