10 lý do visa du học Australia của bạn bị từ chối
Nếu có lý lịch không rõ ràng hoặc cung cấp tài liệu giả, đơn xin cấp visa du học Australia của bạn sẽ không được chấp nhận.
Những lý do trang Onederland liệt kê dưới đây có thể giúp ứng viên hiểu tại sao visa xin du học Australia của mình bị từ chối.
1. Không đáp ứng các yêu cầu tài chính
Nếu muốn du học, bạn cần có tiềm lực tài chính vững vàng để trả học phí và các khoản chi tiêu khác. Tùy theo yêu cầu của từng trường, bạn cần cung cấp báo cáo thu nhập hoặc sổ tiết kiệm ngân hàng được gửi trước thời điểm xin visa ít nhất 3 tháng để chứng minh tài chính.
Sổ tiết kiệm phải đứng tên bạn hoặc tên một người thân trong gia đình (bố, mẹ hoặc anh chị em ruột) đóng vai trò là nhà tài trợ.
2. Thất nghiệp hoặc không đi học trong thời gian dài
Nếu không đưa ra được lý do thỏa đáng giải thích cho việc tại sao bạn nghỉ học hoặc không tìm được việc trong thời gian dài khi sống tại đất nước mình, bạn sẽ rất khó xin visa. Chính phủ Australia cho rằng, đây sẽ là lý do bạn không muốn trở về nước sau khi tốt nghiệp và tìm cách ở lại đất nước họ.
3. Không hiểu rõ về khóa học đã đăng ký
Một số trường hợp visa cho du học sinh bị từ chối vì sự thiếu hiểu biết của chính người nộp đơn.
Nếu trong buổi phỏng vấn bạn không thể nói về cái muốn học và giải thích tại sao, điều đó cho thấy bạn có thái độ hời hợt trong việc học hoặc không thật sự muốn theo đuổi môi trường giáo dục Australia.
4. Cung cấp tài liệu gian lận hoặc không có thật
Khi bạn cố gắng thay đổi hoặc làm giả số liệu về thuế hoặc thông tin thu nhập cá nhân và nghĩ rằng những quan chức phụ trách vấn đề nhập cư của Australia không xác minh lại, bạn đã hoàn toàn sai. Mỗi thông tin bạn cung cấp đều sẽ được kiểm tra và nếu số liệu bạn cung cấp khác với số liệu họ tìm thấy, visa của bạn sẽ không được chấp nhận.
Nhà hát Opera, Australia. Ảnh: Prospects
5. Lựa chọn một ngành học không tương ứng với trình độ chuyên môn
Nếu bạn đã có bằng Cử nhân Quản trị khách sạn, đã làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này và bất ngờ muốn theo đuổi Cử nhân Kế toán tại Australia thì sẽ rất khó được cấp visa. Khi ngành bạn muốn học tại Australia không liên quan đến ngành bạn đã có chuyên môn, nhà chức trách sẽ nghi ngờ mục đích theo học của bạn.
Video đang HOT
6. Không vượt qua được yêu cầu của nhân viên đại sứ quán
Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng lại khiến nhiều visa du học bị từ chối. Bạn không trả lời được các câu hỏi liên quan đến việc sẽ làm gì nếu được định cư tại Australia hoặc không vượt qua được bài kiểm tra y tế. Điều này có nghĩa là bạn không cung cấp đủ thông tin và không hoàn thiện được hồ sơ xin cấp visa.
7. Không có kế hoạch cụ thể
Bất cứ ai muốn xin visa du học đều phải đưa ra được kế hoạch cụ thể trong tương lai liên quan đến chương trình học tại Australia. Điều này một lần nữa sẽ giúp nhân viên đại sứ quán thấy bạn có thật sự nghiêm túc và tìm hiểu kỹ càng việc du học hay không.
8. Thiếu chứng chỉ tiếng Anh
Nếu bạn đạt 4.5 IELTS và không thi lại hoặc đạt 5.0 IELTS từ 3 năm trước, cả hai trường hợp này sẽ bị từ chối visa du học. Để trở thành du học sinh Australia, bạn cần đạt tối thiểu 5.0 IELTS và chứng chỉ được cấp chưa quá 2 năm.
9. Không đáp ứng các yêu cầu sức khỏe
Tất cả người xin visa du học Australia phải đáp ứng một số yêu cầu sức khỏe để đủ điều kiện nhập cảnh vào đất nước này.
