10X trường Ams giành học bổng 4,3 tỷ đồng tới Mỹ
Chuyến đi quyên góp máy tính tại quê nội Hưng Yên mang đến cho Hoàng Dương cảm hứng viết bài luận về nông thôn – thành thị. Em vừa được cấp học bổng 4,3 tỷ đồng ĐH Case Western, Mỹ.
Những năm học phổ thông, Nguyễn Hoàng Dương (sinh năm 2003), học sinh lớp 12 Tin THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa trong vai trò chủ tịch.
Nam sinh là Chủ tịch và đồng sáng lập của dự án “ The Scratch Project” giúp hỗ trợ trang thiết bị học tập tin học gồm máy tính, wifi,… cho các học sinh vùng khó khăn; Chủ tịch dự án Old Books New Knowledge giúp học sinh các vùng khó khăn như xã Yên Hưng – Nam Định hay Tiểu học nội trú Quang Minh – Sơn La có sách vở đến trường. Dự án quyên góp được hàng nghìn cuốn sách và vở trong sáu năm thực hiện.
Em cũng là Chủ tịch một dự án khác mang tên “The Cozy Winter” giúp quyên góp quần áo ấm cho các học sinh vùng miền núi.
Nguyễn Hoàng Dương giành học bổng 4,3 tỷ đồng của ĐH Case Western ở đợt nộp hồ sơ sớm ED – (Ảnh: Lệ Thu).
Dự án quyên góp máy tính cho Trường tiểu học Yên Hưng, thuộc huyện Ý Yên, Nam Định được gây quỹ bằng cách mua sản phẩm làng nghề của nơi mình ủng hộ và đem lên thành phố bán gây quỹ để lại trong Hoàng Dương cảm xúc khó quên.
“Đây là dự án mà em đã dày công lên ý tưởng và liều mình chấp nhận rủi ro khi có thể dự án sẽ không đi đến đâu. Việc hỗ trợ trang thiết bị về tin học không hề dễ dàng vì kinh phí của chúng không hề rẻ. Bên cạnh đó, em muốn mua những bộ máy và thiết bị tốt nhất cho các em học sinh chứ không phải đồ cũ”, Dương chia sẻ.
Thật may mắn, ý tưởng bán đồ sản phẩm mỹ nghệ của làng nghề nơi đó để gây quỹ của cậu học trò đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của những người xung quanh. Trong vòng 3 tháng, nhóm của Dương đã có đủ kinh phí để có chuyến đi đầu tiên về vùng quê nghèo đó (cũng chính là quê nội em).
Hoàng Dương tại chương trình quyên góp máy tính cho Trường tiểu học Yên Hưng, thuộc huyện Ý Yên, Nam Định.
Khi lắp đặt máy tính, các bạn học sinh trẻ thể hiện niềm đam mê và hào hứng với bộ môn Tin học ngay tức khắc và điều đó làm Hoàng Dương rất phấn khởi – em đã có thể chia sẻ đam mê của mình đến với những người không có điều kiện. Đồng thời, em nhận ra rằng, các em học sinh hoàn toàn có đủ khả năng theo đuổi bộ môn này nếu có điều kiện.
Chính chuyến đi này đã cho Hoàng Dương nhiều suy nghĩ và cảm hứng về sự đối nghịch giữa “bức tranh” vùng miền: nông thôn và thành thị.
Ở một chuyến từ thiện khác đến trường dân tộc nội trú Quang Minh ở miền núi Sơn La, những suy nghĩ của Hoàng Dương càng trở nên sâu sắc. Đây là chuyến đi để lại cho em nhiều cảm xúc nhất.
Thứ nhất là vì đây là lần đầu tiên em được về tận nơi miền núi xa xôi, tách biệt khỏi thành thị. Tuy vậy, quan trọng hơn, đây cũng chính là chuyến đi giúp em nhận ra mình may mắn biết bao khi là một cậu bé được sinh ra và lớn lên ở thành phố.
Dựa trên cảm hứng có được, bài luận của Hoàng Dương gửi đại học Mỹ nói về những kỷ niệm cũ của em với người anh họ thời thơ ấu. Một người được sinh ra và lớn lên ở thành phố (Dương), còn người kia ở miền quê nghèo. Khi lớn lên, Dương nhận ra mình là người may mắn hơn khi có cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy, không bị thiếu thốn như người anh họ của em.
Từ đó, em kể về quá trình thực hiện ước mơ được nhìn thấy đất nước Việt Nam mà mọi trẻ em đều có cơ hội đến trường, được khám phả sở thích và bộc lộ tài năng của mình, không còn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Chàng trai tự nhận xét rằng, hồ sơ em có một điểm yếu là hơi thiếu điểm nhấn tuy nhiên, sự nhất quán trong đam mê Tin học và một trái tim ấm áp vì cộng đồng đã giúp Hoàng Dương ghi điểm.
