Yêu sớm, nữ sinh bị bố bắt mặc áo ‘tôi 10 tuổi’
Theo đó, chiếc áo trừng phạt màu hồng được thiết kế riêng với dòng chữ mặt trước “Tôi 10 tuổi” và đằng sau ghi “Học sinh lớp 5″.
Mới đây, trên tài khoản Facebook có tên Kevin Jones đăng tải một số hình ảnh nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng. Những tấm ảnh được chụp ngày 21/10 nhanh chóng hút hơn 250.000 like (thích) và gần 80.000 chia sẻ. Thậm chí, không ít tờ báo và trang mạng dành cho giới trẻ cũng đưa tin về việc này.
Theo đó, Kevin Jones (đến từ Louisville, Kentucky, Mỹ) đã có màn trừng phạt đích đáng dành cho cô con gái 10 tuổi sau khi phát hiện con nói dối. “Tôi phát hiện ra đứa con gái xinh đẹp của mình nói nó 14, 15, 16 rồi cả 18 tuổi. Không những thế, con còn bí mật lập tài khoản mạng xã hội và có bạn trai trong suốt một thời gian dài. Tất cả điều này đều trái với sự cho phép của tôi” – ông bố bức xúc cho biết trên trang cá nhân.
Sự trừng phạt dành cho cô bé lớp 5 do nói dối tuổi tác, yêu sớm.
Nhận thấy đứa con duy nhất – Janiya có suy nghĩ, hành động người lớn và yêu quá sớm so với lứa tuổi của một học sinh lớp 5, Kevin quyết định bắt con ăn mặc và để tóc trông thật trẻ con khi ra đường trong nhiều ngày. Cụ thể, Janiya phải khoác lên người những thứ màu hồng, tóc được cặp, tết thành các lọn khác nhau bằng nơ. Đặc biệt, chiếc áo phông của cô bé còn được ghi rõ ở mặt trước “Tôi 10 tuổi” và đằng sau là “Học sinh lớp 5″.
Cách dạy con độc đáo này ngay lập tức gây bão cộng đồng mạng và nhận được không ít lời tán dương, khen ngợi. Phần lớn mọi người đều cho rằng, Janiya xứng đáng nhận một bài học nhớ đời.
“Cô bé phải thích nghi nhanh chóng với phong cách màu hồng. Bây giờ bé có thể oán hận nhưng sau này, chắc chắn sẽ cảm ơn bố rất nhiều”; “Kevin, anh là một ông bố tuyệt vời. Tôi cần học tập phương pháp dạy dỗ con của anh”… là những bình luận của dân mạng đối với sự trừng phạt có một không hai của Kevin.
Kevin Jones – ông bố được dân mạng khen ngợi với cách dạy con độc đáo.
Video đang HOT
Theo Zing
Yêu vội, sống cuồng và những hệ lụy
Sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội giúp người trẻ dễ nảy sinh tình cảm. Các giai đoạn tiến đến tình yêu không còn gian nan như thời ông bà, cha mẹ.
Người trẻ yêu vội, sống thử
Thời công nghệ thông tin, tình yêu đến sau những cú nhấp chuột kết nối trực tuyến qua mạng xã hội. Tuấn Hùng, học sinh lớp 8 một trường trung học ở Đống Đa (Hà Nội) đang tám chuyện với nhóm bạn trong quán nước gần trường. Hùng giơ điện thoại khoe ảnh đi chơi với vợ là cô bé lớp bên. Đây là mối tình thứ ba của cậu. Thành Nam ngồi bên cũng không chịu kém cạnh với chiến tích 14 tuổi 4 mảnh tình vắt vai.
Mối tình của Huy (Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu từ một lần cậu đi cứu net. "Thấy ảnh con bé qua mạng webcam xinh thì cứu net. Gặp thấy xinh hơn thì yêu" - Huy bình thản trả lời. Tình yêu càng ngắm càng yêu tồn tại chưa đầy 1 tháng.
Yêu và chia tay chóng vánh đang trở thành xu hướng ở nhiều người trẻ. Cùng với đó, quan niệm "mình bất chấp hết yêu nhau đi" cũng được bạn trẻ lựa chọn.
Ngay tại quán nước, khi vợ xuất hiện, Hùng không ngại ngần thể hiện hàng loạt hành động thân mật. Trong khi cô chủ quán lắc đầu thì nhóm bạn thản nhiên như thể đó là điều quen thuộc đến mức bình thường. Hùng thẳng tưng: "Ôm hôn trong lớp học, quán nước còn hơn là ôm hôn nhau trong nhà nghỉ".
