10 cách giúp con lớp 1 học trực tuyến hiệu quả
Cha mẹ nên tạo tâm thế háo hức đối với học trực tuyến, bố trí không gian học tập cố định và yên tĩnh, với bé hiếu động có thể cho cầm quả bóng stress…
Vào lớp 1 là dấu mốc quan trọng của mỗi đứa trẻ. Khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, dẫu có nhiều kịch bản, nhà trường và gia đình khó có thể ngồi chờ hết dịch mới học. Phương án học trực tuyến là một lựa chọn, nhưng làm thế nào để học chủ động, bài bản đang là vấn đề khiến cha mẹ có con vào lớp 1 lo lắng. PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ 10 điều cha mẹ có thể giúp con.
Điều đầu tiên , quan trọng nhất là cha mẹ tạo cho con tâm thế háo hức đối với việc học trực tuyến như một điều rất thú vị cần khám phá. Cha mẹ cũng có thể ngồi xuống nói chuyện về ý nghĩa của việc đi học, cho con biết trước về những gì sẽ xảy ra khi học trực tuyến như một cơ hội để có nhiều niềm vui, bạn bè mới.
Thứ hai , để con có thể học trực tuyến một cách tập trung hơn thì cha mẹ cũng cần tạo không gian học tập cố định và có quy tắc tôn trọng trật tự khi học. Nó có thể là một góc bàn nếu không gian gia đình không lớn, nhưng phải yên tĩnh, được thu xếp gọn gàng, đầy đủ đồ dùng học tập để với lấy dễ dàng.
Tất cả đồ vật gây phiền nhiễu và mất tập trung như tivi, đồ chơi, vật nuôi… cần loại bỏ hết ra khỏi tầm mắt của trẻ. Nếu không thể cách ly tiếng ồn trong nhà thì hãy mua cho trẻ một tai nghe trùm tai để đeo. Qua những hoạt động này, cha mẹ dần rèn nền nếp học tập tự lập cho trẻ.
Thứ ba , vì trong lớp học online, cô giáo không thể đến từng bàn để kiểm tra và hỗ trợ từng học sinh. Cha mẹ cần xác định mình là giáo viên/huấn luyện viên hiện trường để điều hướng thiết bị công nghệ, định hướng sự chú ý của con cũng như nhắc nhở và hỗ trợ kịp thời để con tập trung học tập, đồng thời tiếp tục duy trì được tâm thế háo hức với việc học.
Cha mẹ cũng cần cam kết đồng hành giúp con sẵn sàng về thể chất (ăn uống khoa học, nghe, nhìn, giao tiếp tốt, hợp tác và tự lập), sẵn sàng về mặt nhận thức (như khả năng tập trung, sự tò mò, mong muốn khám phá) và sẵn sàng về mặt xã hội (tự tin tham gia hoạt động, tuân thủ quy tắc, tôn trọng quyền của người lớn).
Video đang HOT
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục. Ảnh: VNU
Thứ tư , con sẽ có tâm thế học tốt hơn nếu ăn mặc như đi học thường ngày. Cha mẹ có thể cho con mặc đồng phục khi ngồi học, dạy ngồi đúng tư thế. Điều này khiến con tập trung hơn và thoát khỏi cảm giác ở nhà hoặc hôm nay là thứ bảy.
Thứ năm , để giúp con tập trung chú ý trong giờ học trực tuyến, cha mẹ có thể làm các lời nhắc nhở dễ thương để dán trên màn hình máy tính ngay trước mặt con. Mỗi khi tâm trí con đi lang thang thì hãy nhìn vào tờ giấy nhắc nhở ấy để trở về với bài học. Hãy sáng tạo và hào phóng khen thưởng để giúp con có động lực tập trung học tập.
Thứ sáu , với một số trẻ quá hiếu động, khi bị bắt ngồi yên tập trung vào bài học sẽ rất bồn chồn. Cha mẹ có thể đưa cho con quả bóng stress để bóp vặn khi lo lắng, từ đó giúp con kiểm soát hành vi và ngồi yên tại chỗ.
Thứ bảy , trước khi bắt đầu vào năm học (với hình thức học trực tuyến), cha mẹ cần hạn chế thời gian sử dụng màn hình của con trong các hoạt động hàng ngày để tổng thời gian sử dụng màn hình trong ngày không làm con quá tải. Cha mẹ có thể cùng con đưa ra nguyên tắc sử dụng mạng và thiết bị công nghệ để đảm bảo an toàn. Điều quan trọng là bố mẹ cũng phải gương mẫu tuân thủ nguyên tắc này bằng cách ký cam kết cùng với con dưới bảng nội quy. Nội quy sẽ được dán ở chỗ dễ nhìn nhất và tất cả mọi người phải tuân thủ.
