11 cách đơn giản dạy trẻ quản lý thời gian
Phụ huynh hãy tạo cảm giác vui vẻ, hướng dẫn trẻ thiết lập những ưu tiên hàng ngày để chúng có thể tự quản lý thời gian hiệu quả.
“Nhanh lên”, “Con có biết mấy giờ rồi không”, “Điều gì làm con mất nhiều thời gian như vậy”…, là những câu nói quen thuộc của phụ huynh để nhắc nhở con về khái niệm thời gian. Thay vì nói những câu trên, phụ huynh có thể dạy con cách quản lý giờ giấc ngay từ khi chúng còn nhỏ.
1. Tạo cảm giác vui vẻ
Người lớn có cách liên kết và quản lý thời gian của bản thân, nhưng đôi khi các mốc chồng chéo lên nhau sẽ khiến bạn cảm thấy căng thẳng. Trẻ cũng sẽ cảm thấy như vậy khi bắt đầu học cách quản lý. Vì vậy, bạn hãy giúp việc này trở nên vui vẻ.
Bạn có thể chuẩn bị cho bé một cuốn sổ hoặc cuốn lịch, hướng dẫn bé dùng bút màu, nhãn dán để trang trí, đánh dấu những ngày đặc biệt. Hoặc tạo ra các trò chơi thi xem ai sử dụng thời gian được giao để hoàn thành nhiều việc nhà nhất mà vẫn đảm bảo sạch sẽ.
2. Bắt đầu trước khi trẻ thành thiếu niên
Tất nhiên, phụ huynh có thể dạy kỹ năng quản lý giờ giấc cho thanh thiếu niên. Nhưng trẻ nhỏ dễ hướng dẫn và tiếp thu nhanh hơn. Trẻ mẫu giáo có thể học quản lý thông qua yêu cầu hoàn thành các nhiệm vụ nhỏ trong thời gian ngắn như mặc quần áo, dọn dẹp đồ chơi. Trẻ tiểu học có thể bắt đầu bằng cách đặt giờ làm xong bài tập về nhà hoặc công việc nhà.
3. Hướng dẫn con cách đo thời gian
Ngay cả những đứa trẻ biết xem giờ cũng chưa chắc biết cách đo thời gian. Hãy giúp con bạn bằng cách đặt hẹn giờ trong khi chúng phải hoàn thành nhiệm vụ. Giữ đồng hồ ở gần, đặt đếm ngược để trẻ cảm nhận sự thay đổi của thời gian.
Hướng dẫn con cách đo không có nghĩa là để con sống theo đồng hồ. Mục tiêu của phương pháp chỉ đơn giản là giúp trẻ hiểu một giờ, 15 phút hoặc thậm chí 5 phút là thế nào. Lần tới khi bạn nói “Chúng ta sẽ rời đi sau năm phút nữa”, trẻ sẽ biết rằng chúng không còn thời gian để chơi đồ chơi, xem TV hay dọn phòng.
4. Tạo lịch gia đình cùng nhau
Lịch gia đình sẽ giúp các thành viên nắm bắt được lịch chung của cả nhà và lịch riêng của mỗi người, giúp trẻ hiểu cách thành viên khác quản lý giờ giấc để tham gia vào sinh hoạt chung của gia đình đúng tiến độ. Từ đó trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm kiểm soát thời gian cho riêng mình.
Trẻ cần học cách quản lý thời gian.
5. Tạo lịch trình riêng cho mỗi thành viên trong gia đình
Ngoài việc tạo lịch gia đình, mỗi đứa trẻ cũng nên có lịch riêng. Bằng cách đó, trẻ có thể quản lý thời gian chi tiết hơn so với lịch gia đình. Bạn hãy hướng dẫn con chia nhỏ lịch theo các nhiệm vụ trong ngày hoặc tuần, khuyến khích bé sử dụng lịch cá nhân để thêm các nhiệm vụ mới và đánh dấu nhiệm vụ hoàn thành.
