Yêu cầu xin lỗi công khai 2 HS bị thành trẻ thiểu năng
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GĐ&ĐT huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khẳng định việc làm của trường tiểu học Phú Phong (biến 2 học sinh thành thiểu năng) là hoàn toàn sai. Hồ sơ “ học sinh thiểu năng” cho 2 em đã xóa nhưng sẽ yêu cầu trường tổ chức xin lỗi công khai 2 em.
Biên bản khám cho học sinh khuyết tật có chữ kí của GVCN, cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Phong và trạm trưởng trạm y tế Phú Phong.
Như VietNamNet đưa tin, em Nguyễn Trọng Đức (lớp 4) và em Nguyễn Thị Hạnh (lớp 2) là học sinh Trường Tiểu học Phú Phong, là con của vợ chồng anh Nguyễn Trọng Thảo, và chị Đoàn Thị Cầm, trú tại xóm 3, xã Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Trong quá trình theo học tại trường, Đức và Hạnh học chậm tiến, bị nhà trường cho vào danh sách trẻ thiểu năng trí tuệ, khiến cho em Đức và Hạnh không biết chữ vẫn được lên lớp.
Nhận thông tin, gia đình hai em đã gửi đơn cầu cứu đến chính quyền huyện Hương Khê và yêu cầu nhà trường phải chịu trách nhiệm về việc 4 năm qua em Đức không biết chữ vẫn cho lên lớp và bị liệt vào danh sách trẻ thiểu năng trí tuệ.
Sau khi VietNamNet phản ánh và gia đình có đơn, ngày 5/11/2015 UBND huyện Hương Khê đã ra văn bản giao phòng y tế phối hợp với phòng GDĐT tiến hành kiểm tra, xác minh….
Hai anh em Đức và Hạnh giúp bố mẹ làm việc nhà
Đầu tháng 12/2015, Phòng y tế đã có báo cáo kết quả, thừa nhận sai sót của nhà trường trong quy trình đưa học sinh vào danh sách trẻ khuyết tật, tổ chức kiểm điểm nhà trường, yêu cầu nhà trường kèm cặp việc học cho các em.
Tuy nhiên, kết quả không khẳng định hai em có phải là trẻ thiểu năng hay không, mà chỉ xét việc làm sai quy trình của Trường tiểu học Phú Phong.
Lý giải về điều này, ông Phan Văn Thuận, trưởng phòng y tế cho rằng: “Về hướng xử lý trách nhiệm thì chỉ kiểm điểm nhà trường, còn muốn truy cứu trách nhiệm của Trường tiểu học Phú Phong về việc cho 2 em vào danh sách trẻ thiểu năng trí tuệ thì gia đình phải có lá đơn yêu cầu giám định mức độ khuyết tật cho 2 em. Từ đó mới khẳng định hai em có phải là trẻ bình thường hay không?”
Cô Võ Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Phong cho biết: “Nhà trường đã làm báo cáo, kiểm điểm gửi đến phòng giáo dục, và đã xóa bỏ hồ sơ khuyết tật cho 2 em, sẽ tổ chức kèm cặp và báo cáo lên phòng hàng tháng”.
Sẽ phải xin lỗi công khai
Video đang HOT
Ngôi trường hai em đang theo học
Gia đình 2 em không hài lòng về cách xử lý, kết luận của phòng y tế và phòng giáo dục. Anh Nguyễn Trọng Hòa (chú ruột) lại một lần nữa gửi đơn lên chính quyền, và đồng ý giám định mức độ khuyết tật cho em Đức và Hạnh để truy cứu trách nhiệm của nhà trường trong việc hai đứa cháu đang bình thường, bỗng thành “thiểu năng”.
“Việc đưa cháu tôi vào danh sách trẻ thiểu năng trí tuệ không chỉ dừng lại ở việc nhà trường làm sai quy trình, mà còn ở trách nhiệm của giáo viên…” – anh Hòa nói.
Ông Trần Đình Hùng, Trưởng phòng GĐ-ĐT huyện Hương Khê cho biết, việc làm của Trường Tiểu học Phú Phong là hoàn toàn sai. Sau khi kiểm tra thông tin VietNamNet nêu, đã yêu cầu xóa hồ sơ “học sinh thiểu năng” cho 2 em. Việc xử lí kỉ luật sẽ tiến hành khi có kết luận chính thức và có ý kiến chỉ đạo từ UBND huyện.
“Nhà trường đã đến xin lỗi gia đình nhưng chúng tôi sẽ yêu cầu trường tổ chức xin lỗi công khai 2 em học sinh này và gia đình em trước toàn thể nhà trường. Như là 1 việc làm minh oan cho 2 em và người thân”, ông Hùng khẳng định.
Ông Hoàng Công Lý, PCT UBND huyện cũng cho biết, sau khi có kết luận cuối cùng sẽ yêu cầu nhà trường xin lỗi công khai và tổ chức kiểm điểm, xử lý kỷ luật theo mức độ sai phạm
Theo m.vietnamnet.vn
Hai học sinh bỗng dưng bị biến thành thiểu năng trí tuệ
Vì học chậm, hai anh em Đức và Hạnh bị nhà trường xếp vào nhóm "thiểu năng trí tuệ" sau buổi khám qua loa của trạm y tế xã.
