Yêu cầu các trường nâng cao văn hóa đọc cho học sinh
Nhà trường cần khuyến khích và phát triển văn hóa đọc cho học sinh ngay tại thư viện trường
Bộ Giáo dục và đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng…
Tại hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học 2015 và phấn đấu tới năm 2020 diễn ra vào những ngày cuối năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Vinh Hiển đã gửi văn bản đề nghị các trường cần nâng cao văn hóa đọc cho học sinh ngay tại nhà trường.
Trong đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu rõ những việc “cần làm ngay” của ngành giáo dục trong việc phát triển hệ thống mô hình thư viện mới ngay tại trường học. Hệ thống thư viện trường học với các tiêu chí mới sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu đó.
Về mặt tâm lý, đọc sách có tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của tư duy, nhận thức xã hội và tinh thần của trẻ. Đọc sách một cách chủ động và thích thú sẽ giúp học sinh có được kỹ năng, nhận thức và kinh nghiệm cần thiết cho cuộc sống sau này. Sách có tầm quan trọng vô cùng to lớn đối với con người nói chung và lứa tuổi học sinh nói riêng. Vì vậy, mô hình tủ sách phụ huynh là một mô hình hay, thiết thực.
Tuy nhiên, để mô hình này được phổ biến, nhân rộng và hoạt động hiệu quả, các trường nên tặng thưởng cho những học sinh giỏi quyển sách hay, có giá trị để khơi dậy niềm đam mê đọc sách.
Ngoài ra, các trường cần tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình thư viện và thư viện trong trường học để có thể làm cho phong trào đọc, văn hóa đọc của học sinh, sinh viên, thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao. Trên cơ sở đó góp phần nâng cao văn hóa đọc chung của toàn xã hội.
Việc phát triển văn hóa đọc là việc cần làm ngay của ngành giáo dục
Chia sẻ với báo chí về việc phát triển văn hóa đọc của học sinh, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho hay, các trường sẽ đổi mới hình thức và phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng tận dụng các nguồn thông tin ngoài sách giáo khoa, nhất là thông tin từ thư viện. Các hình thức tiếp cận sách cho học sinh qua các mô hình như: thư viện xanh, thư viện thân thiện, thư viện điện tử…
Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết sẽ ban hành những quy định mới về tổ chức, hoạt động và tiêu chí đánh giá thư viện trường học; đề nghị các Sở Giáo dục và đào tạo ngay từ bây giờ chủ động, tích cực triển khai việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng; thành lập câu lạc bộ nghiên cứu khoa học trong trường phổ thông, đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện và tập hợp những kiến nghị, đề xuất gửi về Giáo dục và đào tạo.
Trao đổi với báo chí về văn hóa đọc của học sinh tại các trường tiểu học, trung học cơ sở đang ngày càng đi xuống, giáo sư Chu Hảo từng khẳng định: Đối với một con người, sự học không chỉ dừng lại ở trường phổ thông, mà phần rất quan trọng là tự học, mà trong việc tự học thì đọc sách là quan trọng nhất. Thế nhưng ở nước ta, từ hàng mấy chục năm qua, người ta không có thói quen đọc sách. Nhà trường đã không dạy cho trẻ em thói quen đọc sách, mà ở gia đình, ông bà, bố mẹ các em cũng không có thói quen đọc sách để truyền lại cho các em. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.
Theo motthegioi.vn