Video đang HOT
“Các hoạt động xã hội giải thưởng, và bài luận của em đều liên quan mật thiết đến nhau tạo ra sự thống nhất của bộ hồ sơ. Bên cạnh đó, hồ sơ của em khá toàn diện về các mặt học thuật và hoạt động, trong đó nổi bật là tố chất lãnh đạo”, Dương “bật mí”.
Cảm hứng bài luận về nông thôn – thành thị giúp Dương ghi điểm với hội đồng tuyển sinh ĐH Mỹ.
Toán và Tin là hai môn học thế mạnh của chàng nam sinh chuyên tin này. Năm 2017, Dương đoạt Giải ba cuộc thi toán HOMC (Hà Nội mở rộng); Giải nhì cuộc thi toán giữa các thành phố ITOT và Hạng “Distinct” cuộc thi toán AMC Úc và Mỹ.
Năm 2018, em giành Giải ba cuộc thi toán cấp quận Ba Đình; Giải ba kỳ thi tin học trẻ cấp quận Ba Đình và Top 100 học sinh có điểm thi đầu vào cấp 3 cao nhất thành phố. Năm 2020, Dương nhận Giải khuyến khích cuộc thi tin học cấp thành phố. Em đạt 1510 điểm SAT và 106 điểm TOEFL,
Trong đợt Apply đầu tiên, Hoàng Dương đã nộp hồ sơ vào 6 trường đại học Mỹ. Khi nhận được thư chấp nhận kèm học bổng 4,3 tỷ đồng của đại học Case Western, cảm xúc đầu tiên của em là vỡ òa trong hạnh phúc vì nghĩ rằng bao nỗ lực của mình cũng được đền đáp xứng đáng. Em còn cảm thấy biết ơn gia đình và thầy cô đã giúp em từng bước để đến được đích.
Đối với Dương, được du học tại Mỹ đã là mong muốn từ bé. Em bắt đầu cuộc hành trình chinh phục nó từ cuối cấp 2 và xuyên suốt cấp 3. Trong suốt quá trình chuẩn bị, em đã vạch ra một kế hoạch và thời gian biểu rất cụ thể.
Từ đó, em luôn luôn có mục tiêu để phấn đấu, và phấn đấu cho đến khi đạt được mục đích. Em luôn cố gắng để lấp vào những chỗ còn trống trong bộ hồ sơ của mình để cuối cùng không phải tiếc nuối vì mình đã không nỗ lực.
Quá trình chuẩn bị hồ sơ giúp em tiếp cận và trải nghiệm rất nhiều với thế giới bên ngoài, giúp em hiểu được sâu hơn ý nghĩa của những việc mình làm.
Dương sẽ theo đuổi ngành Công nghệ thông tin.
Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, thách thức lớn nhất của Hoàng Dương là việc có được điểm chuẩn hóa tiếng Anh như mong muốn. “Ngay từ đầu, em không chú trọng đến việc học tiếng Anh lắm vì nghĩ rằng thời gian vẫn còn dài để mình ôn luyện.
Cùng với đó, nền tảng Tiếng Anh của em được cho là không tốt so với các bạn đồng trang lứa. Chính sự chủ quan và thiếu kinh nghiệm này đã khiến em gặp rắc rối khi dịch Covid-19 ập đến và các cuộc thi SAT lần lượt bị hủy. Cho đến khi chuẩn bị nộp hồ sơ, em mới đạt được điểm SAT đủ điểu kiện như mong muốn”, Dương kể.
Chia sẻ về ngành học sắp tới tại Mỹ, Dương nói: “Việc áp dụng công nghệ thông tin vào đời sống là rất cần thiết. Em luôn muốn giải quyết mọi vấn đề khó khăn bằng số hóa và vì thế CNTT là ngành em chọn. Sau khi tốt nghiệp Mỹ, em hi vọng sẽ giúp được càng nhiều trẻ em khó khăn biết đến bộ môn này”.
Hoàng Dương luôn mong rằng, sau này em có thể dùng sức ảnh hưởng của mình đưa bộ môn Tin học về những vùng khó khăn của đất nước, giúp những con người nơi đây tiếp xúc với thế giới bên ngoài và mở mang tầm mắt.