Gia cảnh khốn khó
Nguyễn Trọng Đức (học lớp 4) và Nguyễn Thị Hạnh (học lớp 2) là con của anh Nguyễn Trọng Thảo (sinh năm 1982) và chị Đoàn Thị Cầm (sinh năm 1982) trú ở xóm 3, xã Phú Phong (Hương Khê, Hà Tĩnh).
Căn nhà tranh nằm sát đường mòn Hồ Chí Minh của gia đình không có tài sản gì đáng kể. Thời tiết đầu đông lạnh giá nhưng trên chiếc giường 2 anh em chỉ có gối chứ không có chăn.
Bố mù chữ, mẹ cũng mắc chứng cận thị bẩm sinh, loạn thị nặng nên việc học chữ của em em trông vào nhà trường.
Mấy năm học ở Trường Tiểu học Phú Phong, Đức và Hạnh học hành chậm tiến. Mặc dù đã là học sinh lớp 4 nhưng Đức chỉ viết được vài chữ, đọc còn phải đánh vần. Em Hạnh là học sinh lớp 2 nhưng không đọc được, em phải nhìn theo sách mới viết được....
Cô Hiệu trưởng Võ Thị Thanh Hương cho rằng: "Muốn giảm bớt sức nặng trong chương trình học cho 2 em nên mới đưa hai em vào danh sách trẻ khuyết tật". Ảnh: VietNamNet.
Cô Võ Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Giáo viên chủ nhiệm bày vẽ cho hai em, nhưng bày trước quên sau, các em không nhớ được các mặt chữ. Khi các cô chủ nhiệm trao đổi với tôi về vấn đề không nhớ mặt chữ của 2 em, tôi là hiệu trưởng đã dành ra 2 buổi để xem các em có tiến bộ được tí nào không. Nhưng các em không hề biết một chữ gì cả".
"Sau gần một kì học bày dạy không tiến bộ, tôi mới nghĩ lập hồ sơ khuyết tật cho các em. Mục đích lập vào trẻ khuyết tật là vì thương các em, muốn các em không chịu áp lực trước việc học" - Cô Hương nói.
Nhà trường đã mời chị Cầm - mẹ 2 em - lên làm việc, hướng dẫn ký làm đơn xin xác nhận trẻ tàn tật.
Chị Nguyễn Thị Hiền, cán bộ văn hóa xã cho biết: "Cách đây tầm 2 tháng, thấy chị Cầm mang đơn lên xã xin xác nhận trẻ tàn tật theo đề nghị của nhà trường, tôi có hỏi thì chị ấy nói nhà trường bảo làm đơn để giảm một phần tiền ăn cho các cháu. Tôi nói việc xác nhận hộ cận nghèo thì sẵn sàng, còn ký xác nhận trẻ tàn tật thì tôi không làm được bởi không có hồ sơ bệnh án".
Nhà trường cho rằng việc lá đơn xin vào hưởng quyền lợi của trẻ khuyết tật là do chị Cầm đọc cho cô giáo viết. Nhưng chị Cầm khẳng định: "Lá đơn đó nhà trường làm rồi nói tôi ký vào, tôi có biết gì đâu, cũng không có thời gian đâu mà đi làm đơn".
Biên bản khám sức khỏe cho học sinh khuyết tật có đủ chữ ký cán bộ y tế, hiệu trưởng, giáo viên, khẳng định 2 anh em Đức Hạnh là trẻ thiểu năng. Ảnh: VietNamNet.
Phán quyết 2 học sinh là trẻ thiểu năng dựa vào bảng chữ cái
Theo tìm hiểu của chúng tôi, biên bản khám học sinh khuyết tật có sự phối hợp giữa trường tiểu học và trạm y tế xã, được lập ra vào ngày 13/10/2015.
Người trực tiếp khám cho hai học sinh Đức và Hạnh là ông Nguyễn Kim Cát - Trạm trưởng trạm y tế xã Phú Phong, chị Nguyễn Thị Huyền là nhân viên y tế của trường, có sự chứng kiến của hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm.
Ông Nguyễn Kim Cát cho biết: "Lúc khám cho 2 cháu, tôi chỉ dựa vào bảng chữ cái, kiểm tra xem hai cháu có biết đọc và nhớ được chữ cái không. Nhưng không nhớ được nên tôi kết luận như vậy".
Cũng theo ông Cát, lúc khám ngoài bảng chữ cái ra, không có một phương pháp hay thiết bị nào để hỗ trợ và nhận biết trẻ thiểu năng trí tuệ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Phú, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa thành phố Hà Tĩnh cho biết: "Việc khám cho trẻ khuyết tật cần phải có bác sĩ chuyên khoa. Còn nếu chỉ dựa vào bảng chữ cái để kết luận là trẻ thiểu năng, chắc chắn là hành động theo cảm tính và thiếu khách quan".
