Zendure Passport III: Ổ điện cho người hay công tác xa, cắm laptop, smartphone đến cả… ấm nước
Liệu Zendure Passport III có phải là củ sạc cuối cùng mà bạn cần mua cho tất cả thiết bị điện tử của mình?
Mỗi khi đi công tác, du lịch thì việc sạc các thiết bị điện tử lại trở thành một vấn đề “đau đầu” với tất cả mọi người. Các nước đều có cổng cắm AC riêng, các thiết bị cũng có yêu cầu về công suất khác nhau nên ta thường phải đem theo nhiều bộ chuyển cùng các củ sạc lớn, tăng trọng lượng va li cũng như cồng kềnh trong lúc sử dụng.
Hãng điện tử Zendure muốn giải quyết vấn đề này với củ sạc Zendure Passport III hiện đang gọi vốn tại trang Kickstarter. Sở dĩ sản phẩm có tên là Passport là vì nó có thể sử dụng được ở bất cứ nơi đâu, đem lại sự tiện dụng cao.
Để có được kích thước nhỏ gọn, Passport III sử dụng công nghệ GaN đang thịnh hành ở những củ sạc cao cấp. Nó có kích thước 78 x 53 x 51mm và trọng lượng chỉ 168g, chiếm ít diện tích trong va li hành lí hoặc thậm chí bạn có thể cho vào túi quần, túi áo.
Điểm đặc biệt của củ sạc là những cổng cắm có thể “thò thụt”, tránh bị gãy gập trong quá trình di chuyển. Sản phẩm có đầu tròn, đầu 3 chấu, sạc dẹt, sạc dẹt dạng chéo để phù hợp với chuẩn của hơn 200 nước khác nhau trên toàn Thế giới. 4 chuẩn mà Passport III không hỗ trợ là Type D, H, O và M.
Về những cổng đầu ra, sản phẩm trang bị 1 cổng USB Type-A, 3 cổng USB Type-C với công suất tối đa 15W để sạc các thiết bị di động; một cổng Type-C công suất cao với chuẩn PD 65W cho laptop và PPS 45W dành cho máy tính bảng, smartphone Samsung và cuối cùng là một cổng AC cho các thiết bị khác như máy chiếu, máy sấy, ấm nước…
Với lượng cổng cắm đa dạng như vậy, Passport III hỗ trợ sạc 6 thiết bị một lúc và cũng không tốn cổng AC mà nó cắm vào. Tất nhiên khi sử dụng với nhiều thiết bị thì công suất sạc sẽ không được tối đa 65W, nên nếu bạn cần nguồn lớn thì sẽ chỉ nên sạc từng thiết bị 1 lúc.
Về vấn đề an toàn, Passport III có cầu chì thông minh tự động ngắt khi xảy ra hiện tượng quá tải điện, quá nhiệt, sẽ tự động trở về trạng thái cũ khi mức điện và nhiệt trở lại bình thường. Ngoài ra cổng AC cũng có tính năng “an toàn cho trẻ em”, phải cắm đúng hướng và cổng cắm thì mới tiếp nhận, tránh việc các bạn nhỏ cho tay hay các đồ vật kim loại vào.
Video đang HOT
Thiết kế bên ngoài của sản phẩm khá “hay ho” với 3 màu sắc dạng gradient là đen, xanh dương và tím. Bên cạnh đó những mặt bên được làm trong suốt để bạn nhìn các linh kiện bên trong, đặc biệt là khi đẩy những đầu cắm của sạc ra ngoài.
Zendure Passport III có giá bán là 39 USD (khoảng 890.000đ) cho những người đặt sớm.
Củ sạc HyperJuice GaN 100W Stackable giá 2.6 triệu: 4 cổng ra, "xếp hình" như LEGO, cắm 15 cái vào nhau vẫn dùng được
Trở ngại duy nhất của sản phẩm này chắc chắn nằm ở mức giá mà thôi, nhưng đồ từ hãng Hyper thì từ trước đến nay đều vậy!
