Ý kiến giáo viên: Vun bồi văn hóa đọc từ trong nhà trường
Đọc bài báo “Thương học sinh Việt phải gói mình trong sách giáo khoa” của tác giả Hoài Nam trên báo Dân trí, bản thân là giáo viên, tôi cảm nhận được nỗi trăn trở khi văn hóa đọc trong nhà trường tuột dốc cùng khát khao thay đổi thói quen đọc sách của học sinh.
Ảnh minh họa
Là một giáo viên đứng lớp, tôi đã từng chứng kiến không biết bao nhiêu lần học sinh “đuối” khi tôi đưa ra một câu hỏi ngoài sách giáo khoa. Những hiểu biết cơ bản về các danh nhân lịch sử hay các kiến thức liên quan đến khoa học kỹ thuật, khoa học thường thức đều khiến các em “bó tay”. Nhiều lần tôi nhìn học sinh của mình và thốt lên ngao ngán “Cô bất lực với các em”.
Tôi còn nhớ trong tuần trước, khi tìm hiểu về các phương châm hội thoại trong tiếng Việt, tôi nhắc nhở học sinh tìm đọc các truyện cười dân gian, truyện cười thế giới để phát hiện, phân tích các trường hợp vi phạm phương châm hội thoại để bật lên tiếng cười. Hôm qua, sau một tuần quay lại bài cũ, điều tôi nhận được vẫn là “nụ cười trừ” của trò.
Hỏi các em sao không lên thư viện mượn sách báo để đọc và thực hiện yêu cầu của bài học, nhiều em thật thà kể lý do, nào là đổi tiết có 5 phút không kịp lên thư viện, ra chơi thì phải tập thể dục và múa hát sân trường. Rồi các em kể học buổi sáng thì chiều và tối lại kín mít lịch học thêm, thời gian để dành cho sách cực kỳ hạn chế. Thiếu thời gian dành cho sách là một thực tế!
Đó là còn chưa kể nhiều học sinh mải mê với vô số thú vui khác như game online, mạng xã hội… Các em không thể một ngày không lướt mạng trong khi sách thì hầu như ít chạm đến, với thư viện thì những cô cậu lười đọc sách lại càng vắng bóng. Và quanh đi quẩn lại với học sinh vẫn là những đầu sách giáo khoa đơn điệu.
Một số trường học nổi tiếng với những dự án khuyến đọc trong học sinh. Nhưng hầu như nhiều trường học không hề có sự ràng buộc nào giữa học sinh với sách. Khi nhà trường không phát động đọc sách, giáo viên không khuyến khích đọc sách, học sinh thiếu hẳn động lực đọc là lẽ tất nhiên.
Video đang HOT
Tôi thường nói với học sinh của mình về sự thiếu thốn và thèm thuồng được đọc sách của thế hệ chúng tôi ngày trước. Giữa cuộc sống thiếu thốn bộn bề nỗi lo, sách vở khan hiếm đến mức chúng tôi vẫn chuyền tay nhau đọc ngấu nghiến những quyển sách cũ mèm, vàng ố, long gáy, rách bươm. Vậy mà niềm vui được đọc vẫn nhân lên bội phần mỗi khi vớ được một quyển sách hay.
Các em ngày nay được bao quanh bởi thế giới sách đồ sộ. Nhà sách luôn bố trí điểm đọc miễn phí. Thư viện hiện đại với nhiều sách hay được chọn lọc. Sách tinh tươm thơm mùi giấy mới lại chẳng đủ sức thu hút một bộ phận bạn trẻ ư? Tiếc thay! “Gói” mình trong sách giáo khoa, đời sống tâm hồn của học sẽ khô cằn chỉ biết đến kiến thức, kiến thức và… kiến thức.
Trong khi nguồn tài nguyên ở thư viện đang bị lãng quên và lãng phí, nhiệm vụ vun bồi văn hóa đọc trong nhà trường trở nên cực kỳ cấp thiết. Tôi biết ở nhiều địa phương đã chủ động bố trí tiết đọc sách cho học sinh nhưng đó vẫn chỉ là một hoạt động tự phát, thiếu tính định hướng thống nhất. Còn lại đa phần trường học vẫn bỏ lửng nhiệm vụ khuyến đọc mà chăm chăm vào chất lượng giáo dục.
Vậy nên, tôi ủng hộ đề xuất xây dựng tiết đọc sách trong chương trình chính khóa như một giải pháp hữu hiệu nâng cao văn học đọc, góp phần xây dựng và rèn luyện phương pháp tự đọc và tự học của học sinh!
