Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn!
GS -TS Hoàng Chí Bảo – nguyên Viện trưởng Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) là cái tên quen thuộc, bởi những năm qua ông có rất năm nghiên cứu về Hồ Chủ tịch và đi rất nhiều tỉnh, thành để nói chuyện về Bác Hồ. Dù đã trở thành công việc quen thuộc, nhưng với ông, mỗi buổi nói chuyện về Bác Hồ vẫn luôn khiến ông xúc động, thêm kính yêu vị cha già của dân tộc…
“Những buổi nói chuyện về Bác Hồ bao giờ cũng khiến tôi xúc động, dù đối tượng nghe khác nhau, nội dung thuyết trình khác nhau, khung cảnh, thời gian cũng khác nhau. Xúc động ở chỗ: Bản thân cuộc đời sự nghiệp của Bác có sức lan tỏa rất rộng rãi, có hiệu ứng rất sâu rộng” – GS – TS Hoàng Chí Bảo chia sẻ với phóng viên NTNN.
Được tiếp nhận, chia sẻ là điều hạnh phúc
Cơ duyên nào khiến GS chọn lĩnh vực nghiên cứu, tìm hiểu và đưa những câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ đến với đông đảo công chúng?
- Tôi nguyên là một giáo viên dạy văn học và lịch sử ở trường THCS tại Đông Anh, Hà Nội. Tôi bắt đầu chú tâm nghiên cứu về Bác Hồ bắt đầu từ sau ngày Bác mất năm 1969. Thời điểm lịch sử đó, tôi cũng có mặt cùng dòng người dự lễ truy điệu Người ở Quảng trường Ba Đình, được trực tiếp nghe điếu văn của Ban Chấp hành T.Ư Đảng do Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc, cùng đó với 5 lời thề vĩnh biệt Bác, nghe bản Di chúc của Bác. Đó là những ấn tượng và sự xúc động thôi thúc tôi tìm hiểu, nghiên cứu sâu về Bác Hồ.
Bác Hồ luôn quan tâm, dành tình cảm thương yêu đối với bà con nông dân. Ảnh: T.L
Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi được cử đi học Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, chuyên ngành triết học Mác – Lê nin, rồi về công tác ở Ban nghiên cứu lý luận T.Ư Đảng (sau đổi tên là Viện Nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sau đó sáp nhập vào Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh).
Video đang HOT
Trong quá trình nghiên cứu di sản của Bác, tôi thấy những tư tưởng của Người về chủ nghĩa xã hội Việt Nam rất đặc sắc, lý do đó càng thúc đẩy sự chuyên tâm nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Tính đến nay đã gần nửa thế kỷ tôi nghiên cứu về lĩnh vực này.
Bên cạnh việc nghiên cứu, GS dành rất nhiều thời gian đi các tỉnh, thành để nói chuyện về Hồ Chủ tịch cho đông đảo công chúng. Ông đã tới bao nhiêu tỉnh, thành và có bao nhiêu cuộc trò chuyện như vậy?
- Tôi đi khắp nơi nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch trước công chúng, bắt đầu từ năm 1982. Tôi nhớ buổi đầu tiên đi nói chuyện về Bác Hồ là cho các giáo viên Trường THCS Việt Nam – Angieri (quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Thời kỳ tôi tập trung nhiều thời gian nhất để nói chuyện về Hồ Chủ tịch cho đông đảo công chúng người nghe với đủ mọi thành phần đối tượng là từ khi Đảng ta mở cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ năm 2006, đến nay hơn 10 năm.
“Có đem được xúc cảm của mình ra chia sẻ thì mới nhận được sự hồi đáp của người khác. Chính sự giao cảm tinh thần này nó đảm bảo cho sự thành công của những buổi nói chuyện về Bác Hồ. Từ đó đi đến mục đích cao nhất là để mọi người sống đúng hơn, sống tốt hơn xứng đáng với tấm gương cao thượng của Bác”. GS -TS Hoàng Chí Bảo
Tôi đã đi nói chuyện về Bác Hồ trực tiếp ở 57/63 tỉnh, thành. Những năm gần đây còn có những buổi thuyết trình về Bác Hồ với đông đảo đồng bào Việt Nam ở nước ngoài như CHLB Đức, Cộng hòa Séc, Vương quốc Thái Lan… Nhiều buổi nói chuyện của tôi về Bác Hồ được thu băng để truyền tải rộng rãi đến công chúng không có điều kiện nghe trực tiếp.
Được nghe GS nói chuyện về Bác Hồ trực tiếp hay qua băng đĩa, người nghe thấy ông luôn tạo được sự cuốn hút, lay động lòng người. GS có bí quyết gì để tạo nên sự thành công như vậy?
- Cái đó có thể do thói quen và kỹ năng nghề nghiệp vì tôi vốn là giáo viên. Bên cạnh đó là sự chuyên tâm nghiên cứu về triết học, lý luận nên việc trình bày trước công chúng cũng là thói quen. Vấn đề quan trọng nữa là sự tích lũy nghề nghiệp, được đào tạo, bồi dưỡng về tri thức, được trải nghiệm trong cuộc sống nên tôi có thể truyền tải những ý tưởng, suy nghĩ đến các công chúng là những đối tượng khác nhau và cũng gặp được sự đồng cảm của người nghe.
Điều này có được là cả quá trình rất lâu dài, vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Không ai dám nhận mình là hoàn hảo, nhưng làm được việc gì có ích, được mọi người tiếp nhận, chia sẻ thì đó là điều hạnh phúc.
