Yêu con thái quá, giáo viên cũng sốc
Vì cô giáo đã trừng phạt con mình, phụ huynh không ngần ngại tát thẳng vào mặt cô trước sự sững sờ của bao học sinh.
Sự việc diễn ra tại một trường tiểu học thuộc TP. Nha Trang vừa qua một lần nữa đã báo động tình trạng cưng chiều con một cách mù quáng của cha mẹ, không những cản trở thầy cô trong việc giáo dục trẻ mà còn làm hại cả con mình.
“Con trời”!
Một năm học đã trôi qua nhưng vụ khiếu nại của ông L. – một phụ huynh học sinh (PHHS) Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1, TP.HCM) – vẫn ám ảnh nhiều giáo viên (GV) của trường. Chuyện chỉ đơn giản là em Đ. – HS lớp 1 của trường, con ông L., bị em Kh. cùng lớp cắn vào tay rớm máu. Sau đó, PH em Kh. và nhà trường xin lỗi ông L., đồng thời đã ba lần tổ chức hòa giải đôi bên với sự tham dự của đại diện cha mẹ HS, Phòng GD, luật sư, bác sĩ (để tư vấn chuyên môn), Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em, công an và chính quyền địa phương… nhưng ông L. vẫn một mực yêu cầu nhà trường phải mang em Kh. đi xét nghiệm HIV, kiểm tra tâm thần và tự kỷ!
Video đang HOT
Nhà trường dạy trẻ tự lập thì phụ huynh lại nghĩ là… hành con.
Yêu sách này là trái pháp luật (Luật Phòng chống HIV/AIDS quy định “cơ sở giáo dục không được yêu cầu xét nghiệm HIV”) nên không được đáp ứng. Thay vào đó, ngành GD-ĐT chấp thuận cho ông L. chuyển trường cho con và có thể chuyển đến bất kỳ trường nào; phụ huynh của em Kh. cũng tự nguyện đi xét nghiệm HIV thay con… nhưng ông L. vẫn không chịu. Cuối cùng, ông L. cho con nghỉ học.
Tại một trường THCS ở quận 4, giữa lúc HS đang trong giờ học thì có tiếng lu loa, gào khóc ngoài sân: “ Sao cô ác vậy cô Th.! Con tôi có tội tình gì…”. Người gào khóc là mẹ của em H.- HS lớp 6. Bà cho rằng con mình bị hạ bậc hạnh kiểm (xuống khá) là oan ức. Thực chất, H. chỉ bị hạ bậc hạnh kiểm trong một tháng vì hay gây mất trật tự trong giờ học, nhưng cô giáo và nhà trường giải thích thế nào bà cũng không nghe, cứ một mực cho là con mình tốt, con mình ngoan và chắc chắn “con tôi vô tội”. Khi H. lên lớp 7, tình hình vẫn tái diễn nhưng vào trường “bảo vệ con” là ông bố.
Tìm hiểu, nhà trường mới biết: do hai bên nội, ngoại chỉ có mỗi mình H. là cháu nên em được cưng chiều quá mức. H. lại có “tật” hễ bị thầy cô mắng vốn là tìm đủ mọi cách để “tố” thầy cô. Nhiều lần gặp nhau nhưng nhà trường và gia đình không thể thống nhất được cách thức giáo dục. Dần dà, các thầy cô giáo không còn dám “động” vào H. nữa và H. ngày càng hư.
Cách đây chưa lâu, tại Trường Mầm non Hoa Lư (Q.1), có PH chở cháu đến mắng vốn rằng cô giáo và nhà trường làm cháu họ bị… mắc xương. Trong khi hôm đó, các cháu ăn canh thịt bò và chả cá! Cô giáo và nhà trường giải thích thế nào PH cũng không nghe, nên phải cùng PH cho trẻ đi bác sĩ khám. Kết quả là cháu bị viêm họng!
Thương hay hại?
Một GV cho biết, nhiều PH vì bênh con mà sẵn sàng nhục mạ nặng nề GV trước mặt con trẻ. Nhiều gia đình không những không hợp tác với nhà trường để giáo dục trẻ mà ngược lại, còn là “chỗ dựa vững chắc” để các em xem thường thầy cô của mình. Thầy Nguyễn Ngọc Long – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình (Q.1) tâm sự: “Sau những sự việc như vậy, chúng tôi như con chim bị trúng tên, bây giờ thấy cây cung là sợ! Sự việc cũng khiến nhiều GV nản lòng, dè dặt và mất định hướng trong giáo dục HS”.
Về “vấn nạn” PH, cô Nguyễn Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4) bổ sung: “Năm học này chúng tôi thực hiện đổi mới bữa ăn bằng việc tổ chức những bữa ăn buffet để giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho HS, nhưng nhiều PH lại không đồng tình khi thấy con mình không được phục vụ. Có người còn cho là nhà trường đày đọa con họ. Những “cản ngại” này, dù nhỏ, nhưng cũng làm giảm nhiệt tình của các thầy cô giáo”.
Cô Lê Kim Vân – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lư (Q.1), phân tích: “Tự phục vụ là kỹ năng, là vốn sống của trẻ. Nếu không biết tự phục vụ mình thì đừng bao giờ nói đến phục vụ người khác, thế nhưng, PH lại vẫn thích con mình được các cô phục vụ. Con được phục vụ càng chu đáo, họ càng vui. Thật ra, điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến đứa trẻ, tạo cho trẻ thói quen lười biếng, không nền nếp, ích kỷ, ỷ lại…”.
Nhiều chuyên gia giáo dục so sánh, nếu như ở Singapore, khi đi học, trẻ mầm non tự bước xuống xe, tự đóng cửa, khoác ba lô, chào bố mẹ và tự đi vào trường thì ở Việt Nam nhiều trẻ còn được cha ẵm, mẹ xách ba lô. Khi nhận trẻ, nếu cô giáo không bế trẻ vào tận lớp thì PH không vui. Những chuyện nhỏ như cháu bị kiến cắn, PH cũng méc hiệu trưởng, hoặc vào tận lớp mắng mỏ cô giáo. Lúc đón con, thay vì hỏi con những điều hay ho thì PH lại chỉ quan tâm đến những chuyện tiêu cực như: cô có đánh con không? Có bạn nào bị cô đánh không?
Đáng nói là xu hướng “thương con thái quá” đang ngày càng trở nên phổ biến, cô Kim Vân nói. Dù không muốn, nhưng với những đứa trẻ được cưng chiều theo kiểu “con trời” GV thường rất ngại “động” vào, việc giáo dục các em vì thế không thể hiệu quả được và chính các em là người hứng chịu hậu quả.
Cô Trần Thị Minh Thi – Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Hội A (Q.4, TP.HCM) cho rằng, trẻ luôn cần tình thương yêu của cha mẹ, nhưng phải thương yêu đúng cách mới giúp trẻ có nhận thức đúng và có đạo đức tốt. Nếu cha mẹ thương yêu mù quáng, trẻ sẽ dần biến thành những cậu ấm, cô chiêu; trở nên ích kỷ, luôn đòi hỏi mọi người phải chiều chuộng mình mà không bao giờ biết sống vì người khác.
Theo VTC