Yếu tố quyết định thành công của dạy học phân hóa
GD&TĐ – “Đánh giá cần thường xuyên và liên tục, chính thức và không chính thức. Đây là yếu tố quan trọng bởi vì nó quyết định sự thành công của quá trình dạy học phân hóa và từ đó quyết định các hoạt động dạy học và bài học.
Đánh giá liên tục cũng đảm bảo cho nội dung dạy học phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh”.
Đó là nhấn mạnh của TS Lê Thị Thu Hương (Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Thái Nguyên) khi chia sẻ về một hoạt động quan trọng giúp giáo viên thực hiện dạy học phân hóa thành công.
Tiêu chí đánh giá: Rõ ràng, công khai
TS Lê Thị Thu Hương cho rằng, cần xây dựng tiêu chí đánh giá rõ ràng và công khai các tiêu chí đó cho học sinh. Học sinh cần được biết rõ các em phải đạt được những gì ở mỗi bài học, mỗi nội dung dạy học hay nhiệm vụ dạy học.
Video đang HOT
“Thông thường, các mục tiêu đánh giá của giáo viên có liên kết chặt chẽ với các mục tiêu học tập mà học sinh cần đạt được. Những đánh giá chính xác thường dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng và thái độ quy định của chương trình.
Khi đó các mục tiêu đánh giá của giáo viên thường nhằm mục đích đánh giá mức độ hiểu, nắm vững, vận dụng của học sinh chứ không phải chỉ ở mức độ kiểm tra học sinh học thuộc lòng, học vẹt các kiến thức được học.
Học sinh cũng cần được chỉ rõ những tiêu chí đánh giá của giáo viên bởi lẽ nếu tiêu chí của giáo viên khác thì học sinh có thể nghĩ rằng các em đã làm tốt trong khi giáo viên lại không nghĩ thế.
Giáo viên cũng có thể lập ra một danh sách những học sinh làm việc tập trung và đặt thêm dấu ( ) vào bên cạnh tên của những em đó.
Tương tự như thế, giáo viên cũng có thể lập một danh sách những học sinh ít tập trung vào công việc, thậm chí là ngay cả khi có sự giám sát của giáo viênvà nhắc nhở, thêm dấu (-) vào bên cạnh tên của các em đó.
Càng ngày những đánh dấu đó sẽ càng nhiều lên. Giáo viên nên để cho học sinh được xem phần theo dõi của giáo viên đối với các em trong một tuần hay một tháng.
Điều này có thể giúp các em biết giáo viên đã đánh giá sự tập trung của chúng như thế nào. Đồng thời, nó cũng chỉ ra cho chúng ta những học sinh bị thất bại do nhiệm vụ quá dễ hoặc quá khó, những học sinh cần được sắp xếp chỗ ngồi khác hay những học sinh thực sự chăm chú với công việc.
Đánh giá cần cung cấp cho học sinh cơ hội
TS Lê Thị Thu Hương cũng nhấn mạnh: Những đánh giá cụ thể của giáo viên cần đem đến kết quả chính xác và cung cấp cho học sinh cơ hội để thể hiện đúng những gì mà các em đạt được.
Những gợi ý đó nên bao gồm nhiều phần để đánh giá mỗi mục tiêu dạy học, có các chỉ dẫn rõ ràng và phát triển các tiêu chí của hệ thống đánh giá.
Đồng thời, sự đánh giá của giáo viên cần đem đến cái nhìn sâu sắc, có giá trị tại thời điểm tiến hành đánh giá.
Để làm được điều đó, giáo viên nên tạo ra những đánh giá theo cách riêng của mình bằng cách dành ưu tiên cho một số khía cạnh đánh giá nhất định, sắp xếp các mục từ dễ đến khó để đảm bảo cho học sinh không bị sớm bế tắc dẫn đến nản chí.
Tùy thuộc vào hình thức của đánh giá, việc xếp loại không đơn giản là kiểm tra xem câu trả lời của học sinh là đúng hay sai.
Trong thực tế, phương pháp tốt nhất để xếp loại học sinh là cung cấp những thông tin phản hồi có thể đóng vai trò là công cụ để nâng cao chất lượng dạy học.
“Quá trình đánh giá nên phản ánh những tiêu chí đã được thống nhất cùng học sinh ở bước lập kế hoạch ban đầu.
Đánh giá thường diễn ra liên tục và là một nguồn thông tin thực sự hữu ích mà có thể được thu thập và nhờ đó, có thể rút ra những kinh nghiệm học tập tốt.
Giáo viên cần cân nhắc xem học sinh có cơ hội tự đánh giá mình và đánh giá bạn khác không? Liều lượng của các hình thức đánh giá này thế nào? Đồng thời, xác định thời điểm để giáo viên đánh giá và đưa ra những ý kiến phản hồi về cá nhân cũng như nhóm học sinh” – TS Lê Thị Thu Hương phân tích thêm.
Theo GD&TĐ