0,25 điểm vẫn đỗ đại học
Kết thúc mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011, không ít trường sư phạm ngán ngẩm trước thực trạng đầu vào “thảm hại” của thí sinh dự thi. Thực trạng này khiến dư luận phải đặt câu hỏi: Các thầy cô giáo tương lai sẽ như thế nào từ một cái nền thấp hết cỡ như vậy?
0,25 điểm vẫn đỗ
Tại nhiều trường ĐH, điểm chuẩn các ngành sư phạm rớt xuống chỉ bằng điểm sàn của Bộ và phải xét tuyển đến NV2, NV3 mà vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Mức điểm thấp nhất thuộc về các trường ĐH địa phương, ĐH vùng.
Có thể kể tên một loạt các trường “điêu đứng” tuyển sinh đầu vào sư phạm sư ĐH An Giang, ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên, ĐH Đồng Tháp, ĐH Quảng Nam…
Hầu như toàn bộ ngành sư phạm bậc ĐH của các Trường ĐH An Giang, Thủ Dầu Một, Hồng Đức, Quảng Bình, Tây Bắc, Thái Nguyên chỉ bằng điểm sàn, kể cả các ngành sư phạm toán, hóa, sinh, ngữ văn thế nhưng vẫn phải xét tuyển đến NV3.
Tình trạng này không chỉ xảy ra ở các ĐH vùng, ĐH địa phương mà còn xuất hiện ở cả những trường top giữa và những trường chuyên về đào tạo sư phạm. Nhiều ngành sư phạm cơ bản của ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng… điểm chuẩn chỉ bằng sàn hoặc cao hơn chỉ từ 0,5-1 điểm.
Các ngành Sư phạm hóa, sinh của ĐH Sư phạm Hà Nội 2 phải lấy điểm chuẩn bằng sàn. Lần đầu tiên trong nhiều năm trở lại đây, ĐH Sư phạm TP.HCM phải lấy điểm chuẩn hai ngành Sư phạm lịch sử và địa lý bằng điểm sàn.
Hậu quả của tình trạng cạn kiệt nguồn tuyển là một loạt trường phải tuyên bố đóng cửa các ngành đào tạo sư phạm. ĐH An Giang đóng cửa 3 ngành: Sư phạm Hóa học, Địa lý và Lịch sử. ĐH Đồng Tháp đóng cửa 4 ngành: Sư phạm kỹ thuật công nghiệp, Sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Khoa học thư viện, hệ CĐ ngành Công nghệ thiết bị trường học…
Với những ngành tuyển sinh được sinh viên thì số lượng ít và điểm đầu vào cũng vô cùng thảm hại. Ngành Sư phạm Toán của ĐH An Giang chỉ có 20 thí sinh trúng tuyển NV1, các ngành sư phạm khác chỉ có 5-10 thí sinh đạt điểm sàn.
Video đang HOT
Trúng tuyển vào ngành Sư phạm tiếng Pháp (ĐH Ngoại ngữ – ĐH Huế), có thí sinh chỉ đạt 2 điểm, 2,25 hay 3,25 điểm môn chuyên ngành. Khoa Lịch sử còn thảm hại hơn khi nhiều thí sinh chỉ đạt 1,5 – 3 điểm.
ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tuy đã nhân hệ số môn lịch sử nhưng điểm chuẩn chỉ dừng lại ở mức 14,5 điểm. Trong số 42 thí sinh trúng tuyển ngành Lịch sử, chỉ có ba thí sinh đạt điểm thi môn Sử từ 5 trở lên, đa số thí sinh chỉ được 2-3 điểm. Thậm chí có ba thí sinh chỉ được 1,25 điểm, một thí sinh 1 điểm môn Sử.
ĐH Cần Thơ có nhiều thí sinh chỉ đạt 1,25 – 2 điểm môn Lịch sử. ĐH Sư phạm Hà Nội 2 có thí sinh đạt 1,25 điểm môn Lịch sử, sau khi phúc khảo được nâng lên…1,5 điểm và trúng tuyển. Cá biệt, ĐH Đà Lạt có một thí sinh trúng tuyển nhưng môn Sử chỉ đạt 0,25 điểm (!).
Báo động đầu ra của ngành sư phạm
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đầu vào của ngành sư phạm như chế độ đãi ngộ, việc làm, tiền lương… Quan trọng hơn, sinh viên sư phạm tốt nghiệp bị rất nhiều hạn chế.
