Y tá Pháp: ‘Gạt lệ cho mình rồi lau nước mắt bệnh nhân’
Các y bác sĩ Pháp vừa vật lộn với đại dịch trong tình trạng thiếu đồ bảo hộ, vừa canh cánh nỗi lo lây nhiễm cho gia đình.
8 giờ mỗi tối, hàng triệu người dân trên khắp nước Pháp tới ban công của căn hộ, đánh trống, khua nồi niêu, huýt sáo hoặc vỗ tay to nhất có thể. Tất cả để khích lệ tinh thần các nhân viên y tế – những người đã ngày đêm chiến đấu điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Song với hàng trăm ca tử vong mỗi ngày, sức lực của những vị “anh hùng áo trắng” gần như bị đẩy đến giới hạn. Đến nay, Pháp ghi nhận hơn 44.000 trường hợp dương tính với Covid-19 và 3.024 người chết. Trong đó khoảng 5.000 bệnh nhân có triệu chứng nặng đến nghiêm trọng.
“Thức dậy vào sáng nay, tôi đã khóc. Tôi khóc lúc ăn sáng, khóc cả khi đang chuẩn bị sẵn sàng”, y tá Elise Cordier đã thừa nhận trên trang Facebook cá nhân.
Nhưng gạt đi tất cả nỗi sợ, cô vẫn phải tiếp tục làm công việc của mình.
“Tôi lau khô nước mắt trong phòng thay đồ. Hít vào và thở ra. Những người còn nằm trên giuờng bệnh kia chắc cũng đang khóc. Và tôi cần phải là người lau nước mắt cho họ”, Cordier nói.
Nhân viên y tế cầm mẫu xét nghiệm của người dân tại một trạm kiểm tra Covid-19 ở Paris ngày 30/3. Ảnh: AFP
Dịch bệnh lên cao ở Pháp, các nhân viên y tế tuyến đầu dấn thân vào một cuộc khủng hoảng họ chưa từng nghĩ mình sẽ phải đối mặt trước đây.
“Đội ngũ của chúng tôi e ngại về viễn cảnh mơ hồ trước mắt và suốt cả tháng 4 nữa”, giáo sư Elie Azoulay, người đứng đầu bộ phận chăm sóc chuyên sâu của một bệnh viện ở Paris cho biết. Đơn vị này đã bổ sung thêm 50 giường bệnh mới để điều trị cho những người mắc Covid-19.
Tất cả không còn chỗ trống.
“Y bác sĩ cũng lo cho bản thân họ và những người thân yêu. Sợ rằng mình sẽ không trụ nổi trước tình trạng quá tải”, giáo sư Azoulay chia sẻ. Chính ông cũng biết rằng, đâu đó trên khắp đất nước, có những đồng nghiệp đã mất mạng.
“Nhưng họ vẫn rất kiên trì, nghiêm túc và tôn trọng bệnh nhân. Các y bác sĩ khiến tôi kinh ngạc”, ông nói.
Không chỉ đối mặt với cái chết, đau đớn chứng kiến bệnh nhân chật vật vì chứng hô hấp do phổi bị suy yếu, nhân viên y tế tuyến đầu còn lo lắng mình sẽ là nguồn lây nhiễm cho gia đình.
Video đang HOT
“Họ gọi đó là cơn sóng thần, hàm ý chúng ta có thể bị nhấn chìm. Họ ái ngại khi trả lời những bệnh nhân nằm trên cáng: ‘Xin lỗi, chúng tôi không còn giường trống’”, ông Benjamin Davido, giám đốc bộ phận xử lý khủng hoảng y tế tại Bệnh viện Raymond-Poincare, phía tây Paris cho biết.
Nhiều người phải đặt cảm xúc sang một bên. Lo lắng không giải quyết bất cứ vấn đề gì. Tình trạng thiếu hụt khẩu trang y tế và đồ bảo hộ vẫn tiếp diễn. Cơn phẫn nộ của người dân đã lên đỉnh điểm sau cái chết của một bác sĩ hôm 23/3.
