10 nguyên tắc giúp trẻ sáng tạo với phương pháp Montessori
Montessori là phương pháp giáo dục dựa trên hoạt động tự định hướng, thực hành và hợp tác. 10 nguyên tắc sau sẽ giúp trẻ tự do tìm hiểu, khám phá thế giới và sáng tạo hơn.
1. Học tập dựa trên trải nghiệm thực tế: Trẻ em ở các trường Montessori được học bằng cách làm việc với các dụng cụ được thiết kế đặc biệt. Ví dụ, khi học ngôn ngữ, trẻ sử dụng bộ chữ cái bằng gỗ để tập ghép vần. Bà Maria Montessori, người sáng tạo phương pháp Montessori, nhận thấy trẻ cần được vận động và học hỏi thông qua những trải nghiệm, thay vì ngồi trên lớp và nghe giảng bài.
2. Lớp học dành cho mọi lứa tuổi: Các lớp học Montessori dành cho học sinh ở mọi độ tuổi và được phân chia thành những cấp độ kỹ năng riêng. Thông thường, Montessori được chia thành 3 nhóm: 3-6 tuổi, 6-9 tuổi và 9-12 tuổi. Việc xây dựng các lớp học “hỗn hợp” khuyến khích trẻ học hỏi từ việc quan sát hoạt động của những người bạn lớn tuổi. Đồng thời, những học sinh lớn hơn sẽ củng cố thêm kiến thức và hình thành khả năng lãnh đạo thông qua việc hướng dẫn, giảng bài cho những người bạn nhỏ .
3. Thời gian học tập không bị gián đoạn: Tại các trường Montessori, thời gian học của trẻ thường kéo dài 2-3 giờ tùy theo độ tuổi. Thay vì có 30 phút học Toán và 30 phút học Viết, trẻ sẽ học toàn bộ môn trong một buổi. Khoảng thời gian này cho phép các em tập trung cao độ để tìm hiểu bài giảng hiệu quả hơn.
4. Tìm hiểu các môn học hàn lâm: Ngoài các môn văn hóa cơ bản, trường Montessori bổ sung 2 lĩnh vực học thuật vào chương trình học, bao gồm thực hành sống và cảm quan. Thực hành sống bao gồm các bài tập giúp trẻ có thêm kỹ năng mềm trong cuộc sống hàng ngày, từ những bài đơn giản như dọn nhà, trồng cây, đến các bài khó như tiết kiệm tiền, góp vốn đầu tư. Cảm quan là môn học phổ biến dành cho trẻ. Bà Maria Montessori tin rằng các hoạt động của môn học sẽ giúp trẻ cải thiện các giác quan.
Video đang HOT
5. Giáo viên đóng vai trò hướng dẫn: Nhiệm vụ của giáo viên Montessori là quan sát và giới thiệu các tài liệu học thuật cho trẻ. Thông thường, giáo viên sẽ làm việc trực tiếp với từng học sinh. Bà Maria Montessori nhận định vai trò của giáo viên là cung cấp công cụ học tập cho trẻ, thay vì truyền tải các kiến thức và giao bài tập về nhà.
6. Tự do trong khuôn khổ: Mục tiêu của trường Montessori là cho trẻ tiếp cận với những kiến thức mới, sau đó để các em chọn thời gian làm bài tập theo mong muốn. Học sinh được phép chọn vị trí ngồi và học những môn yêu thích. Ví dụ, trẻ có thể ngồi trên bàn hoặc ngồi dưới sàn để làm Toán, viết chữ. Tuy nhiên, các em không được phép chạy nhảy trong lớp hoặc gây mất trật tự, ảnh hưởng đến những người xung quanh.
7. Giáo dục toàn diện: Montessori tập trung vào việc giáo dục trẻ toàn diện, bao gồm giáo dục thể chất, tinh thần, xã hội, tinh thần và cảm xúc. Một đứa trẻ 3 tuổi có thể được yêu cầu cầm cốc nước và đi theo vạch kẻ để học cách kiểm soát cơ thể và chuyển động. Mỗi lĩnh vực đều được các trường Montessori coi trọng và tập trung đào tạo bài bản.
8. Các bài giảng được cá nhân hóa: Nếu một lớp Montessori có 25 học sinh, sẽ được phân chia trình độ học tập khác nhau và có giáo viên theo dõi sát sao. Thay vì dạy theo nhóm, giáo viên dạy riêng cho từng học sinh, tùy thuộc vào trình độ và nhu cầu cụ thể của mỗi người. Vì thế, học sinh thường làm việc độc lập, dành phần lớn thời gian để thực hành và hoàn thiện các nhiệm vụ được giao.
9. Môi trường học được chuẩn bị kỹ càng: Các lớp học Montessori được thiết kế và chuẩn bị mọi thứ trẻ cần để độc lập khám phá và học hỏi. Qua đó, phòng học tối giản hơn so với các phòng học truyền thống. Thông thường, phòng có đầy đủ màu sắc và ánh sáng tự nhiên để thúc đẩy sự tập trung. Mọi đồ vật đều có một vị trí cụ thể được sắp xếp cẩn thận nhằm giúp trẻ phát triển thói quen ngăn nắp, gọn gàng.
10. Giáo dục hòa bình: Maria Montessori sống trong thời kỳ chiến tranh và biến động toàn cầu. Vì thế, bà luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục hòa bình và tin rằng tương lai thế giới phụ thuộc vào cách dạy trẻ hiểu về tầm quan trọng của hòa bình. Tại các lớp học Montessori, trẻ được tìm hiểu về thế giới và sử dụng các “công cụ” để xoa dịu bản thân và giải quyết các xung đột.
Cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh: Cần thiết nhưng chưa thể triển khai đồng bộ?
Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Thông tư ban hành chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo.
Theo đó, chương trình được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 - 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu. Thực tế là nhu cầu làm quen với tiếng Anh từ sớm với trẻ rất cần thiết, nhưng dự thảo này cơ bản khó triển khai đại trà ngay?
Cần cơ sở pháp lý
Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh được xây dựng với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu làm quen tiếng Anh của trẻ từ 3 - 6 tuổi trong những cơ sở giáo dục mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu. Chương trình giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh, bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh, chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ làm phong phú thêm kinh nghiệm ngôn ngữ của trẻ, tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Chương trình mang tính chất khung, nội dung gồm những vấn đề cơ bản nhằm định hướng cho việc phát triển tài liệu, học liệu và tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen tiếng Anh. Trẻ sẽ bước đầu hình thành, phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh theo nhu cầu và khả năng của trẻ, góp phần phát triển toàn diện và chuẩn bị tốt hơn cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học.
Phương pháp giáo dục cho trẻ mẫu giáo làm quen với Tiếng Anh nhấn mạnh vào việc hình thành năng lực giao tiếp với nhóm các phương pháp chủ đạo gồm: thực hành trải nghiệm, dùng lời nói, trực quan minh họa, giáo dục bằng tình cảm, nêu gương, khích lệ, khuyến khích phản hồi của trẻ bằng ngôn ngữ và phi ngôn ngữ.
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết, đề án về đổi mới toàn diện căn bản giáo dục đã đặt ra yêu cầu cho trẻ mầm non tiếp cận với ngoại ngữ, công nghệ thông tin.
Việc cho trẻ em mẫu giáo làm quen với tiếng Anh chính thức được thí điểm từ năm 2014, tuy nhiên, việc này với chỉ được triển khai dựa trên một công văn, chưa đủ hành lang pháp lý. Bộ GD&ĐT chưa có văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện cụ thể; chưa có chương trình khung cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh cũng như quy định về thẩm định tài liệu, giáo trình khiến nhiều địa phương lúng túng trong triển khai do năng lực đội ngũ giáo viên còn hạn chế.
Chương trình cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh chỉ thực hiện trong các cơ sở mầm non có đủ điều kiện thực hiện và phụ huynh có nhu cầu. Ảnh: P.T
Giáo viên vẫn là một bài toán khó?
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho biết: tinh thần của dự thảo quy định này là không áp đặt, không phải tất cả đều phải triển khai, mà chỉ áp dụng cho những cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng được yêu cầu thực hiện.
Hiện nay, mỗi địa phương cũng đang triển khai theo các cách làm khác nhau. Nhà trường liên kết với các trung tâm tiếng Anh, mượn giáo viên tiếng Anh theo số tiết, số giờ, theo giáo trình cũng mỗi nơi một kiểu. Ví dụ tại TP.HCM, Sở GD&ĐT thẩm định và cho phép sử dụng 4 tài liệu để giảng dạy. Tại Hà Nội, số đơn vị được Sở GD&ĐT phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.
Đội ngũ giáo viên để có thể triển khai chương trình này chắc chắn còn hạn chế. Về trình độ giáo viên triển khai chương trình, dự thảo quy định, giáo viên Việt Nam phải có bằng CĐ trở lên (ngành sư phạm tiếng Anh, ngôn ngữ Anh), đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về nghiệp vụ sư phạm giáo dục mầm non hoặc phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh. Hoặc có bằng CĐ ngành giáo dục mầm non trở lên, có chứng chỉ năng lực tiếng Anh trình độ bậc 4 trở lên. Với giáo viên nước ngoài, ngoài yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ cần đáp ứng các yêu cầu hiện hành quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Trong khi đó, giáo viên mầm non nói chung ở thời điểm này vẫn đang thiếu. Theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, tỷ lệ giáo viên/lớp thấp ở một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung.
Theo báo cáo từ các địa phương, năm học 2019-2020, cả nước thiếu 45.242 giáo viên trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập (sau khi đã được bổ sung 20.300 biên chế). Đội ngũ thiếu dẫn đến áp lực nặng nề hơn đối với giáo viên đứng lớp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, hạn chế trong nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Như vậy, riêng giáo viên để triển khai làm quen với tiếng Anh là khó khăn.
Tuy nhiên, dự thảo ở thời điểm này vẫn được nhiều chuyên gia đánh giá là cần thiết, để tạo ra khung hành lang pháp lý cũng như xây dựng được chương trình cụ thể cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh, từ đó, các địa phương có căn cứ để thực hiện phù hợp. Ban xây dựng dự thảo cũng cần tập hợp những ý kiến đóng góp để thực sự đưa ra các quy định có hiệu quả trong quá trình triển khai.
68 học sinh nghèo nhận học bổng Kiến tạo của Vinschool 68 học sinh xuất sắc có hoàn cảnh khó khăn trên cả nước sẽ được tiếp cận phương pháp giáo dục tiên tiến, được trang bị các phương tiện học tập và chi phí sinh hoạt hàng tháng thông qua chương trình Học bổng Kiến tạo do Vinschool triển khai. Lễ trao học bổng vừa diễn ra tại Hà Nội và TP.HCM. Chương...