11 bản thảo SGK bị loại: Hội đồng thẩm định nhận xét vụn vặt, hình thức?
Sau 2 vòng thẩm định, đến thời điểm này có 11 bản thảo SGK bị loại. Một số tác giả cho rằng, hội đồng thẩm định nhận xét vụn vặt, hình thức, cứng nhắc.
Các thành viên trong hội đồng khẳng định, dựa vào tiêu chí đánh giá hoàn toàn cởi mở với sự sáng tạo của tác giả.
Các thành viên hội đồng thẩm định cho rằng, tiêu chí không đóng khung sáng tạo của tác giả viết sách
Hội đồng thẩm định nhận xét mâu thuẫn?
Trong lần đổi mới chương trình SGK này, có 49 bản thảo SGK được gửi đến Bộ GD&ĐT để thẩm định. Đến thời điểm này, có 38 bản thảo được đánh giá “Đạt”, 11 bản thảo bị đánh giá “Không đạt”. Một số tác giả và cá nhân liên quan đã lên tiếng về kết quả đánh giá.
Trả lời báo chí, TS Ngô Thị Tuyên, tác giả sách Đạo đức – Công nghệ giáo dục bị loại ở vòng 2, cho rằng, Hội đồng thẩm định đưa ra những đánh giá vụn vặt, cứng nhắc, hình thức, không hiểu tâm lý học sinh lớp 1. Thậm chí những nhận xét có phần mâu thuẫn nhau. Ví dụ, trong cuốn Đạo đức lớp 1 của tác giả, có chủ đề: “Phòng tránh rủi ro, thương tích” sau khi thẩm định vòng 1, bản thảo được hội đồng yêu cầu bỏ chữ “rủi ro”.
Hay như phần nhận xét về phương pháp, câu đầu tiên hội đồng cho rằng: “Nhìn chung sách được thiết kế theo đúng cấu trúc nhưng sang phần cấu trúc lại nhận xét: cấu trúc bài học chưa đảm bảo quy trình chương trình giáo dục phổ thông mới. Nói chung, nhận định lấn cấn, chỗ nói có đầy đủ, chỗ lại cho rằng không có”, TS Tuyên khẳng định.
Một số tác giả có sách bị loại cho rằng, ở vòng 2, thời gian ấn định để thẩm định SGK là 30 ngày, tuy nhiên, chưa hết thời gian làm việc, hội đồng đã yêu cầu nhóm tác giả ngừng sửa chữa.
PGS. TS Đào Đức Doãn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức lý giải, khi còn khoảng 7 ngày chỉ đủ để điều chỉnh những lỗi về tiểu tiết như kỹ thuật văn bản có thể chấp nhận được. Còn những bản thảo phải thay đổi cấu trúc, thiết kế lại nội dung hoạt động là không đủ thời gian. Do đó, Hội đồng thẩm định thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT, chừng đó thời gian sẽ không đáp ứng được.
Tiêu chí cởi mở với sự sáng tạo?
Theo PGS Doãn, thực tế Hội đồng thẩm định SGK môn Đạo đức đã thẩm định 6 bộ sách và mỗi bộ đều có nét độc đáo riêng. Hội đồng tôn trọng điều đó khi thẩm định. “Ngoài các điều kiện bắt buộc các bộ sách phải đáp ứng, Hội đồng thẩm định môn Đạo đức đặc biệt quan tâm đến tính phù hợp của các bộ sách đối với thực tế giảng dạy và đối tượng người học ở các vùng miền; đưa ra những đánh giá, góp ý chính xác, phù hợp cho các bộ SGK”.
PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung, Chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK môn tiếng Anh cho hay, các tiêu chí thẩm định không khiến cách nhìn nhận, đánh giá của các thành viên trong hội đồng bị giới hạn. Các tiêu chí và đánh giá của hội đồng đều tôn trọng sự sáng tạo của tác giả viết sách, đặc biệt là sáng tạo về phương pháp dạy học.”Những nội dung đã công bố trong chương trình thì chắc chắn là phần cốt lõi mà bất cứ bộ sách nào cũng phải tuân theo. Nếu nội dung không phù hợp thì hội đồng sẽ đề nghị tác giả chỉnh sửa”, PGS.TS Phạm Thị Hồng Nhung nói.