Bí quyết đỗ học bổng 6,6 tỷ của 'nữ sinh không giải thưởng'
Giành được học bổng hơn 6,6 tỷ đồng trong 4 năm đến Mỹ, nhưng Ngọc Anh nói em từng khá lo khi hồ sơ không có thành tích này, giải thưởng kia. Điều em thuyết phục hội đồng tuyển sinh là chứng minh được 'mình là người thế nào'.
Cuối tháng 12, Lê Ngọc Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) nhận được tin trúng tuyển vào Trường ĐH Washington and Lee, ngôi trường xếp thứ 9 trong số các trường đại học giáo dục khai phóng ở Mỹ. Ngọc Anh nhận suất học bổng trị giá hơn 72.000 USD/ năm, bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt.
Mức hỗ trợ này nằm ngoài mong đợi của Ngọc Anh, bởi lẽ dù đã chuẩn bị khá kỹ, nhưng em đánh giá, hồ sơ của mình không có quá nhiều thành tích, giải thưởng nổi bật.
"Điều em thể hiện được trong hồ sơ, có lẽ là những định hướng rõ ràng để ban tuyển sinh "đọc" được em là người thế nào".
Khẳng định mình bằng các hoạt động ngoại khóa
Ngọc Anh bắt đầu tìm hiểu về Trường ĐH Washington and Lee khi được giới thiệu ngôi trường này nằm ở một vùng đất khá bình yên. Tại đây, số lượng sinh viên tương đối ít, hầu hết đều dưới 20 người/lớp.
"Việc chọn trường để học khá quan trọng vì đây sẽ là nơi gắn bó với mình trong suốt 4 năm. Đó phải là ngôi trường có sứ mệnh phù hợp, có môi trường sống và học tập phù hợp với tính cách của mình.
Ở ĐH Washington and Lee, em có thể tham gia vào các hoạt động leo núi, chạy bộ, đạp xe đạp xung quanh trường. Mọi thứ đều lôi cuốn và hấp dẫn em".
Lê Ngọc Anh (học sinh lớp chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam)
Yêu thích ngành Quản trị kinh doanh, trong hồ sơ của mình, Ngọc Anh đã thể hiện sự nghiêm túc khi nghiên cứu kỹ về trường cũng như ngành học này.
Mất 2 tháng tập trung làm hồ sơ, nhưng nữ sinh đã phải chuẩn bị từ rất lâu trước đó.
"Em biết, có những trường luôn mong muốn tìm kiếm những cá nhân đặc biệt. Nhưng tại ngôi trường này, điều họ kỳ vọng ở ứng viên là những cá nhân sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng".
Trong danh sách dài những hoạt động mà Ngọc Anh tham gia, hầu hết đều hướng về người lao động và những em bé kém may mắn.
Đó là hoạt động gây quỹ bằng việc tổ chức hội chợ đồ cũ kết hợp với hội chợ ẩm thực được Ngọc Anh thực hiện vào năm 2019. Qua một mùa hè, nhóm của Ngọc Anh đã quyên góp được hơn 70 triệu đồng.
Cho rằng, việc dùng số tiền này để xây một căn bếp giúp trẻ em Sapa được học nấu ăn như một nghề sẽ bền vững hơn rất nhiều, nhóm của Ngọc Anh xây một căn bếp và mời những đầu bếp nhà hàng tại Lào Cai làm giảng viên đứng lớp, đào tạo cho các em nhỏ.
Kỳ vọng của cô gái 17 tuổi là giúp các em nhỏ sau này có thể làm việc trong các nhà hàng, khách sạn tại Sapa thay vì phải đi xin tiền từ những người dân du lịch.
Ngọc Anh giành được học bổng 6,6 tỷ trong 4 năm của trường đại học Mỹ.
Tại trường Ams, Ngọc Anh là Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Làm bánh và Câu lạc bộ Cờ vua. Em từng cùng bạn bè tham gia dạy làm bánh cho những trẻ em mồ côi tại chùa Hương Lan (Chương Mỹ, Hà Nội); dạy làm bánh cho những trẻ em khuyết tật ở Thuận Thành (Bắc Ninh).
Em còn khởi xướng một dự án làm nước rửa tay để tặng cho người lao động, người cung cấp thực phẩm tại một số chợ và điểm cách ly trong thời gian dịch Covid-19 phức tạp.
Ngọc Anh cho rằng, mặc dù điểm yếu trong hồ sơ của mình là không có các giải thưởng quốc gia, quốc tế nhưng em đã cố gắng khẳng định mình bằng rất nhiều hoạt động ngoại khóa có tác động xã hội.
"Em nghĩ từ những hoạt động ngoại khóa ấy, ban tuyển sinh có thể "đọc" được con người em khá rõ ràng".