Tháp Eiffel hiện dòng chữ Merci (Cảm ơn) để tri ân những y bác sĩ. Ảnh: AFP
Các chuyên gia tâm lý trước đây từng điều trị cho bệnh nhân, giờ chuyển sự chú ý sang chính đồng ngiệp của mình. Tại tỉnh Clermont-Ferrand ở trung tâm nước Pháp, bác sĩ tâm thần Julie Geneste thường xuyên nhận được những cuộc điện thoại chia sẻ nỗi lo “không thể trụ vững” hoặc về “sự xa lánh của bạn bè và người thân do sợ lây nhiễm”.
“Chúng tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho tình huống này. Một vài đồng nghiệp cảm thấy vô cùng đau khổ. Số khác hoàn toàn sốc. Mọi người đều lo lắng cho gia đình mình”, một bác sĩ trẻ tại Paris chia sẻ.
Theo chuyên gia tâm lý Nicolas Dupuis, nhân viên y tế thường đứng trước sự lựa chọn khó khăn, giữa việc chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 hay đảm bảo an toàn cho người thân. Bệnh nhân của ông, cũng là y tá tuyến đầu thậm chí đã bị chồng bắt thay quần áo ngay khi vừa trở về nhà và “cáu gắt khi cô đưa tay chạm lên mặt”.
Song sự xa lánh từ chính con cái khiến họ phiền lòng hơn cả.
“Con gái 7 tuổi có lần nói với tôi rằng ‘Mẹ ơi, nếu mẹ chẳng may nhiễm bệnh, đừng trở về nhà nhé’”, một bác sĩ khác kể lại.
Thục Linh
Sửa mặt nạ lặn biển thành mặt nạ trợ thở chống COVID-19
Bác sĩ nha khoa Paul Amas ở Pháp đã kêu gọi tặng mặt nạ lặn biển cho các y bác sĩ. Tại Ý, Công ty Isinnova đã cải tiến mặt nạ lặn biển thành mặt nạ trợ thở cho bệnh nhân COVID-19.
'Khai quật' 5.000 khẩu trang bị lãng quên dưới hầm mộ ở Washington 6 triệu khẩu trang của Đức 'bốc hơi' bí ẩn ở Kenya Các nhà sư Thái Lan làm khẩu trang phòng virus SARS-CoV-2 từ nhựa tái chế
Công ty Isinnova đã cải tiến mặt nạ với bộ đấu nối (màu vàng) nối với hai ống thở - Ảnh: LCI
Bác sĩ Paul Amas 55 tuổi ở thành phố Marseille (đông nam nước Pháp) đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong nghề.
Mấy hôm trước, ông đã kêu gọi quyên góp mặt nạ lặn biển Easybreath để tặng cho đội ngũ y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19.
Lời kêu gọi của một bác sĩ Pháp
Trong video phát trên mạng xã hội, bác sĩ Paul Amas nói: "Tôi kêu gọi tất cả những người đã mua mặt nạ này cho mùa hè... Tôi khuyến khích các bạn chuyển giao mặt nạ cho các cơ quan y tế".
Trong bối cảnh thiếu khẩu trang FFP2, ông chắc chắn mặt nạ lặn biển Easybreath sẽ bảo vệ tốt hơn nhiều so với khẩu trang FFP2 vì mặt nạ có ưu điểm che phủ toàn bộ khuôn mặt.
Trả lời báo Nice-Matin (Pháp) hôm 25-3, bác sĩ Paul Amas cho biết ông nảy ra sáng kiến sử dụng mặt nạ Easybreath thay cho khẩu trang cách đây nửa tháng khi tìm cách bảo vệ mình.
Ông giải thích: "Virus không lan truyền qua không khí. Do đó mặt nạ sẽ giúp che kín mặt hoàn toàn trước các giọt bắn li ti".
Ngoài ra, mặt nạ còn có ưu điểm ở chỗ có thể lau sạch bằng xà phòng với dung dịch sát khuẩn rồi sử dụng lại.
Trước khi kêu gọi tặng mặt nạ lặn biển cho các y bác sĩ, ông đã từng hướng dẫn trên mạng cách làm khẩu trang bằng lon Coca Cola và giấy vệ sinh.
Sau đó, Công ty Decathlon đã phát thông báo giải thích: "Mặt nạ Easybreath... không được thiết kế vì mục đích y tế. Công dụng nguyên thủy của nó vẫn là thực hành lặn. Chúng tôi khuyến cáo không nên thay đổi cấu trúc mặt nạ vì có thể ảnh hưởng đến chức năng hoạt động của mặt nạ, nhất là luồng không khí".