Những bài kiểm tra y tế và chụp X-quang được thực hiện bởi các bác sĩ uy tín do Cục quản lý xuất nhập cảnh Australia lựa chọn. Mức độ kiểm tra sức khỏe phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: các hoạt động bạn dự đinh làm tại Australia, thời gian lưu trú và quốc gia bạn ở trước khi đến Australia.
10. Lý lịch không rõ ràng
Đơn xin cấp visa sẽ bị từ chối nếu bạn đã phạm tội nhiều lần hoặc có liên quan đến các nhóm tội phạm nguy hiểm hay từng tham gia chỉ trích, phỉ báng Australia. Hành vi và khoảng thời gian bạn phạm tội là mối lo ngại của Cục quản lý xuất nhập cảnh Australia.
Thanh Hằng
Theo Onederland/VNE
Bí quyết giành kết quả tốt khi du học Australia
Trong 13 tuần của học kỳ, quan trọng nhất là tuần cuối khi giảng viên ôn bài và dặn dò sinh viên những điều cần nắm bắt trước khi thi.
Chị Trương Nguyễn Thoại Giang, từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria University (Melbourne, Australia), hiện làm việc cho chính phủ Australia, chia sẻ kinh nghiệm học tập tại nơi này.
Từ nhỏ, tôi đã ước ao được du học, nhưng vì gia đình không có điều kiện nên phải mãi đến sau này khi đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM ngành Hóa học, rồi đi làm 4 năm, tôi mới dành dụm được chút ít làm hành trang khăn gói lên đường tầm sư học đạo. Khi đến Australia, tôi xác định để có một chỗ đứng trong xã hội, phải có thành tích học tập vượt trội để bù lại cái xuất thân từ một nước chậm phát triển và nói tiếng Anh ngọng nghịu.
Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong những năm học ở Đại học Victoria University, hy vọng có ích cho các bạn đang hoặc muốn du học Australia.
Một năm học ở đại học Asutralia có hai học kỳ, mỗi học kỳ chỉ 13 tuần, nghỉ giữa học kỳ một tuần. Vì thế mỗi học kỳ thật sự là một cuộc đua nước rút ngay từ vạch xuất phát. Thêm vào đó sinh viên quốc tế bắt buộc phải học toàn thời gian tức là phải lấy ít nhất 4 môn (subject) trong một học kỳ.
Quá trình đánh giá kết quả học tập gồm có ba phần. Bài kiểm tra trong lớp ở tuần thứ 5 chiếm khoảng 20% tổng số điểm, bài tập lớn (assignment) về nhà 30% nộp vào tuần thứ 9 và thi cuối học kỳ 50%. Trong buổi lên lớp đầu tiên, giảng viên sẽ thông báo cho sinh viên chương trình học trong toàn học kỳ thông qua bảng hướng dẫn chung (study guide).
Giảng viên cho biết giáo trình (text book) sinh viên bắt buộc phải có, những cuốn sách tham khảo, những bài báo chuyên ngành (journal) cần thiết khi làm bài tập lớn, yêu cầu của môn học, chương trình học và hành mỗi tuần, nội dung bài kiểm tra, đề tài bài tập lớn cho cá nhân hay nhóm (khoảng 4 sinh viên), tỷ lệ đậu rớt, bao nhiêu phần trăm sinh viên trong quá khứ đạt loại xuất sắc, giỏi. Giáo trình là quyển sách gối đầu giường sinh viên nên mua, còn những quyển sách tham khảo khác không sử dụng nhiều có thể mượn ở thư viện trường.
Thư viện Đại học Victoria University.
Chương trình học trong một tuần
Lịch học của một môn trong tuần là hai giờ lên giảng đường nghe giảng bài (với hàng trăm sinh viên) và một giờ thực hành ôn bài, làm bài tập (tutorial) với khoảng 20 sinh viên dưới sự hướng dẫn của thầy/cô trợ giảng (thường là sinh viên mới ra trường). Thời gian tiếp xúc giữa giảng viên và sinh viên chỉ có ba giờ. Sinh viên được yêu cầu phải dành ra thêm ít nhất 9 giờ mỗi tuần tự học.
Trước khi tới giảng đường, sinh viên được yêu cầu phải đọc 1-2 chương giáo trình và bài giảng (lecture note). Có như vậy sinh viên mới có thể kịp thời nắm bắt thông tin khi lên lớp vì lượng kiến thức giảng viên truyền đạt trong hai giờ nhiều như thác đổ! Sinh viên nước ngoài với khả năng nghe hiểu giới hạn nên phải cố gắng gấp bội phần sinh viên bản xứ.