6. Không quản lý thời gian rập khuôn
Video đang HOT
Bạn và con đã lên lịch trình cụ thể cho từng ngày nhưng sẽ có những công việc cần bỏ nhiều thời gian hơn dự kiến. Nếu như vậy, hãy để trẻ tiếp tục công việc của mình, thực hiện các nhiệm vụ khác sau khi hoàn thành công việc dang dở dù giờ sai lệch so với kế hoạch. Trẻ chỉ nên bám sát lịch trình trong những ngày đầu hoặc tuần đầu học cách quản lý thời gian.
7. Đừng ép buộc trẻ
Một trong những sai lầm phổ biến của phụ huynh khi hướng dẫn trẻ quản lý thời gian là đảm bảo trẻ tham gia vào mọi hoạt động được lên lịch. Phụ huynh chỉ nên quan sát và nhắc nhở trẻ tuân theo lịch trình mà không ép buộc chúng nhất định phải thực hiện các hoạt động đã lên lịch.
8. Lên lịch thời gian rảnh
Tạo lịch trình và gắn bó với nó là quan trọng nhưng phụ huynh cũng nên dành cho trẻ những khoảng rảnh. Những khoảnh khắc không làm gì là cơ hội tuyệt vời để học cách quản lý thời gian. Nó giúp trẻ hiểu rằng việc đó không chỉ để hoàn thành công việc đúng thời hạn mà quan trọng hơn chúng có nhiều giờ để chơi.
9. Sử dụng các công cụ quản lý thời gian thân thiện với trẻ
Phụ huynh nên sử dụng những công cụ quản lý thời gian đơn giản, bắt mắt và dễ dàng với trẻ. Bạn có thể sáng tạo các công cụ của riêng bạn, sử dụng hình ảnh hay màu sắc mà con bạn yêu thích để thu hút trẻ.
10. Thưởng cho trẻ
Bạn hãy thưởng cho trẻ khi chúng quản lý tốt thời gian. Đây là động lực để chúng tiếp tục duy trì công việc này. Những món quà có thể trao theo tuần hoặc tháng, đảm bảo có sự bàn bạc của cả gia đình.
11. Hướng dẫn trẻ thiết lập những ưu tiên hàng ngày
Hầu hết trẻ em không nhìn xa được đâu là công việc nên ưu tiên để giúp ích cho tương lai. Chúng chỉ dành thời gian ưu tiên cho những công việc nằm trên thang hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng giờ.
Phụ huynh nên dạy trẻ quản lý theo nguyên tắc: đầu tiên, tiếp theo và cuối cùng. Các bé nhỏ tuổi có thể không biết công việc ưu tiên là gì nhưng phụ huynh có thể từ từ giảng giải, làm mẫu, bắt đầu nhỏ với các ưu tiên hàng ngày trước khi chuyển sang các ưu tiên hàng tuần và hàng tháng.
Thực hiện ưu tiên hàng ngày sẽ giúp trẻ hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng ngày, hàng tuần trong khi cũng thiết lập lộ trình để đạt mục tiêu dài hạn.
Tú Anh
Theo Verywell Family
10 điều phụ huynh cần nhớ để giúp con học tốt hơn
Để trẻ quản lý thời gian làm bài tập về nhà hiệu quả, bạn hãy hướng dẫn trẻ ưu tiên bài dễ trước, bài khó sau.
1. Đừng làm bài tập hộ con
Phụ huynh không nên xem bài tập về nhà của con là trách nhiệm của mình. Hình thành thói quen học tập lúc 7 tuổi dễ hơn lúc 12 tuổi. Vai trò của phụ huynh nên dừng ở mức hướng dẫn và hỗ trợ. Nếu bài tập quá khó, bố mẹ có thể gợi ý cách giải, nhưng đừng làm từ đầu đến cuối.
