10 câu phụ huynh không nên nói với con
“Con ổn mà” hay “Con đừng nói chuyện với người lạ” có thể là thông điệp tiêu cực đối với trẻ.
Thay vì sử dụng 10 câu nói dưới đây, bạn hãy biến chuyển ngôn từ tinh tế, linh hoạt hơn vì lợi ích của trẻ.
1. “Con làm tốt lắm”
Nhà tâm lý học Jenn Berman, tác giả cuốn Hướng dẫn từ A đến Z để nuôi dạy những đứa trẻ hạnh phúc, chỉ ra rằng việc khen ngợi con bằng câu nói chung chung sẽ khiến trẻ phụ thuộc vào lời khen của cha mẹ hơn là động lực nội tại.
Khi khen ngợi trẻ, bạn nên nói rõ lý do khen ngợi và thuyết phục trẻ tin vào khả năng của bản thân. Ví dụ, khi trẻ hoàn thành tốt công việc nhóm, bạn có thể thay thế câu “Con làm tốt lắm” thành “Đó là hành động tuyệt vời, mẹ thích cách con làm việc cùng bạn bè”.
2. “Con hãy thực hành để làm nên sự hoàn hảo”
Dành nhiều thời gian có thể khiến các kỹ năng ngày càng sắc bén hơn, nhưng câu nói này có thể tăng áp lực cho trẻ. Thông điệp của câu nói là nếu mắc lỗi, đó là do trẻ không tập luyện chăm chỉ. Thay vào đó, hãy khuyến khích trẻ làm việc chăm chỉ vì nó sẽ tiến bộ hơn so với bản thân của ngày hôm qua.
3. “Con ổn mà”
Khi con bị thương và bật khóc, bản năng của bạn là trấn an trẻ không bị tổn thương nặng. Việc nói “Con ổn mà” chỉ làm trẻ cảm thấy tồi tệ hơn vì thực tế chúng cảm thấy không an toàn. Nhiệm vụ của phụ huynh là giúp con hiểu và giải quyết cảm xúc tiêu cực của bản thân, không cố nói giảm nói tránh. Bạn hãy ôm con và thừa nhận những gì đang xảy ra, giải thích mọi chuyện sẽ trôi qua nếu trẻ làm theo lời bạn.
4. “Con nhanh lên”
Vì còn nhỏ, trẻ có thể chưa thành thạo hoặc có tính chây lười khi làm việc. Tuy nhiên, việc thúc đẩy trẻ bằng câu “Con nhanh lên” sẽ tạo thêm căng thẳng cho chúng. Khi cần nhắc con hành động nhanh, phụ huynh nên dịu giọng hoặc biến hành động thành trò chơi. Ví dụ, khi ăn sáng, hãy cùng con chơi trò “Ai ăn nhanh hơn” nhưng đảm bảo không để trẻ hình thành tính nhanh ẩu đoảng.
5. “Bố/mẹ đang ăn kiêng”
Không nên để trẻ thấy hình ảnh bạn đứng lên bàn cân mỗi ngày, liên tục theo dõi kết quả cân nặng hay than thở việc béo. Từ đó, trẻ sẽ tự ti về cơ thể hoặc có xu hướng học tập theo bố mẹ, phát triển cơ thể không khỏe mạnh.
Thay vì nói “Bố/mẹ đang ăn kiêng”, cha mẹ nên nói “Bố/mẹ muốn ăn uống lành mạnh để phù hợp với cơ thể của mình”. Ngoài ra, câu nói “Chúng ta cần tập thể dục” cũng nên thay bằng “Bên ngoài thật đẹp, cả nhà sẽ đi dạo” để truyền cảm hứng sống khỏe cho con chứ không chỉ là lời phàn nàn về thân hình.
Video đang HOT
Ảnh: Psychology Today
6. “Chúng ta không đủ tiền mua nó”
Đây là câu trả lời quen thuộc của phụ huynh khi trẻ muốn mua đồ chơi, nhưng câu nói này dễ khiến trẻ lầm tưởng tài chính gia đình đang gặp vấn đề. Từ đó, trẻ sẽ thấy sợ hãi, lo lắng.
Bạn hãy chọn cách khác để truyền đạt ý tưởng tương tự, chẳng hạn “Chúng ta sẽ không mua nó bởi đang tiết kiệm tiền cho những thứ quan trọng hơn”. Nếu trẻ tiếp tục muốn thảo luận về vấn đề này, bạn có thể bắt lấy cơ hội để dạy trẻ về cách sử dụng và tiết kiệm tiền.