Thứ tám , cha mẹ lưu ý học trực tuyến tước mất cơ hội vận động giải tỏa căng thẳng của con như các giờ tập thể dục hoặc trò chơi đuổi bắt. Vì vậy, trong cuộc sống gia đình, cha mẹ cần bố trí thêm các hoạt động thể chất vừa sức để con cùng tham gia như tưới cây, sắp xếp lại góc học tập, bê đồ lên giặt, quét nhà, dọn đồ chơi, chuẩn bị bàn ăn, chăm sóc thú cưng…
Thứ chín , vì cảm xúc của trẻ rất dễ tổn thương. Sự háo hức học tập sẽ bị đè bẹp ngay lập tức với những lời phê bình, lên giọng, không được chú ý khi giơ tay muốn phát biểu. Vì thế cha mẹ cần sẵn sàng hỗ trợ tâm lý cảm xúc cho con khi vào học trực tuyến, từ nhận diện đến bình thường hóa cảm xúc và hướng dẫn con thực hiện những bài tập thư giãn phù hợp khi đối diện với cảm xúc tiêu cực.
Thứ mười , cha mẹ cần chủ động học hỏi nâng cấp năng lực công nghệ thông tin để giúp con sử dụng thiết bị an toàn, tìm hiểu thêm về phương pháp sư phạm, cách quản lý cảm xúc và kỷ luật tích cực mà giáo viên vận dụng khi tương tác với trẻ. Cha mẹ cũng cần cập nhật kiến thức để chăm sóc con đúng cách trong mùa dịch (từ việc dành thời gian cho con đủ, tạo ra cảm xúc tích cực, lên lịch trình, ứng phó với hành vi không đúng, quản lý căng thẳng trong gia đình).
Giải pháp nào cho hàng ngàn học sinh lớp 1 học trực tuyến?
Hàng chục ngàn học sinh (HS) lớp 1 sắp phải học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Những âu lo, băn khoăn của phụ huynh trước việc một đứa trẻ chưa biết đọc, biết viết phải học online là hoàn toàn có cơ sở.
Để giúp các em HS lớp 1 học online một cách an toàn, bảo đảm sức khỏe, ngày 3/9, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề "Chuẩn bị hành trang tâm lý và kiến thức cho trẻ vào lớp 1 trong bối cảnh giáo dục trực tuyến", với sự tham dự của hàng ngàn giáo viên và phụ huynh.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục đã chia sẻ một khảo sát từ hãng bảo mật Kaspersky: Có 55% tổng số trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến vì đại dịch; trong số đó, 74% trẻ em không thích học trực tuyến vì phải dành quá nhiều thời gian trước màn hình và có đến 57% học sinh cảm thấy bài giảng trực tuyến khó hiểu hơn, khó tập trung hơn. Các vấn đề kỹ thuật đường truyền và thiết bị công nghệ cũng là một nguyên nhân (chiếm 60%) gây xao nhãng và giảm hứng thú học tập.
Trên thực tế, sau 1 năm học trực tuyến cũng có nhiều số liệu cho thấy tỉ lệ học sinh nhỏ có các vấn đề về giấc ngủ do các em sử dụng quá nhiều thiết bị màn hình có ánh sáng xanh bị hấp thụ hàng ngày. Các con dụi mắt liên tục, phàn nàn nhức mắt, cáu gắt và khó tập trung hơn.
Các chuyên gia tư vấn cho giáo viên và phụ huynh nhằm giúp HS lớp 1 học trực tuyến hiệu quả
Tuy nhiên, theo PGS Trần Thành Nam, trong bối cảnh giáo dục đang chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay, và trong điều kiện dịch bệnh phức tạp, thì học trực tuyến sẽ sớm trở thành một hình thức học chính thức và sử dụng thành thạo hình thức học này sẽ là một chỉ báo của năng lực công dân số.
Tại buổi tọa đàm, nhiều phụ huynh băn khoăn, hiện nhiều trường chưa đủ điều kiện dạy học trực tuyến cho lớp 1, giải pháp nào để hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến tâm sinh lý trẻ nhỏ, giúp trẻ thích nghi với học trực tuyến?
