10 năm sau sáp nhập, Hà Nội chưa di dời được trường đại học nào
Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 trường khác được đề xuất di dời khỏi nội thành, nhưng hiện vẫn ở yên một chỗ vì thiếu đất, thiếu tiền.
Sau khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, năm 2009 Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trường đại học, cao đẳng tại vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050.
Một trong những mục tiêu của quy hoạch là “giải quyết khó khăn, bất cập về không gian và điều kiện cơ sở vật chất hạ tầng kỹ thuật của các đại học, cao đẳng trong thủ đô Hà Nội”. Nguyên tắc đặt ra là giảm mật độ sinh viên và số trường trong trung tâm đô thị. Bộ Xây dựng được giao chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo lập quy hoạch, đề xuất hướng di dời một số cơ sở đạo tạo ở nội đô.
Trước đó, Quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2016 được phê duyệt năm 2007 cũng đề cập việc di dời trường công lập có diện tích quá nhỏ (dưới 2 ha) ở nội thành Hà Nội ra ngoại thành để đạt tiêu chuẩn về dịch tích tối thiểu 10 ha/trường đại học.
Đại học Quốc gia Hà Nội có chủ trương di dời khỏi nội đô Hà Nội, nhưng sau 15 năm khởi công, dự án ở Hòa Lạc của trường mới xong vài công trình. Ảnh: Giang Huy.
12 trường đại học được đề xuất di dời khỏi nội đô Hà Nội
Theo chủ trương trên, năm 2010-2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đưa ra phương án di dời 23 cơ sở giáo dục ra ngoại thành. Thời điểm đó, Hà Nội có 96 đại học, cao đẳng với 66.000 sinh viên (bằng 40% tổng sinh viên cả nước). Riêng 4 quận nội thành có 26 trường.
12 đại học, cao đẳng được đề xuất di dời, trong đó có Luật Hà Nội, Ngoại thương, Công đoàn, Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội… Các trường này, theo báo cáo của Bộ Giáo dục, có chưa đầy 5 m2 đất/sinh viên, trong khi tiêu chuẩn là 25 m2 đất trên một người học.
11 cơ sở giáo dục đại học khác được đề xuất cải tạo, trong đó có Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Giao thông Vận tải, Thủy lợi… Các trường sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh, như Gia Lâm (khoảng 250 ha), Sóc Sơn (600 ha), Sơn Tây (300 ha), Hòa Lạc (1.200 ha), Phú Xuyên (100 ha)…
Đại học Quốc gia Hà Nội do năm 2003 đã được Chính phủ phê duyệt đề án đầu tư xây dựng cơ sở mới tại Hòa Lạc để di dời cơ sở cũ trong nội thành, nên không đưa vào danh sách lần này.
Video đang HOT
Năm 2011, Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đề cập việc “phân bố, sắp xếp lại hệ thống trường đại học và cao đẳng, khu vực nội đô khống chế khoảng 30.000 sinh viên”. Chính phủ chủ trương xây mới 3.500-4.500 ha các khu, cụm đại học ở 7 khu vực thuộc huyện ngoại thành Gia Lâm, Sóc Sơn, Sơn Tây, Thạch Thất, Chương Mỹ, Phú Xuyên, quy mô phục vụ 40.000-51.000 sinh viên.
“Thực hiện di dời hoặc xây dựng cơ sở 2 cho một số trường từ nội đô ra các đô thị vệ tinh hoặc tỉnh trong vùng Thủ đô”, quy hoạch nêu. Với mục tiêu giảm tải hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội cho nội thành, quỹ đất sau khi di dời trường đại học được sử dụng vào mục đích công cộng, phục vụ đô thị.
Thuê giảng đường dạy học và mong ngày được di dời
Có tên trong danh sách được di dời khỏi nội đô theo đề xuất của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội (năm 2010) và Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng (phê duyệt năm 2007), nhưng đến nay Viện Đại học Mở Hà Nội vẫn không có thay đổi gì.
Nằm trên con phố Nguyễn Hiền (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng), Viện Đại học Mở gồm 2 dãy nhà cũ cao 3 tầng nối sát nhau, chỉ đủ làm khu hiệu bộ, văn phòng các khoa và trường quay phục vụ giảng dạy trực tuyến. Tòa hiệu bộ cách đường khoảng sân với chiều rộng chừng 4 m, xe máy của cán bộ, nhân viên dựng kín, chỉ dư một lối nhỏ để qua lại.
Thiếu đất, không có cơ sở vật chất, trường công lập này nhiều năm phải thuê địa điểm bên ngoài làm giảng đường, thư viện, phòng nghiên cứu… cho các khoa, phục vụ đào tạo 8.000 sinh viên. Trường không có ký túc xá như bao đại học khác.