"Bài luận không tô hồng, em là chính em"
Trường ĐH Washington and Lee không phải ngôi trường duy nhất Ngọc Anh nộp hồ sơ và được chấp nhận.
Bí quyết để giành được thư đồng ý từ các trường Mỹ, theo Ngọc Anh, một phần vì em không dùng chung một bài luận cho tất cả.
"Mỗi trường đều sẽ có tôn chỉ riêng. Vì thế, em đã dành thời gian tìm hiểu về từng trường và đặc điểm riêng biệt để viết cho phù hợp. Em nghĩ rằng, ban tuyển sinh sẽ dễ dàng nhận ra một ứng viên có thực sự tâm huyết và tha thiết với trường hay không chỉ thông qua bài luận.
Bên cạnh đó, các ý trong các bài luận khác nhau cũng không nên lặp lại. Ví dụ, trong bài luận thứ nhất đã viết về một hoạt động nào đó rồi thì trong bài luận khác cũng không nên nhắc thêm về hoạt động đó nữa".
Ngọc Anh chọn theo học ngành Quản trị kinh doanh.
Một bí quyết khác giúp ban tuyển sinh nhận ra ứng viên phù hợp giữa hàng ngàn bài luận, theo Ngọc Anh, là "bài luận không nên tô hồng; em phải là chính em".
"Em nghĩ rằng hãy cứ sống thật với bản thân, có gì viết nấy sẽ tốt hơn việc tưởng tượng và viết ra những lời lẽ sáo rỗng, thiếu chân thực. Vì thế, mỗi khi đặt bút viết, em đều luôn nghĩ những điều đó có thực sự đúng với bản thân em không, và những điều đó có thực sự là điều nhà tuyển sinh đang tìm kiếm không".
Trong bài luận của mình, Ngọc Anh đã chọn chủ đề về gia đình. Đó là mối quan hệ với chị gái - người trước đây em không thực sự thân thiết, nhưng cả hai đã cùng nhau trải qua nhiều hoạt động ý nghĩa và trở nên hiểu nhau hơn.
Cũng trong bài luận ấy, Ngọc Anh đã nhắc đến một hoạt động kinh doanh nhỏ mà hai chị em cùng làm. Việc làm này giúp em hiểu hơn về ngành Quản trị Kinh doanh, biết việc kiếm tiền rất khó và biết trân trọng đồng tiền hơn.
Ngọc Anh (áo vàng, hàng 1) cùng các bạn trong lớp.
"Về quy trình, đầu tiên em sẽ lên dàn ý, vạch ra tất cả những gì mình có thể nghĩ được. Em viết bao nhiêu tùy thích mà không cần quan tâm đến giới hạn từ. Sau đó, em sẽ cắt dần những ý không thực sự hay và cần thiết đi. Khi có một dàn ý thực sự ưng ý rồi, em sẽ viết hoàn chỉnh, nhờ các anh chị đi trước, thầy cô đọc và sửa lại về văn phong, ý tưởng".
Có giai đoạn, Ngọc Anh bị áp lực và chán nản. Một số bài luận khi viết ra em rất tâm đắc nhưng lại được nhận xét là không thực sự trúng với câu hỏi.
Rất nhiều lần phải viết lại toàn bộ, qua rất nhiều bản nháp, Ngọc Anh mới hài lòng với những nét phác họa về con người mình thông qua những câu chuyện mà em chia sẻ.
Ngọc Anh cho rằng, bài học lớn nhất là việc cần phải sắp xếp thời gian hợp lý.
"Trước đó, em quá sa đà vào các hoạt động ngoại khóa nên không tập trung vào các bài thi chuẩn hóa. Lần đầu thi SAT em chỉ đạt 1.400 điểm. Điều đó khiến em rất hoảng loạn.
Tiếp đó, kỳ thi SAT lại bị hủy tới tận tháng 10 vì Covid-19. Tới lần thi thứ 3, khi sát những ngày cuối của quá trình nộp đơn, em mới đạt được 1.540 điểm. Sau cùng, em nhận ra rằng, việc sắp xếp thời gian hiệu quả cùng một chiến lược rõ ràng sẽ giúp em trải qua một "mùa apply" nhẹ nhàng hơn".
Nữ sinh Hà Nội giành học bổng trường top 4 của Mỹ Gấp rút làm hồ sơ trong 5 tháng, bài luận chính không theo cấu trúc truyền thống, Quỳnh Du vẫn giành học bổng gần 7 tỷ đồng từ Đại học Yale. Giữa tháng 12/2020, Nghiêm Quỳnh Du, học sinh lớp 12 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, bận rộn ôn thi hết học kỳ I môn Văn, đồng thời hồi...