Ý kiến giáo viên về xử phạt dạy thêm: Phạt tiền chưa hẳn là biện pháp tối ưu
Vấn đề là làm sao không còn dạy thêm, học thêm, làm sao cho học sinh giảm áp lực học tập, phụ huynh đỡ tốn kém chi phí học tập cho con em, làm sao giảm bớt quan hệ tiền tệ trong môi trường giáo dục.
Ảnh minh họa
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đưa ra mức phạt tiền từ 2 – 15 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm quy định về dạy thêm đối với giáo viên. Đáng lưu ý là mục 8, 9, 10 của Điều 8 của Dự thảo này quy định: “ Phạt tiền t ừ 8 .000.000 đồng đến 10 .000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi giấy phép đã hết hạn. Phạt tiền t ừ 8 .000.000 đồng đến 10 .000.000 đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm. Phạt tiền t ừ 10 .000.000 đồng đến 15 .000.000 đối với hành vi tổ chức hoạt động dạy thêm khi chưa được cấp phép “.
Theo tôi, ban hành quy định, chế tài không khó. Khó là ở khâu thực thi, áp dụng và khó ở sự “tâm phục khẩu phục” của người bị xử phạt về dạy thêm. Không ai có thể bao biện cho hành vi dạy thêm sai quy định, ép buộc học sinh học thêm. Tuy nhiên, không nên “quản” không được thì “cấm”, cấm không được thì “phạt”. Phạt tiền chưa hẳn là biện pháp tối ưu, nhất là trong lĩnh vực giáo dục, tuy nhiên đó là biện pháp có tác động trực tiếp mạnh nhất, nhanh nhất.
Trước tiên hãy xem căn nguyên, cái gốc của dạy thêm ở đâu? Do chương trình học quá tải, do thu nhập giáo viên thấp hay do nhu cầu của học sinh? “Tất cả đều đúng”, đó có phải là “đáp án” của câu hỏi này không?
Chương trình học hiện này quá nặng nề, học sinh phổ thông vừa môn chính, môn phụ cả thảy đến mười mấy môn, chưa kể các hoạt động ngoài giờ lên lớp khác. Quỹ thời gian tự học của học sinh rất ít, vì vậy các em tìm đến học thêm như một “cứu cánh”, thay vì tự mò mẫm ở nhà, các em đến lớp học thêm để thầy cô hướng dẫn, bày vẻ. Học thêm đúng nghĩa là theo nhu cầu thực sự của học sinh.
Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy, không phải em nào học thêm cũng vì kiến thức, cũng vì nhu cầu thực sự. Nếu vì nhu cầu kiến thức thì tại sao các em cứ phải học thầy cô đang dạy lớp mình? Nếu không học thầy cô đang dạy lớp mình thì chuyện gì xảy ra? Các em có bị thầy cô “phân biệt đối xử” không?
Khoản 1, Điều 9 của Nghị định quy định: “ Phạt tiền t ừ 2 .000.000 đồng đến 4 . 000.000 đồng đối với hành vi dạy thêm ngoài trường của giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên”.
Khoản 5, Điều 8 quy định: “Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đối với hành vi tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa”.
Tôi đảm bảo 100% giáo viên và cơ sở giáo dục sẽ bị phạt bởi quy định của Điều 9. Bởi vì, chương trình dạy thêm thường giáo viên dạy trước chương trình chính khóa, đại đa số học sinh đều học thêm ở thầy cô đang dạy mình, hiệu trưởng đồng ý cấp phép cho giáo viên dạy thêm, đồng nghĩa với việc “tổ chức dạy thêm theo các lớp học chính khóa” – nghĩa là hoàn toàn trái quy định.