7. “Con đừng nói chuyện với người lạ”
Người lạ là khái niệm khó nắm bắt đối với trẻ vì có người đối xử tốt, trẻ sẽ không coi đấy là người lạ. Ngoài ra, trẻ có thể hiểu sai câu nói này và chống lại sự giúp đỡ của cảnh sát hoặc nhân viên cứu hỏa khi gặp tình huống nguy hiểm.
Thay vì cảnh báo con về người lạ, cha mẹ hãy đặt ra tình huống, giả sử “Nếu một người đàn ông lạ mặt cho con kẹo mút, con sẽ làm gì?”. Lắng nghe câu trả lời, đánh giá xem việc trẻ định làm đúng hay sai và hướng dẫn cách hành động phù hợp. Đừng quên nhắc trẻ, bất cứ ai khiến chúng buồn bã, bối rối hay sợ hãi đều ngay lập tức phải báo lại với bố mẹ.
8. “Con hãy cẩn thận”
Nếu con bạn đang ở trong tình thế không an toàn, lời nhắc nhở này sẽ khiến trẻ cảm thấy mất tập trung, hoảng loạn và nhiều khả năng sẽ gặp vấn đề. Khi bạn cảm thấy lo lắng, hãy lại gần trẻ để quan sát và giúp đỡ.
9. “Con sẽ không được ăn món tráng miệng nếu chưa ăn xong”
Câu nói này sẽ làm giảm sự thích thú của trẻ trước bữa ăn. Bạn hãy chuyển thành “Đầu tiên, con sẽ ăn cơm, rồi sau đó là ăn món tráng miệng nhé”. Việc thay đổi từ ngữ tinh tế sẽ tác động tích cực tới vị giác của trẻ.
10. “Hãy để mẹ giúp”
Khi con đang vật lộn giải quyết vấn đề của mình, việc bạn muốn giúp là dễ hiểu, nhưng đừng giúp quá sớm, làm giảm khả năng tư duy, làm việc độc lập của chúng. Thay vào đó, hãy đưa ra những gợi ý và chỉ bắt tay vào giúp khi trẻ thực sự không thể làm được.
Tú Anh
Theo Parents/VNE
Người mẹ thử nghiệm thành công phương pháp dạy con "gấu panda" nhờ bí quyết từ mẹ của CEO Youtube
Mong muốn con cái mình trở thành người độc lập và thành công, chị Katherine Chatfiled, một bà mẹ hâm mộ cách nuôi dạy con kiểu gấu panda, đã thực hành phương pháp này tại nhà và thu được thành công.
"Bố mẹ panda" là hình mẫu đối lập của "bố mẹ hổ". Thay vì thúc ép con làm theo lời bố mẹ và chẳng ngần ngại đạt được mục đích của mình, "bố mẹ panda" khuyến khích con cái độc lập và tự chủ.
Bí kíp nuôi dạy con của chị cả "gia đình tai tiếng" Kardashian
Mặc dù panda thường được gắn với đặc điểm lười biếng, trên thực tế, bố mẹ kiểu panda lại không hoàn toàn nhàn hạ, họ chỉ tránh can thiệp quá sâu vào quyết định của con cái. Trong cuốn sách "How to Raise Successful People", tác giả và đồng thời là nhà giáo dục Esther Wojcicki đưa ra lời khuyên cho các bậc phụ huynh, nếu muốn nuôi dạy con nên người, bố mẹ cần đặt lòng tin ở con, trao cho con trách nhiệm và để con được mắc lỗi.
Bà Esther Wojcicki ca ngợi phương pháp nuôi dạy con kiểu gấu panda đã đem đến thành công cho 3 người con của mình - một người là CEO của Youtube xuất hiện trong danh sách của Forbes từ năm 2015, một người là bác sĩ nhi khoa, và người còn lại là đồng sáng lập công ty 23andMe, được định giá khoảng 440 triệu USD.
Ngưỡng mộ phương pháp dạy con của bà Esther Wojcicki, chị Katherine Chatfiled, sống tại Mỹ, đã thử nghiệm và hoàn toàn hài lòng:
Chị Katherine Chatfiled và 2 người con của mình.
Cùng tham khảo câu chuyện nuôi dạy con kiểu gấu panda của chị Katherine Chatfiled:
Cậu con trai 4 tuổi và cô con gái 2 tuổi của tôi đều là những đứa trẻ hạnh phúc, giàu năng lượng nhưng tính độc lập lại không phải là thế mạnh của chúng. Con gái tôi chẳng muốn chơi cầu trượt hay thậm chí là đi bơi mà không có mẹ cầm tay bên cạnh, còn con trai tôi sẽ rất vui khi thấy mẹ đến lớp đón hàng ngày.
Chỉ nghĩ đến việc sắp sẵn đồ để con tự đến trường, cả hai mẹ con tôi đều thấy chùn bước rồi. Thành thực mà nói, tôi cũng thích cảm giác con cần đến mình, nhưng đồng thời, lại lo lắng liệu mình có đang bảo bọc con quá không.