Càng tìm hiểu, tôi càng thấy bản thân cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ có sức lan tỏa rất rộng rãi, có hiệu ứng rất sâu rộng. Trong các công trình nghiên cứu về Bác, tôi có viết: Nỗ lực của người nghiên cứu về Hồ Chí Minh làm sao đạt tới mức độ thấu hiểu và thấu cảm. Hiểu nghĩa là phương diện lý trí, cảm là về tinh thần. Từ đó mỗi một lần viết và nói phải luôn luôn mới. Ngay cả những điều lặp lại về tư liệu hay sự kiện thì cũng phải rọi vào đó những nhận thức mới, những phân tích, bình luận mới để tự làm mới chính bản thân và đem lại cái mới cho người nghe.
Học di chúc của người, mỗi ngày làm một việc tốt
Trong quá trình đi nói chuyện về Bác Hồ, GS có những kỷ niệm sâu sắc, ấn tượng nào?
- Nói một cách khác quát, được chứng kiến trực tiếp sự xúc động của những người nghe từ em nhỏ đến các cụ già, từ người dân thường cho đến cán bộ lãnh đạo quản lý, từ người trí thức, người là đảng viên, người ngoài đảng, người theo tôn giáo, người nước ngoài…, đó là ấn tượng lớn nhất với tôi. Chứng kiến những giọt nước mắt của người nghe khi họ xúc động về Bác, nhất là khi họ nghe tái hiện về giây phút cuối cùng của cuộc đời Bác là điều tôi không thể nói quên.
Sau mỗi buổi nói chuyện, có rất nhiều người đến gặp tôi trò chuyện, hỏi thăm. Có trường hợp họ xin một chữ ký hay tấm ảnh chụp chung làm kỷ niệm, đó là sự động viên tinh thần vô giá. Hay chuyện tặng sách, có nhiều cụ già thiết tha xin tôi tặng họ một cuốn Di chúc của Bác. Thường mỗi khi đi nói chuyện, tôi đều mang theo rất nhiều những cuốn Di chúc của Bác để tặng cho những người có tấm lòng kính trọng, yêu quý Bác.
Đến đâu tôi cũng nói một điều, nếu các bạn thương yêu Bác Hồ, muốn suốt đời học tập làm theo Bác thì một trong những việc có thể làm được là thuộc lòng 1.000 từ trong bản Di chúc của Người. Từ đó đem vào tâm niệm của mình, mỗi ngày làm một việc tốt, mỗi ngày khắc phục một nhược điểm dù nhỏ, như vậy cũng là thể hiện thiết thực việc học tập làm theo Bác chứ không phải cái gì cao xa.
Nói về kỷ niệm, trong số những đối tượng người nghe của tôi có các hội viên người khiếm thị. Dù họ không có được ánh sáng nhưng khi nghe nói chuyện về Bác Hồ, họ cảm nhận được từ trái tim, điều đó tạo ra ấn tượng đặc biệt với diễn giả.
Tôi nhớ có những lần đi nói chuyện cho người khiếm thị, dù trời rất nắng nóng nhưng họ dự rất đông. Mở đầu buổi nói chuyện bao giờ họ cũng tổ chức chương trình ca nhạc với những bài hát về Bác. Tôi đã cảm nhận tình cảm của những người khiếm thị về Bác qua tiếng nói của họ. Khi diễn thuyết, tôi đã nói: Các bạn đã không nhìn thấy Bác bằng đôi mắt nhưng các bạn đã thấy Bác từ trong trái tim mình. Nghe tôi nói thế, nhiều người đã khóc.
Gần đây nhiều địa phương thường áp dụng hình thức phổ biến, đó nghe nói chuyện trực tuyến hoặc truyền thanh. Nói ở trong hội trường chỉ khoảng vài trăm người nghe trực tiếp, còn truyền ra loa để nhiều người bên ngoài cùng nghe. Có lần nói chuyện ở Yên Bái và Lào Cai, giờ giải lao có anh cán bộ chạy bảo: Thầy ơi, ở nhiều nơi bà con nông dân đang gác công việc đồng áng để tập trung dưới loa nghe thầy nói chuyện về Bác Hồ. Biết được điều này tôi cũng rất xúc động.
Năm nay đã 72 tuổi, thời gian tới GS có tiếp tục đi nói chuyện về Hồ Chủ tịch cho công chúng?
- Tấm lòng và tình cảm của đồng bào, đồng chí là điều không thể nào từ chối được, tuy nhiên cũng đã đến lúc phải nghĩ đến sự chuyển tiếp. Với tư cách là nhà giáo và nhà nghiên cứu, từ lâu tôi đã ấp ủ ý định phải đào tạo, bồi dưỡng các em sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh do trực tiếp mình đào tạo để họ thay tôi đi nói chuyện về Bác Hồ. Tuy nhiên đây là điều không hề đơn giản, bởi vì trước hết phải bồi dưỡng cho những người này có sự trong sáng, phẩm chất đạo đức tốt. Để đi nói chuyện về Bác Hồ, tự chính bản thân yêu cầu mình phải có đạo đức trong sáng, học được ở Bác đức tính khiêm nhường, tận tụy, trung thực. Tri thức rất quan trọng nhưng tình cảm là động lực không thể thiếu và đạo đức là điều bắt buộc phải có để khi nói về Bác Hồ cho mọi người mới thực sự có sức thuyết phục.
Xin cảm ơn GS!
Theo Danviet