Không có cảnh tượng thầy đọc, trò chép như ở đại học Việt Nam. Bạn chỉ cần in bài giảng để tiện theo dõi và ghi chú thêm. Nên chọn ngồi hàng ghế đầu để dễ tiếp cận với giảng viên. Xen kẽ trong bài học, giảng viên đôi khi đề cập đến những vấn đề sẽ xuất hiện trong đề thi nên bạn cần tập trung nghe để không bỏ sót thông tin quan trọng. Nếu vì lý do nào đó mà bạn bỗng nhiên lơ đãng không theo kịp thì vẫn có thể nghe lại sau buổi học, vì các bài giảng đều có thu âm.
Bạn nên đến lớp trước vài phút để không cập rập và làm phiền giảng viên hay các sinh viên khác. Trước khi đến lớp thực hành, sinh viên được yêu cầu phải chuẩn bị hoặc giải trước bài tập. Thầy/cô trợ giảng không đưa ra đáp án mà chỉ giải đáp gút mắc và hỗ trợ sinh viên tự tìm ra lời giải.
Ngoài giờ lên lớp, giảng viên cũng bố trí khoảng hai giờ mỗi tuần để hỗ trợ (consulting) sinh viên theo lịch hẹn. Bạn nên tranh thủ đến gặp giảng viên để được giải thích cặn kẽ những điều chưa thông suốt. Tuy nhiên, nếu bạn có điều gì chưa rõ thì cũng có thể đặt câu hỏi ngắn với giảng viên ngay trong lớp học hoặc cuối giờ. Giảng viên thường sẵn sàng giải đáp thắc mắc cho sinh viên vào bất cứ dịp nào nếu thuận tiện.
Bài kiểm tra
Bài kiểm tra trong lớp thường chỉ gồm kiến thức trong bốn tuần đầu, lúc này số lượng bài vở ít và đơn giản cho nên bạn hãy cố gắng lấy được điểm tối đa. Vì càng vào sau, bạn sẽ nhận thấy lượng kiến thức phải thu nhập càng nhiều và phức tạp.
Bài tập lớn thường gặp là bài luận (essay) dài 3.000 chữ. Để được điểm cao, bạn bắt buộc phải dẫn chứng vài quyển sách và ít nhất 6 bài báo chuyên ngành. Một nửa những sách và bài báo này nên lấy từ danh sách tham khảo của giảng viên, còn một nửa bạn cũng nên tự tìm tòi để chứng tỏ cho giảng viên thấy là bạn có khả năng tự nghiên cứu.
Trước tiên, bạn phải phân tích kỹ đề bài để hiểu rõ yêu cầu, sau đó nên tham khảo sách, báo, viết ra dàn bài gồm những ý chính rồi gặp riêng giảng viên hay trợ giảng để xem bạn đi đúng hướng chưa trước khi bắt đầu viết. Điều này rất quan trọng vì nhiều bạn chưa quen viết luận văn có khuynh hướng lạc đề hay xoáy sâu vào vấn đề mình hiểu hơn là đặt trọng tâm vào trả lời câu hỏi chính.
Khi viết bạn không cần nắn nót từng câu từng chữ mà hãy viết tất cả những gì bạn có thể nghĩ ra nhanh nhất, thêm vào nội dung những ý tứ lượm lặt trong sách tham khảo hay các bài báo chuyên ngành. Bạn nhớ là không bê nguyên xi các đoạn văn mà phải hiểu ý của tác giả và viết lại bằng lời văn của chính bạn và bắt buộc phải có nguồn trích dẫn (reference). Sau đó bạn có thể sắp xếp và gọt giũa lại. Khi hoàn tất, bạn nên nhờ ai đó đọc và sửa tiếng Anh, rồi gửi cho giảng viên hay trợ giảng nhờ góp ý và sửa chữa lần cuối trước khi chính thức nộp bài.
Tác giả (bìa trái) cùng nhóm sinh viên sau buổi thuyết trình tại Đại học Victoria University.
Chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ
Bạn tuyệt đối không nên bỏ buổi học nào dù là bài giảng hay bài tập. Quan trọng nhất là tuần thứ 13 khi giảng viên ôn bài và dặn dò sinh viên những điều cần nắm bắt trước khi đi thi. Buổi ôn bài này thường không được ghi âm. Tuy nhiên, bạn không nên đợi tới phút thứ 89 mà nên chuẩn bị cho kỳ thi cuối môn học từ tuần đầu tiên bằng cách tải những bài thi của những năm trước để "gặm nhấm" dần. Những đề thi này có kèm theo giải đáp là một tài liệu hữu ích trong suốt học kỳ.