Chuyên viên tiếng Anh Tiểu học của Sở GD&ĐT Quảng Bình – Nguyễn Thị Ái Liên – thành viên Hội đồng thẩm định môn tiếng Anh cho biết, trước khi tham gia hội đồng, các thành viên được Bộ tập huấn và cho nghiên cứu kỹ các tiêu chí. Các tiêu chí thẩm định SGK được xây dựng đầy đủ, khoa học. Bộ tiêu chí này vừa có tính thống nhất giữa các môn học nhằm phát triển các kỹ năng, năng lực chung cho học sinh và học sinh tiểu học nói riêng, vừa có tính mở đối với các hội đồng để từng bộ môn được thể hiện đặc trưng riêng cũng như các kỹ năng đặc thù của môn học.
Video đang HOT
Theo dõi sát việc thẩm định SGK, TS Nguyễn Văn Cường (ĐH Postdam- CH Liên Bang Đức) cho rằng, ông nghiên cứu bộ tiêu chuẩn và 13 tiêu chí đánh giá SGK của Việt Nam khá phù hợp với xu hướng quốc tế. Điều quan trọng là các thành viên hội đồng phải bám sát tiêu chuẩn, tiêu chí để đánh giá đảm bảo nguyên tắc chung về tính thống nhất của chương trình.
Ông Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT không nhận được bất kỳ kiến nghị chính thức nào thông qua nhà xuất bản. Do đó, các ý kiến phản ánh về kết quả là không chính thức.
Theo Tiền phong
Băn khoăn về hội đồng thẩm định sách Công nghệ giáo dục
Một số ý kiến cho rằng việc thẩm định sách giáo khoa cần đảm bảo hội đồng được lựa chọn phải thực sự chuyên nghiệp và công tâm.
1/3 hội đồng thẩm định là giáo viên tiểu học
Trao đổi với VietNamNet, ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, hội đồng thẩm định là những nhà khoa học có uy tín, những thầy cô đến từ các trường đại học sư phạm và ít nhất 1/3 hội đồng là giáo viên hiện đang giảng dạy tại các trường tiểu học trên cả nước. Hiện nay, các hội đồng từng môn được cơ cấu từ 7-15 người.
Theo GS Mai Ngọc Chừ, thành viên Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt, hội đồng này có từ các giáo sư về ngôn ngữ học, các nhà quản lý giáo dục, đến các giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 nhiều năm nay.
Với môn Toán, GS Trần Kiều, Chủ tịch hội đồng thẩm định SGK mới cho biết, hội đồng gồm 13 người tiến hành thẩm định căn cứ vào 13 tiêu chí, xem xét từng hạng mục một để đánh giá đạt hay không. Nội dung sách phải đúng, đủ theo chương trình. Nếu không đủ hoặc không đúng, đều không thể thông qua.
"Hội đồng môn Toán có 13 người gồm một số người làm toán, 5 giáo viên đến từ các địa phương và một số dạy ở các trường sư phạm chuyên về tiểu học. Tôi thấy họ xứng đáng là những chuyên gia có thể đánh giá", GS Trần Kiều cho biết.
Cần đảm bảo chuyên nghiệp và công tâm
TS Thái Văn Tài cho biết, trong lần thẩm định sách giáo khoa đầu tiên theo chương trình mới, không chỉ có những cuốn sách của GS Hồ Ngọc Đại chưa vượt qua vòng đầu tiên, mà còn có một số cuốn khác. Tuy nhiên, tài liệu dạy học này lại thu hút sự quan tâm hơn cả, một phần vì tỉ lệ biểu quyết 15/15 "không đạt".
Theo TS Ngô Thị Tuyên, một nhà nghiên cứu giáo dục, để hoạt động thẩm định thực sự đạt chất lượng thì cần phải có một hội đồng chuyên nghiệp và công tâm.
Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ ít nhất chủ tịch hội đồng phải là người có chuyên môn về lĩnh vực được giao trách nhiệm điều hành và phải có chuyên môn về sư phạm ở bậc học đấy.
"Với hội đồng Tiếng Việt, chủ tịch hội đồng hiện nay lại là người không đúng chuyên ngành lẫn chuyên môn về sư phạm ở bậc học tiểu học. Có thể về phê bình văn học, thi pháp thể loại rất giỏi nhưng bậc tiểu học, đặc biệt lớp 1 là cực kỳ khác", Tuyên nói.
Theo TS Tuyên, khi thẩm định, cần hiểu kỹ và dựa trên mục tiêu đầu ra là chính.
"Còn các tác giả đi bằng phương pháp, cách thức nào, thì phải tôn trọng, ủng hộ, mới tạo ra sự đa dạng và lợi ích của việc có nhiều bộ SGK", TS Tuyên nói.
Bà Tuyên cho rằng, vai trò và sự công tâm của chủ tịch hội đồng rất quan trọng. "Bởi có thể sách không đạt theo đúng barem quy định của Bộ GD-ĐT mà theo cách dựa trên các tiêu chí thì chủ tịch hoàn toàn có thể đề xuất hướng hỗ trợ, chứ không phải là kết luận "Không đạt" kể cả dù đang được triển khai rất tốt trên thực tiễn".
Chưa hết, theo bà Tuyên, việc căn cứ vào số lượng 5 giáo viên dạy trực tiếp có trong hội đồng để lấy ý kiến là một con số quá nhỏ, không nhiều ý nghĩa về mặt thống kê đảm bảo kết luận đúng đắn.
GS Phùng Hồ Hải, Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam cho hay, dù không ủng hộ phương pháp dạy toán cho học sinh tiểu học của GS Hồ Ngọc Đại (tiêu biểu là cách tiếp cận quá trừu tượng đối với các phép tính số học) nhưng ông không đồng tình với một trong những lý do mà Hội đồng thẩm định đưa ra để phủ nhận sách toán Công nghệ giáo dục.
Kết luận của hội đồng thẩm định đối sách Toán Công nghệ giáo dục nêu nội dung bản mẫu SGK chưa thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình, còn nhiều nội dung vượt quá chương trình môn Toán lớp 1, vượt quá chương trình hay "không có trong chương trình".
GS Phùng Hồ Hải cho rằng với tới tinh thần của kết luận này thì các SGK muốn vượt qua vòng thẩm định không được phép có nội dung "vượt quá chương trình môn toán". Là một thành viên Ban soạn thảo môn toán, GS Hải khẳng định điều này hoàn toàn đi ngược với tinh thần của Ban soạn thảo SGK phổ thông mới, theo đó, một trong những điểm quan trọng nhất là: nội dung chương trình SGK là yêu cầu kiến thức tối thiểu, không hạn chế việc dạy thêm các kiến thức khác nằm ngoài chương trình, thậm chí khuyến khích điều đó đối với những đối tượng phù hợp". Từ đó, ông Hải đặt vấn đề về năng lực thẩm định của hội đồng.
Một chuyên gia giáo dục phân tích lý do "không phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông mới" là không thuyết phục. Bởi lẽ, trong các cấp học, thì ban soạn thảo chương trình mới từng tuyên bố sự thay đổi ở cấp tiểu học là khá ít. Chưa kể, chương trình nào đi chăng nữa, thì cũng đều chung một cái lõi kiến thức và mục tiêu giáo dục. Vì thế, sẽ có những cuốn sách phù hợp với bất kỳ chương trình nào, khi trong xã hội vẫn tồn tại đối tượng học sinh mà cuốn sách đó muốn tiếp cận.
Đánh giá của hội đồng thẩm định và Bộ GD-ĐT có khác biệt?
Theo GS Trần Đình Sử, các giáo viên chia sẻ để dạy sách này đạt được kết quả thì phải tranh thủ rất nhiều giờ khác để bổ sung những cái thiếu và yếu của sách.