Tại nhiều địa phương, nhu cầu giáo viên đã bão hòa khiến hàng trăm sinh viên sư phạm tốt nghiệp không thể tìm được việc làm. Nếu may mắn tìm được việc thì lương cũng rất thấp, đó là còn chưa kể đến một khoảng thời gian không hề ngắn, đến vài năm, phải làm “hợp đồng” với các trường để chờ cơ hội thi tuyển công chức. Ngọc Hòa, một cựu sinh viên sư phạm chia sẻ: “Chế độ “hợp đồng” của giáo viên vô cùng bấp bênh. Lương vô cùng thấp và ngoài lương ra thì không hề nhận được bất cứ một khoản phụ thu nào như các giáo viên đã được biên chế. Chính điều này đã khiến không ít giáo sinh nản lòng, không còn niềm đam mê và say nghề được nữa”.
Thăm dò nhiều học sinh THPT trước khi thi ĐH, phần lớn các em không có nhu cầu thi vào sư phạm. Các em cho biết, chính sách miễn học phí của các trường sư phạm đã không còn sức hút, bởi cái quan trọng đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp là tìm được việc làm, có thu nhập ổn định – điều mà sinh viên sư phạm hiện nay chưa thực hiện được.
Với một nền đầu vào quá thấp, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại, liệu sau 4 năm đào tạo, những sinh viên này có đảm bảo được chất lượng đầu ra để trở thành những thầy cô giáo tương lai? Chất lượng đầu vào giảm sút rõ ràng là việc đáng báo động vì hơn ai hết, đây chính là những tác động trực tiếp vào hệ thống giáo dục trong tương lai. Giáo dục là nền tảng của các ngành khoa học, xã hội, nếu chỉ tuyển được những giáo viên có chất lượng không thật sự tốt, rõ ràng tương lai sẽ không có nền tảng tốt.
Đây quả là một nghịch lý khi đúng ra ngành sư phạm phải tuyển được những thí sinh có chất lượng thật tốt thì bây giờ phải “vơ bèo vạt tép”, miễn sao tuyển cho đủ chỉ tiêu được giao.
Theo Nguyên Minh
Lao Động
Thung lũng của những người làm nghề "gõ đầu trẻ"
Giữa bạt ngàn miền sơn cước, ngôi làng hiện ra trước mắt với những ngôi nhà đơn sơ, đậm chất núi rừng. Làng còn nghèo nhưng tinh thần hiếu học hiếm nơi nào có được. Gần 1/3 số dân của làng đang làm nghề giáo.
Ngược lên huyện miền núi Như Thanh (Thanh Hóa) sau một trận mưa lớn, con đường dẫn về thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận của huyện thật lầy lội và khó đi. Bởi thôn Thanh Sơn nằm sâu trong một thung lũng và được bao quanh bởi những quả đồi cao chót vót. Thôn nổi tiếng với truyền thống hiếu học và số lượng người theo nghề gõ đầu trẻ.
Thôn Thanh Sơn mới được hình thành khoảng vài chục năm nay, bà con đa số là người thuộc huyện Hoằng Hóa, Quảng Xương di cư lên đây lập nghiệp. Trước kia là làng Thanh Bôi, sau này đổi tên thành thôn Thanh Sơn, xã Phú Nhuận. Hiện tại trong thôn đang thờ một ông giáo có tên là Phạm Văn Được, người đã khởi nguồn cho truyền thống hiếu học của bà con nơi đây.
Theo những người dân trong thôn kể lại, thời kháng chiến chống Pháp, ông Phạm Văn Được di cư từ Hải Phòng về đây sinh sống. Ông học rất giỏi và biết nhiều thứ tiếng nên đã mở lớp dạy học cho con em làng Thanh Sơn từ những bài vỡ lòng. Được đi học là niềm mơ ước của biết bao đứa trẻ nghèo vùng quê miền sơn cước này.
Cuộc sống nghèo khó, vất vả nhưng các em học sinh rất chăm chỉ và học giỏi, nhiều em còn học lên cao. Các em luôn nuôi ước mơ được trở thành người "gõ đầu trẻ" như thầy giáo Được nên đi học về là các em về quê dạy học cho con em địa phương. Nghề "gõ đầu trẻ" cũng bắt đầu từ đó.
Chị Lê Thị Quyên, giáo viên mầm non, mong muốn hai con mình sau này theo nghiệp giáo viên.