Khoản 4, Điều 9 quy định: “ Phạt tiền từ 6 .000.000 đồng đến 8 .000.000 đồng đối với hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính kh óa để đưa vào nội dung d ạy thêm , dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính kh óa”. Thử hỏi khi tiến hành kiểm tra dạy thêm, ai là người đi sâu vào chuyên môn từng tiết dạy của giáo viên để phát hiện “hành vi cắt giảm nội dung trong chương trình chính khóa” của giáo viên đó? Còn trường hợp khác, giáo viên dạy thêm không cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, và họ cũng không dạy trước chương trình chính khóa, nhưng trên lớp chính khóa họ dạy a-ma-tơ (amateur), dạy qua loa, dạy để học sinh… không hiểu, khó hiểu, khiến các em phải “cầu cứu” đến học thêm thì xử lý như thế nào?
Video đang HOT
Mức phạt khá cao (8 – 10 triệu đồng) đối với giáo viên ép buộc học sinh học thêm liệu có đủ sức răn đe và thuyết phục? Ai ở trong ngành sẽ rõ, có những giáo viên chuyên dạy thêm, dạy rất nhiều học sinh, rất nhiều năm rồi, mức thu nhập của họ rất “khủng”, 8 – 10 triệu đồng/ 1 lần phạt đối với họ không quá nhiều so với mức thu nhập mấy chục triệu đồng/ tháng từ dạy thêm.
Thật đáng lưu ý với khái niệm “ép buộc học sinh học thêm”. Thế nào là “ép buộc”? Có những “ép buộc” rất tinh vi, nhiều khi học sinh không thể thấy, phụ huynh nào tinh ý mới “cảm nhận” được. Vậy nên mới có chuyện lần nào hễ gặp phụ huynh, cô giáo đều phàn nàn về học sinh. Cho đến ngày phụ huynh chở con đến nhà cô giáo gửi con học thêm thì cô giáo vui vẻ, thay đổi thái độ ngay.
Vậy nên quy định xử phạt giáo viên “ép buộc học sinh học thêm” xem ra khó vận dụng.
Nhiều người trong cuộc nói: hãy tăng lương giáo viên trước khi xử phạt dạy thêm, bác sỹ được khám chữa bệnh ngoài giờ, tại sao giáo viên không được dạy thêm?
Thông tư 17 của Bộ GD&ĐT không cấm dạy thêm, chỉ quy định những điều cấm trong dạy thêm. Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục cũng chỉ quy định xử phạt những trường hợp dạy thêm trái quy định. Vấn đề là làm sao không còn dạy thêm, học thêm, làm sao cho học sinh giảm áp lực học tập, phụ huynh đỡ tốn kém chi phí học tập cho con em, làm sao giảm bớt quan hệ tiền tệ trong môi trường giáo dục. Trong môi trường giáo dục, do tính chất đặc thù nên nhiều quan hệ thầy – trò, quan hệ đồng nghiệp… được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa chứ không chỉ bởi các quy định, chế tài.
Lê Xuân Chiến
(Quảng Nam)
Theo Dân trí
Thưởng hay phạt tiền trong giáo dục đều là hạ sách?
Bày tỏ quan điểm về xử phạt hành chính đối với giáo viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) nhận định, nếu "dân sự hoá" quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền chắc chắn không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục.
Thưa bà, những ngày qua, dự thảo xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, có nội dung bị phạt tiền nếu xúc phạm người dạy học cũng như người học. Quan điểm cá nhân của bà ra sao về vấn đề này?
Thực ra, quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục không phải là chủ trương mới. Việc xây dựng dự thảo nghị định mới lần này chỉ là nhằm bổ sung nhiều hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để răn đe. Đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm trong môi trường giáo dục vốn đang bị đánh giá là khá nóng và gây nhiều bức xúc thời gian qua.
Đây là một trong những giải pháp của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục. Qua đó, nhằm giải quyết vấn đề dư luận băn khoăn về nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trong giáo dục là do chế tài chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe.