Đồng quan điểm, bà Hà Thị Hiền (Phó phòng GD&ĐT huyện Hương Khê) cũng cho rằng, chỉ dựa vào việc học kém không thể khẳng định là trẻ khuyết tật. Phải có trung tâm giám định, đơn giản như thấy một em khuyết tật vận động đó nhưng nếu không có người giám định mình cũng không thể kết luận được. Thế nhưng nhà trường đã lập hồ sơ khuyết tật cho em Đức vào năm học lớp 2.
Còn theo ông Cát, thôn trưởng, cán bộ xã và gia đình hai cháu thì đơn xin xác nhận trẻ khuyết tật mới chỉ gửi đến đầu năm học 2015 - 2016.
Như vậy, trước đó nhà trường đã tự ý lập em Đức vào học sinh khuyết tật mà không thông qua gia đình và chính quyền dẫn đến việc Đức không biết đọc vẫn cho lên lớp 4?
Ông Nguyễn Kim Cát, Trạm trưởng trạm y tế: "Tôi chỉ dùng bảng chữ cái để kết luận là trẻ khuyết tật". Ảnh: VietNamNet.
"Con tôi không phải trẻ thiểu năng trí tuệ"
Nhà trường cho rằng Đức và Hạnh là trẻ khuyết tật, tuy nhiên, gia đình, hàng xóm lại khẳng định hai em không phải trẻ thiểu năng trí tuệ.
Trên khuôn mặt hiện lên nỗi khắc khổ, anh Nguyễn Trọng Thảo rầu rĩ: "Tôi buồn lắm khi nghe tin nhà trường nói con tôi là trẻ thiểu năng. Vì mọi việc vặt ở nhà hai đứa đều bảo ban nhau làm, không cần bố mẹ nhắc nhở. Chúng cũng rất ngoan ngoãn và nghe lời".
Trưởng thôn 3, ông Nguyễn Kim Thực tỏ ra bất bình: "Không có chuyện chúng là trẻ thiểu năng trí tuệ. Việc cho hai cháu vào danh sách trẻ thiểu năng là do nhà trường vì thành tích. Vì học sinh học kém mà vẫn được lên lớp, sợ bị kiểm điểm nên mới làm thế với hai em?".
Phó phòng GD&ĐT huyện Hương Khê Hà Thị Hiền khẳng định: "Phòng giáo dục đã quản triệt rất kỹ, phân tích ở chỗ một em không bị khuyết tật mà cho vào trẻ khuyết tật thì ảnh hưởng đến tương lai của học sinh. Không hiểu sao trường tiểu học lại để xảy ra trường hợp này. Đó không phải vì tình thương mà là làm hại các em. Trách nhiệm, lương tâm người dạy học không cho phép việc kê học sinh yếu vào danh sách trẻ khuyết tật" .
Sau nhiều giờ làm việc với phóng viên, cán bộ y tế xã, và lãnh đạo nhà trường đã thừa nhận hành vi sai, nhận trách nhiệm và có lời xin lỗi đến gia đình.
Ông Nguyễn Kim Cát, Trạm trưởng trạm y tế xã nói: "Giờ tôi biết sai rồi, tôi sai khi dùng bảng chữ cái để kết luận là trẻ thiểu năng. Do tôi chưa nắm được kiến thức chuyên môn, nhà trường bảo tôi khám thì tôi khám cho 2 học sinh đó thôi. Tôi sẽ sửa sai bằng cách đề nghị nhà trường hủy hồ sơ và khám lại".
Ông Hùng, Chủ tịch xã Phú Phong cho biết sẽ tiến hành xem xét lại sự việc, về trách nhiệm của trường và y tế xã để có kết luận chính xác nhất.
Được biết, Ban giám hiệu Trường tiểu học Phú Phong, cùng cô giáo chủ nhiệm của Đức và Hạnh đã đến tận gia đình để nói lời xin lỗi và xin gia đình rút đơn.
Cô Hiệu trưởng Thanh Hương phân trần: "Tôi chỉ có chuyên môn nghề giáo, không nắm được khái niệm trẻ khuyết tật nên dẫn đến sai sót, chứ tôi không vì thành tích mà làm thế với hai em. Tôi sẽ báo cáo lên xã, từ đó xã sẽ có các bước tiếp theo. Còn các em, từ giờ tôi sẽ làm hết sức mình, kèm cặp hết khả năng để các em tiến bộ hơn".
Anh Nguyễn Trọng Hòa, chú của 2 em Đức và Hạnh bức xúc: "Tôi muốn cháu tôi được học chữ, còn hơn lên lớp 4 mà sau này thành người mù chữ".
Theo Thiện Lương - Đậu Tình - Văn Đức/VietNamNet
Nỗi thống khổ của gia đình... trời đày Sinh được 2 đứa con trai thì một đứa bị down, một đứa bị thiểu năng trí tuệ. Bản thân chị bị thoái hóa cột sống, thận yếu, suy tim, nhưng đau đớn hơn cả là người chồng của chị đã mãi ra đi trong một vụ tai nạn ngã giàn giáo cách đây gần 2 tháng. Thế nên người ta gọi hoàn...