“Đến nay, Viện Đại học Mở chưa nhận được chủ trương cấp đất để di dời đến các khu, cụm ở ngoại thành Hà Nội”, Viện trưởng Trương Tiến Tùng nói. Những năm 1997-2003, có thông tin trường được hoạch định lên khu công nghệ cao Hòa Lạc cùng Đại học Quốc gia Hà Nội, nhưng dự án sau đó bị treo, thành phố thu hồi đất.
Viện Đại học Mở Hà Nội nằm trên con phố Nguyễn Hiền, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Giang Huy.
Không xin được khu đất ở thủ đô để hợp với tên gọi Viện Đại học Mở Hà Nội, năm 2015 trường được đồng ý cho xây cơ sở mới tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên). Dự án rộng 6 ha gồm hệ thống giảng đường đáp ứng 15.000 sinh viên chính quy (chiến lược phát triển đến năm 2030); khu ký túc xá cho 70% sinh viên; phòng thí nghiệm, khu thể thao… Kinh phí đầu tư khoảng 400-600 tỷ đồng do Viện Đại học Mở Hà Nội tự lo liệu.
Sau 3 năm, dự án ở Hưng Yên của trường đã xong được quy hoạch 1/500, xây được khu thí nghiệm và đã chuyển giao cho Trung tâm Giáo dục quốc phòng An ninh của trường khai thác. “Theo kế hoạch, 2-3 năm nữa khu giảng đường sẽ xong, nhưng để kết thúc dự án có lẽ phải đến đời kế nhiệm”, Viện trưởng Đại học Mở Hà Nội dí dỏm nói.
Đồng thuận với chủ trương tự chủ đại học, nhà nước tập trung đầu tư cho các trường trọng điểm, nhưng ông Tùng mong muốn đại học công lập theo hướng ứng dụng trong đó có Viện Đại học Mở Hà Nội được đầu tư thích đáng về hạ tầng, đất đai để có cơ hội phát triển.
11 đại học còn lại trong danh sách di dời khỏi nội đô Hà Nội chưa thể chuyển đi do chưa có cơ sở hạ tầng, chưa được phân đất. Đại học Quốc gia Hà Nội được Chính phủ phê duyệt riêng một đề án xây dựng cơ sở mới rộng hơn 1.000 ha ở Hòa Lạc, nhưng 15 năm sau lễ khởi công, dự án mới xong vài ba công trình.
Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải không thể khẳng định khi nào dự án sẽ xong vì gặp nhiều khó khăn, nhất là việc cấp vốn. 15 năm qua, dự án xây dựng cơ sở mới ở Hòa Lạc của trường mới nhận được chưa đầy 8% trong số vốn ước tính đầu tư hơn 25.800 tỷ đồng.
Dự án di dời các trường đại học, cao đẳng ra khỏi nội đô Hà Nội để giảm tải hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khu vực nội thành chưa có hồi kết. Trong khi đó, theo từng năm, quy mô sinh viên của các trường đều tăng.
Quỳnh Trang
Theo Vnexpress
Bối rối trước đề xuất nghỉ học ngày thứ bảy: Sẽ làm được nếu chịu 'cởi trói'
Mong muốn được nghỉ dạy và học ngày thứ bảy hết sức chính đáng nhưng không phải trường nào và ở đâu cũng thực hiện được. Vậy làm thế nào để thực hiện được điều này trong điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu và chương trình học vẫn nặng?
Nhiều trường sắp xếp lịch học thứ bảy là hoạt động hướng nghiệp, ngoại khóa - ẢNH: BÍCH THANH
Tại Hà Nội, Trường THPT Phan Huy Chú (Q.Đống Đa) từ lâu nay đã "nói không" với việc học chính khóa vào thứ bảy. Học sinh (HS) của tất cả các lớp đều được học 2 buổi/ngày và thứ bảy, chủ nhật nếu có chỉ dành cho các hoạt động thể chất, ngoại khóa tự chọn theo sở thích của HS. Bởi vậy, HS dù được "chơi dài" hai ngày cuối tuần nhưng hiệu quả học tập vẫn rất cao. Tuy nhiên, với những trường không thể sắp xếp để HS học 2 buổi/ngày thì phải giải quyết thế nào?