Ảnh minh họa.
Thái quá trong cách thể hiện tình yêu nơi công cộng, bất chấp phản ứng dư luận trở thành hiện tượng trong giới trẻ. Chỉ cần lên mạng tìm kiếm từ khóa yêu công cộng sẽ có hơn 1 triệu kết quả với muôn hình vạn trạng cách thể hiện tình yêu.
Yêu bất chấp trong quan niệm của nhiều bạn trẻ còn là thái độ phản kháng trước sự cấm cản của gia đình. Thành Nam cho biết cách đây không lâu bố mẹ của người yêu gặp bố mẹ Nam nhằm mục đích tách hai đứa ra để tập trung học hành. Nam và người yêu phản đối bằng cách bỏ nhà đi bụi hai ngày, sau đó phải quay về vì hết tiền.
Yêu chóng vánh, yêu bất chấp ở người trẻ thường đi cùng với suy nghĩ yêu tới bến, tức là sẵn sàng đi nhà nghỉ cùng nhau. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ dù không chóng vánh trong chuyện tình cảm nhưng cũng quan niệm yêu không chỉ nắm tay mới là yêu đích thực.
Hoàng Thắng (ĐH Kinh doanh và công nghệ HN) cho rằng yêu nắm tay chỉ tồn tại ở thời phong kiến. Thắng thẳng thắn: "Quan hệ tình dục trước hôn nhân là chuyện bình thường". Thắng cũng thừa nhận mình đã nhiều lần quan hệ cùng bạn gái.
Nhiều bạn trẻ quyết định sống thử chỉ sau một thời gian ngắn yêu nhau. Xóm trọ của chị Phương ở thị trấn Cầu Diễn (Từ Liêm) có hơn 20 phòng trọ. Chị Phương là người không khắt khe nên gần 1/3 số phòng là của những cặp vợ chồng sinh viên.
Thanh Thủy - Nghĩa Hiếu dọn về sống với nhau gần năm nay. Sáng sáng, Thủy dậy sớm đi chợ, giặt giũ. Hiếu chở Thủy đi học. Tối trở về, cả hai cùng nấu nướng. Vân Dung (ĐH Thương Mại) cũng hài lòng với cuộc sống thử của mình. Người yêu của Dung đã đi làm. Ngoài đi học, lo chuyện nhà cửa, Dung không phải bận tâm bất cứ vấn đề gì về kinh tế.
Mặt trái của tình yêu ăn liền
Những cặp vợ chồng tự xưng kiểu con nít đang xuất hiện ngày càng nhiều trong các lớp học. Cô Nguyễn Phương Anh, giáo viên chủ nhiệm cho biết Hùng và Nam đều không chú tâm học hành. Mỗi lần hai cậu bùng học thì nguyên do thực sự là đưa người yêu đi chơi hoặc buồn chán vì cãi nhau, giận dỗi người yêu.
Cuộc tình cứu net của Huy tan trong vòng 1 tháng bởi cậu bị em yêu lừa sạch tài sản trong một lần đi chơi. Có ý định báo công an, Huy mới tá hỏa nhận ra mình không hề biết rõ lai lịch người yêu ngoài 1 vài thông tin trên mạng. Nhưng những thông tin đó cũng không hề thật.
Việc quan hệ của những cặp yêu chóng vánh này diễn ra rất dễ dàng. Họ quen nhau qua mạng, trả ơi bằng cách đi nhà nghỉ với Huy. Còn Hùng cho biết nỗi sợ hãi lớn nhất cậu trải qua là lần đưa vợ đi phá thai ở một phòng khám tư ở Hà Đông.
Nói về những cặp sống thử ở xóm trọ, chị Phương kể khá nhiều chuyện bi hài: "Hạnh phúc lúc đầu thôi. Có đứa bị bố mẹ phát hiện, cắt viện trợ. Không có tiền là hết lãng mạn, mộng mơ, cãi nhau như cơm bữa. Có đứa con gái thì bị thằng con trai lợi dụng, sống thử mà không khác gì ô sin, cơm nước, giặt giũ suốt ngày".