Nếu kiểm tra vở bài tập và phát hiện con làm sai, bạn hãy để con tự sửa lại, đừng chỉ ra đáp án đúng ngay lập tức. Sau một thời gian, việc rà soát bài tập về nhà có thể nhanh gọn hơn trước, tức bạn chỉ cần xem trẻ đã làm hết số bài được giao hay chưa. Trẻ có thể làm sai nhưng điều quan trọng hơn là bạn đang xây dựng tinh thần trách nhiệm cho chúng. Điểm số khi đó cũng sẽ thực chất hơn.
2. Dạy trẻ cách học
Mới đầu, trẻ sẽ bối rối với bài tập về nhà, không biết nên bắt đầu từ đâu. Phụ huynh hãy chỉ cho trẻ từng bước hoàn thành một bài tập cụ thể và giải thích về hậu quả của việc không tuân theo hướng dẫn đó. Bạn cũng có thể viết các bước cần thiết ra tờ giấy ghi chú và dán lên bàn học để trẻ dễ nhớ.
Đồng thời, bạn hãy giúp con hiểu được rằng không nên bỏ dở bài tập mà phải làm đến cuối. Sử dụng tài liệu tham khảo và bách khoa toàn thư để tìm kiếm thông tin sẽ tốt hơn lướt Internet vì con sẽ không bị phân tán tư tưởng bởi những thứ không cần thiết.
3. Tạo không gian học tập thích hợp
Không gian trẻ ngồi làm bài ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả. Khu vực này nên có đủ ánh sáng, trang bị những dụng cụ học tập cần thiết và bỏ qua mọi thứ có thể gây xao nhãng.
Nếu trẻ có em trai hoặc em gái, bạn hãy đảm bảo chúng không quấy rầy anh hoặc chị khi đang làm bài tập.
4. Dạy trẻ ý thức về thời gian
Trẻ thường không có khái niệm về thời gian. Chúng không biết bao nhiêu thời gian đã trôi qua và còn bao nhiêu thời gian để làm việc gì đó. Đầu tiên, bạn hãy cố gắng ước lượng bằng khoảng thời gian làm những việc quen thuộc như xem phim hoạt hình, ăn tối, dọn phòng, để con dễ hình dung. Chẳng hạn, làm bài tập về nhà sẽ tốn một khoảng thời gian như khi đưa thú cưng đi dạo.
Sau đó, bạn hãy đặt báo thức khi con bắt đầu làm bài tập về nhà. Việc này giúp trẻ học nghiêm túc hơn và không trì hoãn.
Trẻ càng dành nhiều thời gian làm bài tập về nhà thì có nghĩa hiệu quả càng kém. Thời gian tối ưu dành cho học sinh trung học là không quá hai tiếng, còn đối với học sinh tiểu học là không quá 30 phút. Quá khoảng thời gian này, trẻ rất khó giữ độ tập trung.
5. Dạy trẻ thiết lập ưu tiên
Phụ huynh hãy hướng dẫn trẻ cách vạch ra những thứ quan trọng, không chỉ trong học tập mà còn trong cuộc sống. Chẳng hạn, khi làm bài tập về nhà, trẻ cần lưu ý những điều sau:
- Có bao nhiêu bài dễ hiểu và khó hiểu.
- Bài tập nào tốn nhiều thời gian và bài tập nào tốn ít thời gian.
- Bài tập nào có thể tự làm và bài tập nào cần sự giúp đỡ.
Nhờ đó, trẻ sẽ xử lý những bài dễ rất nhanh, biết cần tìm thêm thông tin cho bài nào và để dành bài nào để hỏi bố mẹ sau cùng. Thói quen này cũng giúp trẻ quản lý thời gian tốt hơn trong giờ kiểm tra.
6. Tạo động lực
Phụ huynh đừng coi nhẹ những thành tích con đạt được trong học tập, hãy khen ngợi và thưởng cho sự nỗ lực của con.
Nếu có con ở độ tuổi tiểu học, bạn có thể viết các nhiệm vụ lên một mẩu giấy (dọn giường, làm bài tập về nhà, đi đổ rác) và ngày trong tuần tương ứng với nhiệm vụ đó. Với mỗi nhiệm vụ hoàn thành, bạn thêm một dấu cộng vào bên cạnh. Số dấu cộng tổng kết vào cuối tuần sẽ được quy đổi thành một buổi đi xem phim hay trượt patin với cả nhà.