Trên con đường nâng cấp các sản phẩm công nghệ của tôi, sau một thời gian dài theo đuổi cấu hình, sức mạnh xử lý thì đến giờ tôi lại đi tìm sự nhỏ gọn, tiện dụng. Máy ảnh không còn thích DSLR với ống kính rời cồng kềnh mà lại trở về với smartphone và máy ảnh compact ống kính liền. Laptop cũng là điều tương tự khi tôi vừa bán một chiếc máy cấu hình cao, có GPU rời để mua một chiếc máy mỏng nhẹ nhằm "cứu rỗi" chiếc lưng mỗi khi phải mang vác ngoài đường.
Bộ sạc 95W khá cồng kềnh kèm theo chiếc laptop của tôi
Đi kèm với chiếc laptop này là một bộ sạc công suất 95W, với ưu điểm là đã sử dụng cổng USB Type-C nên có thể dùng chung được với smartphone và các thiết bị công nghệ khác, nhưng vẫn còn cồng kềnh và "loằng ngoằng" dây nối. Để tối ưu tính di động, tôi mua dock sạc Baseus 65W áp dụng công nghệ GaN để nhỏ đến mức cầm được trong lòng bàn tay.
Dock sạc Baseus 65W với công nghệ GaN
Sạc này nhỏ gọn thì tiện thật đấy, nhưng có công suất nhỏ hơn so với loại đi theo laptop nên tốc độ sạc bị chậm đi, chứ chưa nói đến việc sử dụng sạc cho các thiết bị khác. Công cuộc đi tìm một sản phẩm thay thế lại tiếp tục, cho đến khi tôi tìm thấy một sản phẩm mới ra mắt từ hãng Hyper là HyperJuice 100W Stackable .
Tại sao tôi lại có ở đây tới 2 sản phẩm? Chỉ một lúc nữa bạn sẽ hiểu được lý do mà thôi. Trong quá trình mở hộp, tôi hơi bất ngờ khi mà bên trong chỉ có mình dock sạc, không có thêm một sợi dây nào khác nên muốn sử dụng ta sẽ phải mua thêm dây sạc USB C - C hoặc USB A - C.
Và đây là sản phẩm của chúng ta, tại trang giới thiệu của hãng thì còn có phiên bản màu trắng nữa nhưng có vẻ tại Việt Nam chỉ có màu đen.
Phần chân cắm sạc chuẩn Mỹ được đặt ở cạnh dưới, có thể gập gọn và kéo ra như thế này.
Mặc dù là một cái dock sạc nhưng ta cũng có khá nhiều điều để nói về thiết kế của chiếc HyperJuice 100W Stackable. Toàn thân sản phẩm được làm bằng nhựa nhưng là loại nhựa sần cho cảm giác cao cấp, cạnh bên thậm chí còn in tên hãng theo kiểu dập chìm nữa! Nếu bạn để ý sẽ thấy có một khe nhỏ ở phần cuối sản phẩm, ở dưới là một vòng đèn LED màu cam sẽ sáng lên mỗi khi sử dụng.
Hệ thống đầu sạc của nó gồm 3 cổng Type-C và một Type-A, với các cổng Type-C có công suất lên tới 100W (Power Delivery 3.0, Quick Charge 3.0, PPS của Samsung) và Type-A thì chỉ 18W mà thôi.
Và đây là tính năng đặc biệt nhất của HyperJuice 100W Stackable: mặt trên sản phẩm có chân cắm 2 chấu nữa, có thể dùng cho các thiết bị điện khác hoặc cắm thêm 1 dock tương tự để mở rộng khả năng sạc. Cổng này có công suất tối đa lên tới 1500W, tức là trên lý thuyết có thể gắn thêm 15 chiếc HyperJuice 100W Stackable lên - nhưng trên thực tế có lẽ không ai làm như vậy cả, 2 chiếc là đã khá nhiều rồi!
Bạn có thể lắp 15 chiếc sạc này vào nhau như chơi xếp hình LEGO mà chúng vẫn hoạt động bình thường.
Vậy sử dụng trên thực tế sản phẩm này có tốt hay không? Đầu tiên, tôi cảm thấy rất ấn tượng về sự nhỏ gọn của nó. Có công suất cao nhất, nhưng HyperJuice 100W Stackable bé hơn rất nhiều so với sạc theo laptop của tôi và cũng chỉ lớn hơn khoảng 30% so với dock 65W từ Baseus.