Tuy nhiên, Decathlon cũng xác nhận các nhóm kỹ thuật của công ty đang hỗ trợ cho một số trung tâm nghiên cứu ở Pháp và nước ngoài nhằm thử nghiệm xem mặt nạ có thích nghi với chức năng chống dịch hay không.
Mặt nạ lặn Easybreath do Công ty Subea tại Hendaye (tỉnh Pyrénées-Atlantiques của Pháp) thiết kế vào năm 2017 và là sáng chế của Công ty Decathlon ở Pháp. Tên "Easybreath" có nghĩa là "dễ thở" trong tiếng Anh.
Đây là mặt nạ lặn đầu tiên giúp người lặn quan sát và thở dưới nước dễ dàng bằng mũi và miệng như trên đất liền. Mặt nạ gồm một khung duy nhất che toàn khuôn mặt. Không khí vào và ra thông qua ống thở phía trên mặt nạ.
Mặt nạ Easybreath dùng cho người lặn biển - Ảnh: SUBEA
Giới công nghệ ở Ý cải tiến mặt nạ
Tại tỉnh Brescia (miền bắc nước Ý), bác sĩ Renato Favero ở bệnh viện Gardone Vol Trompia đã có sáng kiến cải tiến mặt nạ lặn biển cho bệnh nhân thở máy.
Ông nghe nói Công ty Isinnova có thể dùng công nghệ in 3D chế tạo van Venturi để nối mặt nạ cung cấp khí oxy với máy trợ thở nên liên lạc và đề xuất ý tưởng.
Các kỹ sư công ty đã phân tích đề xuất và kết luận mặt nạ Easybreath là mặt nạ phù hợp nhất để làm ra sản phẩm theo yêu cầu.
Sau đó, Công ty Isinnova liên hệ với chi nhánh Công ty Decathlon ở Ý. Ngay lập tức chi nhánh Ý đã đồng ý hợp tác và cung cấp bản vẽ kỹ thuật mặt nạ.
Giải thích trên báo Corriere della Sera (Ý), các kỹ sư Công ty Isinnova cho biết họ đã tháo rời mặt nạ Easybreath ra để đánh giá các chi tiết cần thay đổi, sau đó sử dụng máy in 3D chế tạo các phụ kiện kết nối giữa mặt nạ cải tiến với hầu hết các loại ống thở dùng trong bệnh viện.
Mặt nạ cải tiến đã loại bỏ phần trên của ống thở và thay bằng bộ đấu nối in 3D.
Nhờ bản vẽ của Công ty Decathlon, họ có thể sản xuất nhanh các bộ phận, đặc biệt là biết chính xác kích thước của lỗ thoát khí.
Mặt nạ lặn biển đã qua cải tiến ở Ý - Ảnh: ISINNOVA
Mẫu mặt nạ cải tiến đầu tiên đã được thử nghiệm ở hai bệnh viện tại Bresciano và Brescia. Theo báo La Repubblica (Ý), kết quả rất đáng khích lệ.
Kỹ sư Marco Ruocco giải thích: "Chỉ có chi tiết van đã được cấp bằng sáng chế để tránh đầu cơ còn toàn bộ dự án đều được đưa lên mạng. Bấy kỳ ai cũng có thể tải tài liệu xuống và in van 3D tự do, miễn không dùng để kinh doanh".
Dỳ vậy, các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nếu muốn sử dụng mặt nạ phải làm tờ cam kết chấp thuận sử dụng thiết bị y sinh chưa qua chứng nhận.
HOÀNG DUY LONG
Bác sĩ Pháp chết vì COVID-19: Ông không nghỉ hưu, đi chống dịch giúp đất nước Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran đã xác nhận thông tin trên và cho biết đây là bác sĩ Pháp đầu tiên tử vong do COVID-19. Ông được mô tả là một bác sĩ tốt, được mọi người yêu quý và kính trọng. Bác sĩ Jean-Jacques Razafindranazy - Ảnh chụp màn hình Le Parisien Hãng tin AFP ngày 23-3 dẫn thông tin...