Còn GS Mai Ngọc Chừ cho hay để sách Công nghệ giáo dục thì các giáo viên phải làm việc như một cái máy đúng theo "công nghệ", cực kỳ căng thẳng, rập khuôn và không thấy sự sáng tạo.
"Một số giáo viên chia sẻ với chúng tôi, để đạt được mục tiêu, công việc của họ phải tăng rất nhiều. Các cô giáo ở nhiều nơi chia sẻ phải bỏ ra quá gấp 2 - 3 lần công bỏ ra thì mới đạt được", ông Chừ nói
Theo ông Chừ, hội đồng có từ các giáo sư về ngôn ngữ học, các nhà quản lý giáo dục, đến các giáo viên dạy trực tiếp lớp 1 nhiều năm nay. Và không phải ngẫu nhiên, mà tất cả các thành viên đều bỏ phiếu bộ sách này không đạt.
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ GD-ĐT trong năm 2019 về tình hình triển khai dạy học Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục lại nêu rõ thuận lợi là đa số giáo viên đón nhận chương trình giảng dạy theo tài liệu này một cách tích cực, chủ động.
Việc dạy học Tiếng Việt 1 theo tài liệu Công nghệ giáo dục có thể phát huy được khả năng tư duy của học sinh, học sinh tự làm ra sản phẩm giáo dục, tạo hứng thú cho học sinh trong học tập.
Tài liệu thiết kế bài dạy có quy trình khoa học nên giáo viên thực hiện hiệu quả việc dạy học, kiểm soát được sản phẩm đầu ra thông qua từng hoạt động/việc làm của học sinh.
Bộ GD-ĐT cũng đánh giá, nhìn chung, việc triển khai tài liệu này tại các địa phương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: nhiều địa phương đã nhân rộng và có nhiều vận dụng linh hoạt trong quá triển khai, giáo viên nắm chắc nội dung, phương pháp, kĩ thuật dạy học theo định hướng mới, học sinh đọc thông viết thạo, nắm chắc ngữ âm, kĩ năng đọc và nghe - viết chính tả tốt.
Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra những khó khăn như trình độ giáo viên chưa đồng đều, giáo viên mới ra trường còn "ôm đồm" kiến thức khi giảng dạy; một số giáo viên đã quen với phương pháp cũ, ngại đổi mới.
Là một giáo viên chuyển từ dạy học theo chương trình hiện hành sang dạy theo sách Công nghệ Giáo dục được 4 năm, cô giáo Lê Thị Nếp (Thái Bình) cảm thấy hào hứng hơn hẳn. Mặc dù cuốn sách có những hạn chế, nhưng theo giáo viên này, nếu không dùng nữa là một điều đáng tiếc.
Khoảng 930.000 học sinh theo học sách Tiếng Việt Công nghệ 1
Việc dạy học Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nhất là ở những vùng khó từ năm học 2008- 2009 đến năm học 2016- 2017 trên tinh thần tự nguyện; Từ triển khai ở 7 tỉnh từ năm 2009 đến 48 tỉnh vào năm 2016.
Thống kê của các địa phương 3 năm gần đây cho thấy số học sinh và trường, lớp học theo sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục ngày càng tăng.
Năm học 2016- 2017 có 6.651 trường, 23.885 lớp học với 678.800 học sinh.
Năm học 2017-2018 tăng lên đến 7.751 trường, 27.981 lớp với 771.777 học sinh.
Năm học 2018-2019 có 8.198 trường, 30.522 lớp với 923.842 học sinh.
Năm học 2019-2020, khoảng 930.000 học sinh theo học sách này.
Đức Chinh
Theo vietnamnet
Kiến nghị lần 2 về SGK công nghệ: GS Đại không sửa... GS Hồ Ngọc Đại cho rằng, SGK công nghệ của ông bị Hội đồng thẩm định loại nhưng lịch sử sẽ chấp nhận. Liên quan đến thông tin Trung tâm công nghệ giáo dục tiếp tục gửi kiến nghị đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam liên quan đến bộ SGK của GS Hồ Ngọc Đại bị loại, sáng ngày 8/10, trao đổi...