Hoặc bạn có thể dùng phương pháp tạo động lực sau: "Nếu con làm xong bài tập, mẹ con mình sẽ đi bộ, ăn kem, hay xem phim cùng nhau nhé".
Phụ huynh cũng cần chỉ cho con lợi ích của việc áp dụng kiến thức đã học ra ngoài đời sống. Chẳng hạn, nếu con biết đếm và làm phép tính cộng trừ, con có thể tính tiền thừa khi đi chợ với mẹ. Nếu đã nắm vững phép tính nhân, con có thể tính 2 USD mua được bao nhiêu que kẹo mút.
7. Dạy trẻ lên tiếng và đặt câu hỏi khi cần
Nhiều đứa trẻ cảm thấy ngại ngùng hoặc chỉ đơn giản là không biết nên đặt câu hỏi như thế nào ở lớp. Giai đoạn thay đổi môi trường từ mẫu giáo lên tiểu học có thể khiến chúng bối rối hơn. Bố mẹ nên dạy trẻ thể hiện suy nghĩ cá nhân, trò chuyện với giáo viên và không ngại đặt câu hỏi, thậm chí hỏi đi hỏi lại nhiều lần để hiểu sâu sắc vấn đề.
8. Giúp con gần gũi với bạn cùng lớp
Mối quan hệ với bạn cùng lớp rất quan trọng đối với mọi đứa trẻ, ảnh hưởng đến sự tự tin và cả thành tích học tập. Ngày nay, trẻ thường có bố mẹ đưa đi đón ngay sau giờ học về nên khó kết giao hơn thời trước. Phụ huynh nên chú ý đến vấn đề này và tạo cơ hội để con tìm hiểu bạn học.
9. Nên ưu tiên mối quan hệ giữa bố mẹ và con gái
Đừng chú ý quá nhiều đến kết quả học tập của con, khiến con thêm căng thẳng. Đó không phải vấn đề quan trọng nhất. Thay vào đó, bạn hãy quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, từ sở thích, cảm xúc đến chuyện bạn bè. Kiểm soát không phải cách để mối quan hệ phát triển. Bạn hãy lắng nghe con, chia sẻ những điểm chung và cùng tạo ra những ký ức hạnh phúc.
10. Điểm số không quyết định đứa trẻ có thành công hay không
Khi lo lắng về điểm số của trẻ, thực chất phụ huynh đang lo lắng về tương lai của chúng, dù điểm số chỉ thể hiện trẻ có học tốt những gì được dạy hay không. Điểm kém không đồng nghĩa với ngu ngốc, lười biếng hay vô trách nhiệm. Nó chỉ nói lên rằng vì một số lý do nào đó, trẻ không muốn học hoặc chương trình học quá phức tạp, không phù hợp với trẻ.
Nếu trẻ không đạt điểm giỏi, bạn cũng đừng thất vọng. Nhiều học sinh đạt điểm C ra đời thành công hơn học sinh đạt điểm A. Do đó, khi thấy trẻ không đạt hiệu quả trong môn học nào đó, bạn hãy giúp trẻ thay đổi phương pháp tiếp cận hoặc khám phá sở thích khác của bản thân, tập trung nuôi dưỡng nó.
Thùy Linh
Theo Bright Side
Những điều cha mẹ nên làm để có những phút giây thật ý nghĩa bên con trong cuộc sống bận rộn này Phụ nữ hiện đại phải cân bằng giữa công việc và chăm sóc gia đình, con cái cho nên quản lý thời gian sao cho hợp lí là một vấn đề khá nan giải. Vậy các mẹ hãy làm theo những mẹo sau đây và cảm nhận tình cảm gia đình ngày càng gắn bó bền chặt nhé. 6h chiều, bạn gửi email...