Về cân nặng, sạc laptop 95W nặng 449g, sạc 65W cùng dây nặng 166g và HyperJuice 100W Stackable cùng dây là 216g. Tôi có thể đem 2 chiếc sạc 100W cùng 2 sợi dây mà vẫn sẽ "nhẹ người" hơn việc phải vác theo chiếc sạc 95W mà hãng laptop tặng kèm, cảm ơn công nghệ GaN!
Kích thước và trọng lượng của sạc Hyper nhỏ gọn đáng kể so với các củ sạc laptop với công suất thấp hơn.
Ta sẽ bàn một chút về công suất sạc! Những bộ sạc dù là từ Baseus hay Hyper đều sẽ phải chia công suất của mình cho các cổng cắm của chúng. Chiếc laptop của tôi mặc dù được đi kèm với sạc 95W nhưng trong sử dụng thường ngày sẽ chỉ sử dụng từ 50 - 65W, nên vẫn sẽ còn dư cho 2 chiếc smartphone 15W (smartphone sạc nhanh hơn thì sẽ chỉ còn 1 chiếc). Các sản phẩm của Apple cũng tương tự, những chiếc MacBook M1 dùng sạc 67W, còn dư cho 1 chiếc iPad và 1 iPhone.
Ngược lại nếu như tôi dùng chiếc laptop cho các tác dụng nặng như chỉnh sửa ảnh hay video thì sẽ không còn dư cho các thiết bị khác nữa. Những chiếc MacBook mới với M1 Max và M1 Pro cũng đã đi kèm với sạc 97W, nên lúc này ta sẽ dừng lại ở việc sạc từng thiết bị một lúc. Nhưng như vậy là cũng đã tốt hơn so với chiếc Baseus 65W mà tôi đang sử dụng rồi.
Cách cắm của 2 loại sạc này cũng có sự khác nhau, khi mà chấu của Baseus chạy dọc theo thân sản phẩm nên khi cắm sẽ "chĩa" ra ngoài như ảnh trên, còn HyperJuice thì sẽ chạy xuôi xuống. Đối với ổ cắm tường như của tôi thì sẽ không gặp vấn đề gì, nhưng với các bộ nối dài với chân nằm ngang thì dock từ HyperJuice có thể sẽ chắn mất 2 - 3 chân lân cận.
Nhưng như đã đề cập ở trên, bộ sạc này có khả năng đặc biệt là "trả lại" 1 chân cắm cho người khác sử dụng. Tôi thấy có nhiều người nói rằng đây là một tính năng mang tính "văn minh, lịch sự", có lẽ là đúng thế thật!
Đối với cách sử dụng của tôi, thì chỉ 1 sản phẩm này là quá đủ rồi. Tôi thường chỉ cắm laptop cùng với một chiếc smartphone (còn là smartphone Samsung với công suất chỉ 15W), cùng lắm là sạc thêm tai nghe không dây 5W nữa. Tính năng lắp ghép của nó sẽ hữu ích hơn với mục đích sử dụng gia đình, với 2 chiếc laptop cùng 4 - 5 máy tính bảng, smartphone.
Với mức giá lên tới 2.690.000đ, HyperJuice 100W Stackable đắt gấp 5 lần bộ sạc 65W từ Baseus, nhưng lại chỉ đắt hơn 100k so với phiên bản cũ của nó (cùng công suất nhưng không "xếp hình" được và chỉ có 3 cổng out).
Mức giá này có lẽ cũng dễ hiểu mà thôi, khi trên thị trường không có sản phẩm nào làm được những gì HyperJuice 100W Stackable có thể làm được: gọn, nhẹ, công suất cao lại có tính năng đặc biệt là ghép lên nhau như LEGO nữa. Nhưng cũng vì giá bán đó, sản phẩm này sẽ dành cho những bạn có "ví sâu" 1 chút, thích sự gọn nhẹ nhất có thể bằng bất cứ giá nào!
Từ 290k đã có 6 mẫu củ sạc nhanh 65W bé xíu dùng ngon cho cả laptop, điện thoại và máy tính bảng Công nghệ giờ hiện đại quá rồi, củ sạc nhanh 65W xịn xò nhưng kích thước bé bằng ⅓ sạc bình thường, giá lại rẻ chỉ từ 290k là mua được. Mở màn là 3 mẫu sạc dưới 500k của Baseus, Xiaomi và Remax. Loại này cũng dùng công nghệ GaN nên giữ được kích thước nhỏ xíu, nguồn sạc ra tới 65W...