Tôi quyết định dành một tuần thử nghiệm cách nuôi dạy con kiểu gấu panda, để xem phương pháp này ảnh hưởng thế nào đến thái độ của các con.
Cho con quyền tự chủ
Thử thách đầu tiên là để con tự đến trường. Thông thường, tôi thường rất tốn sức khi phải hò hét để con đi chậm lại và để ý xe cộ trên đường, khi chúng chạy lung tung khắp nơi. Nhưng hôm nay, tôi nói với con rằng, tôi tin chúng có thể tự đi đến trường mà không cần mẹ bên cạnh.
Tôi bí mật theo dõi chúng từ một khoảng cách xa, và thấy cả hai đứa nắm tay nhau, liên tục kiểm tra xem xe cộ đã thật sự dừng lại chưa và kiên nhẫn chờ đợi trước vạch kẻ trước khi con trai tôi tuyên bố đã đủ an toàn để hai đứa qua đường. Tôi vô cùng bất ngờ khi thấy cách chúng hành xử, thậm chí tôi đã nghĩ chúng không thể làm được.
Tôi vẫn giữ thói quen đưa con trai đến trước cửa lớp, nhưng sau đó nhanh chóng hôn con và nói lời tạm biệt mà không đợi con vào lớp. Con tôi hơi bối rối, nhưng rồi cũng lập tức vào lớp mà không ngoái lại. Thú thực, tôi đã phải cố gắng để không cảm thấy buồn, bởi đã quá quen với việc vẫy chào và nhìn con cười với mình qua cửa sổ lớp học.
Thử thách đầu tiên là để con tự đến trường.
Tại sân chơi, con gái tôi trèo lên đỉnh cầu trượt, và như thường lệ, gọi tôi đến để giữ tay con bé, nhưng tôi kiên nhẫn trả lời, con có thể tự trượt xuống một mình. Sau vài phút lưỡng lự, con bé cũng tự trượt xuống. Mặc dù hơi vấp ngã, con bé nhanh chóng đứng dậy và hào hứng kêu lên: "Con tự làm được rồi!". Con bé lặp lại việc đó, và lần này không vấp ngã tẹo nào. Quả là một thành công lớn nữa.
Cho con thời gian
Con trai tôi gặp vấn đề trong việc đọc, thường rất ngại ngần khi phải đọc cùng mẹ ở nhà. Bố mẹ panda cho rằng, cần tin tưởng con sẽ hoàn thành mọi việc vào thời điểm thích hợp, vì thế khi con nói rằng mình quá mệt để đọc sách vào một tối nọ, tôi không ép con.
Chỉ vài giờ sau đó, thằng bé lấy một cuốn sách từ trên kệ và đề nghị hai mẹ con ngồi đọc cùng nhau. Chúng tôi dành 20 phút đọc sách, trò chuyện về nội dung cuốn sách sau đó. Tôi học được bài học rằng, việc để cho con tự lựa chọn theo sở thích vào đúng thời điểm phù hợp sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn là gò con vào khuôn khổ.
Việc để cho con tự lựa chọn theo sở thích vào đúng thời điểm phù hợp sẽ mang lại kết quả tốt đẹp hơn là gò con vào khuôn khổ.
Cho con sự tôn trọng
Tôi để các con tham gia nhiều hơn vào cuộc sống cũng như các nhiệm vụ trong gia đình. Khi tôi đề nghị các con dọn dẹp bát đĩa sau bữa ăn, chúng lập tức làm theo mà không hề ca thán nửa lời.
Tôi để ý thấy con làm vương vãi thức ăn ra sàn nhà. Điều đó cũng có nghĩa, tôi sẽ có nhiều việc để làm hơn, nhưng tôi cho rằng nó cũng đáng nếu có thể làm con hiểu được, tất cả mọi thành viên trong gia đình đều cần có trách nhiệm trong công việc chung và xã hội cũng vận hành như thế.
Nhờ phương pháp dạy con kiểu gấu panda, tôi nhận ra rằng, các con mình đang dần trở nên độc lập và tự chủ hơn. Chúng thích được trao cho nhiệm vụ và chứng minh cho tôi thấy mình có thể tin tưởng vào con cái.
Theo Helino
Du học nghề, hướng đi mới cho bạn trẻ Vài năm trở lại đây, nhu cầu ra nước ngoài học tập của giới trẻ ngày một tăng. Tuy nhiên, việc du học tự túc rất tốn kém. Không chỉ tốn kém chi phí ăn học tại nước ngoài, phụ huynh ở nhà cũng lo lắng con em họ sẽ làm gì, ở đâu sau khi học xong. Một hướng đi mới đang...