104 SV năm nhất choáng váng vì bị trả về nhà
ĐH Khoa học Huế vừa buộc thôi học và trả về địa phương 104 sinh viên. Không phải sinh viên và phụ huynh nào cũng chuẩn bị tinh thần cho chuyện này.
Đậu ĐH và phải đối mặt với nguy cơ “rớt” giữa chừng là hiện tượng xảy ra những năm gần đây – khi các trường ĐH đào tạo theo hệ thống tín chỉ.
Ngày 11/5, ông Hà Văn Hành, Trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên, Trường ĐH Khoa học Huế cho biết, giữa tháng 12/2009, ĐH Huế quyết định buộc thôi học 202 SV.
Ông Hà Văn Thành.
Trong đó, có 139 SV năm 2 thuộc khóa 32 (khóa đầu tiên đào tạo theo hệ thống tín chỉ, con số này cao gấp chục lần so với đào tào theo niên chế). Lý do là kết quả học tập kém, không đủ điều kiện tiếp tục theo học. Nhiều nhất trong số đó là ngành Tin học với 36 SV, Toán tin ứng dụng 17 SV và Toán học 7 SV… Thời điểm này, mới chỉ bước sang học kỳ 1 năm học thứ 2, khi niềm vui thi đỗ đại học vẫn còn lưu luyến.
Video đang HOT
Trường ĐH Khoa học Huế áp dụng quy chế đào tạo tín chỉ từ năm học 2008-2009. Trước tình trạng này, nhà trường đã đề nghị ĐH Huế cho phép rà soát và tổ chức thi lại đối với các SV nói trên. Đến ngày 7/4/2010, đã “gút” lại còn 104 SV bị buộc thôi học và trả về địa phương.
Trương Ngọc Nguyên Hùng, SV Tin học K32 (một trong số 104 SV bị buộc thôi học) buồn rầu: “Học kỳ 1 năm thứ nhất, do chưa hiểu hết về việc đăng ký học tín chỉ nên em không đăng ký học 3 tín chỉ môn Anh văn. Kết thúc năm học, em bị điểm 0. Kết quả là em bị buộc thôi học vào ngày 15/12/2009″.
Chung số phận với Hùng, SV Nguyễn Hồng Sơn (Lớp Triết K32) cũng bày tỏ: “Điểm của em không hoàn thành chỉ tiêu ở năm thứ nhất. Tuy nhiên, nhà trường vẫn cứ để cho em đi học vào năm thứ 2 và đến ngày 7/4/2010, em chính thức bị thôi học”.
Ông H. bức xúc vì việc cơ quan chức năng thông báo quyết định đuổi học rất muộn khiến gia đình ông cũng như nhiều SV và phụ huynh bị tổn thất.
Ông Trương Ngọc H., phụ huynh của em Trương Ngọc Nguyên H. cho hay, việc con ông buộc phải thôi học đúng theo quy chế thì phải chấp nhận. “Nhưng nếu nhà trường công bố sớm thì gia đình và cháu đã tính đến phương án khác, để cháu học nghề hoặc ôn thi ĐH. Nhưng đã muộn vì thời gian ôn thi ĐH cho năm nay chỉ còn hơn 2 tháng nữa. Như vậy, có thể năm sau, con tui mới thi ĐH được”.
Sự bức xúc, tiếc nuối của ông H. cũng là tâm lý chung của nhiều phụ huynh có con em bị buộc thôi học mà không được thông báo sớm.
Ông Hà Văn Hành lý giải: “Việc thông báo muộn cho gia đình và SV là để có thời gian các em tiếp tục được sửa chữa, để xin ĐH Huế cho phép nhà trường tổ chức thi lại lần 2, SV có thêm thời gian hoàn thành khối lượng học tập tối thiểu của năm thứ nhất. Tuy nhiên, một số SV vẫn không hoàn thành khối lượng học tập trong thời gian tối thiểu cho phép. Số SV nào bị buộc thôi học ở năm thứ nhất mà vẫn đóng tiền tín chỉ ở năm thứ 2, nhà trường sẽ xem xét trả lại”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, phần lớn số SV bị buộc thôi học nói trên vẫn chưa về địa phương mà còn “bám trụ” ở Huế trong tình trạng chán nản.
Ông Hành cho hay, hơn 100 SV thuộc diện phải thôi học này chỉ còn cách chuyển cấp đào tạo xuống các trường cao đẳng, thi lại đại học hoặc trở về địa phương.
Bộ GD-ĐT nên xem xét lại?
Nguyên nhân khiến Trường ĐH Khoa học Huế có nhiều SV bị buộc thôi học bởi đầu vào vẫn còn thấp (trong số đó, có gần 30% SV thuộc các đối tượng chính sách, khuyết tật…), trong khi đầu ra vô cùng khó khăn so với các trường khác thuộc ĐH Huế.
Ông Hành cho rằng, việc triển khai đại trà quá sớm cách học theo hệ thống tín chỉ đã gây khó khăn cho trường, trong khi thực tế chưa đáp ứng được các yêu cầu đảm bảo cho hệ thống.
Việc SV hệ tín bị buộc thôi học không chỉ xảy ra đối với ĐHKH Huế mà ở địa phương khác như: Hà Nội, ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Cần Thơ… Khi áp dụng, bên cạnh những ưu điểm, quy chế này cũng nhiều bất cập, nhất là khi cơ sở vật chất của các trường ĐH chưa đáp ứng tốt nhất cho nhu cầu đào tạo tín chỉ; đội ngũ giảng viên cũng không hoàn toàn “thuộc bài” đào tạo tín chỉ, cách đánh giá cho điểm chưa chuyển kịp. Đặc biệt, đối với SV người xuất thân từ nông thôn, vẫn còn bỡ ngỡ với quy chế 43 khi mà vừa bước vào cổng trường ĐH; việc các SV đăng ký rất nhiều trong một kỳ học dẫn đến quá tải nên không theo kịp chương trình…
Theo ông Hành, đào tạo theo hệ thống tín chỉ lại có quy định “đuổi học” trong từng năm học là không công bằng đối với những SV không may bị bệnh tật, bảo lưu kết quả…
Ông Hành cho biết, nhà trường đã đề nghị với Bộ GD-ĐT nên cho sinh viên tự lựa chọn thời gian học tập, đến khi nào hoàn thành các chỉ tiêu tín chỉ thì được ra trường.
Trong năm 2010, tất cả các trường ĐH, CĐ chính quy đều phải chuyển sang đào tạo tín chỉ, nhưng nhiều giảng viên, SV các vẫn chưa thực sự “nhuyễn” để nhập cuộc. Theo cách tổ chức môn học này, ở trường đại học, không có khái niệm lưu ban hay tạm dừng như đối với đào tạo theo niên chế, trừ những trường hợp xin nghỉ học tạm thời.
Theo Vietnamnet