Cô Nguyễn Thị Ngọc Ánh, giáo viên Trường Tiểu học Tô Thị Hiển, Đông Anh (Hà Nội) và nhiều giáo viên khác nêu câu hỏi: "Chúng tôi cần chuẩn bị những gì để việc học trực tuyến đạt kết quả tốt nhất". TS. Nguyễn Quang Tiệp, Trưởng Bộ môn Giáo dục Tiểu học, Trường Đại học Giáo dục cho biết, với những trường đủ điều kiện dạy trực tuyến thì giải pháp then chốt là phải cấu trúc lại bài giảng phù hợp, không thể mang bài giảng truyền thống vào bài giảng trực tuyến. Các giáo viên phải "game" hóa nhiều nội dung, tạo hứng thú cho trẻ; đồng thời cô giáo phải tăng cường tuyên dương, nhắc đến tên con trong giờ học, yêu cầu đồ dùng học tập thật đơn giản và đặc biệt, mỗi tiết học chỉ nên cấu trúc 30 phút, không quá 2 tiếng/buổi học.
Khi học trực tuyến, HS gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi giáo viên phải thiết kế bài giảng phù hợp
Từ Sơn La xa xôi, thầy Hoàng Văn Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Chăn cho hay, việc dạy trực tuyến ở trường thầy vô cùng khó khăn, 100% học sinh là người dân tộc, các em không có máy tính, điện thoại, internet cũng không có, phụ huynh không quan tâm giúp đỡ con cái học hành. Với các em học sinh lớp 1 ở trường Chiềng Chăn, hành trang hầu như không có gì. Các chuyên gia vẫn nói, với học sinh vùng sâu vùng xa, nhà trường có thể dùng phiếu bài tập nhưng không có ai hướng dẫn từng em được. Vậy câu chuyện ở Trường Tiểu học - Trung học cơ sở Chiềng Chăn và rất nhiều trường học khác sẽ được giải quyết như thế nào?
Chia sẻ với những khó khăn mà thầy Hoàng Văn Tiến vừa nêu, TS Nguyễn Quang Tiệp cho rằng, việc học của các em học sinh phụ thuộc vào sự chuẩn bị trực tiếp của nhà trường, giáo viên. "Mỗi lứa tuổi có phát triển đặc thù, không thể vì lí do nào đó để trì hoãn sự phát triển khôn lớn của trẻ. Giải pháp về công nghệ là tất yếu rồi nhưng công nghệ cũng chưa đến được với các thầy. Vì vậy, phải sử dụng công cụ học tập thủ công, dạy học qua truyền hình, cho đến khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát thì sẽ tổ chức dạy học theo các nhóm trẻ, để các em tương tác được với nhau", TS. Nguyễn Quang Tiệp đưa giải pháp.
Còn theo PGS Trần Thành Nam, các nhà trường phải hết sức linh hoạt, để thích nghi với "điều kiện bình thường mới", phát huy sự đoàn kết, tương thân tương ái của cộng đồng. Hiện có nhiều cây ATM điện thoại, ATM laptop để gửi đến các em vùng sâu, nhà trường phải nắm bắt cơ hội này...
Một vấn đề được nhiều phụ huynh, giáo viên quan tâm là nhiều HS ở vùng dịch đang chịu những tổn thất nặng nề, có em mất cha, mất mẹ không người thân bên cạnh, thì việc học trực tuyến có khả thi, giải pháp nào hỗ trợ các em?
PGS Trần Thành Nam cho rằng, giải quyết câu chuyện này thì sự đồng hành của nhà trường, giáo viên và xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng. "Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, các em cũng phải được hưởng 3 ưu tiên: Ưu tiên an toàn về mặt thể chất, các em phải được ăn, được mặc; ưu tiên an toàn về tâm lý, nên phải có kế hoạch hỗ trợ các em lâu dài và ưu tiên về học tập, ở đây cần có sự chung tay của cả cộng đồng, huy động nguồn lực tổng thể để bảo vệ các em về thể chất và tinh thần", PGS Trần Thành Nam nói...
Học - Thi trực tuyến: Giải pháp công nghệ giúp kiểm soát và bảo đảm chất lượng Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, nhiều trường phổ thông đã cân nhắc phương án thi và đánh giá kết quả trực tuyến. Học sinh học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Internet Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trao đổi với TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Giáo dục, Đại học Giáo dục - ĐHQGHN về...