Yêu cầu xử nghiêm cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Phòng Giáo dục huyện An Dương, TP Hải Phòng cho biết sẽ kỷ luật trước toàn trường, chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương, người bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng.
Trường tiểu học An Đồng – nơi học sinh lớp 3A5 bị giáo viên chủ nhiệm phạt uống nước vắt từ giẻ lau bảng – Ảnh: TIẾN THẮNG
Trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương – chủ nhiệm lớp 3A5 Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, TP Hải Phòng bị phản ánh đã có hình thức phạt một học sinh nói chuyện riêng trong lớp bằng hình thức bắt phải uống nước vắt ra từ giẻ lau bảng.
Ngày 5-4, ông Đặng Tăng Thông – trưởng Phòng giáo dục & đào tạo huyện An Dương, cho biết liên quan đến việc giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương (Trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương) phạt học sinh nói chuyện trong lớp bằng hình thức vắt nước giẻ lau bảng để học sinh uống, phòng giáo dục đã được trường báo cáo vụ việc và có hình thức xử lý kỷ luật giáo viên.
Theo đó, giáo viên Hương sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động và cảnh cáo trước toàn trường.
Ông Phạm Khắc Thảo (60 tuổi, trú tại thôn Cái Tắt, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng), cho biết cháu gái ông là Ph.Ph.A, học sinh lớp 3A5, do cô Nguyễn Thị Minh Hương làm chủ nhiệm.
“Mấy tuần trước, cháu bị cô giáo phạt bắt uống nước vắt từ giẻ lau bảng do nói chuyện trong lớp. Về nhà, cháu sợ hãi không dám kể với gia đình. Chỉ đến chiều 3-4 có một bạn học của cháu kể chuyện này cho vợ tôi thì gia đình mới biết và phản ảnh lại với nhà trường” – ông Thảo cho hay.
Bà Trần Thị Ngọc Bảo – hiệu trưởng Trường tiểu học An Đồng, cho biết chiều 3-4, sau khi nhận được thông tin về việc này, tôi đã gọi ngay cho cô Minh Hương, yêu cầu cô cùng chi hội lớp đến gia đình xin lỗi ông bà và cháu Ph.A. (cháu Ph.A. ở với ông bà nội, bố mẹ đi làm ăn xa).
Video đang HOT
Ngày 4-4, ban giám hiệu nhà trường đã họp, quyết định tạm dừng việc đứng lớp của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, chuyển giao lớp cho người khác đứng lớp. Được biết, cô Hương là giáo viên mới ra trường, mới về hợp đồng làm giáo viên tại Trường Tiểu học An Đồng.
Về vụ việc này, sáng 5-4, Bộ Giáo dục và đào tạo cũng đã có văn bản gửi Sở giáo dục và đào tạo Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm hành vi vi phạm nghiêm trọng này.
TIẾN THẮNG
Theo tuoitre.vn
Xung quanh việc giáo viên hợp đồng dôi dư ở Đắk Lắk: Cần thiết điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục
Trước sự việc UBND huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế đối với hơn 500 giáo viên đang gây xôn xao dư luận thời gian qua, mới đây Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD gửi Văn phòng Chính phủ và Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, báo cáo sự việc cũng như đề xuất những hướng giải quyết mang tính bền vững.
Các giáo viên được huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) ký hợp đồng vẫn lo lắng về tương lai công việc của mình
Kịp thời bảo vệ quyền lợi nhà giáo
Văn bản số 1215 /BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin qua báo chí, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng của Bộ trực tiếp trao đổi với Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk để nắm tình hình; đồng thời chỉ đạo Sở có ý kiến với các cơ quan hữu quan trên địa bàn khẩn trương vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan, có phương án bảo vệ quyền lợi chính đáng cho giáo viên, đặc biệt quan tâm tới những trường hợp khó khăn, gia đình chính sách (nếu có).
Ngày 10/3/2018, Công đoàn Giáo dục Việt Nam có Công văn số 57/CĐN gửi Liên đoàn Lao động, sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục tỉnh Đắk Lắk, đề nghị các đơn vị liên quan sớm tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương kịp thời có giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi và chế độ, chính sách cho các thầy cô giáo.
Ngày 15/3/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có báo cáo về việc này. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk, các đơn vị liên quan phối hợp giải quyết vụ việc với tinh thần đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn huyện Krông Pắk nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung.
Trước mắt, UBND tỉnh Đắk Lắk đã yêu cầu UBND huyện Krông Pắc tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017. Đồng thời, yêu cầu huyện Krông Pắk rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động; báo cáo, đề xuất cụ thể với UBND tỉnh giải quyết căn cơ các vấn đề, trong đó, nghiên cứu việc xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng.
Bộ GD&ĐT cũng cho biết, Bộ đang tiếp tục nắm bắt diễn biến tình hình vụ việc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Bất cập trong quản lý Nhà nước về giáo dục ở cơ sở
Theo Bộ GD&ĐT, để xảy ra vụ việc nêu trên tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk là do một số nguyên nhân chính như sau:
Công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên của địa phương chưa kịp thời, không hiệu quả dẫn đến bị động trong bố trí số lượng giáo viên, đặc biệt đối với bậc học mầm non, tiểu học và THCS;
Huyện Krông Pắk đã thực hiện việc tuyển dụng giáo viên không đúng các quy định hiện hành (hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế được giao). Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp và liên quan như ngành Nội vụ, ngành Giáo dục và UBND tỉnh chưa kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên của huyện dẫn đến sai phạm diễn ra trong một thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng;
Việc phân công đầu mối phụ trách công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của địa phương còn nhiều bất cập. Cũng như hầu hết các tỉnh/thành phố khác, việc ngành Giáo dục (đặc biệt là Phòng GD&ĐT) không được giao nhiệm vụ chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND huyện tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Đã đến lúc sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP
Từ vụ việc xảy ra tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk cũng như tại một số địa phương khác trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên của các địa phương.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Văn phòng Chính phủ tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét một số vấn đề trọng tâm, trong đó tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên của các địa phương; xử lý nghiêm các địa phương tuyển dụng, sử dụng giáo viên không đúng quy định hiện hành của pháp luật.
Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 115/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, trong đó điều chỉnh việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục: Giao Sở GD&ĐT/Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn chủ trì, đầu mối tham mưu giúp UBND tỉnh/huyện trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên các cấp để đảm bảo việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ giáo viên hợp lý theo đúng quy định và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ giáo dục tại các địa phương.
Trong Văn bản số 1216/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tăng cường giám sát công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức trên toàn quốc, đồng thời có ý kiến với Bộ Nội vụ (cơ quan được Chính phủ giao đầu mối quản lý, chỉ đạo công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức) phối hợp, chỉ đạo UBND tỉnh Đắk Lắk xử lí dứt điểm vụ việc này cũng như có sự kiểm tra và xử lí kịp thời đối với các địa phương, đảm bảo cho đội ngũ nhà giáo yên tâm công tác.
K.S
Theo giaoducthoidai.vn
Hơn 500 giáo viên hợp đồng thừa ở Đắk Lắk:Ai chịu trách nhiệm? Việc hơn 500 giáo viên được lãnh đạo huyện ký hợp đồng dư thừa qua các đời chủ tịch huyện xảy ra tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) rộ lên những ngày qua. Sau nhiều năm cố nén đợi để được vào biên chế như lời hứa hẹn của lãnh đạo huyện thì họ lại nhận được "gáo nước lạnh" là sẽ bị...