Yêu không chỉ nắm tay trở thành nỗi đau của Phương Mai (ĐH Khoa học Tự nhiên). Cô rơm rớm nước mắt kể khi học năm nhất vì tin tưởng, Mai trao thân cho người đàn ông mình yêu. Khi Mai có thai, gã Sở khanh bỏ đi. Cô cay đắng đi phá thai một mình. Nhiều năm nay, mỗi lần nghe tiếng trẻ con cười, khóc, lòng Mai lại nhói đau. Nhiều đêm cô mất ngủ vì dằn vặt bản thân.
Bích Thảo, hiện là nhân viên truyền thông ở Hà Nội, từng nạo phá thai nhiều lần khi sống thử. Lập gia đình, mãi không có con, đi nội soi, Thảo phát hiện mình bị thủng tử cung. Mỹ Lan, đang công tác tại một ngân hàng Hà Nội cho biết quá khứ sống thử trở thành vật cản trong hạnh phúc hiện tại của cô. Người yêu cũ luôn rêu rao về quãng thời gian gắn bó giữa hai người, còn người chồng hiện tại thì dằn vặt cô về quá khứ đó. Mỹ Lan thốt lên: "Bất hạnh của đời tôi là lựa chọn phải những người đàn ông tầm thường và ích kỉ".
Đằng sau chuyện yêu thoáng
Cô Nguyễn Phương Anh kể khi bắt đầu nhận công tác chủ nhiệm, cô dành sự quan tâm nhiều hơn đến những trường hợp đặc biệt. Cô lặng đi khi Hùng tâm sự luôn cảm thấy cô đơn, bị bỏ rơi. Bố mẹ chia tay và đều có gia đình riêng, Hùng sống với ông bà nội từ nhỏ. Giữa cậu và ông bà luôn xảy ra bất đồng. Cậu nói với cô về nỗi tủi thân khi bố mẹ đưa gia đình riêng đi chơi, đưa ảnh lên Facebook. Những cuộc vui ấy không bao giờ có Hùng. Và yêu là cách để Hùng cảm thấy bớt cô đơn, được quan tâm, chia sẻ.
Còn Nam luôn mang trong lòng mặc cảm tự ti không bằng bạn bằng bè. Thấy bạn bè có người yêu, cậu cho rằng mình cũng phải yêu nếu không sẽ bị coi thường. Cô Phương Anh cho biết: "Tôi cảm thấy những khoảng trống tinh thần rất lớn trong tâm hồn học trò. Tưởng như các em đang sống rất đầy đủ nhưng thực ra các em lại vô cùng thiếu thốn. Thiếu sự yêu thương và giáo dục đúng cách của người lớn".
Phương Mai, cô gái trẻ mang trong lòng nỗi đau của lần yêu không chỉ nắm tay kể cô không hề biết mình mang thai. Dù cơ thể có nhiều thay đổi nhưng Mai ngây thơ cho rằng do học hành căng thẳng nên bị thế.
Thạc sĩ Nguyễn Hương Giang, chuyên gia tư vấn tâm lí tại trường THPT Lê Lợi (Hà Đông) cho biết: "Những tình yêu thời nay phơi bày nhiều vấn đề của xã hội hiện đại. Xã hội công nghệ thông tin bùng nổ nhanh, mạnh nhưng những thiết chế giáo dục, văn hóa đã không được thiết lập tương ứng kịp thời.
Nhiều người trẻ ngộ nhận và không hiểu ý nghĩa đích thực của hai chữ tình yêu. Người trẻ không được trang bị tri thức đầy đủ để yêu một cách an toàn. Tình yêu có khi chỉ như một thứ trang sức bản thân hoặc sự ngụy biện cho lối sống bừa bãi, cẩu thả".
Nữ thạc sĩ cũng chỉ ra tình trạng nạo phá thai tràn lan ở độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam hiện nay bắt nguồn từ chính những tình yêu kiểu này.
Theo Thúy An/ Báo Tiền phong
'Bắt đền' nhà trường vì con học lớp 5 vẫn không biết đọc Bức xúc trước việc con mình đã học đến lớp 5 mà không biết đọc, cũng chẳng biết viết, gia đình chị Nguyễn Thị Vinh (Bắc Giang) dự định "bắt đền" nhà trường. Học 5 năm, không viết được họ tên Sau 15 phút xoay đi, xoay lại nhiều lần cuốn Tiếng Việt lớp 5, Nguyễn Văn Vịnh, thôn Nghĩa An, xã Nghĩa...