Mặc dù vậy, tôi không đồng tình với giải pháp tăng xử phạt vi phạm hành chính, nhất là tăng mức xử phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học. Tôi nghĩ, đây không phải là giải pháp đúng và khó có hiệu quả. Thực tiễn những năm qua cho thấy, các nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục hầu như không có hiệu quả, ít tính khả thi. Theo tôi, cần cân nhắc việc quy định về phạt tiền nếu xúc phạm người dạy cũng như người học trong dự thảo nghị định này.
Vậy bà có thể nói rõ lý do vì sao không nên đặt ra những quy định này?
Trước hết, nếu để ngăn ngừa những hành vi sai phạm của nhà giáo và học sinh hẳn chúng ta không thiếu chế tài. Chẳng hạn như nhiệm vụ, quyền hạn của nhà giáo và người học được quy định trong Luật Giáo dục. Việc xử lý vi phạm của cán bộ quản lý và giáo viên được quy định bởi Luật công chức, Luật viên chức...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã ban hành "Quy định về đạo đức nhà giáo". Các Sở GD&ĐT và nhà trường còn có quy tắc ứng xử giáo viên, học sinh, các chế tài kỷ luật tương ứng. Ở mức độ vi phạm nặng hơn, gây thương tích cho nhà giáo hoặc học sinh từ 11% sẽ bị xử lý hình sự theo pháp luật. Nếu bây giờ đặt thêm quy định xử phạt hành chính là không cần thiết, thậm chí chồng chéo với luật.
Mặt khác, việc xử phạt hành chính bằng hình thức phạt tiền hoàn toàn không phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực giáo dục. Trong môi trường này, quan hệ thầy - trò nên được điều chỉnh bởi chuẩn mực đạo đức, văn hóa. Tôi nghĩ, không nên "luật hóa" các quy định, chế tài, nhất là chế tài về tài chính, tức là phạt tiền.
Do đó, hành vi "xúc phạm danh dự, nhân phẩm..." giữa thầy trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng phạt tiền. Bởi nếu "dân sự hoá" quan hệ thầy trò bằng hình thức phạt tiền, nâng mức phạt tiền, chắc chắn không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục. Thậm chí, đến một lúc nào đó, e rằng quan hệ thầy - trò sẽ được điều chỉnh bởi đồng tiền, không còn là chuẩn mực đạo đức, văn hóa nữa.
Có ý kiến cho rằng, việc phạt tiền trong giáo dục sẽ "vật chất hóa" môi trường giáo dục và để lại nhiều hệ luỵ. Bà có nghĩ như vậy không?
Đúng là tôi băn khoăn nhiều về hiệu ứng ngược của quy định này.
Đứng về phía người học, gia đình người học, không phải cứ ngang nhiên xúc phạm nhà giáo rồi dùng tiền là có thể khắc phục được hậu quả. Đây không phải là cách ứng xử phù hợp của truyền thống tôn sư trọng đạo.
Nhìn lại, giáo viên hiện đang phải đối mặt với quá nhiều áp lực như yêu cầu đổi mới ngày càng cao khiến thầy cô "oằn mình" lập trình theo. Đồng thời, kỳ vọng của phụ huynh và học sinh lớn, điều kiện dạy học chưa bảo đảm, sĩ số lớp học quá đông đè nặng lên vai của nhà giáo...
Cũng xin nói thêm là làm giáo viên trong bối cảnh hiện nay rất khó. Muốn giáo dục, rèn luyện học sinh cần phải duy trì kỷ luật. Điều này có thể bị một bộ phận học sinh và phụ huynh phản ứng, quy chụp giáo viên hà khắc. Mặt khác, dư luận đôi khi vô tình thổi phồng sự việc. Vì vậy, nếu vì áp lực dư luận mà đặt ra những quy định gây ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý người thầy là điều đáng phải suy nghĩ.
