10 năm tới, giáo dục ra sao ?
10 năm tới sẽ là câu chuyện của tư duy và kỹ năng, của sự thấu cảm và trí thông minh cảm xúc, và người thành công sẽ là người có bộ năng lực cốt lõi để có thể thích ứng với sự thay đổi của thế giới.
NVCC
5 vấn đề cho giáo dục đại học
Có 3 yếu tố và 5 câu hỏi mang tính định hướng cho các đại học (ĐH) trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Ba yếu tố này gồm: Tốc độ thay đổi diễn ra nhanh hơn so với 3 cuộc cách mạng trước đó; hình thức giao tiếp mới với sự trợ giúp của các công nghệ tiên tiến như công nghệ 5G: giao tiếp với mạng xã hội, với máy tính và nhiều loại thiết bị, robot… Yếu tố thứ ba rất quan trọng là sự xuất hiện những câu hỏi mới chưa có trong quá khứ, chưa có trong đó 3 cuộc cách mạng trước. Một trong số đó là khả năng bị thay đổi của con người trước sự gia tăng ứng dụng của robot, của tự động hóa.
Ảnh: NVCC
Ba yếu tố này đang dẫn dắt chúng ta và đặt ra 5 vấn đề có tính định hướng cho giáo dục ĐH:
Video đang HOT
1. Sự biến động của nghề nghiệp và vai trò của ĐH trong việc đáp ứng sự thay đổi.
2. Đâu là chuẩn kiến thức tối thiểu của người tốt nghiệp ĐH trong thế kỷ 21 trong bối cảnh máy móc ngày càng có thể thực hiện nhiều công việc hơn. Chuẩn kiến thức đó sẽ là cơ sở để chuẩn bị cho hành trình 50 năm tự học tập sau này.
3. Liệu con người có thể đảo ngược lại được các quyết định của máy tính? Liệu chúng ta có thể ngăn chặn con người sử dụng công nghệ theo chiều hướng xấu một cách vô ý hoặc cố ý, giống như đã từng xảy ra với các cuộc cách mạng công nghiệp lần trước?
4. Sự sáng tạo và việc nuôi dưỡng sự sáng tạo cho sinh viên của các trường ĐH. Liệu trong 50 năm tới, sự sáng tạo của con người sẽ bị ảnh hưởng bởi vì chúng ta luôn đặt mọi thứ phải nhanh hơn, chính xác hơn, hoàn hảo hơn?
5. Vấn đề cuối cùng liên quan đến con người – liên quan đến các giá trị văn hóa, đạo đức, các chuẩn mực xã hội mà trường ĐH phải có câu trả lời thỏa đáng cho các thế hệ sinh viên của mình. Chúng ta sẽ hành xử như thế nào, theo các chuẩn mực gì? Trên một lượng lớn dữ liệu lớn xuyên biên giới, xuyên văn hóa, liệu máy tính có thể hiểu và phân biệt được nhân phẩm, sự đồng cảm của mỗi người khác nhau là khác nhau?
PGS-TS Vũ Hải Quân
(Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM)
3 xu hướng của giáo dục trong 10 năm tới
ẢNH: NVCC
Trong 10 năm tới, sẽ có 3 xu hướng giáo dục trở nên cực kỳ quan trọng và đóng vai trò then chốt cho sự thành công và sẵn sàng hội nhập của giới trẻ.
Thứ nhất: Trường học không còn là nơi duy nhất để người trẻ có thể học. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và thế giới ảo, học sinh, sinh viên sẽ dễ dàng tiếp cận kiến thức từ khắp mọi nơi, từ các trang web chia sẻ kiến thức, video học tập, sách, cho đến các ngôi trường online, các nền tảng giáo dục trực tuyến mở… Theo báo cáo mới nhất của Class Central vào ngày 2.12.2019, trong năm 2019 đã có 110 triệu người học tham gia các chương trình giáo dục trực tuyến và có hơn 9.000 trường ĐH cung cấp các khóa học trực tuyến (con số này chưa bao gồm Trung Quốc).
Ngoài ra, vai trò của doanh nghiệp ngày càng quan trọng. Các chương trình phối hợp đào tạo giữa nhà trường và giới tư nhân đóng vai trò thiết yếu và sinh viên chắc chắn sẽ học được rất nhiều từ các chương trình kiến tập, thực tập, làm dự án với các doanh nghiệp.