Bạn có 2 tuần để ôn thi. Thời gian này nếu còn điều gì chưa rõ bạn vẫn có thể email hỏi hoặc hẹn gặp giảng viên.
Học nhóm
Đừng e ngại giao lưu với sinh viên cùng lớp để trao đổi khi có thắc mắc liên quan đến trường lớp. Học thầy không bằng học bạn, nhưng hãy chọn bạn mà chơi bằng cách "nhìn mặt mà bắt hình dong", chọn sinh viên cần cù, thông minh, giỏi tiếng Anh để kết bạn. Khi cần làm việc nhóm hãy mạnh dạn thành lập nhóm gồm những sinh viên bạn đã "chấm" để có khởi đầu thuận lợi.
Học nhóm, trao đổi thông tin, hỗ trợ lẫn nhau sẽ giúp bạn tự tin và đạt được kết quả tốt hơn so với tự học. Trường đại học Australia có những chương trình hỗ trợ sinh viên về học thuật, ví dụ hướng dẫn cách làm bài tập lớn hay viết bài luận phù hợp với yêu cầu của trường và các chuyên ngành khác nhau như kinh doanh, luật hay khoa học. Các trường cũng chỉ dẫn (1) cách phân tích đề bài để không bị lạc đề, (2) cách viết mở bài và kết luận hiệu quả, (3) cách ghi trích dẫn và viết lại (paraphrase) để tránh mắc lỗi đạo văn, (4) cách viết câu rõ ràng và các từ ngữ dùng trong văn viết và (5) cách đọc hiệu quả.
Khi có quá nhiều tài liệu cần xử lý bạn nên đọc lướt qua để nắm ý chính, sau đó nếu có thời gian hãy đọc lại, phần nào quan trọng nên đọc kỹ và đánh dấu. Bạn cũng nên đến gặp thủ thư và nhờ họ tư vấn các trang mạng (website), công cụ tra cứu giúp bạn tìm kiếm nguồn tư liệu đáng tin cậy cho bài làm của mình.
Ngoài ra, bạn nên tham gia các buổi hội thảo về phong cách học hành của những sinh viên đạt kết quả cao, cách quản lý thời gian dành cho sinh viên bận rộn hay kỹ năng thuyết trình trước lớp. Bạn cũng nên tìm hiểu về các câu lạc bộ thể thao hoặc sở thích ở trường để có cơ hội gặp gỡ, kết bạn, chơi thể thao, và thực hành tiếng Anh. Sau này cho dù bạn có làm bất cứ công việc gì thì khả năng đọc nhanh, tra cứu thông tin, phân tích vấn đề, viết, thuyết trình đều rất cần thiết.
Kết luận
Vì có sự khác biệt lớn trong cách học ở đại học so với phổ thông, hoặc đại học Australia so với Việt Nam, bạn phải nỗ lực ngay từ đầu. Các tân sinh viên được khuyên là hãy luôn chủ động và tự chịu trách nhiệm trong việc học tập của mình. Đừng bao giờ nghĩ đến việc "mua" bài luận hay nhờ người khác thi dùm. Làm như vậy là bạn sẽ đánh mất cơ hội thực hành để chuẩn bị cho những cuộc tỉ thí quan trọng hơn trong tương lai như phỏng vấn xin việc làm. Nhưng hậu quả trước mắt của gian dối trong học tập và thi cử là bạn có thể bị đuổi học, bị hủy visa, thậm chí bị thu hồi học vị nếu bị phát hiện mua bài sau này.
Tóm lại học hành vất vả kết quả ngọt bùi. Ở đâu cũng vậy không riêng gì đại học Australia, siêng năng dùi mài kinh sử và có phương pháp học hiệu quả thì cá chép hóa rồng mấy hồi.
Thoại Giang
Melbourne mùa thu 2019
Theo VNE
Kinh nghiệm xin thực tập, thuê nhà khi du học Australia Du học sinh Việt Nam có thể bị lừa khi thuê nhà qua môi giới, việc xin làm thực tập sinh trong công ty Australia cũng không dễ dàng. Nhiều sinh viên Việt Nam khi du học rất quan tâm tìm kiếm vị trí thực tập sinh trong các công ty. Đây vừa là cách tích lũy kinh nghiệm làm việc, vừa có...