Làm sao để nhà giáo tâm huyết với nghề khi có quá nhiều áp lực đè nặng trên vai? (Nguồn: Tuổi trẻ)
Cùng với đó, câu chuyện lương giáo viên nhìn chung quá thấp. Nếu bây giờ thêm quy định nâng mức xử phạt tiền, thậm chí mức phạt rất lớn so với lương thu nhập; liệu giáo viên có còn động lực để làm việc? Làm sao để người thầy gắn bó với nghề, tâm huyết với công việc giáo dục học trò, hay sẽ thu mình lại, giảm nhiệt huyết, buông xuôi hoặc hời hợt trong giáo dục? Thậm chí có thể khiên nhiêu ngươi bo nghê, ngươi tre không còn hưng thư và đam mê vơi nghê giáo.
Trong nhà trường, tình thầy trò là mối quan hệ trong sáng dựa trên nền tảng đạo đức truyền thống. Điều đó chi phối tình cảm, hành vi giao tiếp, ứng xử giữa người thầy với học trò. Việc dùng biện pháp hành chính, tài chính can thiệp, chi phối mối quan hệ này có thể làm rạn nứt tình thầy trò và truyền thống tôn sư trọng đạo vốn rất cao đẹp.
Những năm gần đây, tình trạng bạo lực học đường, thầy đánh trò, trò đánh lại thầy, phụ huynh phạt quỳ giáo viên... khiến nhiều người cho rằng đó là thực trạng xuống cấp trong ứng xử giữa thầy và trò. Vậy theo bà, việc phạt tiền có phải cách răn đe nghiêm khắc, hiệu quả để giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn hay không?
Đúng là đang có tình trạng xuống cấp về đạo đức và văn hoá trong ứng xử giữa thầy và trò. Tôi hiểu việc đặt ra quy định xử phạt nói trên xuất phát từ ý tưởng tốt là tăng chế tài để hạn chế và ngăn chặn bạo lực học đường và những sai phạm diễn ra trong môi trường giáo dục. Theo những người soạn thảo, quy định nâng mức xử phạt tiền là nhằm "đánh" trực tiếp vào kinh tế. Qua đó, nhằm ngăn chặn hành vi không phù hợp của giáo viên với học sinh cũng như chiều ngược lại.
Tuy nhiên theo tôi, trong môi trường giáo dục, việc dùng hình thức thưởng tiền hay phạt tiền đều là hạ sách, thậm chí có thể dần tạo ra những hệ quả xấu. Chẳng hạn như hình thành tư tưởng dùng đồng tiền có thể giải quyết mọi việc. Mặt khác, việc vi phạm đạo đức trong môi trường giáo dục đôi khi xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó có thể do kỹ năng và phương pháp giáo dục của thầy cô, cha mẹ không phù hợp. Đó cũng có thể do sự phối hợp gia đình, nhà trường trong quản lý học sinh chưa chặt chẽ. Mặt khác có thể do sự can thiệp quá sâu hoặc thái độ thiếu trách nhiệm của một số phụ huynh đối với việc học của con...
Vì vậy, muốn giảm tình trạng bạo lực học đường, tạo môi trường giáo dục thân thiện và an toàn cần nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, cần tăng cường giữ kỷ cương của nhà trường, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để xây dựng môi trường giáo dục tốt nhất, an toàn nhất cho trẻ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, sàng lọc để có đội ngũ giáo viên phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn giỏi, kỹ năng sư phạm cao. Đồng thời, tạo điều kiện làm cho nhân cách của nhà giáo lớn lên và phải có chế độ đãi ngộ tốt nhất để nhà giáo yên tâm cống hiến cho sự nghiệp "trồng người".
Xin cảm ơn bà!
Nguyệt Anh (thực hiện)
Theo baoquocte
Dạy thêm học thêm: Phạt tiền thế nào cho đúng đối tượng? Dạy thêm học thêm trái quy định có thể bị phạt tới 15 triệu đồng theo đề xuất mới đây của Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT). Điều này được không ít người đồng tình cho rằng cần có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn dạy thêm tràn lan. Nhiều tranh cãi xung quanh việc phạt tiền dạy thêm học sinh...