Hiện nay, thôn Thanh Sơn có 298 hộ gia đình với khoảng 1.100 nhân khẩu, trong đó có đến gần 1/3 số người theo nghề giáo. Nhiều hộ gia đình có cả con dâu và con rể làm nghề giáo viên, thậm chí có những hộ gia đình có từ 3 - 4 thế hệ theo nghề giáo. Trong đó phải tính đến gia đình ông Nguyễn Văn Lắm với 7 người con làm giáo viên, gia đình ông Lê Văn Tậy với 6 người con làm giáo viên, gia đình ông Bùi Xuân Lộc có 3 người con làm giáo viên... Riêng gia đình nhà ông Nguyễn Văn Lắm đã có 2- 3 thế hệ làm nghề giáo. Hiện tại các con ông vẫn đang nối nghiệp "gõ đầu trẻ" của gia đình.
Thầy giáo Trịnh Ngọc Cường, giáo viên dạy tiểu học, tâm sự: "Ngày xưa nơi đây còn đói lắm, cái ăn cái mặc luôn chạy từng bữa, nhưng bố mẹ vẫn cho anh em chúng tôi đến trường. Thương bố mẹ, tôi quyết định thi vào trường sư phạm để sau này được về dạy chữ cho con em nghèo ở quê hương. Và hiện nay, lớp lớp đàn em cũng đang nối tiếp truyền thống này nên tôi rất tự hào".
Năm này qua năm khác, đội ngũ giáo viên của thôn Thanh Sơn ngày một nhiều, dẫn đầu trong toàn xã, huyện. Anh Bùi Xuân Lộc, thôn phó thôn Thanh Sơn chia sẻ: "Làng chúng tôi đến nay vẫn đang còn nghèo lắm, nhiều gia đình còn phải chạy ăn từng bữa. Tuy nhiên, tinh thần hiếu học ở đây lại rất cao. Làng dù đói cái ăn, cái mặc chứ nhật định không để đói cái chữ, để con phải bỏ học giữa chừng đâu".
Làng "gõ đầu trẻ" Thanh Sơn là một trong những làng thuộc diện nghèo của xã Phú Nhuận, bởi điều kiện địa hình hiểm trở, kinh tế khó khăn nên người dân còn phải sống trong cái nghèo, cái khổ. Mặc dù vậy, nói về sự học thì thật khó nơi nào có được tinh thần học như ở đây.
Một năm, thôn Thanh Sơn có khoảng vài chục em học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, trong đó nhiều em đậu với số điểm khá cao. Riêng năm học 2009 - 2010, thôn có 23 em học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng..., 160 em học sinh được khen thưởng cuối cấp, 6 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh. Đặc biệt, năm 2009, làng vinh dự có hai học sinh được dự thi học sinh giỏi cấp quốc gia.
Những đứa trẻ nơi đây luôn có niềm đam mê học chữ.
Chị Lê Thị Quyên, một giáo viên mầm non của làng tâm sự: "Ở đây thà đói ăn chứ không thể để cho con cái bị "đói cái chữ". Từ trước đến nay, trong làng không có một đứa trẻ nào phải bỏ học giữa chừng hay không được đi học vì kinh tế khó khăn cả. Bởi, dân làng sẽ không để yên cho những gia đình không cho con đi học đâu".
Làng "gõ đầu trẻ" còn tự hào về những người làm nghề giáo với những danh hiệu giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Đặc biệt, trong đội ngũ giáo viên ấy có cô giáo Trần Thị Hà, dạy bộ môn Văn của Trường THCS Phú Nhuận, năm nào cô cũng đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh và thường xuyên bồi dưỡng môn Văn cho các em học sinh dự thi học sinh giỏi.
Rời làng "gõ đầu trẻ" nghèo miền sơn cước, chúng tôi thật khâm phục tinh thần hiếu học vượt qua cái đói, cái nghèo của người dân nơi đây. "Cả đời chúng tôi làm ruộng lam lũ nhưng cái nghèo vẫn đeo bám, vì vậy dù nghèo đến mấy chúng tôi cũng phải cho các con được học hành thành người", ông Lê Văn Tậy bày tỏ.
Theo Dân Trí
Quanh chuyện "hạ chuẩn" giáo viên "Các em giờ đều là con 1 hoặc là con út trong gia đình, sinh ra đã được bố mẹ phục vụ đâu phải chăm sóc em út. Vậy hỏi cớ gì lớn lên, các em lại chọn công việc đi... đổ bô", một giáo viên mầm non chia sẻ. Liên tục những năm gần đây, đầu năm học, ngành giáo dục lại...