Giảng dạy theo hướng đổi mới
Trường THPT Yên Hòa dù là trường công lập, chưa tổ chức được dạy học 2 buổi/ngày hoàn toàn nhưng vài năm gần đây đã tìm mọi cách để HS không phải đến trường học ngày thứ bảy. Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng, chia sẻ: "Yêu cầu đặt ra đầu tiên là trường phải có dư một số phòng học nhất định đủ để ít nhất có 2 ngày trong tuần HS sẽ được học 2 buổi, bởi nguyên tắc khi thực hiện điều này thì tổng thời lượng dạy học theo quy định của Bộ là không đổi, không được cắt xén chương trình".
Tuy nhiên, theo bà Nhiếp, để làm được như vậy, yếu tố quan trọng không kém là hằng năm trường phải xây dựng một kế hoạch dạy học rất chi tiết dựa vào chương trình khung của Bộ. Bên cạnh đó, phải "bám" vào để thực hiện theo những văn bản hướng dẫn mang tính "cởi trói" của Bộ GD-ĐT để xây dựng kế hoạch giảng dạy theo hướng đổi mới của nhà trường...
Việc xây dựng kế hoạch dạy này theo bà Nhiếp sẽ dựa trên cơ sở kế hoạch dạy học của từng lớp gửi lên, hội đồng giáo dục của nhà trường ngồi sắp xếp cân đối lại để tránh sự chồng chéo. Năm nào Bộ GD-ĐT cũng có văn bản hướng dẫn, khuyến khích các trường nên cho các tổ bộ môn xây dựng kế hoạch giáo dục trên cơ sở chương trình khung, phần kiến thức nào thừa hoặc lạc hậu cắt bỏ đi, cập nhật kiến thức mới; những nội dung trùng lặp giữa các bộ môn thì hiệu trưởng sẽ quyết định chỉ dạy nội dung đó một môn; những nội dung tương đương nhau ở nhiều môn thì gom lại thành một chuyên đề liên môn... Làm như vậy tránh việc HS phải học lại ở môn khác, vừa nhàm chán, vừa tận dụng được thời gian, nhân lực để đưa các hoạt động ngoại khóa vào và giúp giáo viên, HS không phải dạy - học cả ngày nghỉ.
Tăng cường dạy học tự chọn
Khi góp ý xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Trường ĐH FPT, cho rằng trong khi xu thế hiện nay là HS học giảm tải và giảm bớt giờ làm của công chức vậy mà dự thảo chương trình mới chỉ quan tâm tới việc học môn gì và chưa quan tâm đến những vấn đề liên quan kéo theo nó nên khi triển khai chắc chắn sẽ bị vướng. Ví dụ, dự thảo quy định HS bậc THCS học gần 30 tiết/tuần trong khi hiện tại bậc học này chỉ học 1 buổi/ngày, như vậy HS sẽ phải học 6 ngày/tuần. Điều đó đồng nghĩa với việc thứ bảy HS sẽ phải đi học...
Ông Lê Trường Tùng cũng đề nghị cần tăng cường dạy học tự chọn để vừa giải quyết việc HS phải học quá nhiều môn vừa phát huy được năng lực của người học, lại giảm thời gian học tập quá nhiều như hiện nay.
Còn tiến sĩ Lương Hoài Nam, một doanh nhân quan tâm đến giáo dục, cho rằng chương trình cần xây dựng theo hướng mở hơn nữa để trao quyền chủ động cho các cơ sở giáo dục và địa phương, giúp họ xây dựng kế hoạch cũng như nội dung giảng dạy phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của địa phương mình.
Lịch học cuối tuần chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội
Đề xuất của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu rõ: Hiện nay, thời gian học tập của HS phổ thông được thực hiện theo số tiết/năm học, số tiết/tuần; tùy theo điều kiện của từng địa phương, cơ sở để sắp xếp các ngày học trong tuần bảo đảm tổng số tiết học theo quy định. Tuy nhiên, việc sắp xếp lịch học vào thứ bảy ở nhiều cơ sở giáo dục phổ thông chưa nhận được sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của gia đình người học và giáo viên do ảnh hưởng đến kế hoạch thời gian chung của gia đình khi đại bộ phận người lao động nghỉ làm việc vào thứ bảy và chủ nhật. Vì vậy, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc để không tổ chức dạy học vào thứ bảy ở các cơ sở giáo dục phổ thông, dành thời gian phù hợp cho các em tham gia vào các hoạt động của gia đình và cộng đồng.
Theo thanhnien.vn
Chưa đủ 3 điểm mỗi môn vẫn đỗ lớp 10 trường công Hà Nội Ở nội thành học sinh cạnh tranh để vào được lớp 10 công lập thì một số trường ngoại thành lấy điểm trúng tuyển chưa đến 3 điểm mỗi môn. Điểm chuẩn vào 110 trường THPT công lập do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quản lý có sự phân hóa rõ rệt. Trong khi trường THPT Chu Văn An lấy...