Nguyễn Thùy
Theo Dân trí
Giới trẻ với sách: Những tín hiệu đáng mừng!
Sự bùng nổ và phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tạo ra sức ảnh hưởng lớn đối với giới trẻ, gồm cả mặt tiêu cực và tích cực. Có ý kiến cho rằng, một trong những ảnh hưởng tiêu cực dễ thấy nhất chính là xuất hiện tình trạng sa sút trong văn hóa đọc của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Cần khắc phục những tồn tại để kéo người trẻ trở lại với niềm đam mê đọc sách (Ảnh minh họa)
Những tín hiệu tích cực
Một lượng lớn người có mặt trong Hội sách ở Công viên Thống Nhất (Hà Nội) nhân Ngày sách Việt Nam vừa qua là học sinh, sinh viên, có thể coi là một tín hiệu đáng mừng về sự quay trở lại với đam mê đọc sách của một bộ phận người trẻ.
Ngoài việc sắm những cuốn sách phù hợp độ tuổi, có rất nhiều bạn trẻ chọn trở thành chủ sở hữu những cuốn sách quý như "Bố già", "Cuốn theo chiều gió", "Tiếng chim hót trong bụi mận gai"....
"Không quan trọng chúng ta đọc gì, mà quan trọng là sau khi đọc, chúng ta đọng lại được những gì". Sách - ngoài việc cung cấp kiến thức còn một chức năng khác, đó là giải trí.
Bởi vậy, những người trẻ lựa chọn sách hợp với lứa tuổi là điều dễ hiểu và không thể vì thế mà đánh giá rằng văn hóa đọc của họ đang trở nên "xuống cấp".
Có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ thờ ơ với sách, một phần bởi sự thiếu định hướng nhu cầu nắm bắt kiến thức của chính họ. Cùng với đó là vấn đề kiểm duyệt in ấn sách còn chưa hoàn toàn chặt chẽ, nhiều kẽ hở, chạy theo thị trường... khiến chất lượng nội dung khó thuyết phục người trẻ tìm đọc.
Đa dạng môi trường cho văn hóa đọc phát huy
Để khắc phục thực trạng trên, trước tiên cần phải chú trọng hơn đến việc giáo dục văn hóa đọc trong nhà trường. Chính những tác phẩm văn học trong sách giáo khoa vốn đã có những điểm khác so với suy nghĩ của người trẻ, cần được chú trọng từ phương pháp giảng dạy để bài giảng trở nên lôi cuốn hơn, không còn máy móc khô khan dẫn đến tình trạng học đối phó, học chỉ để thi của học sinh.
Bên cạnh đó, việc rèn thói quen đọc sách trong gia đình cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Người lớn cần khuyến khích và định hướng con trẻ ngay từ nhỏ để tạo cho con niềm đam mê đọc sách, rèn luyện kỹ năng đọc sách và đọc sách một cách có chọn lọc.
Mỗi người cần phải ý thức tự hình thành thói quen đọc, lấy phương tiện nghe nhìn để tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu sách đến với đông đảo bạn đọc, khơi dậy đam mê đọc sách, từ đó hiểu hơn về lợi ích của việc đọc sách.
Trong quá trình giao lưu và tiếp thu văn hoá, cần phải ngăn lại sự xâm nhập ồ ạt của những hiện tượng không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, siết chặt kiểm duyệt bằng những chế tài xử phạt nghiêm khắc để "hòa nhập chứ không hòa tan".
Với mỗi cá nhân, văn hóa đọc chính là tập hợp các kĩ năng đọc sách của họ. Để nâng cao kĩ năng đó, mỗi người cần lựa chọn đề tài sách phù hợp với bản thân, định hướng tài liệu cần tham khảo, từ đó vận dụng được những kiến thức từ sách vào thực tế cuộc sống.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ky Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam, nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn cũng như tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng, tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Trần Hồng Hạnh
Theo GDTĐ
Tạo thói quen đọc sách cho trẻ từ trường học Theo cô Hoàng Thị Diễm Trang, giáo viên Trường THCS - THPT Đinh Thị Lý, quận 7, TPHCM muốn phát triển văn hóa đọc và hình thành lại thói quen đọc sách, cần chú ý đầu tư cho hệ thống thư viện, một hình ảnh không thể thiếu với một xã hội gắn liền với sự hiện đại và phát triển. Việc đọc...