Yêu cầu tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở tiểu học
Sở GD-ĐT TP.HCM một lần nữa yêu cầu tuyệt đối không được dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học. Giáo viên không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp. Giáo viên nào ép học sinh học thêm sẽ bị xử lý nghiêm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM vừa kí văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian qua, Sở GD-ĐT TP.HCM đã đi nắm tình hình thực tế tại một số trường tiểu học trên địa bàn về hoạt động dạy học và giáo dục, trong đó có hoạt động dạy thêm, học thêm, đồng thời ghi nhận một số phản ánh từ giáo viên, phụ huynh.
TP.HCM cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học
Qua đó, Sở Giáo dục yêu cầu Trưởng các Phòng GD-ĐT tiếp tục phổ biến, quán triệt các văn bản có liên quan về dạy thêm, học thêm cho toàn thể cán bộ, giáo viên trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT, các quy định của UBND thành phố và các quy định khác có liên quan của pháp luật.
Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp như bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Video đang HOT
Giám sát chặt chẽ việc chấp hành quy định về dạy thêm, học thêm. Xử lý nghiêm các trường hợp giáo viên ép học sinh học thêm dưới bất cứ hình thức nào.
Sở cũng yêu cầu nâng cao chất lượng học tập của học sinh, đặc biệt là học sinh gặp khó khăn trong học tập. Cụ thể hiệu trưởng các cơ sở giáo dục tăng cường kiểm tra công tác chuyên môn của giáo viên bằng nhiều hình thức: dự giờ, dự các buổi sinh hoạt chuyên môn, kiểm tra kế hoạch bài học, nhật kí dạy học, hồ sơ đánh giá học sinh,… để hỗ trợ giáo viên nâng cao năng lực chuyên môn, tiến tới nâng cao chất lượng học tập của học sinh.
Không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh lên lớp
Đối với giáo viên phải tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát huy phẩm chất và năng lực học sinh, đặc biệt chú trọng dạy học phân hoá đối tượng.
Chú trọng xây dựng kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài học cụ thể, phù hợp với từng đối tượng học sinh, đặc biệt quan tâm tới đối tượng học sinh gặp khó khăn trong học tập.
Xây dựng kế hoạch phụ đạo cho học sinh gặp khó khăn trong học tập, giúp các em tiến bộ.
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức rà soát, kiểm tra chất lượng học sinh, tuyệt đối không chạy theo thành tích, đảm bảo chất lượng học sinh khi lên lớp.
Giáo viên phải làm tốt công tác phối hợp với phụ huynh bằng nhiều hình thức. Thông qua cuộc họp cha mẹ học sinh, cần giải thích, hướng dẫn để phụ huynh hiểu những thuận lợi, khó khăn của giáo viên và học sinh trong quá trình dạy và học, tạo niềm tin và tâm lý sẵn sàng hỗ trợ con em ở nhà cho phụ huynh. Tạo điều kiện cho phụ huynh gặp gỡ giáo viên sau các buổi học nếu phụ huynh có nhu cầu.
Với những học sinh tiếp thu bài chưa như mong muốn, giáo viên cần chủ động mời phụ huynh đến để trao đổi, tư vấn, hướng dẫn, bàn biện pháp phối hợp với phụ huynh để giúp các em tiến bộ.
Học sinh tiểu học đi học thêm: Cấm chứ không thể 'lùng sục' để quản lý
Chia sẻ về vấn đề giáo viên (GV) tổ chức lớp dạy thêm bên ngoài trường, quản lý nhiều trường cho biết đầu năm đều cho GV làm bản cam kết không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài trường.
Học sinh lớp 2 Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12, TP.HCM) học thêm với giáo viên của mình tại một ngôi nhà gần trường - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Nhưng số lượng GV đông nên không thể theo sát quản lý từng người.
Trước thông tin của phóng viên Báo Thanh Niên về trường hợp một số GV trong trường đang mở lớp dạy thêm với chính học sinh (HS) mình chủ nhiệm, bà Nguyễn Hoàng Yến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Bình (Q.12, TP.HCM), cho biết trường sẽ xác minh lại và "sai phạm đến đâu xử lý đến đó".
"Về quản lý mình chỉ làm được đến vậy, không lẽ ban giám hiệu trường phải đi kiểm tra, lùng sục khắp nơi để quản lý về vấn đề này được. Trường có cả 100 GV, nên việc đi kiểm tra ngoài giờ thì thật sự chúng tôi không thể làm được. Khi có phản ánh của phụ huynh, trường sẽ xác minh lại. Nếu đúng, ngoài việc buộc phải chấm dứt việc dạy thêm HS lớp mình thì GV phải chịu mức phạt theo quy định tùy theo mức độ vi phạm", hiệu trưởng này nói thêm.
Tương tự, bà Hồ Thị Ngọc Hoa, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Du (Q.12), cũng cho biết trường cấm dạy thêm, học thêm. Đầu năm GV của trường cũng phải làm cam kết không được tổ chức mở lớp dạy thêm với chính HS của mình trong hay ngoài trường, nếu GV vi phạm, trường sẽ xử lý theo quy định.
Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho biết về vấn đề dạy thêm, học thêm ở trường tiểu học năm nào quận cũng có văn bản quán triệt, phòng GD-ĐT cũng họp và đề nghị GV thực hiện đúng theo Thông tư 17 về việc cấm dạy thêm, học thêm đối với HS bậc tiểu học.
Về việc xử lý, theo ông Hùng tùy mức độ, nếu GV vi phạm lần đầu thì có thể bị nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình còn nếu vi phạm nhiều lần hoặc cố tình ép HS đi học thì có thể bị xử lý kỷ luật.
Còn lãnh đạo một phòng GD-ĐT ở TP.HCM cho rằng việc quản lý vấn đề dạy thêm, học thêm không thể "đổ" hết lên đầu hiệu trưởng, quản lý của các trường vì trách nhiệm, quyền hạn của họ không cho phép họ tới từng nhà GV để kiểm tra vấn đề này.
Giáo viên dạy thêm kiến thức văn hóa là sai quy định
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, khẳng định việc GV tổ chức và tham gia dạy thêm kiến thức văn hóa theo chương trình đối với bậc tiểu học là sai quy định. Đặc biệt những GV bằng mọi cách o ép HS phải đi học thêm để lấy tiền là đáng trách, phải bị kỷ luật.
Tuy nhiên, trong thực tế, ông Hiếu nói thêm, ở một số quận huyện tập trung phụ huynh là người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, không có điều kiện đưa đón con em theo giờ quy định của trường thì tùy vào nhu cầu của phụ huynh có thể đề xuất hoặc phối hợp với GV để quản lý và chăm sóc HS. Nhưng những trường hợp này chỉ được phép thực hiện khi có sự chủ động đề xuất của phụ huynh. GV chỉ có thể hỗ trợ, kèm cặp HS yếu, kiến thức chưa chắc chứ không được dạy những kiến thức theo bài trong chương trình.
Bích Thanh
Thanh Hóa: Tuyệt đối không dạy thêm, học thêm ở cấp tiểu học, không giao bài tập về nhà cho học sinh lớp 1 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Thanh Hóa vừa ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị phòng giáo dục, các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nhiệm vụ, trong đó có việc tăng cường quản lý, chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm. Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường, tuyệt đối không...