Thứ hai: Thầy cô không còn là người duy nhất có thể dạy và truyền đạt kiến thức. Không chỉ ở bậc ĐH mà cả bậc phổ thông, sự tham gia của doanh nhân, chuyên gia bên ngoài, các tổ chức xã hội ngày càng quan trọng trong sự phát triển toàn diện của người trẻ. Đã có những mô hình giáo dục “không giáo viên” cực kỳ thành công ra đời, đơn cử như University of the People (tạm dịch là Đại học của mọi người) là một mô hình ĐH thú vị, nơi mà bài tập và bài kiểm tra của sinh viên sẽ được chấm điểm và cho nhận xét bởi các chuyên gia trong lĩnh vực, chứ không phải bởi thầy cô trong lớp. Hay mô hình giáo dục Linda, người học sẽ được các công ty đào tạo trực tiếp, chứ không có bất cứ giáo sư, giảng viên nào cả. Bằng tốt nghiệp của người học sẽ do chính các công ty thẩm định và cấp.
Thứ ba: Kiến thức không còn là điều quan trọng nhất để truyền đạt. Kiến thức có thể được tìm kiếm dễ dàng hơn và con người không cần phải thuộc hay nhớ hết tất cả kiến thức này.
Thạc sĩ giáo dục Lê Đình Hiếu
Theo thanhnien
Trường học thời 4.0
Trước xu thế thay đổi lớn của thế giới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, giáo dục cũng không ngoại lệ và nhà trường đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đó có thể nói là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để giáo dục vươn lên.
Ảnh tư liệu
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các thành tựu nổi bật của internet, dữ liệu khổng lồ, trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, mạng xã hội, di động, robot, công nghệ sinh học và công nghệ nano... đang tác động mạnh mẽ đến cách dạy và cách học. Vì vậy, giáo dục phải là đầu tàu trong cuộc cách mạng lần thứ tư này. Những trường học ảo, lớp học ảo, thầy giáo ảo, phòng thí nghiệm ảo, thiết bị ảo, thư viện ảo... thời công nghệ số đã tạo thách thức không nhỏ tác động đến trường học truyền thống. Những trường học tiên tiến, hiện đại là xu hướng tất yếu hiện nay. Sách giáo khoa điện tử, nội dung chương trình mở, trường học thông minh cần phải được tính tới trong lần cải cách giáo dục vào năm 2020 này. Đầu tư cho giáo dục vì thế phải không ngừng tăng lên mới mong bắt kịp các nước tiên tiến có nền giáo dục phát triển.
Những yếu tố không thể thiếu của giáo dục kỷ nguyên 4.0 là phương pháp quản lý và giáo viên. Phương pháp quản lý giáo dục và người thầy cần phải được thay đổi theo những tiêu chuẩn mới. Cách quản lý vẫn còn đang ở mức 1.0, 2.0 hay dù tới 3.0 đều sẽ bị đào thải. Phương pháp quản lý nhờ vào các công cụ, phần mềm thông minh, công nghệ thông tin sẽ thúc đẩy chất lượng giáo dục. Cách quản lý hành chính, sổ sách đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của nó nếu không muốn nói là đã quá lạc hậu, không hiệu quả. Quản lý giáo dục cần được số hóa, nhà quản lý giáo dục cần có tâm huyết, đổi mới tư duy chỉ đạo, khả năng thích ứng, luôn luôn tiếp cận và tiếp thu cái mới, giỏi công nghệ thông tin...
Người thầy thời 4.0 nếu không bắt kịp với nhịp độ phát triển của công nghệ, thiếu thay đổi chính mình sẽ tụt hậu. Từ dạy học theo lối truyền thụ kiến thức nặng nề chuyển sang dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học cho thấy thầy cô giáo cần phải đổi mới chính mình. Đó là kỹ năng sử dụng các thiết bị tiên tiến trong dạy học, khai thác triệt để internet phục phụ cho bài giảng, nhanh nhạy với thông tin mới, ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, trang bị những phương pháp dạy học hiện đại, những kỹ thuật dạy học tích cực... Người thầy hôm nay không chỉ có kiến thức giỏi, năng lực sư phạm tốt mà còn phải thấu hiểu hoàn cảnh, tâm sinh lý học sinh mới đem lại cho các em niềm tin, sự yêu thương, sự phấn đấu, khuyến khích học sinh tự học, tìm tòi, tư duy sáng tạo, phát triển năng lực.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra với tốc độ rất nhanh, đặt giáo dục trước những thử thách vô cùng lớn, đầy cam go, không có thời gian để chúng ta chờ đợi và lựa chọn. Giáo dục khai phóng được coi là nền tảng để xây dựng con người. Chính vì thế, bắt nhịp và hành động ngay là yêu cầu cấp bách đối với các nhà trường hiện nay.
Đào Khởi
Theo baodongnai
Giáo dục đại học trong CM 4.0: Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục "may đo" Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra chóng mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống. Tuy nhiên, GS.TSKH Đặng Ứng Vận cho rằng, giáo dục đại học Việt Nam vẫn đang ở thời kỳ cách mạng 2.0. Để tái tạo lại hệ thống GD Việt Nam thích ứng với thời cuộc, Việt Nam nên xây dựng nền giáo dục "may...